I- Hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Ấn ấm lên rõ rệt 

Sau khi xảy ra trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, hải quân Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã thành lập “nhóm nòng cốt” để phối hợp công tác cứu trợ và tái thiết đối với vùng bị nạn, biện pháp này có thể được coi là cuộc thử nghiệm ban đầu để Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ công khai thực hiện hợp tác chiến lược. Tháng 11/2006, Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó là ông Taro Aso lần đầu tiên chính thức đưa ra kiến nghị các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thiết lập khuôn khổ và sân chơi đối thoại chiến lược. Tháng 4/2007, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên ở vùng biển Nhật Bản. Tháng 5/2007, dưới sự thúc đẩy tích cực của Chính phủ Nhật Bản, các quan chức Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia lần đầu tiên có các cuộc gặp bên lề Hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN. Nhưng xuất phát từ toan tính quan hệ với Trung Quốc, ngoại trừ Nhật Bản, các nước Mỹ và Ấn Độ đều tỏ thái độ thận trọng đối với việc tiếp tục tiến hành đối thoại chiến lược. Tháng 9/2007, cùng với sự thất bại của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) trong cuộc bầu cử Thượng viện lần thứ 21, Shinzo Abe và Taro Aso – những người ủng hộ “liên minh quan niệm giá trị” đều bị hạ bệ, ý tưởng này dường như đã bị gác lại. Tuy nhiên, hợp tác giữa các quốc gia này trong đối thoại quốc phòng và an ninh lại luôn có xu thế được tăng cường: tháng 9/2007, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tiến hành tập trận chung trên biển mang tên “Malabar 07-2” ở Ấn Độ Dương; năm 2009, hải quân ba nước Mỹ-Nhật-Ấn lại hợp tác triển khai tập trận ở vùng biển gần Okinawa; đồng thời, cơ chế đối thoại chiến lược ba bên không chính thức do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nhật Bản (JIIA), Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) và Viện Nghiên cứu Aspen của Ấn Độ cùng liên kết khởi động năm 2006 đã vận hành tốt đẹp, tính đến tháng 8/2011, đã tiến hành được hơn 8 lần đối thoại. 

Sau khi Obama lên nắm quyền, Mỹ gấp rút thúc đẩy chiến lược “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương”. Do kinh tế không khởi sắc, thực lực giảm sút, đầu tư thực chất có hạn, Mỹ đành phải dựa nhiều hơn vào các nước đồng minh truyền thống và triển khai quan hệ với các đối tác mới nổi để duy trì thậm chí tăng cường địa vị bá quyền ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, Nhật Bản và Ấn Độ được coi là “hai cánh Đông Tây”, “hòn đá giữ thăng bằng quan trọng trong chiến lược khu vực của Mỹ” để cân bằng và kiềm chế Trung Quốc, được Mỹ coi trọng đặc biệt, hơn nữa xuất phát từ mối lo ngại trước phương hướng phát triển của Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang “dựa sát vào Mỹ”. Từ khi Obama cao giọng trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 11/2010 đến nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell liên tiếp tới thăm châu Á, muốn thông qua đối thoại ba bên, ảnh hưởng tới xu hướng chính sách của Nhật Bản và Ấn Độ, tìm kiếm sự ủng hộ, phối hợp trong các vấn đề khu vực. Tháng 7/2011, Hillary Clinton đã đọc bài diễn văn với chủ đề “quan hệ Mỹ-Ấn: tầm nhìn thế kỷ 21” ở Ấn Độ, nhấn mạnh tiềm lực to lớn của Mỹ và Ấn Độ trong hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương, đặt Ấn Độ ngang hàng các nước đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật Bản, khích lệ Ấn Độ vượt ra khỏi khu vực, cùng Mỹ tạo dựng cục diện châu Á-Thái Bình Dương. Ấn Độ đã thay đổi thái độ tiêu cực trước đây, tích cực đề xướng đối thoại ba bên Mỹ-Nhật-Ấn. Trong tình hình đối thoại chiến lược cấp bộ trưởng giữa Ấn Độ và Mỹ được duy trì liên tục, năm 2010 Nhật Bản lần đầu tiên tiến hành đối thoại định kỳ cấp thứ trưởng quốc phòng, ngoại giao với Ấn Độ. Trong cuộc hội đàm tháng 4/2011, Bí thư Đối ngoại Nhật Bản Kenichino Sasae và Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Nirupama Rao đã đạt được thỏa thuận thiết lập khuôn khổ đối thoại Mỹ-Nhật-Ấn. 

Ngày 19/12/2011, đối thoại ba bên Mỹ-Nhật-Ấn lần đầu tiên được tổ chức ở Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Á và Nam Á Robert Blake, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koji Tsuruoka và Vụ trưởng Vụ Đông Á Bộ Ngoại giao Ấn Độ Gautam Bambawale... đã tham gia đối thoại. Ba bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề như tình hình châu Á, an ninh trên biển, chống khủng bố, phổ biến hạt nhân, vai trò của Trung Quốc trong khu vực, tình hình bán đảo Triều Tiên, Myanmar... Vòng 1 đối thoại ba bên không ra được bất kỳ văn kiện nào, ba bên cũng tỏ thái độ thận trọng với bên ngoài. Trên trang mạng chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ miêu tả sơ qua rằng “Đối thoại đã trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề khu vực và toàn cầu”. Sau cuộc đối thoại, chính phủ ba nước Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đều nhấn mạnh đối thoại ba bên không nhằm cô lập và kiềm chế Trung Quốc. Từ những tin tức hạn chế này có thể thấy rằng ý nghĩa thực chất của vòng 1 đối thoại ba bên Mỹ-Nhật-Ấn là nhằm xác nhận ý nghĩa của đối thoại, xác lập cơ chế của đối thoại, đồng thời bắt đầu tìm kiếm nhận thức chung, thảo luận bất đồng ở sân chơi ba bên. 

Ngày 23/4/2012, Mỹ-Nhật-Ấn tiến hành vòng 2 đối thoại ba bên ở Tokyo. Ba nước chủ yếu trao đổi ý kiến về các vấn đề như tình hình khu vực, vai trò của Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Mianma, Afghanistan, Pakistan, viện trợ nhân đạo, chống cướp biển và an ninh trên biển v.v...Vòng 2 đối thoại cách vòng 1 nửa năm, chủ đề vẫn tương đối rộng nhưng đã bắt đầu xuất hiện xu thế hình thành cơ chế và mang tính lâu dài, đối thoại có những đặc điểm cụ thể sau: một là nhấn mạnh cùng chung quan niệm giá trị, như trong hai vòng đối thoại, ba nước đều tiến hành phối hợp hài hòa trong vấn đề Myanmar, ý đồ cùng tham gia tiến trình cải cách dân chủ của Myanmar nổi rõ; hai là chủ yếu tập trung vào vấn đề an ninh, ba nước đã nhiều lần tiến hành tập trận chung, và đã triển khai hợp tác thiết thực trong vấn đề an ninh biển, chống khủng bố..., ví dụ 2 tháng sau khi vòng 2 đối thoại ba bên kết thúc, Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành tập trận chung lần đầu tiên ở vịnh Sagami, hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh biển cũng không ngừng sâu sắc hơn; ba là một lần nữa nhấn mạnh hợp tác ba bên không nhằm vào Trung Quốc, nhưng cũng nhấn mạnh phải xây dựng chuẩn mực mới trong khu vực, ý đồ cân bằng, kiềm chế Trung Quốc nổi rõ. 

Ngày 29/10/2012, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tiến hành vòng 3 đối thoại ba bên ở New Delhi. Nội dung chủ yếu của cuộc đối thoại lần này là thảo luận về mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước xung quanh trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông) cũng như vấn đề đảm bảo an ninh của khu vực này. Tại đối thoại lần này, Chính phủ Nhật Bản còn nói rõ chủ trương về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh cãi và lập trường cơ bản của Chính phủ Nhật Bản. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Mỹ coi việc Nhật Bản và Ấn Độ mở rộng hợp tác bảo đảm an ninh “là một khâu trong việc làm sâu sắc liên minh Nhật-Mỹ và bày tỏ hoan nghênh”, xuất phát từ góc độ bảo đảm an ninh tuyến giao thông đường biển và kiềm chế Trung Quốc, Mỹ đang trông đợi Ấn Độ hành động để trở thành một cực của Nam Á. Nói tóm lại, chủ đề của đối thoại ba bên bắt đầu tập trung vào vấn đề nhạy cảm – tăng cường hợp tác để phòng ngừa Trung Quốc. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều cho rằng ba nước có lợi ích chung trên tuyến đường biển quốc tế tính từ phía Tây là vịnh Persian, đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca đến Biển Đông. 

Sau khi vòng 3 đối thoại ba bên Mỹ-Nhật-Ấn kết thúc không lâu, ngày 21/11/2012, trong tình hình khó giải quyết vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản khi đó Yoshihiko Noda và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã tiến hành bàn bạc, đạt được nhận thức chung về việc tăng cường hợp tác an ninh trên biển, quyết định chính thức khởi động cơ chế tham vấn an ninh trên biển cấp thứ trưởng trong năm 2012. Tại cuộc họp báo ngày 3/12/2012, Tư lệnh hải quân Ấn Độ D.K. Joshi cho biết mặc dù Ấn Độ không phải là nước liên quan trong “tranh chấp Biển Đông”, nhưng nếu cần, Ấn Độ đã sẵn sàng nhảy vào Biển Đông để bảo vệ an toàn giao thông đường biển và lợi ích kinh tế của mình ở vùng biển này. Ngày 28/12/2012, Thủ tướng Shinzo Abe mới tái cử cho biết Nhật Bản phải lấy liên minh Nhật-Mỹ làm trục chính, tăng cường hợp tác với Ấn Độ và Australia trong lĩnh vực bảo đảm an ninh để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

II- Nguyên nhân hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Ấn ấm lên 

Sự ấm lên của hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Ấn vừa có nguyên nhân bên trong vừa có nguyên nhân bên ngoài; vừa có nền tảng lịch sử, địa lý tương đối chín muồi, vừa có nhu cầu hiện thực cấp bách của các bên; vừa xuất phát từ sự tranh giành đối với quyền kiểm soát các công việc khu vực, vừa có toan tính chiều sâu đối với chiến lược toàn cầu của các bên. 

Thứ nhất, Ấn Độ Dương có giá trị địa lý vô cùng quan trọng đối với ba nước. Khu vực Ấn Độ Dương ẩn giấu nguồn tài nguyên chiến lược phong phú, 3 trong 8 khu dự trữ dầu khí lớn nhất thế giới nằm ở đây, trữ lượng dầu khí chiếm khoảng 2/3 của thế giới, trữ lượng kim loại quý và kim loại chiến lược chiếm hơn một nửa của thế giới. Không chỉ như vậy, về địa lý, Ấn Độ Dương là đại dương có khoảng cách bình quân gần với các lục địa nhất trong 4 đại dương, có các eo biển quan trọng nhất được ví là “chìa khóa thế giới” như eo biển Hormuz, Malacca. Tuyến đường dầu khí của Ấn Độ Dương, đặc biệt là “tuyến đường có tính sống còn chiến lược” mà các nước phát triển phương Tây và rất nhiều các nước đang phát triển dựa vào, mỗi năm dầu lửa vận chuyển qua đây chiếm một nửa lượng dầu lửa vận chuyển trên biển, việc vận chuyển khoảng 70% sản phẩm hóa dầu của toàn thế giới phải thông qua Ấn Độ Dương để chuyển từ Trung Đông đến Thái Bình Dương, 40% tất cả giao dịch dầu thô cần vận chuyển qua eo biển Hormuz. Đối với Mỹ, chính do Ấn Độ Dương nằm ở vị trí trung tâm địa lý thế giới, cho nên nó nhất định sẽ trở thành mục tiêu địa-chiến lược mà Mỹ phải kiểm soát. Là nước tiêu thụ dầu lửa lớn nhất thế giới, mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương là bảo đảm kiểm soát các tuyến đường biển, eo biển, vùng biển có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt là sự kiểm soát đối với vùng biển vịnh Persian, đảm bảo sự thông suốt của tuyến đường dầu lửa Ấn Độ Dương và ưu thế chiến lược của Mỹ ở đại dương này. Đối với Nhật Bản, là đảo quốc thiếu thốn tài nguyên, phần lớn nguồn tài nguyên cần thiết dựa vào nhập khẩu từ bên ngoài, mà trong thương mại xuất nhập khẩu của nước này, 95% vật tư dựa vào vận chuyển trên biển, khoảng 70% dầu lửa nhập khẩu cần phải đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca. Ấn Độ coi Ấn Độ Dương là “biển của Ấn Độ”. “Ý tưởng địa chiến lược của Ấn Độ đối với vai trò khu vực của mình không chỉ đề cập tới các nước láng giềng, mà còn đề cập đến Ấn Độ Dương”. Đặc biệt là hiện nay, Ấn Độ Dương ngày càng được coi là tuyến đường giao thông năng lượng quan trọng trong những suy tính chiến lược của Ấn Độ: “Một nền kinh tế ngày càng mở rộng sẽ nảy sinh nhu cầu và các nhân tố không an toàn. Năng lượng mà sự phát triển của Ấn Độ dựa vào ngày một tăng lên và việc nhập khẩu năng lượng ngày càng nhiều, năng lượng chính là thể kết hợp triển vọng kinh tế, an ninh và ngoại giao của Ấn Độ”. 

Thứ hai, sức hấp dẫn kinh tế của Ấn Độ đối với Mỹ và Nhật Bản tăng lên. Đối với Mỹ, giành chiếm trước điểm cao về kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa là nhân tố then chốt để tăng cường ưu thế của Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa lý khu vực và toàn cầu. “Kinh tế tăng trưởng, thị trường mở cửa, ngành thông tin phát triển nhanh chóng và năng lực gia công cho nước ngoài tăng mạnh khiến Ấn Độ lọt vào tầm mắt của Washington”. Tiềm lực thị trường to lớn và quy mô kinh tế đứng thứ 10 thế giới của Ấn Độ khiến nước này được Mỹ liệt vào thị trường mới nổi lớn thứ hai thế giới, nước lớn quân sự đứng thứ tư thế giới, nước lớn thứ bảy thế giới về công nghệ vũ trụ chỉ sau Trung Quốc. Đặc biệt là hiện kinh tế Mỹ không có năng lực phục hồi, và Ấn Độ trở thành mục tiêu quan trọng trong kế hoạch “tăng gấp đôi xuất khẩu” của Mỹ, Mỹ hy vọng có thể thông qua tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ để kích thích kinh tế phục hồi. Đối với Nhật Bản, hiện Ấn Độ đã thay thế Trung Quốc trở thành nước tiếp nhận lớn nhất “Viện trợ phát triển chính thức” (ODA) của Nhật Bản. Đối thoại cấp cao Nhật-Ấn tháng 11/2012 xác định Nhật Bản sẽ cung cấp cho Ấn Độ khoản vay lên đến 184,8 tỷ yên (khoảng 14 tỷ nhân dân tệ) để xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa và đường tàu điện ngầm. Nhật Bản một mặt sẽ coi khoản vay này là biện pháp ngoại giao để tăng cường “mối quan hệ đối tác toàn cầu” Nhật-Ấn, mặt khác cũng hy vọng thông qua khoản vay này thúc đẩy hơn nữa đầu tư và thương mại song phương, thay đổi cục diện kim ngạch thương mại thấp giữa hai nước. Ngoài ra, quan hệ chính trị không ổn định giữa Trung Quốc và Nhật Bản những năm gần đây đã khiến Nhật Bản bắt đầu giảm sự lệ thuộc quá mức vào kinh tế Trung Quốc, tháng 11/2012, hội đàm cấp cao Nhật-Ấn đạt được nhất trí, mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu 4.100 tấn đất hiếm từ Ấn Độ, từ đó thay đổi cục diện nhập khẩu 90% đất hiếm từ Trung Quốc hiện nay. 

Thứ ba, hợp tác ba bên phù hợp với nhu cầu lợi ích mỗi bên, là kết quả ba nước theo đuổi lợi ích tối đa cho mình. Về phía Mỹ, mục tiêu của việc chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang phía Đông là nhằm củng cố (hoặc khôi phục) địa vị lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt là quyền lãnh đạo toàn diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thực chất và cốt yếu là kiềm chế sự trỗi dậy và phát triển của các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng và chiếm địa vị địa chiến lược có lợi, “ngăn chặn ở đây xuất hiện một quốc gia hoặc liên minh cuối cùng có khả năng thách thức địa vị chủ đạo thế giới của Mỹ”. Liên minh chiến lược chống đối mà Mỹ lo ngại xuất hiện nhất là các nước lớn trỗi dậy của lục địa Âu-Á không thuộc cấu trúc đồng minh của Mỹ - liên minh chiến lược ba bên do Trung Quốc, Ấn Độ và Nga hợp thành. Đến nay, Mỹ vẫn coi Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh và đối tượng phòng ngừa địa chiến lược, một mối quan hệ Mỹ-Ấn vững chắc hơn sẽ giúp tăng cường mạnh mẽ vị thế của Mỹ ở châu Á và thế giới. Do đó, Mỹ tìm cách dựa vào việc lôi kéo và giúp đỡ Ấn Độ, khống chế sự phát triển của Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu mối quan hệ truyền thống Nga-Ấn, kiềm chế Nga, Nhật Bản và Ấn Độ xích lại gần nhau. Ngày 10/12/2012, Mỹ nhóm họp hội nghị tình báo quốc gia, đưa ra dự báo đối với tình hình thế giới trong 15-20 năm tới, cho rằng đến năm 2030, các quốc gia bá quyền tầm thế giới sẽ không còn tồn tại, sự suy thoái của Mỹ là không thể tránh khỏi, khi đó Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ chậm lại hoặc kinh tế Nhật Bản tiếp tục suy thoái, nhiều khả năng sẽ hình thành vành đai châu Á lấy Trung Quốc làm trung tâm, do vậy Mỹ cần cảnh giác. 

Về phía Nhật Bản, “kiềm chế Trung Quốc” là toan tính quan trọng hàng đầu đằng sau việc nước này tham gia hợp tác ba bên. Sau sự kiện “quần đảo Điếu Ngư” tháng 9/2010, xung đột lợi ích giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã nổi rõ, Nhật Bản cảm nhận được rõ rệt áp lực đến từ Trung Quốc trong lĩnh vực đảm bảo an ninh. Ngoài ra, làn sóng “phản đối Nhật Bản” liên tục của Trung Quốc cũng khiến Nhật Bản lo ngại. Trong báo cáo “Những nghiên cứu về môi trường đảm bảo an ninh vùng biển Đông Á” được công bố ngày 31/3/2012, Quỹ nghiên cứu chính sách biển Nhật Bản nêu rõ: “Trung Quốc ngày càng hoạt động mạnh trên biển, thực lực quân sự của nước này không ngừng được tăng cường lại thiếu tính minh bạch, có biểu hiện chèn ép cao độ khi đối phó với các tranh chấp liên quan, có ý đồ phá vỡ sự cân bằng sức mạnh trên biển, và Nhật Bản có 3 sự lựa chọn sau: một là dưới sự bảo hộ của Mỹ, củng cố liên minh Nhật-Mỹ, hình thành ‘liên minh các nước lớn có biển’; hai là xây dựng ‘vòng cung cùng phồn vinh Đại Đông Á’ mới lấy Nhật Bản làm chủ thể, sẽ đưa vũ trang hạt nhân vào chương trình nghị sự, hoặc bế quan tỏa cảng; ba là bị Trung Quốc hợp nhất thành nước vệ tinh, nước phụ thuộc.” Dù là lựa chọn nào đều cho thấy mối lo ngại sâu sắc của Nhật Bản trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hiện trọng tâm chiến lược của Mỹ đã dịch chuyển sang châu Á-Thái Bình Dương, và đối với Nhật Bản thì đây là một cơ hội tuyệt vời, Nhật Bản nằm giữa Trung Quốc và Mỹ, không những có thể gây ảnh hưởng tới các cuộc cạnh tranh giữa hai nước lớn trong tương lai, mà còn có thể phát triển đồng bộ hai trụ cột của ngoại giao, tức là một mặt kéo quan hệ Mỹ-Nhật xích lại gần hơn nữa, dựa vào liên minh Mỹ-Nhật; mặt khác triển khai ngoại giao mạng ở nhiều cấp độ, bao gồm hợp tác Mỹ-Nhật-Ấn và hợp tác giữa Nhật Bản với ASEAN, và với các quốc đảo Thái Bình Dương... 

Về phía Ấn Độ, mục tiêu chiến lược của Ấn Độ có thể phân thành 3 cấp: cấp thứ nhất là quyền lực trên đất liền của tiểu lục địa Nam Á, đây là yêu cầu thấp nhất và cơ sở của mục tiêu chiến lược của Ấn Độ; cấp thứ hai là quyền lực trên biển Ấn Độ Dương, dựa vào quyền lực tuyệt đối trên đất liền của Ấn Độ ở lục địa này để mở rộng sang Ấn Độ Dương; cấp thứ ba là trên cơ sở quyền lực trên đất liền và quyền lực trên biển, cạnh tranh bá quyền thế giới với vị thế nước lớn châu Á, làm “nước lớn đích thực”. Từ 3 cấp độ này cho thấy dù là về mặt chính trị, kinh tế hay chiến lược, Ấn Độ đều cần sự lý giải và ủng hộ của Mỹ và Nhật Bản. Một mặt, làm sâu sắc hơn quan hệ với Mỹ, có thể thể hiện giá trị của Ấn Độ trong chiến lược Mỹ “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương”, đồng thời ít nhất làm cho Mỹ nghiêng về Ấn Độ trong cán cân cân bằng giữa Ấn Độ và Pakistan, ép Mỹ áp dụng phương thức “xử lý phân cấp” khi giải quyết các vấn đề của Nam Á, dựa vào “tầm quan trọng” khác nhau để tăng cường “ảnh hưởng” của Ấn Độ. Mặt khác, dựa vào Nhật Bản và Mỹ, đặc biệt là việc tăng cường hợp tác quân sự với hai nước này có thể kiềm chế Trung Quốc. Điều kiện địa-chính trị đặc biệt của Trung Quốc và Ấn Độ khiến Ấn Độ lâu nay luôn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và đối tượng phòng ngừa về mặt chiến lược, thậm chí là trở ngại để Ấn Độ trở thành nước lớn thế giới. “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” có thể nói là đã ăn sâu bám rễ ở Ấn Độ. Steven A. Hoffman cho rằng “một đặc điểm trong nhận thức của Ấn Độ chính là cho rằng mình là nước lớn tiềm tàng, sẽ chiếm địa vị quan trọng trong cục diện quốc tế trong tương lai”. “Trong quá trình giải quyết tranh chấp lãnh thổ và mở rộng ảnh hưởng khu vực của mình trong tương lai, cục diện căng thẳng giữa hai nước lớn châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ vẫn có thể sẽ leo thang. Vì vậy, Ấn Độ phải thông qua chiến lược ngoại giao để xóa bỏ sự ngăn cản của Trung Quốc đối với việc Ấn Độ theo đuổi địa vị nước lớn”. Ngoài ra, Ấn Độ hy vọng dựa vào đối thoại Mỹ-Nhật-Ấn hội nhập hơn nữa vào châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời giành được quyền phát ngôn trong việc vạch ra quy tắc khu vực. Do các nhân tố, Ấn Độ nửa muốn nửa không bị gạt ra ngoài Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị cấp cao Á-Âu và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ấn Độ cho rằng thông qua phối hợp chính sách với Mỹ và Nhật Bản, Ấn Độ có thể gây ảnh hưởng tới việc quy hoạch khu vực và vạch ra quy tắc, đồng thời điều động tính tích cực của các lực lượng chủ yếu khác ở châu Á trong việc phát triển quan hệ với Ấn Độ. 

III- Triển vọng hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Ấn 

Từ thế kỷ 21 đến nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có hai xu thế phát triển lớn khiến mọi người phải quan tâm: một là địa vị ngày càng không thể coi thường của khu vực này trong nền kinh tế thế giới; hai là xu thế vừa cạnh tranh vừa hợp tác của Trung Quốc và Mỹ trong khu vực ngày một nổi rõ. Sự xuất hiện và phát triển của hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Ấn ở chừng mực nhất định chính là phản ứng của ba nước đối với những thay đổi mới của tình hình châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù tình hình Đông Á hiện nay về tổng thể nổi lên cục diện tương đối ổn định, nhưng chưa hình thành sự sắp xếp đối với trật tự Đông Á được đông đảo thừa nhận. Xu thế diễn biến của trật tự khu vực Đông Á trong tương lai sẽ là sự phối hợp lợi ích và cuộc đọ sức chính sách giữa Mỹ dựa vào hệ thống đồng minh và Trung Quốc ngày càng trỗi dậy. Hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Ấn được coi là mô hình mới của đối thoại và hợp tác nước lớn, thời gian gần đây còn lấy vấn đề hợp tác an ninh trên biển làm trọng điểm, tiếp tục duy trì xu thế phát triển ổn định thậm chí tăng lên dưới sự thúc giục của nhu cầu an ninh. 

Mặc dù cơ chế đối thoại ba bên Mỹ-Nhật-Ấn đã cung cấp một kênh mới để ba nước giải quyết các vấn đề nan giải giữa từng cặp nước với nhau, thúc đẩy sự phối hợp liên tục và dần dần hợp lại lợi ích chung giữa ba bên, nhưng nhiều nhân tố kiềm chế đã quyết định mối quan hệ hợp tác này sẽ không diễn biến hơn nữa thành mối quan hệ đồng minh quân sự. Thứ nhất, Ấn Độ mong ước được xưng bá ở Nam Á, kiểm soát Ấn Độ Dương, làm cường quốc hạng nhất thế giới, chiến lược nước lớn phát huy vai trò đặc biệt trên vũ đài quốc tế đã quyết định xuất phát điểm và mục đích của Ấn Độ khi phát triển mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản hoàn toàn khác nhau. Mấy năm gần đây, những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ có các đặc điểm sau: một là tính độc lập mạnh, tức là không thể vì giành được một số lợi thế về ngoại giao mà phải nghe lời hoặc nương nhờ một nước nào đó, cũng sẽ không dùng nguyên tắc đổi lấy lợi ích thực tế, Ấn Độ quyết không cam tâm làm “quân cờ” của Mỹ; hai là toàn diện, thể hiện rõ ở các cấp độ toàn cầu, khu vực và phạm vi xung quanh, đặc biệt là ở phương diện điều chỉnh quan hệ nước lớn Mỹ-Ấn, Nga-Ấn; ba là sắc thái chủ nghĩa thực dụng và “ngoại giao sức mạnh” sâu đậm, sự thể hiện lớn nhất của chủ nghĩa thực dụng kiểu này chính là tư tưởng ngoại giao “Ấn Độ là trên hết”. 

Thứ hai, Mỹ được coi là siêu cường duy nhất, có sự khác biệt về địa vị quốc tế phi đối xứng với Ấn Độ và Nhật Bản, điều này đã quyết định Mỹ vẫn đang nắm quyền chủ đạo, quyền chủ động và tính linh hoạt trong các mối quan hệ ba bên và song phương thời gian tới. Trong sự tác động lẫn nhau giữa ba nước, mâu thuẫn giữa ba bên và hai bên là không tránh khỏi. Trong quan hệ Mỹ-Ấn, chiến lược ngoại giao của hai nước có tính không phối hợp nhịp nhàng với nhau. Mục tiêu chiến lược của hai nước trong các phương diện như quan hệ Ấn Độ-Pakistan, vấn đề chống khủng bố, Ấn Độ Dương, vũ khí hạt nhân, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường, quản lý toàn cầu cũng khác nhau. “Sự thành công của quan hệ Mỹ-Ấn sẽ không khiến Ấn Độ ngầm đồng ý một số sự việc ưu tiên quan trọng nhất đối với Mỹ, cũng sẽ không khiến Mỹ chấp nhận việc Ấn Độ cố gắng giành tự chủ về chiến lược.” Trong quan hệ Ấn Độ-Pakistan và vấn đề chống khủng bố, Mỹ tuyệt đối sẽ không vì sự không hài lòng của Ấn Độ mà từ bỏ việc thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược rộng rãi, lâu dài và mang tính thực chất với Pakistan. Mỹ và Ấn Độ có xung đột trong vấn đề biến đổi khí hậu và cải cách hệ thống tài chính quốc tế v.v... Trên phương diện cải cách Hội đồng Bảo an, Mỹ luôn chỉ công khai tuyên bố ủng hộ Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực, và chỉ tới khi Obama tới thăm Ấn Độ tháng 11/2010 mới cam kết miệng ủng hộ Ấn Độ. Trong quan hệ kinh tế thương mại, mâu thuẫn và va chạm giữa hai bên ngày càng tăng lên. Để đẩy nhanh phục hồi kinh tế, Mỹ tiếp tục ép Ấn Độ đẩy mạnh mở cửa thị trường; trong khi xuất phát từ toan tính an ninh kinh tế trong nước và duy trì tính tự chủ, tới vòng 3 đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn ngày 13/6/2012, Ấn Độ mới triển khai hiệp định hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân được ký năm 2008, vấn đề mở cửa thị trường bán lẻ và bán vũ khí chưa được giải quyết trong các cuộc đối thoại, tranh chấp giữa Mỹ và Ấn Độ trong vấn đề thương mại thậm chí gây ồn ào cả ở Tổ chức Thương mại Thế giới. Vì vậy, biến số của quan hệ Mỹ-Ấn trong quan hệ Mỹ-Nhật-Ấn là lớn nhất. Những tiến triển thực chất hiện nay giữa hai bên về tổng thể nổi lên cục diện Mỹ quá nhiệt tình, Ấn Độ thì thờ ơ, bước đi của hai bên không nhịp nhàng, nói một đằng làm một nẻo. “Mô hình phù hợp với đối tác chiến lược Mỹ-Ấn không phải là liên minh mà là thỏa thuận tương đối lỏng lẻo được thiết lập trên cơ sở cùng hiểu tầm quan trọng chiến lược của nhau và có chung lợi ích cốt lõi.” 

Trong quan hệ Mỹ-Nhật, hai bên chưa từng ở vào địa vị hoàn toàn bình đẳng. Trong phương diện duy trì cân bằng khu vực, Nhật Bản vẫn ở vào địa vị phụ thuộc. Trong khi tăng cường sự kiềm chế, phòng ngừa đối với Trung Quốc, Mỹ cũng đang không ngừng khơi sâu hợp tác chiến lược với Trung Quốc, tránh xảy ra xung đột trực diện với Trung Quốc. Chiến lược đối với Trung Quốc lấy “mềm” là chính, lấy “cứng” là phụ có sự khác biệt với ý đồ chiến lược coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh lớn nhất, tìm cách lấy mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật nhằm vào Trung Quốc của một số thế lực ở Nhật Bản. Mỹ và Nhật Bản đều hiểu rõ mình không phải là đồng minh có cùng địa vị, chỉ cần Eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên không xảy ra chiến sự thì Mỹ không có ý định triển khai đọ sức quân sự trực tiếp với Trung Quốc, và mục đích căn bản khiến Nhật Bản tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ là để thực hiện mục tiêu trở thành “quốc gia bình thường”, chứ không chỉ là phối hợp với chiến lược toàn cầu của Mỹ. Ngày 17/12/2012, phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức thủ tướng, Shinzo Abe nhấn mạnh mục tiêu sửa đổi hiến pháp trước tiên nằm ở điều 96 của hiến pháp, cho thấy ông sẽ không dễ dàng từ bỏ việc sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, ở một chừng mực nhất định điều này cùng vấn đề căn cứ Mỹ đóng ở Nhật Bản hiện tạm thời được gác lại đều phản ánh Nhật Bản muốn dựa vào liên minh Mỹ-Nhật thúc đẩy mục tiêu an ninh và chiến lược của đất nước, thực hiện mong muốn trở thành “quốc gia bình thường”. 

Thứ ba, hợp tác Trung-Nga-Ấn có vai trò đối trọng với hợp tác Mỹ-Nhật-Ấn. Trong hai nhóm quan hệ ba bên trên, Ấn Độ đều là đối tượng bị tích cực lôi kéo. Về lâu dài, Ấn Độ sẽ đồng thời tích cực tham gia hợp tác với nhóm Mỹ-Nhật Ấn và Trung-Nga-Ấn. Tuy Ấn Độ có nghiêng về phía Mỹ và Nhật Bản ở mức độ nhất định, và điều này vẫn sẽ tồn tại trong thời gian tương đối dài, nhưng nếu khi quan hệ Mỹ-Nhật-Ấn chuyển sang liên minh chiến lược nhằm vào nước khác, Ấn Độ nhất định sẽ đẩy xa khoảng cách chiến lược với Mỹ và Nhật Bản. Trên thực tế, chiều sâu và lĩnh vực của hợp tác Trung-Nga-Ấn không thua kém hợp tác Mỹ-Nhật-Ấn, huống hồ Trung Quốc, Nga và Ấn Độ có nhiều lợi ích chung trong việc đối phó với nhiều vấn đề mà những điều chỉnh sâu sắc của cục diện quốc tế hiện nay mang lại. Ngoài ra, mặc dù Ấn Độ đặt quan hệ Ấn-Mỹ vào vị trí hàng đầu trong chiến lược ngoại giao, nhưng mối quan hệ hữu nghị truyền thống hàng chục năm giữa Ấn Độ với Nga (Liên Xô) vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Ấn Độ./.

Theo Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại” – Trung Quốc, số 2/2013