Theo mạng tin “Hồ sơ Trung Quốc” , trong các sự kiện căng thẳng do tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông thời gian qua, nhiều người vẫn nhớ như in cảnh một con tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) ở bên phải phun vòi rồng vào các tàu đánh cá của Đài Loan ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, trong khi một con tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cũng phun vòi rồng đáp trả. Sự kiện này xảy ra vào ngày 25/9/2012. Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản không nhìn thấy triển vọng hứa hẹn nào vào thời điểm hiện nay. Rõ ràng là cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không chỉ là nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong tình trạng căng thẳng quan hệ giữa hai nước hiện nay mà còn là nhân tố tập trung tình cảm dân tộc của cả hai nước. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đủ khả năng kiểm soát khôn khéo hơn nếu như các nhà lãnh đạo của họ có thể kiềm chế gia tăng lôi kéo đầy nguy hiểm vào việc gióng lên những tiếng trống trận.

Như Trung Quốc và Việt Nam đã cho thấy trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh thổ trên bộ và tranh chấp lãnh hải ở Vịnh Bắc Bộ, thương lượng là giải pháp rõ ràng và quen thuộc. Đài Loan và Nhật Bản đã thể hiện điều này trong thỏa thuận ngư nghiệp gần đây giữa hai bên ở vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Dù Bắc Kinh lên tiếng phản đối thỏa thuận này, nhưng thực ra nó đã đáp ứng đúng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chiếm thế độc quyền của “phía Trung Quốc” đối với tình hình ở đó, một hành động tài tình của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu chắc hẳn giúp nhà lãnh đạo này giành được nhiều thiện cảm của Bắc Kinh mặc dù hành động đó bị đánh giá thấp ở trong và ngoài Đài Loan. Tuy nhiên, tranh chấp lãnh hải là điều khó giải quyết hơn. 

Viễn cảnh về các cuộc thương lượng ngay lập tức liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku quả thực rất mong manh, một giai đoạn tĩnh lặng là điều cần thiết và điều gì đó phải được làm để phá vỡ thế bế tắc và cuối cùng thúc đẩy các cuộc thương lượng đạt hiệu quả. Đây là một vai trò rõ ràng đối với những khả năng của luật pháp quốc tế trong việc tiến tới một sự dàn xếp mang tính lâu dài.

Trong vấn đề Biển Đông hồi tháng 1/2013 vừa qua, Philíppin đã thực hiện một hành động dũng cảm để phá vỡ tình trạng bế tắc ở vùng biển này bằng cách viện dẫn luật pháp quốc tế chống lại Trung Quốc, một cường quốc mạnh hơn họ nhiều lần, để ngăn chặn những tuyên bố bành trướng lãnh hải và những áp lực chèn ép của Bắc Kinh. Manila phải sử dụng vụ kiện này để thách thức “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trước một tòa án có thẩm quyền xét xử theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, một văn kiện mà cả Trung Quốc và Philíppin đều đã cam kết thực hiện. Hành động này của Philíppin đã khiến Trung Quốc sửng sốt và khiến nước này ít nhất cũng có vẻ như tiến hành các cuộc thương lượng nghiêm túc hơn trước đây với các quốc gia có liên quan đến tranh chấp biển Đông thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là một ví dụ nổi bật về việc kiện tụng được sử dụng để thúc đẩy tiến trình thương lượng, mặc dù vẫn có sự hoài nghi về tốc độ và sự chân thành của tiến trình thương lượng mới nhất của Trung Quốc. 

Nhật Bản có thể thực hiện một chiến thuật tương tự liên quan đến tranh chấp ở biển Hoa Đông vốn đang rối ren ít nhất một năm qua. Tháng 11 năm ngoái, ngay trước khi từ nhiệm, Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó, ông Koichiro Gemba đã đăng một bài viết trên tờ International Herald Tribune (Bản toàn cầu của The New York Times ), trong đó chỉ ra rằng Nhật Bản, không giống như Trung Quốc và Mỹ, đã tôn trọng triệt để phạm vi quyền lực pháp lý bắt buộc của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), có nghĩa là Nhật Bản cho phép bất kỳ quốc gia nào khác đã có một cam kết tương tự được kiện họ ra tòa án này. Ông Gemba đề xuất rằng nếu như Trung Quốc quá tự tin về tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Senkaku thì họ nên kiện Nhật Bản ra ICJ và Nhật Bản dĩ nhiên sẽ chấp nhận vụ kiện. Hầu hết mọi người ở Nhật Bản và những nơi khác đều đã bỏ qua ý kiến quan trọng này. 

Nước cờ của ông Gemba không chỉ là một sự quảng cáo cá nhân cho một chính trị gia sắp từ nhiệm trong tâm trạng thất vọng, mà là một ý tưởng xuất phát từ các chuyên gia pháp luật của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, những người vẫn duy trì sự lạc quan thậm chí cả sau khi Chính quyền Shinzo Abe lên lãnh đạo Nhật Bản, rằng ý tưởng này có thể chính thức được Nhật Bản đưa ra. Có nhiều điều phải bình luận về ý tưởng đó. Nó sẽ thách thức sự can đảm của Trung Quốc trong việc thường xuyên tuyên bố rằng luật pháp quốc tế chứng minh tuyên bố chủ quyền của họ đối với những hòn đảo ở biển Hoa Đông là đúng, và nó cũng sẽ kiểm tra điều tương tự đối với Nhật Bản. Nó sẽ tạm thời khiến La Hay, thay vì biển Hoa Đông, trở thành địa điểm chính cho một cuộc cạnh tranh hòa bình đối với chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Sẽ phải mất nhiều năm để giải quyết vụ tranh chấp này và do đó tạo ra một giai đoạn tạm lắng trong khi quá trình thương lượng nghiêm túc có thể diễn ra. Các bên luôn có thể dừng việc kiện tụng trước khi vụ kiện kết thúc nếu như họ có thể đạt được thỏa thuận. Nếu họ không ngừng kiện tụng, họ luôn có thể dựa vào thương lượng sau khi ICJ đưa ra phán quyết, nhưng nhiều khả năng hơn là, do mỗi bên biết rõ điểm yếu của riêng mình, nên không bên nào muốn “đánh bạc” với phán quyết của ICJ. Do vậy mỗi bên sẽ tích cực giải quyết vụ tranh chấp trước khi đạt được một quyết định hoặc ít nhất là đạt được một thỏa thuận giảm thiểu tối đa những hậu quả của việc thất bại bằng cách nhất trí trước rằng những hòn đảo đó không nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý hay thềm lục địa của riêng họ theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển. Có nhiều sự lựa chọn cho sự dàn xếp giữa hai bên.

Nhưng liệu Trung Quốc có chấp nhận một sự thách thức như vậy từ Nhật Bản? Đến nay bằng chứng cho thấy là họ sẽ không chấp nhận như vậy. Giống như Mỹ, Trung Quốc lo ngại về việc đưa bất kỳ vụ việc nào ra một tòa án quốc tế không thiên vị. Dĩ nhiên, họ hoàn toàn có thể kiện Nhật Bản ra ICJ trong vụ tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nhật Bản khi đó sẽ chịu sức ép phải chấp nhận. Nhưng Trung Quốc có truyền thống không chấp nhận sự phân xử và và phán xét quốc tế, như họ vừa thể hiện trong việc bác bỏ yêu cầu của Philíppin về việc cùng ra tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc trong vụ kiện liên quan tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Đây là một sự vi phạm những cam kết mà Trung Quốc đã đưa ra. Tuy nhiên, sự bác bỏ này được cho là ngược lại với lời khuyên của các chuyên gia luật pháp thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, và hành động này cũng khiến Trung Quốc phải trả giá về mặt uy tín, ngay cả khi họ đang tranh thủ vận động nhiều nước ASEAN chỉ trích hoặc ít nhất là không ủng hộ vụ kiện của Philíppin. 

Những quan điểm của Trung Quốc đối với luật pháp quốc tế không phải là không thể thay đổi. Sự phân xử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một ví dụ gần đây. Nhiều nhà quan sát đã nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không tham gia vào sự phán xét của WTO, cho dù là việc tham gia đòi hỏi một sự chấp nhận của hệ thống giải quyết tranh chấp, giống như là việc tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (với phạm vi những ngoại lệ được xác định không phải bởi mỗi một bên tham gia theo sự cân nhắc đơn phương của họ, mà bởi hệ thống xác định quyền lực pháp lý của công ước). Sau hơn một thập kỷ chúng ta thấy sự chấp nhận tích cực và tham gia của Trung Quốc vào việc phân xử của WTO, giành thắng lợi trong một vài vụ và cũng thất bại trong một số vụ, nhưng họ giành được sự tôn trọng, sự tin tưởng và kinh nghiệm pháp lý. 

Dĩ nhiên, có nhiều điều nguy hiểm trong những trường hợp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Đến nay, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và một số quốc gia châu Á, thỉnh thoảng vẫn đưa những tranh chấp ra cho bên thứ ba (tòa án quốc tế) quyết định. Trung Quốc có lẽ vẫn cảm thấy sức ép trong việc giữ nguyên quyết định bác bỏ sự phân xử theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Chắc chắn Trung Quốc có thể sẽ lặng lẽ tìm cách thương lượng nghiêm túc với Philíppin về “đường 9 đoạn” và một số vấn đề liên quan thậm chí ngay cả khi họ phản đối Philíppin là Manila đang có hành động “hèn nhát” vì thể hiện quyền tự vệ theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển.

Nhưng liệu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có đủ sự thông minh và dũng cảm để làm theo lời khuyên của các chuyên gia pháp lý? Ông sẽ giống như một nhà lãnh đạo quốc tế tài ba và đặt gánh nặng lên vai Trung Quốc, khiến Trung Quốc có nguy cơ gia tăng đối đầu quân sự, và tin chắc rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận những thách thức tại ICJ. 

Tuy nhiên, Trung Quốc cuối cùng có thể xem xét lại thực tiễn hoạt động luật pháp quốc tế của họ, trong khía cạnh này cũng như trong những khía cạnh khác. Tháng 6/1972, Giáo sư Jerome A. Cohen thuộc Trường Luật của Đại học New York (Mỹ) đã kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai và các cố vấn của ông này đưa một chuyên gia pháp luật vào ICJ để chuẩn bị cho những vụ việc sau này, họ đã cười và cho đó là một ý tưởng ngớ ngẩn. Mặc dù vậy, sau một thập kỷ họ đã thay đổi suy nghĩ và Trung Quốc đã đưa những chuyên gia pháp lý có chuyên môn rất cao, rất có uy tín và được tôn trọng vào đó.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có một sự thực dụng và tình cảm chủ nghĩa dân tộc rất cao. Trong chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc vào năm 1972, khi Giáo sư Jerome A. Cohen hỏi chuyên gia người Trung Quốc đi cùng là Lý Minh Đức về vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vốn đã rất nóng từ thời điểm đó, chuyên gia này đầu tiên đã tỏ ra rất kích động và nói rằng người Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng để ngăn chặn sự xâm chiếm của Nhật Bản đối với những vùng đất quan thiêng liêng của người Trung Quốc. Nhưng khi Giáo sư Jerome A. Cohen chỉ ra rằng Nhật Bản đã giành lại quyền sở hữu quần đảo đó từ phía Mỹ, ông ta đã tỏ ra thoải mái hơn, mỉm cười và nói rằng không có gì phải vội vàng và vấn đề đó có thể được giải quyết vào bất kỳ lúc nào trong vòng 500 năm tới! Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới khác nhưng là một thế giới mà trong đó Trung Quốc sẽ phải thực tế hơn và phải nghiêm túc hơn đối với những trông đợi của các nước khác, những nước dựa vào luật pháp quốc tế và những khả năng mà luật pháp quốc tế tạo ra như một sự hỗ trợ cho việc giải quyết những tranh chấp quan trọng.

***

Trang tin Đa chiều ngày 7/8 đăng bài của Bích Lý Thái, nghiên cứu viên Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế, Đại học Stanford (Mỹ) với nhận định rằng những diễn biến gần đây cho thấy tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã xuất hiện xu thế mới. Tác giả cho biết vào ngày 29/7 vừa qua, phiên họp toàn thể Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một bản nghị quyết khiển trách việc Trung Quốc “đe dọa và sử dụng vũ lực” ở xung quanh đảo Điếu Ngư và Biển Đông. Nghị quyết này đã dẫn ví dụ tàu chiến Trung Quốc “chĩa rađa hỏa lực” vào tàu hộ tống của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JASDF) vào tháng 1/2013, chỉ rõ tình hình căng thẳng ở vùng biển xung quanh Trung Quốc đã leo thang. Nghị quyết nhấn mạnh tự do hàng hải ở vùng biển Tây Thái Bình Dương “liên quan tới lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Việc gì cũng có nguyên do của nó. Trang tin của tạp chí “Chính sách Ngoại giao” (Mỹ) ngày 29/7 đưa tin trong bữa ăn sáng với phóng viên, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, Đại tướng Herbert Carlisle, đã tiết lộ rằng Không quân Mỹ đang đối phó với Trung Quốc như đối phó với Liên Xô trước đây, tức là luân phiên bố trí các đơn vị tác chiến tinh nhuệ nhất ở xung quanh Trung Quốc để bao vây Trung Quốc. Tiết lộ của tướng Carlisle gần như mở ra cánh cửa của cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Cùng với mùi thịt nướng trên bàn tiệc kỉ niệm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (1/8), mùi thuốc súng ngày càng đậm đặc đang bay đến Trung Quốc từ bầu trời Tây Thái Bình Dương. 

Vào tháng 6 vừa qua, nguyên thủ Trung-Mỹ đã có cuộc gặp gỡ ở trang viên Sunnylands thuộc bang California . Khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trực tiếp yêu cầu Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phải bảo đảm “kiềm chế” trong xử lý tranh chấp với các quốc gia xung quanh. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục phái tàu công vụ tuần tra thị uy ở vùng biển xung quanh đảo Điếu Ngư, tình hình căng thẳng tăng lên mà không giảm xuống.

Nghị quyết nói trên của Thượng viện Mỹ thuộc dạng tương đối hiếm. Cho dù nghị quyết này không có giá trị ràng buộc đối với Chính phủ Mỹ, nhưng nó cho thấy Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thành công trong hoạt động du thuyết tại Mỹ, chí ít là ở phương diện Quốc hội. Ngoài ra, nghị quyết còn bắn đi tín hiệu “cảnh cáo” đối với Trung Quốc. Tiết lộ của tướng Carlisle một lần nữa minh chứng chính sách “trở lại châu Á” mà Mỹ đưa ra trước đó không phải là lời nói suông, mà có bối cảnh quân sự rõ ràng. 

Đồng thời với những động thái của phía Mỹ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây đã đưa ra báo cáo giữa kỳ để phục vụ cho việc biên soạn “Đại cương Kế hoạch Phòng vệ” mới, thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt. Theo đề cương của báo cáo này, Nhật Bản cho rằng họ “phải trang bị đầy đủ” để tăng cường giám sát, cảnh giới đối phó với các tình huống trên đảo Điếu Ngư và chương trình tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Vì lẽ đó, Nhật Bản cần phải xem xét tới khả năng sở hữu năng lực “đánh đòn phủ đầu”, bao gồm các biện pháp chuyên biệt như mua sắm máy bay không người lái hoạt động ở tầm siêu cao và xây dựng lực lượng giống lực lượng hải quân lục chiến.

Ở Nhật Bản, “Đại cương Kế hoạch Phòng vệ” là phương châm chỉ đạo chính sách quốc phòng trong 10 năm. Cuối năm 2010, Chính phủ của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã đề ra “Đại cương Kế hoạch Phòng vệ” mới, chuyển hướng phòng vệ trọng điểm từ Bắc sang Nam, tức là chuyển hướng từ Liên Xô ở thời Chiến tranh Lạnh sang “các hòn đảo Tây Nam” (quần đảo Nansei). 

Mấy chục năm nay, thế lực cánh hữu ở Nhật Bản luôn tìm cách đột phá qua sự hạn chế của Điều 9 trong Hiến pháp Hòa bình, chủ trương Nhật Bản có quyền chủ động tấn công căn cứ của kẻ địch khi kẻ địch có ý đồ tấn công Nhật Bản rõ ràng và trong tình huống Nhật Bản bị đe dọa khẩn cấp, không có lựa chọn phòng vệ nào khác. Cho dù bản báo cáo giữa kỳ mà Nội các của ông Abe biên soạn vẫn chưa chỉ rõ Nhật Bản sẽ tìm kiếm năng lực tấn công “căn cứ của nước đối địch” theo kiểu đánh đòn phủ đầu, nhưng khả năng chính sách quốc phòng của Nhật Bản sắp xuất hiện thay đổi căn bản đã rất rõ. Bản báo cáo này đánh dấu việc Nhật Bản có quyền “đánh đòn phủ đầu” vào thời chiến, không cần nói cũng thấy rõ xu thế Nhật Bản đột phá sự hạn chế của Điều 9 trong Hiến pháp Hòa bình. Việc này khiến các nước châu Á từng bị Nhật Bản giày xéo trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai cảm thấy lo ngại. 

Thế lực cánh hữu ở Nhật Bản cố nhiên không thèm đếm xỉa tới sự hạn chế của Hiến pháp Hòa bình, nhưng điều đáng nói nữa là người dân Nhật Bản cũng như bỏ ngoài tai mối nguy hiểm này. Bản thân thực tế này đã là một tín hiệu cảnh báo đối với các nước liên quan. Nếu xem xét ở tầm vĩ mô, các nhà quan sát không khó để phát hiện ra rằng toàn bộ xã hội Nhật Bản đều đang chấp nhận xu thế trên về mặt tâm lý, tức là chấp nhận việc “thoát khỏi’ sự ràng buộc của Điều 9 trong Hiến pháp Hòa bình. Những biến đổi lặng lẽ đang xảy ra ở Nhật Bản hiện nay chính là một bộ phận cấu thành xu thế nguy hiểm nêu trên. Nếu muốn tìm hiểu xem trong tương lai mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của khu vực Đông Bắc Á đến từ hướng này, có thể nguy hiểm chính là nằm ở chỗ này. 

Đối với Mỹ, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc dường như đã thách thức vị trí “anh cả” của Mỹ, đặc biệt chương trình đóng tàu đầy tham vọng của Hải quân Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm chú ý lớn. Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ tranh giành quyền kiểm soát Tây Thái Bình Dương với Mỹ, từ đó trở thành “mâu thuẫn chủ yếu” mà Mỹ phải đối mặt trong tương lai có thể nhìn thấy. Còn mưu đồ thoát khỏi sự ràng buộc của Điều 9 trong Hiến pháp Hòa bình của thế lực cánh hữu Nhật Bản, đối với Mỹ chỉ là “mâu thuẫn thứ yếu”. 

Theo tiết lộ của một vị Đại tá thuộc JASDF, trên thực tế, Mỹ không lo lắng chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trỗi dậy sẽ mang tới mối đe dọa đối với nước này. Nhật Bản có tổng cộng hơn 500 trạm truyền tải điện lớn. Mỹ nằm lòng vai trò của các trạm truyền tải điện này trong mạng lưới điện quốc gia của Nhật Bản cũng như tọa độ cụ thể của từng trạm truyền tải điện. Mỹ chỉ cần ra đòn tấn công thông thường vào các trạm truyền tải điện phân bố ở các vùng dài và hẹp như Osaka, Kyoto, Kobe, Tôkyô là có thể giáng đòn nặng nề vào ngành công nghiệp khoa học kĩ thuật của Nhật Bản, thậm chí đưa Nhật Bản trở lại với tình trạng của 100 năm trước. Do đó, Mỹ không cần phải tiến hành răn đe hạt nhân, cũng không cần phải lo lắng Nhật Bản sẽ thách thức vai trò kiểm soát Tây Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ.

Nói một cách khái quát, chính sách tổng thể của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn là “phòng ngừa” chứ không phải là “đối kháng”, cho dù giữa “phòng ngừa” và “đối kháng” không tồn tại hố ngăn cách không thể vượt qua. Chính phủ của Tổng thống Obama nhấn mạnh tới việc sử dụng “quyền lực thông minh”, nghĩa là nhằm đạt được đại chiến lược quốc gia ở thời kì đã định, sử dụng linh hoạt “sức mạnh mềm” và “sức mạnh cứng”.

Bắc Kinh không cần phải quá lo lắng về tranh chấp đảo Điếu Ngư. Trong con mắt của người Mỹ, đảo Điếu Ngư chỉ là “mấy hòn đá to”, Trung Quốc và Nhật Bản không đáng phải sứt đầu mẻ trán vì chúng. Mỹ sẽ không khai chiến với nước khác chỉ vì “mấy hòn đá to” mà nước ngoài tuyên bố có chủ quyền. Đặc biệt, Mỹ sẽ không vì chúng mà khai chiến với Trung Quốc, một nước lớn hạt nhân trong khu vực.

Tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư liên quan tới “anh hai Trung Quốc” và “anh ba Nhật Bản” ngày càng quyết liệt. Nếu nói rằng “anh cả Mỹ” không mừng thầm là không đúng. Nhưng nếu cho rằng Mỹ hi vọng Trung Quốc và Nhật Bản nổ ra xung đột quân sự, thậm chí nổ ra chiến tranh thì lại quá lời. Một khi Nhật Bản và Trung Quốc nổ ra chiến tranh, Mỹ không thể không bị cuốn vào cuộc chiến tranh đó, diễn biến của xung đột quân sự là không thể đoán định, lẽ nào đó lại là vận may dành cho Oasinhtơn?

Đương nhiên, nếu Mỹ rút ra kết luận về các biện pháp Trung Quốc chủ động áp dụng biện pháp trong vấn đề đảo Điếu Ngư và vấn đề Biển Đông để nó trở thành chỉ báo của việc sau này Mỹ sẽ đưa quân lực tiến mạnh xuống phía Nam, đó lại là chuyện khác. Nếu vậy, Mỹ chắc chắn phải bắt tay với Nhật Bản, thậm chí là các nước khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao vây toàn diện Trung Quốc càng sớm càng tốt. Giới quyết sách Bắc Kinh chắc chắn sẽ không có những tính toán tối tăm (để dẫn tới tình trạng như vậy).

Tổng hợp