Phần trình bày của TS. Christopher K. Johnson – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Mỹ về Những diễn biến gân đây ở Biển Đông

Đầu tiên, tôi xin được cảm ơn các đồng nghiệp của tôi vì cuộc thảo luận hữu ích sáng nay. Chắc chắn là 2 phần trình bày cuối cùng đã khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều về ý đồ của Trung Quốc. Tôi nghĩ chúng ta sẽ cố gắng không bỏ sót bất cứ ý kiến nào và sẽ đưa người nghe tham gia thảo luận nhiều hơn. Tôi sẽ đưa ra một số nhận xét tóm lược tổng quan, phần trình bày của tôi sẽ không tập trung vào các chi tiết vì chúng đã được trình bày rồi. Trong phần nói này, tôi sẽ tập trung trình bày lí do tại sao Trung Quốc đang có các hành xử như hiện nay và chúng ta nên có những phản ứng như thế nào đối với các hành động này của Trung Quốc.

Giống như cách nhìn nhận với bất cứ một vấn đề nào khác, tôi cho rằng chúng ta cần có một cơ sở phân tích giúp lọc thông tin để tạo ra một số dạng thực tế có khả năng diễn giải. Tôi sẽ thành thật thừa nhận rằng tôi có quan điểm khá khác biệt với Nghị sỹ Roger trong phần trình bày của ông sáng nay liên quan tới bản chất tư duy phân tích. Trung Quốc không hành xử theo cách tự bôi xấu bản thân, nhìn chung là họ khá thực dụng và họ cũng không muốn tạo ra quá nhiều khó khăn, chính vì thế cách hành xử của Trung Quốc mà chúng ta vừa mới chứng kiến, ít nhất là dưới con mắt của phương Tây có vẻ như đối lập rõ ràng với lợi ích cuả chính họ: tạo ra phản ứng từ các nước trong khu vực và trái ngược với những gì Trung Quốc cố gắng tìm kiếm.

Bản thân tôi cũng tự đặt ra một vài câu hỏi và một trong số đó là điều gì làm Trung Quốc đánh giá đó là một điều tốt. Và thứ hai, tôi nghĩ sẽ đáng lo ngại cho tất cả chúng ta nếu Trung Quốc ngày càng tin vào câu chuyện mà chính họ tạo ra về ảnh hưởng của sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực – và điều này có thể cho phép họ trở nên ngày càng quả quyết khẳng định chủ quyền mà không gặp phải nhiều phản ứng. Tôi cho rằng ở đây có 3 điểm lớn giúp chúng ta suy nghĩ làm cách nào để tiếp cận vấn đề này.

Điểm đầu tiên giúp chúng ta hiểu được tại sao Trung Quốc có cách hành xử như hiện nay là nhận thức đây là một chiến lược được hoạch định rõ ràng chứ không phải một loạt các diễn biến mang tính chiến thuật nhỏ lẻ hay các phản ứng đối với các nước láng giềng của Trung Quốc hay với Mỹ. Sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta chỉ tập trung vào động cơ chiến thuật của Trung Quốc như việc CNOOC muốn thúc đẩy các lợi ích thương mại của mình hoặc quân đội đang chiến đấu với tầng lớp lãnh đạo dân sự. Chúng ta cần nhận thức rõ đây là một chiến lược được hoạch định rõ ràng, và các sự việc kết nối với nhau để thúc đẩy chiến lược này. Tôi cũng cho rằng đây không phải chiến lược được lên kế hoạch thực hiện từng bước khi Trung Quốc ý thức rõ họ sẽ làm gì tiếp theo, tuy nhiên vẫn có điểm dừng cho tất cả các hành động này và điều này là rất rõ ràng.

Thứ hai, tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần nghiên cứu cách tư duy của ông Tập Cận Bình với tư cách là nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, và điều này là vô cùng quan trọng ở thời điểm hiện tại. Ông Tập là người có rất nhiều quyền lực trong bộ máy chính quyền của Trung Quốc hiện nay và ông ta thực sự đã thay đổi bộ máy này nếu chúng ta nhìn vào cách Trung Quốc xây dựng chính sách đối ngoại của mình. Theo tôi thì hệ thống hiện tại có phần khó khăn để đánh giá và thiếu rõ ràng hơn so với thời của người tiền nhiệm ông Hồ Cẩm Đào – vốn phụ thuộc nặng nề vào yếu tố hành chính nên ông Hồ không có nhiều quyền lực thực sự. Và vì có rất nhiều cơ quan tham gia hoạch định chính sách nên chúng ta có thể hiểu được bức tranh tổng thể về những gì đang diễn ra.

Tôi tự hỏi điều gì đang diễn ra khi ông Tập quyết định hành xử như hiện nay? Theo tôi có hai điểm chúng ta cần nhấn mạnh: Thứ nhất là ông Tập có tư tưởng ý thức hệ về thế giới và vị trí của Trung Quốc trên thế giới lớn hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm trước có. Ông Tập là một người Mác-xít và nhìn vấn đề bằng con mắt biện chứng và tôi nghĩ rằng nếu ông nhìn vào sứ mệnh lịch sử của Trung Quốc cũng như sự tương quan giữa sức mạnh vật chất và dưới con mắt biện chứng thì ông sẽ thấy rất tự tin về vị trí của mình cũng như không thấy bất cứ thử thách nào. Về mặt an toàn kinh tế, ở Châu Á, chừng nào mà Trung Quốc còn cho rằng mình là đầu tầu kinh tế duy nhất trong khu vực thì họ cho rằng các quốc gia ASEAN có thể không hài lòng với những gì Trung Quốc làm nhưng sẽ phải chấp nhận vì bị phụ thuộc vào Trung Quốc để phát triển kinh tế. Trong trường hợp này, tôi cho rằng TPP sẽ giúp tạo ra một lựa chọn mới mà các quốc gia có sử dụng. Và thứ hai, khả năng chấp nhận rủi ro đối với cả các nguy cơ bên trong và bên ngoài của ông Tập khá hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm của ông. Điều này không hẳn là xấu nhưng có thể có rất nhiều hậu quả không tốt. Như vậy nếu ta kết hợp cả khả năng chấp nhận rủi ro này với những sự thay đổi trong cách ra quyết sách thì sẽ thấy là các yếu tố để đánh giá, để theo dõi và để dự đoán là rất khó thấy.

TS. Christopher K. Johnson – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Mỹ. Bài phát biểu được trình bày tại Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2014 tại Washington D.C, Mỹ. 

Người dịch: Hà My

Hiệu đính: Minh Ngọc