Mối quan hệ Trung Quốc-Philippines có vẻ như đang rơi tự do. Cuối tháng 8, Bắc Kinh đã đề nghị Tổng thống Philippines Benigno Aquino hủy một chuyến thăm tới Trung Quốc. Đầu tháng 9 này, Bộ Quốc phòng của Philippines đưa ra các bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một công trình trên Bãi cạn tranh chấp Scarborough. Nếu lời cáo buộc này là đúng sự thật, đó sẽ là một sự vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông được ký kết năm 2002 (vốn không mang tính ràng buộc). Manila sau đó đã triệu hồi đại sứ tại Trung Quốc về nước để tham vấn.

Trung Quốc không phải bên duy nhất tiến hành hoạt động xây dựng tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Đài Bắc, cũng có quan hệ khá căng thẳng với Manila trong năm nay, đã thông báo kế hoạch xây dựng một cầu tàu mới trên đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa mà Đài Loan từ lâu đã kiểm soát. Cầu tàu này có khả năng neo đậu các tàu hậu cần cỡ lớn và tàu khu trục hải quân. Những đầu tư về cơ sở hạ tầng, gồm cả việc nâng cấp một đường băng trên đảo, sẽ giúp Đài Loan tăng cường khả năng bảo vệ đảo Ba Bình cũng như triển khai sức mạnh một cách hiệu quả ở Biển Đông.

Các bên tranh chấp khác không thể không tự hỏi liệu có phải Đài Bắc và Bắc Kinh đang cùng nhau phối hợp hành động ở khu vực không. Dù thực tế Đài Loan không làm vậy nhưng các con mắt quan sát đang làm gia tăng thêm căng thẳng trong quan hệ của Đài Loan với các nước Đông Nam Á.

Xa hơn về phía tây, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc gần đây đã tái khẳng định mong muốn của cả hai nước trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp, nhưng cả hai vẫn tiếp tục chuẩn bị cho những tình huống xấu hơn. Theo bước chân của Trung Quốc, Việt Nam đã đổi tên gọi quốc tế của lực lượng cảnh sát biển, từ Cảnh sát Biển Việt Nam (Vietnam Marine Police) thành Lực lượng Tuần Duyên Việt Nam (Vietnam Coast Guard), cho thấy vai trò mang tính phòng vệ và quyết đoán hơn của lực lượng bán quân sự này. Với mục tiêu đó, Hà Nội đang tăng thêm số lượng các tàu tuần tra.

Việt Nam cũng đồng thời đang nâng cấp lực lượng không quân và tháng trước đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc mua 12 chiến đấu cơ Su-30 mới, hiện đại. Trong bối cảnh Ấn Độ tăng cường can dự vào khu vực, Delhi đầu tháng 8 đã đề xuất với Hà Nội về một hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu đôla Mỹ để giúp mua sắm các khí tài quân sự từ Ấn Độ.

Một điểm đáng chú ý nữa là Việt Nam đã quyết định áp dụng mức phạt cao hơn rất nhiều đối với các hoạt động khảo sát năng lượng trái phép của đối tượng nước ngoài trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Tuy những biện pháp này dường như không thể ngăn cản Tập đoàn Dầu khí Xa bờ Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tiến hành các hoạt động như trên nhưng đây có thể xem là một nỗ lực có chủ đích của Việt Nam nhằm gia tăng áp lực trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và báo hiệu những tranh cãi gay gắt hơn trong tương lai.

Tệ hơn, bản thân các quốc gia Đông Nam Á cũng đang gặp phải vấn đề. Gần đây nhất, vào cuối tháng 8, Malaysia thể hiện một lập trường tách biệt so với các bên yêu sách khác ở Biển Đông trong cách tiếp cận đối với Trung Quốc. Trả lời một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia tuyên bố: “Các bạn có kẻ thù, điều đó không có nghĩa rằng kẻ thù của bạn cũng là kẻ thù của chúng tôi,” và cho rằng việc Trung Quốc tuần tra ở các khu vực tranh chấp không phải một mối đe dọa thực sự. Điều này thực sự gây bất ngờ bởi chỉ vài tháng trước, tàu hải quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập tại Bãi ngầm James, cách bờ biển của Malaysia chỉ có 50 dặm.

Trong khi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á không thể hình thành một mặt trận thống nhất về các vấn đề trên biển, không mấy ngạc nhiên khi Trung Quốc có những bước tiến chậm chạp trong việc đàm phán một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc ở Biển Đông. Một bộ quy tắc ửng xử sẽ phá hỏng chiến thuật mà nước này đang áp dụng nhằm thay đổi nguyên trạng của khu vực theo hướng có lợi cho mình (lấy vụ việc ở Bãi cạn Scarborough làm ví dụ), một chiến thuật mà Bắc Kinh cho rằng có hiệu quả.

Hơn nữa, trong khi Mỹ đang cố gắng tái khẳng định sự hiện diện của họ tại khu vực – đáng chú ý nhất là việc đàm phán với Manila nhằm thiết lập sự hiện diện luân phiên của hải quân và không quân tại Philippines – Bắc Kinh có lý do để tiếp tục thúc đẩy chính sách Biển Đông của họ theo hướng này. Có lẽ Bắc Kinh nghĩ rằng tốt nhất cứ chiếm lấy những gì họ có thể chiếm, trước khi người Mỹ đến.

Trung Quốc đã áp dụng chiến lược thiên về sức mạnh một thời gian dài trước khi chính quyền Obama tuyên bố chính sách xoay trục châu Á. Nhưng cách tiếp cận chậm chạp của chính quyền Mỹ trong việc thực thi chiến lược mới ở châu Á dường như càng khuyến khích Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn, có những động thái quyết đoán mà chính sách trục xoay muốn ngăn chặn. Washington hiện không có ý tưởng nào để quản lý khủng hoảng leo thang ở Biển Đông, ngoài việc lặp đi lặp lại các lời kêu gọi về “một giải pháp hòa bình,” vốn không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề. Ngoài ra, việc Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng đã ảnh hưởng đến cam kết của nước này trong việc duy trì hòa bình ở châu Á.

Tuy tình hình ở Syria đang dần trở nên rõ ràng hơn, các vấn đề địa chính trị hóc búa hiếm khi tự nó trở nên đơn giản hơn. Nó sẽ ngày càng trầm trọng và khó giải quyết hơn. Bầu không khí ảm đạm đang bao trùm châu Á cũng như Trung Đông. Biển Đông vừa trải qua một mùa hè sóng gió và biến động. Và khi hè chuyển sang thu, nhiều khả năng cái nóng tan chảy sẽ nhường chỗ cho những đợt sóng biến động hơn nữa. 

Michael Mazza là nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quốc phòng thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ. Bài viết đăng lần đầu tiên trên trang “National Interest” ngày 18/9.

Người dịch: Tuấn Anh

Hiệu đính: Minh Ngọc