philippines-us-navy-2010-9-4-3-30-3.jpg

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 6/2016, Tổng thống Philippines Duterte đã nhiều lần dọa sẽ “đảo ngược” chính sách đối ngoại. Trái với người tiền nhiệm Benigno Aquino III, ông Duterte đã không ngớt lời ca ngợi Trung Quốc trong khi lại chỉ trích Mỹ hết sức nặng nề. Ông Duterte thường được mô tả như một nhà lãnh đạo độc tài phương Đông do chính sách quản lý nhà nước cứng rắn không thể lay chuyển. Tuy nhiên, khả năng nhà lãnh đạo này đơn phương định hình lại các mối quan hệ đối ngoại của quốc gia đã bị giới quan sát trong nước và quốc tế quá phóng đại.

Có một giới hạn cho việc Tổng thống Philippines xem xét hạ cấp liên minh với Mỹ và từ đó nâng cấp quan hệ chiến lược với Trung Quốc. Điều này chủ yếu do ảnh hưởng sâu sắc của nhóm quan chức an ninh chóp bu của Philippines, cụ thể là các tướng lĩnh có tư tưởng bảo thủ, các nhà ngoại giao, chính trị gia và các nhà định hướng dư luận - vốn có quan hệ mật thiết với Washington trong khi nghi ngờ Bắc Kinh.

Thành công trong việc thuyết phục ngày càng nhiều người trong xã hội Philippines tin rằng Mỹ không phải là một đối tác đáng tin cậy, ông Duterte lại không thuyết phục được các tướng lĩnh, tầng lớp chính trị và đại bộ phận dân chúng rằng Trung Quốc là một nước láng giềng đáng tin cậy. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng hành động quyết đoán tại Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông lẫn Thái Bình Dương, Tổng thống Duterte đã chịu áp lực vô cùng lớn phải đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Thời kỳ trăng mật của Philippines với Trung Quốc còn lâu mới kết thúc, nhưng khả năng khôi phục đầy đủ các mối quan hệ song phương ngày càng khó xảy ra. “Chúng tôi đã cố gắng làm bạn với tất cả, nhưng giờ đây chúng tôi phải duy trì chủ quyền của mình, ít nhất là ở các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi trên Biển Đông” - ông Rodrigo Duterte tuyên bố trong chuyến thăm mới đây tới một căn cứ quân sự ở tỉnh Palawan, miền Tây Philippines, gần khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) và các quan chức quốc phòng hàng đầu đang lo ngại sâu sắc về hệ thống các căn cứ quân sự và máy bay của Trung Quốc được bố trí gần đó. Mọi dấu hiệu cho thấy việc Trung Quốc triển khai các máy bay chiến đấu và vũ khí tân tiến trên các đảo nhân tạo do họ bồi đắp và cải tạo chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ông Duterte đã chỉ thị cho AFP chiếm đóng toàn bộ những khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền, tăng cường tuần tra tại các ngư trường truyền thống và cải tạo các cơ sở trên đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa) hiện do Philippines chiếm đóng và kiểm soát từ 4 thập kỷ qua. Manila tuyên bố chủ quyền đối với 9 thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa, phần lớn là các rạn san hô và bãi đá chìm, trừ Thị Tứ, nơi Philippines đã xây một đường băng dài 1.300 mét từ năm 1977. Cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (1965-1986) là nhà lãnh đạo đầu tiên ở khu vực cho xây dựng một đường băng hiện đại như vậy trên các thực thể địa lý đang tranh chấp.

Tất nhiên, ông Duterte không hề e ngại. Ông thậm chí còn tuyên bố sẽ đích thân cắm cờ Philippines trên đảo Thị Tứ nhân ngày Độc lập của Philippines (12/6). Điều này gợi nhớ đến vụ việc ồn ào nổi tiếng của ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống, khi ông đề nghị được lái máy bay phản lực tới các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông và cắm cờ Philippines lên đó.

Trước những tuyên bố của ông Duterte, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức đưa ra phản ứng, kêu gọi Manila “tiếp tục giải quyết một cách đúng đắn những tranh chấp hàng hải với Trung Quốc, cùng duy trì hòa bình và giữ cho quan hệ Trung Quốc-Philippines ổn định”. Những tuyên bố của ông Duterte, hoàn toàn nhắm vào Trung Quốc, trái ngược hẳn với những lời ca ngợi không ngớt trước đó của ông đối với nước láng giềng khổng lồ này.

Trong 3 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã chủ động lôi kéo Philippines khi liên tiếp cử Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn và Phó Thủ tướng Uông Dương tới Philippines mang theo các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD, bao gồm các khoản đầu tư vào đảo Mindanao. Lo ngại về ý đồ của Trung Quốc, Philippines đã nhanh chóng huy động lực lượng quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã công khai cáo buộc Trung Quốc tiến hành các hoạt động đáng ngờ tại Behnam Rise, vùng nước ở phía Đông đảo Luzon, nằm trong thềm lục địa của Philippines, hồi cuối năm 2016. Đặc biệt, theo ông Lorenzana, Trung Quốc có thể đã tiến hành nghiên cứu hải dương học để khai thác tài nguyên dưới đáy biển và đánh giá khả năng đưa tàu ngầm tới vùng biển này. Vài ngày sau, các quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố “bịa đặt” của ông Duterte về việc Trung Quốc đã được Manila cho phép tiến hành nghiên cứu khoa học biển ở khu vực này.

Sau đó, Tổng thống Philippines lại một lần nữa “ngồi trên ghế nóng” khi ông công khai thừa nhận Philippines không thể làm gì được trong trường hợp Trung Quốc xây dựng các cấu trúc trên bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Tuyên bố này đã gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ ở trong nước, khiến các nhà lập pháp và thẩm phán hàng đầu công khai kêu gọi Tổng thống kiềm chế đưa ra những tuyên bố có tư tưởng chủ bại như vậy. Các quan chức quốc phòng Philippines nhấn mạnh bất kỳ hoạt động cải tạo nào của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, chỉ cách Căn cứ hải quân Vịnh Subic và Căn cứ không quân Clark 100 hải lý, đều “không thể chấp nhận được” và “đặc biệt gây lo ngại”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo ông Duterte có thể bị buộc tội nếu ông không khẳng định các yêu sách của Philippines ở khu vực Behnam Rise và bãi cạn Scarborough. Một nghị sĩ đối lập thậm chí đã chính thức nộp đơn kiện ông Duterte.

Thông điệp đã rõ ràng: Ông Duterte không thể đơn phương hình thành chính sách đối ngoại của Philippines, đặc biệt là chính sách đối với Trung Quốc. Những phát biểu gần đây nhất của Tổng thống Philippines liên quan đến quần đảo Trường Sa có thể là một nỗ lực có tính toán nhằm phục hồi uy tín trong nước, xoa dịu các tướng lĩnh và giới quan chức an ninh cấp cao, chứng tỏ sự quyết tâm của ông đối với Bắc Kinh và dập tắt những lời chỉ trích.

Tác giả là ông Richard Javad Heydarian, cựu cố vấn chính sách tại Hạ viện Philippines và hiện là Phó Giáo sư về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị thuộc Đại học De La Salle. Bài viết đăng trên tờ “National Interest”.

Mỹ Anh (gt)