Hiện nay ở trong và ngoài nước Trung Quốc đều hết sức quan tâm đến phán quyết của vụ kiện Biển Đông sắp được đưa ra. Trung Quốc nên đối phó ra sao, các bên sẽ có phản ứng gì cũng như kết quả phán quyết có ảnh hưởng thế nào tới vấn đề Biển Đông trong thời gian tới. Phóng viên của China Bussiness News đã phỏng vấn giáo sư Chu Phong, Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế, Đại học Nam Kinh Trung Quốc xung quanh vấn đề này.

China Bussiness News: Tòa Trọng tài thường trực La Haye sắp đưa ra phán quyết về Biển Đông, theo ông, điều đó sẽ có những ảnh hưởng gì tới việc giải quyết vấn đề Biển Đông trong thời gian tới?

Chu Phong: Trong vụ kiện Biển Đông, Philippines tổng cộng đã trình lên Tòa Trọng tài 15 luận điểm. 15 luận điểm này có thể chia làm 3 loại: Một là thách thức mạnh mẽ chủ trương quyền lợi biển của Trung Quốc ở Biển Đông và căn cứ pháp lý của nó, yêu cầu phán quyết chủ trương về “đường 9 đoạn” và quyền lợi mang tính lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông là phi lý. Hai là yêu cầu Tòa Trọng tài làm rõ và xác nhận rốt cuộc các đảo và đá mà Trung Quốc thực tế kiểm soát hoặc các đảo và đá mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền là “đảo” hay là “đá”.

Philippines cho rằng Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) là khối đá gần mặt nước, những cấu trúc địa hình như đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, đá Xu Bi, đá Ga Ven và đá Ken Nam (bao gồm đá Tư Nghĩa), đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Tư Nghĩa nhô lên khi thủy triều xuống thấp không có quyền hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; còn bãi cạn Scarborough, đá Xu Bi và bãi Cỏ Mây đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Trung Quốc có quyền đi lại trong phạm vi 12 hải lý ở bãi cạn Scarborough, nhưng không được ngăn chặn ngư dân Philippines đánh bắt cá, việc Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo nhân tạo ở đá Xu Bi trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là “bất hợp pháp”. Ba là tố cáo các hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa đã xâm hại quyền lợi biển thông thường của Philippines, yêu cầu phán quyết các hoạt động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough và hầu hết ở các đảo và đá thuộc quần đảo Trường Sa và các vùng biển liên quan là bất hợp pháp.

Mặc dù Tòa Trọng tài chưa đưa ra phán quyết nhưng rất có khả năng sẽ là những phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, điều này sẽ có tác động tới lợi ích và hành động bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ nhất, “đường 9 đoạn” và tính hợp pháp của chủ trương quyền lợi mang tính lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ vấp phải những thách thức chưa từng có.Nếu Tòa Trọng tài phán quyết Trung Quốc chỉ có thể được hưởng quyền lợi biển theo “Công ước Liên hợp quốc về luật biển” (UNCLOS) chủ trương, hoặc chủ quyền mang tính lịch sử và yêu cầu quyền lợi biển của Trung Quốc ở Biển Đông phải thống nhất với UNCLOS thì đồng nghĩa với việc cơ bản đã phủ định chủ quyền các đảo và đá của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa và chủ trương quyền lợi biển ở các vùng biển phụ cận.

Thứ hai, việc thực hiện bảo vệ lợi ích và tính hợp pháp trong các hành động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đối mặt với tình hình nghiêm trọng. Trong vụ khởi kiện Trung Quốc lần này, Philippines đã liệt đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây vào danh sách các cấu trúc nhô lên khi thủy triều xuống thấp vào phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, yêu cầu đưa ra phán quyết việc Trung Quốc xây dựng đảo ở đá Vành Khăn và yêu sách chủ quyền đối với bãi Cỏ Mây là bất hợp pháp. Philippines cũng yêu cầu Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết hành động bảo vệ việc đánh bắt cá hợp lý của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough đã làm tổn hại lợi ích biển mà Philippines được hưởng theo UNCLOS. 

Mặt phức tạp nhất hiện nay của tranh chấp Biển Đông chính là tranh chấp chủ quyền biển và quyền lợi biển giữa các nước yêu sách chủ quyền đơn thuần, vì sự can dự của các nước lớn, đã khiến Biển Đông biến thành khu vực điểm nóng của cuộc đọ sức địa chiến lược căng thẳng nhất ở châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ ba, kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ bị các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và các nước phương Tây dùng để rao giảng “quy tắc quốc tế” mà các nước cần phải tuân thủ, từ đó sử dụng phán quyết làm cái để cáo buộc Trung Quốc “không tuân thủ hoặc đi ngược lại” quy tắc quốc tế.

Kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông sẽ cung cấp cái “tấm bia pháp lý” cho các nước này, tìm mọi cách buộc Trung Quốc phải áp dụng “chính sách lùi lại” về mặt chiến lược và ngoại giao trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Làm tốt “cuộc chiến ngoại giao”, “cuộc chiến pháp lý” và “cuộc chiến công luận”

China Bussiness News: Trung Quốc nên làm thế nào để đối phó với cái gọi là kết quả phán quyết về mặt ngoại giao song phương, đa phương và dư luận quốc tế?

Chu Phong: Để đối phó với vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc phải bắt tay từ cuộc đấu tranh pháp lý, ngoại giao và dư luận quốc tế, nghĩa phải làm tốt mọi việc trong 3 cuộc chiến này.

Về góc độ cuộc chiến ngoại giao, chúng ta cần phải đoàn kết và huy động các nước ủng hộ chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông để nói rõ cho cộng đồng quốc tế chủ trương của chúng ta. Trung Quốc chủ trương áp dụng phương thức đối thoại và tham vấn song phương để giải quyết vấn đề Biển Đông, chứ không phải là “cô lập”, càng không phải là “đóng cửa”.

“Cuộc chiến pháp lý” càng đòi hỏi Trung Quốc phải huy động các nhóm nghiên cứu thuộc các cơ quan của chính phủ, viện nghiên cứu chính sách và trường đại học phân tích tỉ mỉ vấn đề vụ kiện Biển Đông, đưa ra lập trường khoa học, nghiêm túc và khách quan đối với việc sử dụng UNCLOS như thế nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. UNCLOS là “bộ luật cao nhất” quản lý và quy chuẩn hóa các quyền lợi biển quốc tế. Trung Quốc luôn là một trong những lực lượng hỗ trợ tích cực nhất cho việc đàm phán, ký kết đến có hiệu lực của UNCLOS, cũng là một trong những nước thực hiện kiên định nhất các nguyên tắc của UNCLOS. Trình tự trọng tài tư pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp quyền lợi biển là một bộ phận cấu thành quan trọng của UNCLOS, Trung Quốc hoàn toàn có thể lý giải điều này.

Nhưng vấn đề là Tòa Trọng tài tuyên bố không có khuyết điểm đối với việc tuân thủ nghiêm ngặt một cách có lý trí quá trình xem xét quyền tài phán và vấn đề chủ thể đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines. Rốt cuộc làm thế nào vận dụng cho thích hợp UNCLOS trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, điều quan trọng là căn cứ theo tinh thần pháp lý của UNCLOS, chứ không phải là kỹ thuật pháp lý đơn giản.

“Cuộc chiến công luận” quốc tế cũng rất cần thiết cho việc đối phó với vụ kiện Biển Đông. Quan hệ công chúng và chiến dịch truyền thông quốc tế của các nước yêu sách ở Biển Đông không những sớm hơn Trung Quốc, hơn nữa lại trùng với thời điểm nhạy cảm Trung Quốc trở nên hùng mạnh, thế giới khó có thể tránh khỏi hoài nghi và bất an đối với tương lai của Trung Quốc.

Kết quả phán quyết vẫn đáng coi trọng

China Bussiness News: Trung Quốc có cần tôn trọng kết quả phán quyết không? Kết quả phán quyết có sức ràng buộc đối với Trung Quốc hay không?

Chu Phong: Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rõ lập trường “không tham gia, không chấp nhận” vụ kiện Biển Đông của Philippines, từ thái độ của chính phủ cho thấy cho dù kết quả phán quyết như thế nào, Chính phủ Trung Quốc đều sẽ không chủ động áp dụng phán quyết cho chủ trương quyền lợi biển của nước mình, cũng sẽ không vì vậy mà thay đổi lập trường yêu sách chủ quyền. Mặc dù sức ràng buộc của phán quyết trong vụ kiện này có hạn nhưng vẫn cần coi trọng và tham khảo.

Trung Quốc nên coi trọng và tham khảo kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài như thế nào, một là được quyết định bởi tính công bằng của phán quyết, hai là được quyết định bởi thái độ và biểu hiện của Philippines trong khi thực hiện phán quyết, ba là được quyết định bởi việc liệu các quốc gia liên quan có thể tạo điều kiện cho đối thoại, bàn bạc và giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông hay không.

China Bussiness News: Khi đó xuất phát từ lý do gì mà Trung Quốc không tham gia vụ kiện Biển Đông?

Chu Phong: Khi đó Trung Quốc quyết định không tham gia vụ kiện Biển Đông vì năm 2006 Trung Quốc đã chính thức ra tuyên bố bác bỏ, không chấp nhận thủ tục trọng tài mà UNCLOS quy định trong các tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển, phân định vùng biển và quyền lợi mang tính lịch sử. Ngoài ra, Chính quyền Aquino đã đi ngược lại “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) năm 2002, đơn phương khởi kiện tranh chấp chủ quyền giữa hai nước lên tư pháp quốc tế. Điều quan trọng hơn là trong khi đệ trình tố tụng lên tư pháp quốc tế, Philippines còn áp dụng lập trường chống Trung Quốc về ngoại giao và chính trị. Thái độ như vậy của Philippines đã hoàn toàn đi ngược lại các quy định có liên quan đến các nước đương sự cần áp dụng hết mức biện pháp ngoại giao trước quá trình thực hiện thủ tục tố tụng tư pháp quốc tế, cố ý làm cho xung đột Biển Đông trở nên gay gắt.

Chiến lược Biển Đông cần rõ ràng, bền vững và có lý trí

China Bussiness News: Chủ trương quyền lợi mang tính lịch sử của Trung Quốc ở trong “đường 9 đoạn” đã vấp phải những thách thức gì trong quan hệ quốc tế và môi trường quốc tế hiện nay?

Chu Phong: Chủ trương quyền lợi mang tính lịch sử của Trung Quốc trong “đường 9 đoạn” có căn cứ lịch sử sâu sắc và rõ ràng. Vùng biển bên trong “đường 9 đoạn” không phải là lãnh hải của Trung Quốc, cũng không phải là vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc có thể được hưởng quyền tài phán độc quyền, nhưng Trung Quốc được hưởng quyền lợi mang tính lịch sử ở vùng biển bên trong “đường 9 đoạn”. Các quy định và trình bày hiện có của UNCLOS đối với “quyền lợi mang tính lịch sử” còn tương đối mơ hồ. Hai tình huống mà UNCLOS quy định rõ, hoặc là “vùng biển mang tính lịch sử” – tính chất của nó tương đương lãnh hải, hoặc “vịnh mang tính lịch sử”- tính chất của nó tương đương với vùng liền kề hoặc vùng đặc quyền kinh tế mở rộng. Tuy nhiên, “quyền lợi mang tính lịch sử” là cái gì, là có quyền đánh bắt cá, quyền đi lại hay là quyền tài nguyên ở một phần chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của nước khác? Hiện nay UNCLOS quy định chưa rõ ràng đối với điều này, cũng thiếu sự hỗ trợ thực tế của tư pháp quốc tế.

China Bussiness News: Trung Quốc đã tiến hành bồi lấp cải tạo đảo tại Biển Đông, biến các đá ngầm thành các hòn đảo có bến cảng, sân bay và đường băng. Trung Quốc mưu cầu gì ở Biển Đông? Làm thế nào để giảm bớt nỗi lo ngại của thế giới trước việc Trung Quốc “quân sự hóa”, ảnh hưởng tới “tự do hàng hải” ở Biển Đông?

Chu Phong: Những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông gồm nhiều tầng nấc: Một là cần phải kiên quyết bảo vệ và phát triển chủ yê sách lãnh thổ và lợi ích biển của Trung Quốc tại Biển Đông; hai là cần phải thúc đẩy một cách vững chắc và hiệu quả kinh tế biển cũng như an ninh các tuyến đường biển; ba là cần phải tăng cường sự trao đổi và hợp tác kinh tế với các nước ven biển Biển Đông cũng như các nước ven biển Ấn Độ Dương khi xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, việc “kết nối trên biển” cần phải từng bước mở rộng một cách vững chắc và mang tính xây dựng; bốn là trong quá trình xây dựng an ninh quốc gia, khu vực Biển Đông đang gánh vác trách nhiệm và sứ mệnh quan trọng, cần được đảm bảo và thực hiện một cách có chiến lược.

Xây dựng đảo ở Biển Đông là một bước quan trọng để Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và quy hoạch Biển Đông như trên đã nói, bảo vệ vững chắc quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông là cơ sở để thực hiện mục tiêu nói trên. Cho dù biện pháp của Trung Quốc có hòa bình thế nào, mục tiêu cùng thắng ra sao, thì bản chất của những nỗ lực và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn là mở rộng sự hiện diện ở biển, điều này chắc chắn đã khơi dậy nỗi lo lắng và bất an của Mỹ, Nhật Bản cũng như các nước xung quanh khác. Biển Đông là tuyến đường thương mại bận rộn nhất thế giới, cũng là đầu mối chiến lược nối đoạn phía Nam biển Tây Thái Bình Dương với Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Trong mắt các nước khác, nhất cử nhất động của Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn bị coi là có mục đích an ninh, quân sự và chiến lược rõ rệt. Việc Trung Quốc bị chỉ trích “quân sự hóa”, ảnh hưởng tới “tự do hàng hải”… là khó có thể tránh khỏi.

Để giảm bớt sự lo lắng của các nước khác, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc cần phải rõ ràng, bền vững và hợp lý. Chiến lược này không chỉ tập trung vào việc giải quyết tranh chấp quyền lợi biển và chủ quyền Biển Đông, quan trọng hơn là đem lại sự bảo đảm chiến lược cần thiết cho việc mưu tính, quản lý, mở rộng Biển Đông một cách bền vững, hòa bình và mang tính hợp tác cho Trung Quốc trong tương lai. Đồng thời, Biển Đông cũng là một phần của tổng thể nỗ lực an ninh xung quanh và ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, sự hòa bình, phồn vinh bền vững của Trung Quốc cần phải vượt qua “chướng ngại vật” là tranh chấp Biển Đông.

Về vấn đề này, có 3 phương diện cần phải xem xét:

Trước tiên, Trung Quốc cần phải làm rõ yêu cầu cơ bản trong tranh chấp chủ quyền các đảo, đá và vùng biển ở Biển Đông hiện nay, nhanh chóng làm sáng tỏ khía cạnh mơ hồ của chủ trương chủ quyền mang tính lịch sử truyền thống. Ví dụ, “đường 9 đoạn” ở Biển Đông rốt cục là một “đường” có tính chất như thế nào? Dựa theo UNCLOS, “lục địa quyết định vùng biển”. Cái mà Trung Quốc đang tranh chấp ở Biển Đông là các đảo, đá và vùng nước phụ cận, nhưng Trung Quốc không thể tranh giành toàn bộ vùng nước trong “đường 9 đoạn”. Vùng nước trong “đường 9 đoạn” không hoàn toàn là vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, cũng không thể là vùng đặc quyền kinh tế. “Quyền lợi mang tính lịch sử” liên quan đến “đường 9 đoạn” cần phải dựa vào đàm phán ngoại giao để chứng thực, chứ không thực hiện chấp pháp và quyền đánh bắt cá một cách mơ hồ.

Nói cho cùng, Trung Quốc có thể tranh giành “đảo”, nhưng khó mà tranh giành “vùng nước” ở Biển Đông. Một lý do trong nỗi lo ngại của Mỹ đối với chính sách Biển Đông của Trung Quốc và những chỉ trích của truyền thông phương Tây đối với hành động của Trung Quốc bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông là Trung Quốc muốn kiểm soát 85% vùng biển ở Biển Đông, chính là bao gồm cả vùng nước trong “đường 9 đoạn”, điều này đã kích động mạnh mẽ dư luận quốc tế. Quả thực điều này đòi hỏi Trung Quốc phải đối phó một cách khách quan và thiết thực. 

Thứ hai, việc xây dựng cải tạo đảo có liên quan đến “quân sự hóa” hay không là điều cần phải bàn tới. Trung Quốc không những muốn đàm phán với các nước ASEAN mà còn muốn “bàn bạc” với các nước như Mỹ, Nhật Bản. Coi Mỹ và Nhật Bản là “nước ngoài khu vực” thì không thể thực sự giảm bớt và dập tắt mối quan ngại của những nước liên quan.

Thứ ba, Trung Quốc cần phải có biện pháp và chính sách có mục tiêu hơn đối với mối quan tâm của các nước ASEAN về Biển Đông. Những năm gần đây, các nước ASEAN thật sự, phổ biến “quan ngại về Biển Đông”. Điều này không đơn giản chỉ cần thông qua khởi xướng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” hoặc cùng có lợi về kinh tế là có thể giảm bớt. Chính sách Biển Đông của Trung Quốc không thể bị “bắt cóc” bởi tuyên bố mang tính nguyên tắc đơn giản như “chủ quyền lãnh thổ không thể xâm phạm”.

China Bussiness News: Trung Quốc luôn hy vọng giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường song phương, nhưng hiện tại không chỉ các nước có liên quan tới Biển Đông (như Philipines, Việt Nam) cùng đối phó với Trung Quốc, mà Mỹ, Nhật Bản thậm chí Ấn Độ cũng tham gia vấn đề này. Trung Quốc nên đối phó như thế nào đối với các bên không có liên quan? Liệu có cần thay đổi tư duy trước đây trong giải quyết vấn đề Biển Đông?

Chu Phong: Trung Quốc cần có cách ứng xử khác nhau đối với mối quan tâm của các nước khác nhau về Biển Đông. Nhưng nói chung, Trung Quốc cần phải có chiến lược và sách lược về Biển Đông rõ ràng, hợp lý và quan tâm tới lâu dài. Tư duy giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc cần phải điều chỉnh cho hợp thời.

Vấn đề Biển Đông nói cho cùng là vấn đề ngoại giao, an ninh và chiến lược. Một quốc gia chỉ khi trước hết có sự lựa chọn ngoại giao, an ninh và chiến lược hiệu quả và đáng tin cậy thì mới có thể thực sự bảo vệ và phát triển một cách kiên định và hợp lý chủ quyền các đảo, đá và quyền lợi biển của nước mình trong hệ thống quan hệ quốc tế đang đầy rẫy cạnh tranh. Sự điều chỉnh tư duy của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông không có nghĩa là chúng ta lùi bước và nhượng bộ một cách đơn giản. Ví dụ, việc xây dựng bồi lấp đảo mà chúng ta đang tiến hành cần phải kiên trì hoàn thành. Đây là biện pháp mang tính chiến lược trong việc bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông. Lấy danh nghĩa “tự do hàng hải”, Mỹ hiện nay đang tìm cách ép Trung Quốc tạm ngừng, thậm chí từ bỏ tiến trình xây dựng đảo. Đối với yêu cầu này của Mỹ, chúng ta phải kiên quyết “trụ vững”.

Nhưng đồng thời, các hành động bảo vệ quyền lợi tại Biển Đông cũng cần bám sát điểm cao của quy tắc luật biển quốc tế và đạo lý quốc tế. Chủ trương chủ quyền mang tính lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông không thể chênh lệch quá lớn với nguyên tắc cơ bản của UNCLOS. Nói cho cùng, quá trình điều chỉnh tư duy về Biển Đông cần phải làm rõ vấn đề “Trung Quốc cần ‘tranh’ cái gì và ‘bỏ’ cái gì”.

Không cần thiết phải thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông

China Bussiness News: Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc có cần phải thiết lập ADIZ ở Biển Đông?

Chu Phong: Trong thời gian dài tới đây, Trung Quốc không cần thiết lập ADIZ tại Biển Đông. Lý do thứ nhất là thiết lập ADIZ cần phải xây dựng các năng lực tương quan, tiến trình chức năng hóa các đảo ở Biển Đông vẫn chưa hoàn thành, việc xây dựng năng lực cần thiết cho việc thiết lập ADIZ tại Biển Đông không thể hoàn thành trong thời gian ngắn; lý do thứ hai là ADIZ là một vùng được thiết lập trên không ngoài lãnh hải và không phận của một quốc gia. Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở lãnh hải ở quần đảo Hoàng Sa, nhưng đường cơ sở lãnh hải ở quần đảo Trường Sa thì tính như thế nào? Nhiều hòn đảo, đá bị chiếm đóng như vậy rốt cục giải quyết ra sao? Việc vẽ đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Trường Sa rốt cục là dùng đường cơ sở, đường thẳng hay đường cơ sở hỗn hợp của quần đảo? Đây không phải là một việc có thể dễ dàng tùy tiện quyết định. Không có đường cơ sở lãnh hải ở quần đảo Trường Sa thì làm sao thiết lập ADIZ tại Biển Đông? Lý do thứ ba là việc thiết lập ADIZ tại Biển Đông gây nhiều tranh cãi. Nếu Trung Quốc thiết lập, các nước liên quan kiên quyết không chấp nhận, máy bay tùy tiện ra vào, không tuân thủ thông báo của Trung Quốc hoặc quy định của nhận dạng phòng không, Trung Quốc khi đó sẽ ở thế “cưỡi trên lưng hổ”. Trung Quốc không cần thiết phải “cứng nhắc” đối với sự việc mà thực tế hiện tại vẫn chưa làm được.

China Bussiness News:  Theo ông, bản chất vấn đề Biển Đông là gì?

Chu Phong: Bản chất của vấn đề Biển Đông đã vượt ra ngoài tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển, trở thành sự va chạm của hai lực lượng mang tính lịch sử. Một là ưu thế hải phận và không phận Mỹ được hưởng, không bị thách thức lâu nay tại biển Tây Thái Bình Dương kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc; hai là tiến trình chiến lược quyết tâm trở thành “cường quốc biển” của Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông hiện nay rõ ràng đã trở thành điểm bùng nổ của cú va chạm giữa hai lực lượng mang tính lịch sử này.

Đối với vấn đề này, Trung Quốc cần phải có sự chuẩn bị về tư tưởng, tâm lý và chính sách cần thiết. Trong con mắt của Mỹ, chính sách Biển Đông của Trung Quốc trở thành “chứng cứ” cho việc Bắc Kinh muốn “thách thức Mỹ” hay không, sự phức tạp của vấn đề Biển Đông chính là ở đây.

Theo Sina (Trung Quốc)