“Hồ nước” được định nghĩa như thế nào trong chiến lược biển? Ngày 27/12/2012, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có một bài bình luận trên tạp chí Project Syndicate cho rằng Trung Quốc đang ngày càng sử dụng sức mạnh để biến Biển Đông trở thành “Hồ nước của riêng Bắc Kinh”. Điều này thật đáng e ngại. Ông Abe cho rằng để đối chọi với sức mạnh áp đảo của Trung Quốc ở vùng biển phía nam, Nhật Bản cần phải tăng cường khả năng chiến đấu và kiểm soát của nước này, đồng thời hình thành một “thế trận kim cương” với Mỹ, Úc và Ấn Độ nhằm bảo vệ các vùng biển chung trong khu vực Đông và Nam Á. Khi đó hồ nước trở thành đa quốc gia và được kiểm soát bởi những nền cộng hòa tự do hàng đầu trong khu vực. Điều này sẽ tương tự như trường hợp của Châu Âu khi NATO chịu trách quản ý vùng biển Địa Trung Hải.

Quan niệm về hồ nước chiến lược đã có gốc tích hình thành từ khá lâu. Cách đây nhiều năm, trong lúc nghiên cứu sự ảnh hưởng của Alfred Thayer Mahan đối với Đế chế Đức, tôi bắt gặp một ấn bản năm 1907 của Tạp chí National Geographic thể hiện đầy màu sắc hân hoan chiến thắng. Tờ tạp chí thường ngày khá “trầm tĩnh” nay đăng một bản đồ vẽ quốc kỳ của Mỹ trải dài trên các khu vực của Thái Bình Dương, từ Hawaii đến Quần đảo Philippines. Các lá cờ miêu tả những hòn đảo được giành lại từ Tây Ban Nha trong năm 1898. Các chú thích được tuyên bố một cách tự hào rằng Thái Bình Dương đã – và sẽ tiếp tục – là “Đại dương của Mỹ”. Và thực tế đã diễn ra như vậy. Trong suốt một thế kỷ sau đó, nhà bình luận Robert Kaplan cho rằng Thái Bình Dương đã trở thành “một hồ nước đích thực của hải quân Mỹ” kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ là quốc gia đi biển đầu tiên tuyên bố vùng biển này hay vùng biển kia là của mình. Vào những năm 1950, người ủng hộ phát triển sức mạnh hải quân Ấn Độ K. B. Vaidya tuyên bố “Ấn Độ Dương phải trở thành hồ nước của Ấn Độ” được bảo vệ bởi các hạm đội phía đông, nam và tây. Một lực lượng hải quân tiến ra đại dương mạnh mẽ sẽ thực hiện “thuật giả kim” để biến một đất nước Ấn Độ hướng nội trở thành chủ nhân “tối cao và không tranh cãi” của các vùng biển trong khu vực.

Tuy nhiên, một lần nữa, câu hỏi được đặt ra là những người ủng hộ phát triển sức mạnh trên biển thực sự có ý định gì khi họ muốn biến một vùng biển rộng thành một hồ nước thuộc sở hữu của một số quốc gia đi biển nhất định? Một hồ nước cần phải có các yếu tố địa lý, quân sự và chính trị. Địa lý là phạm vi mà ở đó các quốc gia sẽ quyết định số phận của mình. Sức mạnh, theo như Clausewitz định nghĩa, là một sản phẩm của vũ lực và sự quyết tâm.

Chúng ta hãy cùng “mổ xẻ” các khái niệm này. Đầu tiên, việc chỉ định một vùng biển nhỏ hoặc một vùng biển đóng là hồ nước của quốc gia là một chuyện. Song tuyên bố quyền kiểm soát đối với đại dương lớn nhất của thế giới, như tờ National Geographic đã làm trong trường hợp của Mỹ, là một việc làm khá ngạo mạn. Những tham vọng không có điểm dừng dẫn đến sự dàn trải sức mạnh chiến lược quá mức và đem lại nhiều hệ quả xấu. Đây là điều mà Walter Lippmann muốn nói khi ông buộc tội những chính quyền Mỹ giữa các cuộc chiến “thiếu thận trọng một cách tai hại” khi để các cam kết ở Châu Á – Thái Bình Dương vượt ra ngoài tiềm lực hải quân của mình.

Thứ hai, tuyên bố một vùng biển là hồ nước chiến lược của mình, theo quan niệm của Mahan, đồng nghĩa với việc chỉ huy toàn bộ vùng biển đó. Mahan được biến đến nhiều nhất khi mô tả khái niệm kiểm soát biển là việc tích lũy “sức mạnh vượt trội” để đẩy các hạm đội của đối phương ra khỏi những vùng biển trọng yếu trong thời chiến. Kiểm soát trong thời bình có nghĩa là xây dựng một lực lượng đủ khả năng để làm lu mờ và khiến đối phương phải kính nể - mở ra nhiều khả năng cho sự răn đe, ép buộc và nền ngoại giao hải quân đầy tự tin trong mọi trường hợp. Đây là một tiêu chuẩn khá cao để có thể đạt được. Và nếu cái hồ càng lớn thì tiêu chuẩn này lại càng cao hơn.

Thứ ba, đó là câu hỏi về quyết tâm chính trị hay, chính xác hơn, là về các mục đích chính trị. Vì mục đích gì mà một quốc gia biển lại muốn có một hồ nước cho riêng mình? Rõ ràng không tồn tại một quy luật chung nào được ngầm ấn định trong khái niệm này. Quyền lực có thể là một khái niệm trung lập. Một nước bá chủ trên biển cũng có thể “nhân từ” và hy sinh quên mình. Tôi tin rằng Mỹ đã là một quốc gia như thế kể từ năm 1945 và Ấn Độ cũng sẽ như thế một khi nước này hoàn thành các dự án phát triển hải quân của mình. Thực tế là có rất ít người phải thức đêm lo lắng về việc sức mạnh hải quân khủng khiếp của Mỹ và Ấn Độ sẽ xâm hại lợi ích của mình.

Tuy nhiên quyền lực có thể bị lạm dụng. Đó dường như chính là thông điệp của Thủ tướng Abe gửi tới Trung Quốc. Ông Abe lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ lạm dụng sức mạnh hải quân của mình trong Hồ nước Bắc Kinh, gây tổn hại lợi ích của Nhật Bản và các quốc gia biển khác. Khó có thể tin rằng Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh của mình một cách có trách nhiệm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hầu như đã không làm gì để xoa dịu những lo ngại này. Thay vào đó, họ chỉ làm điều ngược lại.

Khái niệm về hồ nước chiến lược không phải là một thước đo tồi để xác định sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có thực sự có ý định trở thành bá chủ ở Biển Đông và các vùng biển khác, đến mức coi những khu vực này như là các vùng hồ của Trung Quốc hay không? Liệu nước này có sở hữu đủ sức mạnh về hải quân và quân đội để trở thành chủ nhân của những vùng biển bên trong đó không? Liệu sự ưu việt của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) có đủ lớn để vượt trên hẳn so với các đối thủ trong khu vực? Và một khi đã đạt được sức mạnh như trên, Bắc Kinh sẽ sử dụng nó vào mục đích gì?

Đây sẽ là những điều mà chúng ta cần tiếp tục suy ngẫm.

James Holmes là phó giáo sư về chiến lược của Học viện Hải chiến Hoa Kỳ. Ông đang viết về lịch sử Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, được đăng trên The Diplomat (ngày 7/1).

Tuấn Việt (dịch)

Kim Minh (hiệu đính)