Từ ngày 4 đến ngày 6/8 là thời gian diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 và hàng loạt cuộc họp liên quan, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện được hai việc vào ngày 3/8: Gặp gỡ Ngoại trưởng Shanmugam của Singapore - nước mới được bổ nhiệm là nước điều phối quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN; tổ chức cuộc họp báo để tuyên bố Trung Quốc sẽ theo đuổi “Năm cam kết” trong vấn đề Biển Đông, bao gồm bảo vệ hòa bình ổn định trên Biển Đông, thông qua đàm phán để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua cơ chế quy tắc để kiểm soát bất đồng, bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, thông qua hợp tác để thực hiện cùng thắng. Vậy nam cam kết này này là có ý nghĩa gì?

Trước tiên, đây là sự phát triển và hoàn thiện của cách tiếp cận “hai kênh”. Nội dung của “hai kênh” đưa ra tháng 8/2014 là: những nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp thông qua hữu hảo hiệp thương, đàm phán tìm kiếm phương thức hòa bình giải quyết; và hòa bình và ổn định ở Biển Đông là do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng bảo vệ; trọng tâm của nó là: đàm phán tranh chấp quần đảo Trường Sa có thể tiến hành trong khuôn khổ đa phương, ASEAN có thể phát huy vai trò đối với vấn đề Biển Đông. Đây là một sự điều chỉnh rõ rệt trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc, việc bàn bạc trao đổi về “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” được khởi động trong Hội nghị Tô Châu năm 2013 là một sự xúc tiến mạnh mẽ. Nhưng những thăng trầm xảy ra xung quanh vấn đề Biển Đông một năm trở lại đây chứng tỏ rằng việc chỉ nhấn mạnh hai điểm này là không đủ, Trung Quốc cần phải có một sự diễn đạt đầy đủ về lập trường của mình.

Thứ hai, trực tiếp đàm phán với các nước có liên quan để giải quyết, phản đối “đưa tranh chấp ra diễn đàn đa phương để bàn”. Theo quy định của điều 298 trong “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”, Chính phủ Trung Quốc ngày 25/8/2006 đã đệ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc tuyên bố bằng văn bản, bày tỏ rõ ràng về bất kỳ tranh chấp nào mà các mục a,b,c của khoản 1 điều 298 “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” đã đề cập (liên quan đến các tranh chấp như phân định ranh giới biển, tranh chấp lãnh thổ, hoạt động quân sự…), Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ sự quản lý nào của tư pháp hoặc trọng tài quốc tế mà mục 2 chương 15 của “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” quy định. Năm cam kết đồng nghĩa với việc một lần nữa xác nhận lập trường tuyên bố trao cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc tháng 8/2006, đây chính là câu trả lời đối với vụ kiện của Philippines, cũng là sự cảnh báo những nước cũng tuyên bố chủ quyền có ý đồ làm theo cách của Philippines. Đồng thời, đưa ra yêu cầu về việc phát huy vai trò của các nước ngoài khu vực: ủng hộ mang tính xây dựng đối với các nước có liên quan trực tiếp; phản đối cách làm không có lợi cho giải quyết tranh chấp như kích động sự đối lập, thực hiện tiêu chuẩn kép, tác động một cách ác ý…. Vì vậy, Vương Nghị trong buổi họp báo đã nhấn mạnh rằng tình hình Biển Đông nói chung là ổn định, Trung Quốc sẽ hết sức bảo vệ cục diện này, hơn nữa “không cho phép bất kì nước nào gây rối ở Biển Đông”.

Thứ ba, cho thấy sự trùng lặp lợi ích ở mức độ cao tại Biển Đông giữa hai nước Trung-Mỹ. Mỹ tuyên bố lợi ích của nước mình tại Biển Đông là: bảo vệ hòa bình ổn định Biển Đông, giải quyết hòa bình tranh chấp, tự do hàng hải. Ba điều này đều thể hiện trong “Năm cam kết”, Mỹ sẽ khó mà dựa vào đó để kiếm chuyện.

Điều đáng chú ý là, sự khác biệt về lập trường trước kia giữa Trung Quốc và Mỹ chủ yếu thể hiện ở việc giải thích thế nào về “tự do hàng hải”. Mỹ (thêm cả các nước phát triển như Anh, Canada, Úc…) cho rằng quyền lợi của các nước ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế chỉ giới hạn ở lĩnh vực kinh tế, tự do hàng hải của các nước không ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế bao gồm cả quyền hoạt động quân sự. Điều này cũng chính là nói trên phương diện hoạt động quân sự, vùng đặc quyền kinh tế cũng giống như vùng biển quốc tế. Mỹ thậm chí từ đó còn tạo ra cụm từ “vùng nước quốc tế” để chỉ vùng biển quốc tế và vùng đặc quyền kinh tế. Còn Trung Quốc (và nhiều nước đang phát triển) cho rằng quyền hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế không thuộc phạm trù tự do hàng hải thường nói tới. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển sức mạnh trên biển, lập trường của Trung Quốc đang dần điều chỉnh, lấy tập trận chung quân sự Trung-Nga hồi tháng 5 tại Địa Trung Hải (ở đây có vùng đặc quyền kinh tế nhưng không có vùng biển quốc tế) làm tiêu chí, lập trường Trung-Mỹ đã có xu hướng gần nhau. Trên lý thuyết, tập trận chung quân sự “Balikatan” hàng năm giữa Mỹ-Philippines có thể được di chuyển đến vùng đặc quyền kinh tế ngoài 12 hải lý của đảo Hải Nam, hải quân Trung-Nga cũng có thể tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài 12 hải lý của cảng San Diego. Đương nhiên, để thể hiện tinh thần “tôn trọng lẫn nhau” mà “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” nói đến, các nước lớn thường tránh làm như vậy.

Cuối cùng, dung hòa chủ trương song phương của Trung Quốc và ASEAN. Có hai phương thức để ứng phó với tranh chấp Biển Đông: mở rộng hợp tác tăng cường lợi ích chung; hóa giải tranh chấp kiểm soát bất đồng. Lâu nay Trung Quốc chú trọng vào phương thức thứ nhất trong khi các nước ASEAN lại nhấn mạnh vào phương thức sau. Trong Hội nghị Tô Châu năm 2013, lập trường của Trung Quốc là: có thể bàn về “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”, nhưng về việc khi nào bàn xong thì cần có “thời gian hợp lý”, không nên vội vàng, cần phải “bắt đầu từ những lĩnh vực chức năng cụ thể, thực hiện ‘Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông’ để tích lũy kinh nghiệm chế định Bộ quy tắc ứng xử”. Từ sau khi bắt đầu đưa ra cách tiếp cận “hai kênh”, lập trường của Trung Quốc đã có sự điều chỉnh, bài phát biểu khi tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN của Lý Khắc Cường tháng 11/2014 và “Thông cáo chung Trung-Việt” được công bố khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Trung Quốc tháng 4/2015 đều nhắc đến rằng có thể “trên cơ sở hiệp thương nhất trí để sớm đạt được ‘Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông’”. “Năm cam kết” một mặt khẳng định lập trường này, đồng thời cũng cho rằng nên tiếp tục thông qua hợp tác thực hiện cùng thắng lợi.

Trên thực tế, trong cuộc họp quan chức cấp cao lần thứ 9 tổ chức tại Thiên Tân hồi cuối tháng 7, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được những tiến triển quan trọng trong việc thúc đẩy đàm phán về “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”; xem xét và thông qua văn kiện đồng thuận thứ hai về tiến hành hiệp thương đối với “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”; quyết định khởi động giai đoạn mới để bàn về “những vấn đề quan trọng và phức tạp”, bao gồm cả việc sắp xếp các yếu tố chung chuẩn bị cho dự thảo khung của “Bộ quy tắc ứng xử”…; chính thức ủy quyền cho nhóm công tác liên hợp thảo luận và đưa ra phương pháp hiệp thương về “Bộ quy tắc ứng xử”. Vì vậy mới xuất hiện những sự việc dưới đây. Trong Hội nghị Ngoại trưởng 10+1 ngày 5/8, Vương Nghị đã đưa ra “3 sáng kiến bảo vệ hòa bình ổn định Biển Đông”: Các nước khu vực Biển Đông cam kết thực hiện đầy đủ và có hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”, đẩy nhanh hiệp thương về “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”, tích cực nghiên cứu thảo luận “Biện pháp dự phòng kiểm soát rủi ro trên biển”; những nước ngoài khu vực cam kết ủng hộ những nỗ lực nói trên của các nước trong khu vực, không có những hành động làm phức tạp hóa và gây căng thẳng cho tình hình khu vực; các nước cam kết dựa trên luật quốc tế để thực hiện và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không được hưởng ở Biển Đông. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia – nước chủ tịch luân phiên của ASEAN-Anifah trong cuộc họp báo tổ chức ngày 6/8 đã bày tỏ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 đã đạt được nhận thức chung về việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” và đẩy nhanh hiệp thương về “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”.

Chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng phía Mỹ có vẻ như thiếu sự nhạy cảm về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo sau Hội nghị Ngoại trưởng ngày 7/8, vẫn nói không biết Trung Quốc đã dừng việc bồi đắp đảo ở Biển Đông hay chưa, kêu gọi “ba điểm dừng” là bồi đắp đảo, xây mới và quân sự hóa, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị buộc phải trả lời rằng: “Có thể ngồi máy bay để xem”. Đáng chú ý là, dấu vết “can dự” của Mỹ tại Biển Đông trong một năm qua ngày càng rõ ràng. Điều này dường như bộc lộ rõ hai vấn đề của Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông: thiếu sự tin tưởng lẫn nhau và sự tương tác tích cực về mặt chiến lược. Mỹ vừa sợ bị gạt ra khỏi châu Á, vừa sợ biện pháp hiện hành không đủ để cân bằng Trung Quốc. Rất có thể, Mỹ quá lo lắng về vấn đề Biển Đông, có chút “lo ngại về địa vị bá chủ”. Ngược lại Trung Quốc lại có nhận thức rất rõ ràng về sự chênh lệch tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc, Vương Nghị đã nói rất rõ ràng khi trả lời phỏng vấn tờ “Los Angeles Times”, mục tiêu của Trung Quốc là năm 2049 trở thành nước phát triển bậc trung, và “ngay cả đến lúc đó, sự chênh lệch giữa Mỹ với Trung Quốc vẫn rất lớn”.

Tóm lại, “Năm cam kết” đã thể hiện một cách tương đối toàn diện lập trường trong việc xử lý vấn đề Biển Đông của Trung Quốc, là bước đi mới nhất mà Trung Quốc khắc họa rõ nét chủ trương Biển Đông của mình. Nó chứng minh rằng Trung Quốc không muốn mở rộng tranh chấp Biển Đông. “Một Vành đai, Một Con đường” là một thiết kế mang tính chiến lược của chính phủ khóa mới Trung Quốc trong xử lý quan hệ đối ngoại, ASEAN là đầu mối then chốt đầu tiên của Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21, hợp tác Trung Quốc-ASEAN lại là một sân chơi sáng tạo để Trung Quốc thực hiện hợp tác đa phương. Về những âm thanh xuất hiện sau các cuộc hội nghị ở Kuala Lumpur lần này có lẽ cũng chỉ là một gợn sóng nhỏ trong quá trình thực hiện “Năm cam kết”.

Tiến sĩ Xue Li là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Viện Chính trị và Kinh tế Thế giới, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Liu Mingyi tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Kinh tế London, Anh. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Văn Cường (gt)