Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc tại Naypyidaw, Myanmar (Ảnh: AFP)

Lời dẫn

Vào ngày 8/7/2015 Tòa Trọng tài Quốc tế ở La-Hay bắt đầu xem xét việc tòa có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trong vấn đề khai thác các nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông - nơi có các yêu sách lãnh thổ biển chồng lấn - hay không. Phía Philippines lập luận rằng Tòa là nơi xét xử phù hợp cho vụ kiện này. Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của Tòa và khẳng định rằng tranh chấp này là về chủ quyền, không phải việc khai thác các tài nguyên.

Sự thiếu thiện chí của Trung Quốc trong việc cân nhắc các cơ chế tòa trọng tài bên thứ ba đã gây ảnh hưởng xấu đến các cuộc đàm phán nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Mặc dù các bên đã lên tiếng ủng hộ nhu cầu sớm kết thúc đàm phán và các sáng kiến “thu hoạch sớm” nhưng tiến triển vẫn diễn ra rất chậm chạp. Các cuộc đàm phán đã gợi cho các nhà quan sát nhớ rằng phải mất đến 10 năm (từ 2002 đến 2012) từ khi ký thỏa thuận về Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông mới khởi động được các cuộc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Giờ đây người ta lo ngại rằng COC sẽ tốn một thập kỷ đàm phán hoặc hơn nữa trước khi đạt được một thỏa thuận chính thức.

Các tiếp cận hai kênh (dual track) của Trung Quốc

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 17 tại Nay Pyi Taw, Myanmar vào ngày 13/11/2014 đã thống nhất về “việc triển khai các biện pháp thu hoạch sớm, bao gồm thông qua danh sách ban đầu về các điểm tương đồng trong việc tham vấn COC, thiết lập một đường dây nóng giữa các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn, một đường dây nóng giữa các bộ trưởng ngoại giao trong các trường hợp khẩn cấp trên biển, và thực tập trong phòng họp về tìm kiếm và cứu nạn để thúc đẩy và nâng cao lòng tin tại khu vực”.

Các điểm tương đồng tái khẳng định các nguyên tắc ở Biển Đông đã được nêu trong Tuyên bố năm 2002. Việc Trung Quốc khởi xướng thảo luận về vấn đề này dẫn đến một số quan ngại trong khối ASEAN rằng sự tập trung của Trung Quốc vào các điểm tương đồng cũng như các vấn đề tìm kiếm và cứu nạn (SAR) có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự kiểm soát thực tế (de facto) của Trung Quốc trên Biển Đông vì những vấn đề còn tồn tại bất đồng đã bị né tránh.

Tại cuộc họp thượng đỉnh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra cách tiếp cận “hai kênh” (dual track) trong đó, các tranh chấp sẽ được giải quyết bởi các quốc gia có liên quan trực tiếp thông qua đàm phán và tham vấn dựa trên thực tế lịch sử, luật pháp quốc tế và DOC; còn ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng nhau hợp tác để gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua triển khai DOC và các tham vấn về COC. Cách tiếp cận này của Trung Quốc loại bỏ một cách hiệu quả tư cách của tòa trọng tài hay sự hòa giải của bên thứ ba trong việc giải quyết các yêu sách lãnh thổ chồng lấn trên biển.

Một hệ quả từ chiến lược của Trung Quốc là làm tăng xu hướng ly tâm/chia rẽ trong nội bộ ASEAN đối với vấn đề Biển Đông. Trong các nước yêu sách, Philippines và Việt Nam đã đưa ra những lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và đã đấu tranh chống lại các động thái “gặm nhấm” của Trung Quốc nhằm tạo ra sự kiểm soát thực tế. Malaysia và Brunei nhìn chung phớt lờ sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và các thuyền bảo vệ tàu cá của Trung Quốc tại các vùng biển mà những nước này yêu sách (mặc dù Malaysia trong những tháng gần đây đã đưa ra lập trường cứng rắn hơn tại các cuộc họp với Trung Quốc).

Indonesia đã tuyên bố công khai rằng không có các yêu sách chồng lấn với Trung Quốc bất chấp việc các tàu tuần tra của Trung Quốc vẫn thường xuyên hoạt động ở các vùng biển phía Bắc quần đảo Natuna mà Indonesia yêu sách. Singapore không phải là một nước có yêu sách và trung lập đối với các yêu sách chồng lấn nhưng cũng đã thúc đẩy tích cực việc thiết lập một khuôn khổ tạo điều kiện thuận lợi cho việc dàn xếp các yêu sách.

Campuchia đồng cảm với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đánh chìm vấn đề tranh chấp, ngăn không nhắc đến các tranh chấp Biển Đông khi nước này làm chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tháng 7/2012, và điều này đã dẫn đến thất bại đầu tiên trong lịch sử của ASEAN không đưa ra được một thông cáo chung. Trong các thảo luận sau đó trong nội khối ASEAN, Campuchia đã có các quan điểm ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này.

Thái Lan, Lào và Myanmar xem các nỗ lực của ASEAN trong việc dàn xếp các yêu sách mâu thuẫn là một sự xao nhãng có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực tạo ra lợi ích chung giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt trong hợp tác kinh tế và các vấn đề phát triển. Các quốc gia nằm ở Đông Nam Á lục địa có thể sẽ chấp nhận cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các thảo luận trong tương lai về các yêu sách lãnh thổ/ biển tại Biển Đông.

Sự đoàn kết mỏng manh của ASEAN

Sự đoàn kết của ASEAN về các vấn đề Biển Đông vì thế rất mong manh. Do các quyết định của ASEAN đều đạt được dựa trên đồng thuận, việc Trung Quốc lợi dụng được Campuchia trong các cuộc thảo luận nội bộ của ASEAN về vấn đề này và việc các nước Thái Lan, Lào, Myanmar có lợi ích rất thấp trong vấn đề Biển Đông cũng làm tăng thêm rủi ro rằng các cuộc họp bộ trưởng và thậm chí các hội nghị thượng đỉnh ASEAN chỉ có thể đạt được thỏa thuận kiểu “mẫu số chung nhỏ nhất” giữa các nước. Lợi ích của Trung Quốc được bảo vệ khi các rạn nứt trong khối ASEAN bị phơi bày.

Điều này đã dẫn đến sự thay đổi trong thái độ của một số nước ASEAN đối với Mỹ, nước được xem là duy nhất có khả năng cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào tháng 11 năm 2014, Tổng thống Obama kêu gọi các bên kiềm chế, dù đó là dưới hình thức một lệnh tạm ngưng các hoạt động hay việc thực thi Điều 5 của DOC - đây là hành động mà Trung Quốc coi là sự can thiệp của bên ngoài vào việc nội bộ của các nước trong khu vực.

Ở Đông Nam Á, Việt Nam và Phillipines đã xích lại gần hơn với Mỹ. Trong một chuyến đi lịch sử, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với Tổng thống Obama tại Mỹ từ ngày 5-10/7. Trong khi thương mại và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng mạnh mẽ, quan hệ chính trị và ngoại giao của Việt Nam và Mỹ đã chuyển từ sự nghi ngờ lẫn nhau sau cuộc chiến tranh Việt Nam thành một quan hệ đối tác mới nổi.

Các bước tiến này được thể hiện rõ qua việc Việt Nam tham gia vào đàm phán TTP, với tư cách là cường quốc Thái Bình Dương và ủng hộ Mỹ có vai trò lớn hơn trong các vấn đề của khu vực. Tương tự như vậy, Philippines đã chuyển từ việc thúc giục Mỹ rút quân khỏi căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic năm 1992 sang củng cố lại các quan hệ quân sự bao gồm việc ký Thoả thuận Tăng cường Hợp tác Quân sự (EDCA) trong 10 năm, trở thành một đồng minh quan trọng ngoài NATO và ủng hộ mạnh mẽ chiến lược tái cân bằng lợi ích an ninh của Mỹ với trục mới là Châu Á.

Các phản ứng này là lời nhắc nhở với Trung Quốc rằng các kế hoạch tham vọng của họ nhằm mở rộng hợp tác với các nước ASEAN có thể bị hủy hoại bởi các mối quan hệ ngày càng xấu đi do các tranh chấp về yêu sách trên Biển Đông.

Việc ve vãn khối ASEAN của Trung Quốc gặp rủi ro

Trong chuyến công du tới Indonesia vào tháng 10 năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi hình thành Con đường Tơ lụa trên Biển của thế kỷ 21 nhằm phát triển quan hệ đối tác biển với ASEAN. Tập Cận Bình đã khởi động sáng kiến của Trung Quốc về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng (AIIB) với vốn đăng ký 100 tỷ USD. Cuối cùng đã có 50 thành viên sáng lập, gồm cả những đồng minh của Mỹ như Anh, Đức, Pháp, Ý ký các điều khoản thỏa thuận thành lập ngân hàng vào tháng 7 năm 2015. Nhật Bản đã theo Mỹ không tham gia với lý do bên ngoài là các quan ngại về vấn đề quản trị.

Chủ tịch Tập cũng thúc đẩy đầu tư chung trong việc xây dựng các cảng biển, phát triển dịch vụ hậu cần và xây dựng đường bộ, đường sắt để tăng cường kết nối giữa các cảng biển và nội địa cũng như hợp tác khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường. Những đề xuất này phản ánh mô hình phát triển kinh tế hạ tầng dựa vào cơ sở của Trung Quốc và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty xây dựng hạ tầng tầm cỡ thế giới của Trung Quốc.

Sáng kiến của Tập Cận Bình ở Jakarta phù hợp với kế hoạch của Tổng thống Joko Widodo về việc nâng cấp hạ tầng biển của Indonesia và được chào đón trong khu vực. Các nước ASEAN ủng hộ mạnh mẽ đề xuất ngân hàng AIIB mặc cho sự phản đối tích cực của Mỹ vì AIIB được trông chờ là sẽ giúp khắc phục điểm yếu trong việc tài trợ cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Khẩu hiệu “Một vành đai, Một con đường” là xương sống cho các kế hoạch của Trung Quốc về một Con đường Tơ lụa mới nối liền Trung Á tới Châu Âu và Con đường Tơ lụa trên Biển nối liền Đông Á tới Trung Đông và Châu Âu. Các sáng kiến này nhằm xúc tiến thương mại, tạo cơ hội đầu tư và phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng. Trong cuộc họp các nhà lãnh đạo APEC tháng 10 năm 2014, Chủ tịch Tập đã công bố quỹ Con đường Tơ lụa 40 tỷ USD dùng cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển tài nguyên thiên nhiên.

Các điểm tiếp nối trong hoạch định chiến lược của Trung Quốc

Đề xuất về hai con đường tơ lụa đã thu hút sự chú ý về các điểm tiếp nối trong chiến lược của Trung Quốc cũng như các thay đổi phản ánh những rủi ro mới. Trung Quốc có truyền thống hướng về phía Tây - tức vùng Trung Á, nơi bắt nguồn các mối đe dọa từ đất liền với các triều đại Trung Hoa. Tuy nhiên, ngày nay rủi ro chính ở phía Tây là việc những nhóm người dân tộc Thổ ủng hộ chính sách ly khai của người Ngô Duy Nhĩ có cùng tôn giáo và thổ ngữ địa phương và việc Tây Tạng đòi độc lập. Hai mối đe dọa này là nội bộ và vẫn trong vòng kiểm soát, dù vẫn có lo ngại rằng các nhóm như Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể sát nhập chủ nghĩa dân tộc Ngô Duy Nhĩ vào hệ thống hồi giáo cực đoan để tạo ra cuộc thánh chiến toàn cầu.

Mặt khác, các nhà chính sách Trung Quốc nhận thấy khi sức mạnh Trung Quốc tăng lên, chỉ duy nhất Mỹ, siêu cường duy nhất cùng với mạng lưới đồng minh của mình, có khả năng đe dọa các lợi ích của Trung Quốc. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Mỹ đã thành công trong việc vươn sức mạnh quân sự ra bên ngoài nhờ ưu thế của hải quân và không quân trong khi sức mạnh kinh tế là nền tảng cho vai trò siêu cường của họ.

Vì thế Trung Quốc đã tái cân bằng bằng cách hướng về phía đông sang Thái Bình Dương. Trong thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ gia tăng sức mạnh phòng thủ trên biển và trên không, đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng quan hệ kinh tế, chính trị gần gũi hơn với các nước biển đảo dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển. Việc xử lý các tranh chấp lãnh thổ/ biển gây tranh cãi ở Biển Đông vì thế có thể làm hỏng các mối quan hệ đồng minh chính trị và đối tác mà Trung Quốc đang cố gắng gây dựng với các nước trong khu vực.

Barry Desker là nhà nghiên cứu cao cấp và là giáo sư Bakrie về Chính sách Đông Nam Á của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, trường Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore. Bài viết được đăng trên RSIS.

Người dịch: Hà My

Hiệu đính: Minh Ngọc