08902358558c39b12f059f9130a3e2bb.jpg 

Đây hứa hẹn là một năm có tính chất quyết định đối với các nước có tuyên bố chủ quyền và các bên có liên quan khác trong các tranh chấp ở Biển Đông. Các diễn biến đã diễn ra trong một vài năm, đặc biệt là chiến dịch xây dựng đảo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa và vụ kiện của Manila chống lại Trung Quốc, sẽ lên đến đỉnh điểm. Các diễn biến này và những diễn biến khác sẽ kéo các bên tham gia bên ngoài, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, vào một sự can dự lớn hơn. Trong khi đó, một sự gia tăng đáng kể về lực lượng và khả năng của Trung Quốc sẽ dẫn tới những xung đột thường xuyên hơn với các láng giềng của nước này.

Cùng với các diễn biến này, những sự chuyển tiếp chính trị quan trọng sẽ diễn ra trên khắp khu vực này và xa hơn nữa, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống Philippines vào tháng 5. Nhưng bất luận ai sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của Manila, khả năng vị tổng thống đó làm thay đổi đáng kể diễn biến trên Biển Đông sẽ bị kiềm chế mạnh mẽ bởi sự nổi lên của vấn đề này như là một vấn đề gây tranh cãi trong số nhiều người Philippines quan sát Bắc Kinh với sự cảnh giác gần như là một nỗi sợ hãi rõ ràng. Các động lực giống như vậy cũng đang diễn ra ở Việt Nam, mà ở đó chiều hướng chính sách Biển Đông được dự đoán sẽ không thay đổi sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 diễn ra vào tháng 1/2016 dù ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử với tư cách là Tổng Bí thư.

Philippines đã lập luận về tính đúng đắn trong vụ kiện của nước này chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trước một tòa trọng tài phân xử tại Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay vào tháng 11/2015. Sau đó, 5 thẩm phán đã yêu cầu đội ngũ pháp lý của Philippines phải có các câu trả lời bằng văn bản cho loạt cuối cùng các câu hỏi tiếp theo. Hiện nay họ được cho là sẽ có các suy tính thận trọng và đưa ra một phán quyết vào cuối tháng 5. Phán quyết đó sẽ là cuối cùng và ràng buộc cả hai bên về mặt pháp lý, bất chấp việc Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện hay không công nhận thẩm quyền của tòa án.

Vụ kiện này rất phức tạp – nó bao gồm 15 tuyên bố chủ quyền riêng biệt – và do đó không rõ phán quyết cuối cùng từ tòa án là như thế nào. Tuy nhiên, các thẩm phán gần như chắc chắn sẽ đưa ra phán quyết rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không phải là một tuyên bố chủ quyền biển đúng đắn và Trung Quốc không được quyền có bất cứ quyền lịch sử nào vượt ra ngoài chế độ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa được đưa ra trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Điều này sẽ không ảnh hưởng đến các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với các hòn đảo và bãi đá có tranh chấp ở biển Biển Đông, và cũng sẽ không nhất thiết đồng nghĩa với việc Bắc Kinh không thể đưa ra các tuyên bố chủ quyền lớn đối với đáy biển và các vùng biển ở khu vực này. Nhưng nó sẽ chẳng khác gì một trật tự mà Trung Quốc làm rõ các tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này dựa trên những đặc quyền từ các cấu trúc địa hình, chứ không phải các đoạn đứt quãng mơ hồ trên một tấm bản đồ.

Bắc Kinh sẽ không đột nhiên làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông vì tòa án ra lệnh cho họ làm như vậy. Chính phủ Trung Quốc đã nhắc đi nhắc lại rằng họ sẽ không công nhận bất kỳ phán quyết nào. Nhưng họ cũng đã làm việc cật lực kể từ khi Manila khởi kiện vào đầu năm 2013 để buộc Chính phủ Philippines ngừng vụ kiện. Đó là bởi việc bị quy cho là một kẻ ngoài vòng luật pháp sẽ kéo theo các phí tổn đáng kể về danh tiếng đối với Bắc Kinh. Nó sẽ hủy hoại câu chuyện của Trung Quốc rằng họ là một cường quốc đang trỗi dậy có trách nhiệm xứng đáng có một sự tham gia lớn hơn vào công việc quản trị toàn cầu. Nó sẽ khiến cho các nước khác tỏ ra cảnh giác với các cam kết của Trung Quốc và thúc đẩy các nước trong khu vực thậm chí xích lại gần hơn với Tokyo và Washington.

Các phí tổn này đối với Bắc Kinh có thể khiến cho một thỏa hiệp chính trị cuối cùng trở nên lôi cuốn hơn. Trung Quốc có thể đồng ý xác định lại “đường 9 đoạn” dựa trên UNCLOS thay vì các quyền lịch sử và tham gia các cuộc đàm phán thực sự để đổi lấy việc Philippines ngừng theo đuổi vụ kiện (mà sẽ vẫn để ngỏ cho đến khi cả hai bên tuân thủ phán quyết) và đồng ý cùng nhau tiến hành phát triển kinh tế. Để thúc đẩy hình thức thỏa hiệp chính trị đó, Manila và Washington sẽ cần phải bắt tay vào một chiến dịch được duy trì liên tục để giành được sự ủng hộ của quốc tế đối với phán quyết của tòa án. Cần có sự ủng hộ đó không chỉ từ các nước có cùng ý kiến như Australia, Nhật Bản và các nước châu Âu, mà còn từ các nước láng giềng Đông Nam Á của Philippines.

Các chuyến bay thử dân sự đầu tiên của Trung Quốc đã đáp xuống Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) vào cuối năm 2015, đánh dấu việc hoàn tất đường băng có thể vận hành đầu tiên của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Các đường băng khác ở Đá Xu Bi (Subi Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef) cũng sẽ sớm hoàn thành, và các chuyến bay thử quân sự đến các cấu trúc địa hình này được cho là sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2016. Trong khi đó, Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng các cơ sở cảng biển, các cấu trúc hỗ trợ và các trạm rađa để luân phiên hỗ trợ các lực lượng không quân, hải quân và bảo vệ bờ biển tại các cấu trúc địa hình này và 4 cấu trúc địa hình khác ở quần đảo Trường Sa. Cùng với những sự nâng cấp quân sự đang tiếp diễn này ở đảo Phú Lâm (Woody Island), mà ở đó Trung Quốc đang khoe khoang một đường băng khác và các tên lửa đất đối không cơ động mới được triển khai gần đây, và rõ ràng là năm 2016 sẽ chứng kiến những khả năng của các lực lượng Trung Quốc ở Biển Đông gia tăng đáng kể.

Các nạn nhân trực tiếp nhất của sự gia tăng lực lượng này của Trung Quốc trong năm 2016 sẽ là các hạm đội tàu hải quân, tàu bảo vệ bờ biển và tàu dân sự của các bên có tuyên bố chủ quyền của Đông Nam Á. Số học đơn giản cho thấy rằng năm nay sẽ chứng kiến nhiều vụ quấy rối và xung đột xảy ra thường xuyên hơn với ngư dân, các tàu thăm dò dầu mỏ và khí đốt, các tàu và máy bay quân sự của Philippines, Malaysia và Việt Nam khi Trung Quốc tăng cường khả năng của nước này để tuần tra ở Biển Đông nhiều hơn và ngăn cấm tàu bè hoạt động trong cái mà Bắc Kinh xem là không gian chủ quyền của mình.

Các khả năng hải quân và không quân được tăng cường của Trung Quốc Biển Đông đang dẫn đến những lời kêu gọi từ các bên tuyên bố chủ quyền của Đông Nam Á muốn các cường quốc bên ngoài có sự can dự lớn hơn. Những tiếng nói này sẽ chỉ ngày càng lớn hơn trong năm 2016 và khi nhiều cơ sở hơn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đi vào hoạt động. Australia cũng đã tăng cường các cuộc tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch Operation Gateway của nước này – một sứ mệnh đang diễn ra tuần tra các vùng biển và vùng trời của Đông Nam Á – khi Mỹ tăng cường tần suất các cuộc tuần tra tự do hàng hải của mình ở khu vực này.

Nhật Bản đang tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác khu vực, đặc biệt là Australia và Philippines, theo các đường lối chỉ đạo quốc phòng mới của nước này và tranh luận gay gắt về một vai trò lớn hơn trong việc tuần tra ở Biển Đông. Và Hải quân Ấn Độ đang tăng cường hoạt động ở khu vực này trong khi nổi lên với tư cách là một nhà cung cấp vũ khí và trang thiết bị chủ chốt cho Việt Nam và đồng thời là một đối tác an ninh ngày càng quan trọng đối với Australia, Nhật Bản và Mỹ.

Khả năng Mỹ thúc đẩy các năng lực tình báo, giám sát, do thám và tuần tra của nước này ở Biển Đông và để đối phó trong trường hợp nảy sinh các mối đe dọa đối với Philippines hay các đối tác khu vực khác sẽ được tăng cường đáng kể bởi việc Tòa án tối cao Philippines phê chuẩn Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường vào tháng 1. Trong những tháng tới, Manila và Washington sẽ hoàn tất danh sách chính thức các cơ sở quân sự của Philippines mà các lực lượng của Mỹ sẽ được quyền tiếp cận như là một phần của thỏa thuận, và tại đó Mỹ sẽ đầu tư đáng kể để cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự của Philippines.

Do các động lực này, năm 2016 hứa hẹn sẽ là một năm căng thẳng hơn nhiều ở Biển Đông và là một năm người ta có thể đặt ra nền tảng cho một chiến dịch đa phương được duy trì liên tục để ngăn chặn sự gây hấn hơn nữa của Trung Quốc, hỗ trợ các nước Đông Nam Á theo đuổi các quyền lợi của họ và đạt được một thỏa hiệp chính trị cuối cùng để xử lý các tranh chấp./.

Tác giả Gregory B. Poling là Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Biển và thành viên cấp cao của Ban chủ tịch Sumitro Chương trình Nghiên cứu Đông Nam thuộc CSIS. Bài viết đăng trên trang “Cogitasia” (ngày 5/2).

Mỹ Anh (gt)