FTA Trung Quốc - ASEAN ký đầu năm 2002, với tổng kim ngạch 4500 tỷ USD, là khu vực mậu dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giá trị mậu dịch song phương nửa đầu 2010 đạt 136,5 tỷ USD, tăng 55% , dự kiến cả năm đạt 250 tỷ USD. Cơ cấu quan hệ kinh tế Trung Quốc - ASEAN cũng thay đổi có lợi cho ASEAN. Nửa đầu năm 2010, nhập khẩu của Trung Quốc  từ ASEAN tăng 64% so với cùng kỳ năm 2009, xuất khẩu của Trung Quốc  sang ASEAN tăng 45%.

 

Tuy nhiên, có một nhân tố tìm cách tác động đến sự phát triển liên tục của quan hệ Trung Quốc -ASEAN: đó là Mỹ. Từ trước tới nay Mỹ vẫn coi Đông Nam Á  là một điểm chiến lược để kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc. Tâm lý Chiến tranh Lạnh này không thay đổi mặc dù trong hai thập kỷ vừa qua tầm quan trọng chiến lược của khu vực này trên bàn cờ ngoại giao của Mỹ có giảm sút. Đặc biệt, những năm gần đây Mỹ công khai sử dụng các nước ASEAN làm vùng đệm để mở rộng cạnh tranh với sức mạnh và ảnh hưởng gia tăng chưa từng thấy của Trung Quốc.

 

Tư duy Chiến tranh Lạnh ngày càng lộ rõ. Qua những phát biểu gần đây của NT Mỹ Hillary Clinton và Tư lệnh phụ trách Thái Bình Dương  Robert Willard rằng can dự vào các tranh chấp chủ quyền ở Nam Hải (Biển Đông) là một phần trong lợi ích quốc gia của Mỹ, rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ làm gia tăng quan ngại của các nước trong khu vực. Tập trận chung giữa Mỹ, Việt Nam và các nước châu Á khác trên biển “Nam Hải” (Biển Đông) chỉ làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực và càng cho thấy rõ ý đồ từ lâu của Washington nhằm gieo rắc bất đồng giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.

 

Tuy nhiên, cho dù Mỹ có cố bao nhiều đi nữa thì tâm lý Chiến tranh Lạnh cũng không thể cắm rễ một lần nữa ở khu vực vì không còn đất để gieo rắc. Sau nhiều thập kỷ giao lưu hợp tác mạnh mẽ, cùng có lợi và cùng thắng đã trở thành ý kiến đồng thuận của chính trị và công chúng ở Trung Quốc và ASEAN. Với việc thiết lập đối thoại mở và các cơ chế hợp tác như khu vực mậu dịch tự do, diễn đàn khu vực, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN thì sự hợp tác song phương giữa hai bên tất yếu sẽ tăng lên trong tương lai.

 

Trung Quốc và các nước ASEAN đã thúc đẩy hợp tác ở Vịnh Bắc Bộ mở rộng, Lưu vực sông Mê Công mở rộng và Hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore, tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại, giáo dục và văn hóa. Sự hợp tác sâu rộng giữa Trung Quốc và ASEAN đã làm lu mờ ý đồ của Mỹ nhằm gieo rắc bất đồng trong khu vực, như có thể thấy qua phản ứng lãnh đạm của các nước ASEAN đối với sự can thiệp tích cực của Washington vào các tranh chấp lãnh thổ của họ với Trung Quốc ở “Nam Hải” (Biển Đông).

 

Đối với Trung Quốc, việc Trung Quốc có tháo được ngòi nổ cho tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược phát sinh từ sự nổi lên của Trung Quốc gây ra hay không sẽ quyết định quan hệ của Trung Quốc với các nước ASEAN. Do sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc mang tính chất lịch sử, các nước ASEAN đặc biệt nhạy cảm với thái độ của Trung Quốc hiện nay đối với họ. Trung Quốc phải tự từ bỏ mọi tâm lý bề trên trong phát triển quan hệ với các nước ASEAN để tạo môi trường hòa bình và ổn định cho sự phát triển của Trung Quốc. Phải tuân thủ nguyên tắc cùng có lợi, tăng cường củng cố FTA, thúc đẩy cùng hợp tác và phát triển. Hai bên cũng cần phải ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài và giảm nghi ngờ lẫn nhau trong tranh chấp ở “Nam Hải” (Biển Đông) nhằm biến vùng biển này thành khu vực hòa bình và hợp tác.

 

Khái niệm “thế giới hài hòa” do Trung Quốc đề xướng cho thấy Trung Quốc cam kết bảo vệ, chứ không phải là xét lại, trật tự khu vực hiện hành. Việc Trung Quốc cam kết không phá giá đồng NDT trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á 1997 đã giúp các nước Đông Nam Á  bị tác động của khủng hoảng phục hồi, là bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể đảm đương trách nhiệm như một cường quốc có trách nhiệm trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào của thế giới hay khu vực.