avatar.jpg

ASEAN đã nỗ lực đưa ra một phản ứng mạnh mẽ và chặt chẽ, chủ yếu là bởi vì một nửa số thành viên của ASEAN - cụ thể là Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei và Indonesia - có yêu sách chồng lấn ở Biển Đông. Tuy nhiên, sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 49 mới đây tại Lào, ASEAN đã đưa ra một thông cáo chung được xem là “quá mềm” đối với Trung Quốc khi không cáo buộc một cách rõ ràng các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngay cả Philippines, nước khởi xướng vụ kiện Trung Quốc lên Tòa quốc tế, cũng có phản ứng im lặng cho đến nay dưới thời tổng thống mới ông Rodrigo Duterte. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục hối thúc các quốc gia Đông Nam Á ủng hộ quyết định của Tòa và đưa ra phản ứng mạnh hơn nhằm lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những phản ứng khác nhau như vậy đối với phán quyết của Tòa Trọng tài và những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể gây ra sự bối rối, nhầm tưởng. Song hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc và phản ứng nước đôi của ASEAN cho đến nay có thể hiểu được nếu chúng ta xem xét bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn.

ASEAN không thể hợp tác trên nhiều vấn đề an ninh chung. Khối này được hình thành để xoa dịu các cạnh tranh khu vực và nâng cao hiểu biết giữa các thành viên tiên phong, đặc biệt là Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. ASEAN ban đầu hoạt động như nền tảng thảo luận về hợp tác trong các hoạt động kinh tế-xã hội và tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Kể từ đó, ASEAN đã phát triển bao gồm tất cả các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Một số quốc gia như Myanmar, Lào và Campuchia, vốn không có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, là đồng minh truyền thống mạnh mẽ của Trung Quốc. Những quốc gia này dựa rất nhiều vào Trung Quốc cho cả sự sống còn về chính trị và kinh tế. Còn với những thành viên ASEAN có lợi ích ở Biển Đông, họ vĩnh viễn bị kìm hãm trong sự cạnh tranh và đối đầu nhau vì yêu sách chồng lấn. Hầu như tất cả các nước thành viên ASEAN cũng đang vướng vào tranh chấp biên giới, lãnh thổ với nhau.

Ví dụ, Philippines vẫn chưa bỏ yêu sách của mình đối với miền Đông Sabah ở Malaysia. Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc để xây dựng kênh đào qua Kra Isthmus ở miền Nam Thái Lan, tương tự như kênh đào Panama. Dự án này được ước tính trị giá gần 30 tỷ USD và sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn cho Thái Lan. Nếu kênh này được xây dựng, nó sẽ cho phép tàu thuyền đi vòng qua eo biển Malacca và sẽ gây ra thiệt hại đáng kể về doanh thu vận chuyển hàng hải của Malaysia, Singapore và Indonesia. Lợi ích chiến lược đối với ba quốc gia này là không kích động Trung Quốc trong trường hợp nó chỉ ưu tiên nguồn tài chính và xây dựng kênh đào này với Thái Lan. Trung Quốc coi dự án quy hoạch này là một phần trong Con đường Tơ lụa trên biển của mình. Thái Lan, đã thảo luận về việc xây dựng kênh đào từ cuối thế kỷ 17, tiếp tục cân nhắc những lợi nhuận tiềm năng của một liên minh địa chính trị với Trung Quốc.

Với rất nhiều lợi ích xung đột và ganh đua giữa các thành viên ASEAN, không ngạc nhiên khi ASEAN đã không thể đưa ra một tuyên bố chung lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Rõ ràng, Trung Quốc đang chơi “trên cơ” các nước khác và thành viên ASEAN. Việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa quốc tế tiếp tục cho thấy sự bất lực của luật pháp quốc tế khi đối mặt với một thế lực lớn và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Mặc dù hành động của các khối thương mại nhất định có thể được thực hiện đơn phương, nhưng ý chí thực thi bất kỳ hành động cứng rắn nào, chẳng hạn như các chế tài, đang thiếu sự mạnh mẽ. Ngay cả Mỹ cố gắng hối thúc một số đồng minh trong khu vực gây tác động ảnh hưởng lên ASEAN cũng tiếp tục bị thất vọng bởi bất đồng nội bộ của ASEAN và bởi sự không chắc chắn về chính sách đối ngoại của Mỹ khi một tổng thống mới sẽ được bầu vào tháng 11 tới.

Phản ứng lẫn lộn và đôi khi là im lặng của ASEAN đối với các hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông dường như còn tiếp diễn. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc Trung Quốc tiếp tục quan điểm mạnh mẽ của mình trong khu vực và đơn phương theo đuổi yêu sách ở Biển Đông.

Tiến sĩ Adam Leong Kok Wey là giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc phòng Malaysia. Bài viết đăng trên trang"Diễn đàn Đông Á".

Lê Quang (gt)