80117756-philippine-navy.jpg

Trong những năm gần đây tranh chấp về quần đảo Trường Sa giữa các nước ASEAN, Đài Loan và Trung Quốc đã có những phát triển mới. Mỗi nước đều có lý do để đưa ra các yêu sách đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các yêu sách của Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan dựa trên các bằng chứng lịch sử và lập luận. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo này từ trước khi các nước như Philippines và Malaysia tồn tại. Trong khi các nước khác như Philippines, Malaysia và Bruney đưa ra các yêu sách thông qua việc trích dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển.

Trung Quốc không thể cho phép đánh mất quyền kiểm soát các đảo trên Biển Đông xuất phát từ các lý do cả về kinh tế và địa chiến lược. Trong ba thập kỷ gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự. Bằng chứng là GDP của Trung Quốc dự kiến tăng từ 216,81 tỉ USD vào năm 1978 lên 12.253 tỉ USD vào năm 2016 theo ước tính của IMF. Nền kinh tế của Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu và đòi hỏi số lượng lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các loại nhiên liệu. Hiện nay, các nguồn nhiên liệu chính cho Trung Quốc đến từ Nga, các nước Ả-rập và Iran. Trong khi đó, Biển Đông là tuyến hàng hải chính để Trung Quốc tiếp nhận dầu mỏ từ vùng Vịnh. Hơn nữa, theo Trung Quốc, tại Biển Đông có các mỏ dầu có trữ lượng lên đến 17,7 tỉ tấn.

Như vậy quan tâm của Trung Quốc đến Biển Đông không chỉ nhằm đảm bảo tuyến đường vận chuyển nhiên liệu chính từ vùng Vịnh mà còn nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên ở dưới biển sâu. Các nhà cầm quyền ở Trung Quốc có kế hoạch đầu tư trên 30 tỉ USD vào hoạt động khai thác dầu mỏ tại biển Đông trong vòng 20 năm tới và đặt mục tiêu khai tác 25 triệu tấn mỗi năm. Ngoài ra, 2/3 lượng dầu mỏ quốc tế đi qua Biển Đông và đây cũng chính là tuyến đường liên lạc hàng hải chủ yếu giữa Mỹ và các nước đồng minh ở Đông Bắc Á. Điều này có nghĩa là việc giành quyền kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc có ba mục đích.

Vì những lý do trên, các lãnh đạo Trung Quốc từ nhiều năm nay luôn cố gắng kiểm soát các hòn đảo ở đây. Ban đầu Bắc Kinh luôn cố gắng áp dụng chiến lược “hài hòa và láng giềng hữu nghị”, nhưng sự can thiệp của Mỹ vào các tranh chấp đã buộc Trung Quốc phải đưa ra các biện pháp khác như xây dựng các hòn đảo nhân tạo và thiết lập các căn cứ quân sự trên biển Đông. Các động thái của Trung Quốc ngày càng được thúc đẩy sau khi các nước ASEAN kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp trên các diễn đàn quốc tế với sự tham dự của Mỹ. Điều này chắc chắn sẽ không có kết quả do Trung Quốc có truyền thống đàm phán song phương với các nước có tranh chấp. Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã cho thấy đây là mô hình đàm phán thành công. Ví dụ tiêu biểu nhất là các cuộc đàm phán thành công về việc phân định vịnh Bắc Bộ vào năm 2000. Khi đó với các cuộc đàm phán trực tiếp và thiện chí, Trung Quốc và Việt Nam đã giải quyết các bất đồng với các đặc điểm tương tự như các tranh chấp hiện nay tại Biển Đông, điểm khác biệt duy nhất là quy mô của tranh chấp hiện nay. Năm 2008, Bắc Kinh và Hà Nội đã ra thông cáo chung nhấn mạnh rằng hai nước sẽ giải quyết các tranh chấp về quyền kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng con đường hòa bình và láng giềng hữu nghị. Đáng tiếc là thông cáo chung này chỉ dừng lại ở mức mong muốn, bởi năm 2009 với sự ủng hộ tích cực của Mỹ, Việt Nam đã bổ nhiệm chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa - một động thái bị Trung Quốc xem là khiêu khích.

Tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra từ năm 1995. Philippines nhiều lần cáo buộc Trung Quốc không mong muốn đàm phán đa phương với các nước ASEAN cũng như xâm phạm vùng lãnh hải của Philippines. Từ năm 1995 đến 2005, Philippines đã nhiều lần đưa vấn đề về quyền sở hữu các hòn đảo ra nhiều diễn đàn và hội nghị quốc tế nhưng không đạt được thành công. Điều này đã dẫn đến một thập kỷ quan hệ nguội lạnh giữa Philippines - Trung Quốc và chỉ dừng lại vào năm 2005 khi Trung Quốc, Philippines và Việt Nam ký kết thỏa thuận chung về việc nghiên cứu Biển Đông nhằm xác định tiềm năng khai thác dầu mỏ trong khu vực. Quan hệ đối tác và sự hiểu biết đã chấm dứt vào năm 2009 khi tương tự như Việt Nam, Philippines đã làm leo thang tranh chấp dựa vào sự ủng hộ của Mỹ.

Quốc gia duy nhất cũng có yêu sách đối với các hòn đảo nhưng không ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc là Malaysia. Chính quyền Malaysia nhiều lần không hài lòng đối với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và lo ngại về sự trỗi dậy mới của phong trào cộng sản trong nước dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc. Mặc dù vậy Maylaysia là nước duy nhất đưa ra cách tiếp cận dựa trên các cuộc đàm phán song phương trực tiếp mà không có sự can thiệp của các nước thứ ba, đặc biệt là Mỹ. Trong bối cảnh này không kém phần quan trọng là việc Malaysia ủng hộ chính sách của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan khi tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”, duy trì quan hệ với Trung Quốc trong khi từ chối công nhận Đài Loan.

Mỹ đóng vai trò tích cực trong tất cả các tranh chấp trong khu vực. Năm 2010, Mỹ tuyên bố rằng “Mỹ và các nước Châu Á có lợi ích sống còn để đảm bảo tự do hàng hải và sự tiếp cận không hạn chế của Mỹ đến các vùng nước châu Á cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế”. Rõ ràng Mỹ không thể cho phép Trung Quốc nhúng tay vào các tuyến đường hàng hải để làm suy giảm vị thế bá chủ của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Những lo ngại của Mỹ đặc biệt tăng lên trong những năm gần đây khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các căn cứ cho hạm đội hải quân và không quân tại Biển Đông, đồng thời mở rộng năng lực hải quân đến một mức độ chưa từng thấy.

Ngày 30/5/2015, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố: “Việc biến một rặng đá dưới nước thành sân bay không tạo nên chủ quyền cũng như quyền hạn chế giao thông hàng hải và hàng không quốc tế”. Tuyên bố này rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Ngoài ra, ông Carter cam kết Mỹ sẽ tiếp tục gửi tàu chiến, tàu ngầm và máy bay đến khu vừa nhằm đảm bảo “an ninh cho các tuyến đường hàng hải và chủ quyền của các nước có liên quan”. Đáp lại, Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông thân chính phủ của Trung Quốc, đã viết như sau: “Nếu Mỹ cho rằng Trung Quốc cần phải chấm dứt hành động của mình, khi đó chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại biển Đông là không tránh khỏi”. Đây là một trong những bằng chứng cho thấy Biển Đông là “giới hạn đỏ” mà theo Trung Quốc, Mỹ không nên vượt qua.

Tháng 12/2015, Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở hải quân dẫn đến một số va chạm giữa hải quân Trung Quốc và Mỹ trong khu vực nhưng may mắn không dẫn đến leo thang. Phát triển mới nhất diễn ra vào đầu tháng 2 khi ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy Trung Quốc đang xây dựng căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Cho đến nay địa điểm chính diễn ra các hoạt động của Bắc Kinh là các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhưng sau khi tập trung thành công sự chú ý vào Trường Sa, Trung Quốc đã chuyển hướng sang nhóm đảo quan trọng thứ hai tại Biển Đông. Theo các chuyên gia Mỹ, tại thời điểm hiện tại Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống lớn các thiết bị dành cho các loại trực thăng hiện đại có chức năng chống ngầm.

Gần đây tàu hải quân USS Curtis Wilbur của Mỹ đã đi ngang qua đảo Tri Tôn khiến Hải quân Trung Quốc đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu do tuyến đường của tàu chiến Mỹ đi qua rất gần với một trong những địa điểm Trung Quốc đang tiến hành thăm dò dầu mỏ. Những trường hợp tương tự ngày càng phổ biến hơn và chứng minh rằng Mỹ sẽ không từ bỏ các lợi ích của mình trong khu vực mà không có một cuộc chiến. Mặt khác, sự tự tin và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như các lợi ích chiến lược của nước này cũng khiến Bắc Kinh không có khả năng nhượng bộ trên Biển Đông. Với Mỹ và Trung Quốc, đây là một cuộc chiến địa chiến lược xuất phát từ sự cần thiết. Tại thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang dẫn đầu trong cuộc đụng độ này nhằm làm tăng cường các cơ hội soán ngôi bá chủ toàn cầu của Mỹ.

Bài viết của Tác giả Simeon Milanov đăng trên Tạp chí A-specto (ngày 21/2).

Hương Trà (gt)