Bản tin tuần Biển Đông (ngày 30/4 - 6/5/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 1/5-16/8 tại Biển Đông, Bột Hải, Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông. Theo nước này, lệnh cấm nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững và cải thiện sinh thái biển. Các cơ quan như Hải cảnh, Bộ Công an…giám sát việc triển khai, thực thi lệnh cấm đánh bắt cá.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 3/5 cho biết biên đội 08 tàu hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh, ngày 2/5 đã di chuyển qua vùng biển gần các đảo ở Okinawa, phía nam Nhật Bản. Nhật Bản cho biết không có hành động xâm nhập vào lãnh hải của nước này.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông qua UNCLOS ngày 30/4, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh, “UNCLOS là khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ở biển và đại dương, không nên áp dụng một cách chọn lọc UNCLOS. Công ước đặc biệt quan trọng đối với Singapore là một quốc đảo nhỏ có lịch sử, con người và kinh tế gắn liền với biển cả. Singapore tự hào đã đóng góp vào việc thông qua UNCLOS năm 1982 khi Đại sứ Tommy Koh làm Chủ tịch Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật Biển”.

Trong cuộc hội đàm sáng 1/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, thực hiện đầy đủ, toàn diện, hiệu quả DOC ở Biển Đông, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30/4 - 1/5.

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 2/5 cho hay, “hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao hàm; đảm bảo hoạt động thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS năm 1982.” Hai nước hoan nghênh chuyến thăm cảng Mumbai của khinh hạm "Bayern" năm 2022 và dự kiến một tàu hải quân Ấn Độ sẽ thăm cảng của Đức năm 2023.

Trong cuộc gặp ngày 2/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhất trí ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ quốc phòng; khẳng định sự cần thiết phải nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện. Nhật Bản sẽ cho Thái Lan vay 385 triệu USD và 500 triệu yên viện trợ không hoàn lại để chống dịch.

Ngày 3/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trao đổi với Tổng thư ký Ban Thư ký An ninh Quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Biden đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Hai bên khẳng định chuyến thăm là cơ hội củng cố sức mạnh của quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, từng bước tăng cường sức răn đe và thúc đẩy tầm nhìn chung về khu vực Ấn-Thái tự do, rộng mở.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Paris ngày 4/5 khẳng định, “quan hệ hai bên được xây dựng trên nền tảng đối tác chiến lược vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn-Thái. Hai nước chia sẻ tầm nhìn về khu vực tự do, rộng mở, dựa trên luật lệ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tự do lưu thông và không bị cưỡng ép”. Thủ tướng Narendra Modi là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội đàm với Tổng thống Pháp sau khi ông Macron tái đắc cử.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 5/5 nhất trí về nguyên tắc đối với thoả thuận hợp tác quốc phòng hai nước chuẩn bị ký kết. Thỏa thuận tiếp cận qua lại (RAA) cho phép hai nước triển khai lực lượng nhanh hơn, tham gia các cuộc huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa. Hai nhà Lãnh đạo cũng quan ngại sâu sắc về những nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Về việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh cá ở Biển Đông, Hội Nghề cá Việt Nam nêu rõ, “Việc ban hành lệnh cấm lặp lại hằng năm và kéo dài thời gian cấm đánh bắt làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung Quốc, cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối và lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là vô giá trị trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.”

Góc nhìn quốc tế

Trên “ISEAS” ngày 5/5, học giả Ian Storey đánh giá Nga là bên xuất khẩu vũ khí lớn nhất ở Đông Nam Á trong hai thập kỷ qua nhưng từ năm 2014, giá trị thương vụ quốc phòng với khu vực đã giảm đáng kể. Khủng hoảng Ukraine khiến ngành công nghiệp quốc phòng của Nga khó phục hồi, thậm chí xuất khẩu vũ khí sang Đông Nam Á tiếp tục giảm. Trong khi đó, việc Mỹ và các nước áp đặt trừng phạt kinh tế khiến các công ty quốc phòng Nga khó thực hiện các giao dịch tài chính. Các lực lượng vũ trang Nga hoạt động kém hiệu quả ở chiến trường cũng tổn hại danh tiếng khí tài Nga sản xuất. Vấn đề Nga gặp phải sẽ tạo cơ hội ở thị trường Đông Nam Á cho các nước khác, bao gồm Trung Quốc.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn