Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ dự báo, đến năm 2030, Trung Quốc có thể sở hữu ngày càng nhiều hàng không mẫu hạng, tạo nên sức đe dọa lớn của Trung Quốc tại khu vực láng giềng xung quanh Trung Quốc, lúc đó Biển Đông sẽ trở thành “Hồ của Trung Quốc”. Chính sự lớn mạnh của quân giải phóng Trung Quốc khiến những tính toán can dự vào xung đột tại khu vực của Mỹ trở nên phức tạp và khó khăn hơn, đặc biệt là trong trường hợp xảy ra xung đột tại eo biển Đài Loan.

Gần đây, CSIS của Mỹ đã hoàn thành báo cáo đánh giá “Chiến lược Tái cân bằng tại Châu Á - Thái Bình Dương năm 2025”, đây là bản đánh giá lần thứ hai của Mỹ về chiến lược Tái cân bằng sau bản đầu tiên hồi năm 2012. Báo cáo lần này nhấn mạnh hơn tính phức tạp của môi trường an ninh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định hơn việc Trung Quốc trỗi dậy là nhân tố thách thức lớn nhất đối với chiến lược Tái cân bằng của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương, nhất là việc Trung Quốc nâng cao năng lực “chống tiếp cận/xâm nhập” (A2/AD) cũng như những bước đi xây dựng đảo đá của Trung Quốc tại Biển Đông. Báo cáo đánh giá khả năng A2/AD của quân đội Trung Quốc đã được nâng cao từ chỉ nhắm đến Đài Loan hiện mở rộng sáng chuỗi đảo thứ hai. Điều này không chỉ ảnh hướng đến các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà còn ảnh hưởng đến đảo Guam. Chiến lược quân sự hiện nay của Trung Quốc rất coi trọng đầu tư nâng cao năng lực A2/AD, bao gồm nâng cao trình độ chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử và trinh sát v.v; điều này là để cảnh cáo Mỹ. Qua đó, Trung Quốc muốn ngăn chặn Mỹ can dự vào các xung đột tại khu vực, khiến khả năng thực hiện quân sự và tài nguyên hải quân của Mỹ đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro mới.

Đánh giá về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bản báo cáo cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc sẽ làm thay đổi những tính toán của Mỹ trong quyết sách và chỉ huy quân sự khi can dự vào những xung đột tại khu vực láng giềng Trung Quốc.  

Báo cáo dự đoán, một trong những lựa chọn trực tiếp nhất trong quyết sách của Mỹ là thiết lập hệ thống và các điểm chốt phòng không và chiến đấu viễn chinh chuẩn xác để chống lại khả năng A2/AD ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, những rủi ro và hậu quả của việc chiến đấu trực tiếp với một nước có trang bị năng lực hạt nhân là điều khiến Mỹ do dự, đặc biệt là khi chính quyền Đài Loan đòi hỏi “Độc lập” một cách rõ ràng và các đối tác trong ASEAN lên tiếng đòi yêu sách tại Biển Đông ngày càng mạnh mẽ.

Báo cáo dự đoán, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có một đội quân hàng không mẫu hạm, từ đó tạo ra tính uy hiếp lớn đến khu vực láng giềng xung quanh Trung Quốc, qua đó có thể giúp Trung Quốc trở thành “kẻ thay đổi luật chơi” tại Biển Đông. Nếu điều này xảy ra, Biển Đông sẽ trở thành “hồ của Trung Quốc”, giống như là biển Caribbean và Vịnh Mexico thuộc Mỹ như ngày nay. Năng lực của hải quân Trung Quốc sẽ khiến cho hải quân Mỹ gặp khó khăn và rơi vào nguy hiểm khi xảy ra xung đột tại Biển Đông và chuỗi đảo thứ nhất.

Ngoài ra, đánh giá về tình hình của Trung Quốc, bản báo cáo cho rằng, trên con đường phục hưng thành nước lớn trong vài chục năm tới, Trung Quốc sẽ đem đến thách thức chiến lược lớn cho an ninh của Mỹ và Châu Á. Nếu ảnh hưởng về kinh tế, quân sự và địa chính trị của Trung Quốc tiêp tục gia tăng, thế giới sẽ lại được chứng kiến sự điều chỉnh và phân bổ lực lượng lớn kể từ khi Mỹ trỗi dậy từ giai đoạn cuối thế kỷ19 đầu thế kỷ 20 đến nay.

Trong bối cảnh đó, báo cáo kiến nghị Mỹ cần phải tăng cường hợp tác với đồng minh và đối tác; đẩy nhanh khả năng tự thân của các đồng minh và đối tác; Mỹ cần duy trì và mở rộng sự tồn tại của mình tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đẩy mạnh khả năng sáng tạo trong quân đội cũng như thay đổi quan niệm về chiến tranh trong quân đội Mỹ.  Tóm lại, Mỹ cần can thiệp khiến sự trỗi dậy của Trung Quốc không thay đổi được trật tự của khu vực và thế giới.

Theo China Review News

Hoàng Lan (gt)