asean_development.jpg

Điều này không có gì là ngạc nhiên. Mặc dù căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đã "giảm nhiệt" từ giữa năm 2016, nhưng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tại vùng biển này đã tăng mạnh, đặc biệt là từ sau khi Trump bước chân vào Nhà Trắng hồi tháng 1/2017.

Năm ngày trước khi diễn ra Đối thoại Shangri-La, Hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) lần thứ 7 tại Biển Đông. Mỹ đã điều 2 tàu chiến đi vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý của 4 hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trên đường tới Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cam kết Mỹ sẽ tiếp tục có các hoạt động FONOP ổn định trong thời gian tới. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Mattis không ngần ngại buộc tội Trung Quốc sử dụng các khí tài quân sự tại 7 hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép tại Trường Sa để uy hiếp và ép buộc các nước khác. Ông cho rằng việc làm này đã phá vỡ cam kết được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2015, theo đó khẳng định Trung Quốc không tiến hành quân sự hóa Biển Đông.

Bộ trưởng Mattis cũng tuyên bố rằng việc Mỹ quyết định rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2018 được tổ chức vào tháng 7 và tháng 8 tới tại Hawaii là để phản đối việc Trung Quốc ngang nhiên triển khai tên lửa tới các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ phải “đối mặt với những hậu quả lớn hơn nữa” trong tương lai. Mặc dù Mattis không nêu cụ thể những hậu quả là gì, song các thông tin báo chí sau đó cho biết có thể trong tương lai, các hoạt động FONOP sẽ mạnh mẽ hơn, bao gồm việc triển khai nhiều tàu hơn, thời gian tuần tra dài hơn và các hoạt động giám sát chặt chẽ hơn xung quanh Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc xem các hoạt động giám sát này của Mỹ là hành động khiêu khích và liên tục kêu gọi Mỹ ngừng các chiến dịch như vậy.

Mỹ cũng mong muốn hải quân các nước khác gia tăng sự hiện diện tại Biển Đông. Tại Shangri-La, Bộ trưởng Mattis phàn nàn rằng dường như chỉ có duy nhất Mỹ là nước có phản ứng và có các hoạt động tại Biển Đông để thách thức Trung Quốc. Người đứng đầu Lầu Năm Góc có lẽ cảm thấy hài lòng khi tại Đối thoại Shangri-La lần này, trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Pháp cho biết hải quân 2 nước sẽ có các hoạt động tuần tra tại Biển Đông để duy trì luật pháp quốc tế, duy trì tự do hàng hải và các quy tắc dựa trên luật lệ quốc tế.

Các nước Đông Nam Á có tranh chấp tại Biển Đông cũng chỉ trích các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại vùng biển này. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tập trung vào mối đe dọa đến từ chủ nghĩa khủng bố, song khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông cho biết Bắc Kinh đang sử dụng các lực lượng quân sự để đe dọa các nước khác và Philippines không có khả năng quân sự để đối đầu với Trung Quốc.

Chỉ vài ngày trước khi diễn ra Đối thoại Shangri-La, các nguồn tin đã tiết lộ việc một tàu chở đồ tiếp tế của Philippines cho hải quân nước này tại bãi Cỏ Mây (Trường Sa) đã bị 1 trực thăng của Trung Quốc quấy nhiễu, xua đuổi, dẫn tới việc Manila trao công hàm phản đối Bắc Kinh. Theo Ngoại trưởng Philippines Alan Cayetano, việc làm của Trung Quốc đã vượt qua "giới hạn đỏ" mà Manila có thể chịu đựng. Tuy nhiên, tất cả các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp đều hiểu rằng họ ít có khả năng để ngăn chặn các hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, dù cho là hành động đơn phương hay tập thể.

Phản ứng của Trung Quốc trước các lời chỉ trích tại Đối thoại Shangri-La tiếp tục theo công thức tuyên bố Trung Quốc có quyền triển khai các vũ khí phòng thủ tới Trường Sa để bảo vệ chủ quyền quốc gia và các hoạt động này không đe dọa tự do hàng hải và ổn định trong khu vực. Ngược lại, đại diện Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La cáo buộc Mỹ đang quân sự hóa tranh chấp bằng việc tiến hành các hoạt động khiêu khích FONOP dưới chiêu bài bảo vệ tự do hàng hải. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc có đủ khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông và sẽ không tha thứ cho các hành động khiêu khích từ bất kỳ quốc gia phương Tây nào. Nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều theo đuổi các hành động cứng rắn, đó sẽ là thời khắc nguy hiểm tại Biển Đông.

Tiến sỹ Ian Storey là nhà nghiên cứu cấp cao làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore. Bài viết đăng trên “ISEAS”.

Hùng Sơn (gt)