Bản tin tuần Biển Đông (ngày 25/2 - 3/3/2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát máy bay P-8 của Mỹ ở Biển Đông. Tiêm kích J-11 của không quân Trung Quốc ngày 24/2 đã áp sát máy bay tuần tra P-8 của Mỹ ở khoảng cách 150m khi đang bay trong không phận quốc tế. Phi công điều khiển máy bay P-8 Nikki Slaughter liên lạc với tiêm kích của Trung Quốc, "Chiến đấu cơ PLA, đây là P-8A của Hải quân Mỹ. Tôi thấy anh ở phía cánh trái. Tôi đang dự định bay về phía tây và yêu cầu anh làm điều tương tự". Phi công Trung Quốc không phản hồi và chiếc J-11 bay theo máy bay Mỹ khoảng 15 phút trước khi rời đi.

Ngày 28/2, Thái Lan và Mỹ khai mạc cuộc tập trận “Hổ mang vàng” ở căn cứ Hải quân Utapao với sự tham gia của hơn 7.000 quân nhân từ 30 quốc gia. Bảy quốc gia tham gia hoạt động tập trận chính là Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Singapore. Cuộc tập trận năm nay bao gồm các nội dung huấn luyện thực địa, diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, huấn luyện trong lĩnh vực mạng và không gian. Đây là lần đầu tiên nội dung diễn tập không gian được đưa vào cuộc tập trận.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Người phát ngôn CSB Philippines Jay Tarriela ngày 25/2 cho biết Nhóm đặc trách Biển Đông của Philippines (NTF-WPS) quyết định công khai tất cả các hành động quấy rối của Trung Quốc đối với Philippines trên Biển Đông. Theo ông Jay Tarriela, Trung Quốc thường chỉ im lặng trước phản đối ngoại giao nhưng khi được công khai vụ việc, Trung Quốc thường sẽ giải thích chính thức nên đây là hướng đi đúng. Trong năm 2022, Trung Quốc chỉ đáp lại 101/195 công hàm phản đối của Philippines về Biển Đông.

Trong buổi nói chuyện với binh sĩ ở thành phố Cebu, Philippines ngày 27/2, Tổng thống Marcos Jr. đánh giá, “Vấn đề Biển Đông hiện rất khó khăn và phức tạp. Đây là lý do tại sao tôi nói rằng nhiệm vụ của quân đội đã thay đổi. Bây giờ chúng ta phải theo dõi các vấn đề mà trước đây chúng ta không phải suy nghĩ nhiều. Trong nhiều năm, chúng ta đã có thể duy trì nền hòa bình và sự hiểu biết với tất cả các nước láng giềng. Bây giờ mọi thứ đã bắt đầu thay đổi và chúng ta phải điều chỉnh cho phù hợp”.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Philippines ngày 28/2 cho biết Nhật Bản không có kế hoạch cụ thể về tuần tra chung với Philippines, Mỹ, Úc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ tìm kiếm các khả năng hợp tác để tăng cường năng lực nhận thức biển và hoạt động chấp pháp ở khu vực Ấn - Thái Dương. Tuyên bố được đưa ra sau khi Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết Manilia đang thảo luận về khả năng tuần tra chung với Tokyo và Canberra ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp ngày 1/3, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thảo luận về tranh chấp Biển Đông và nhất trí về cách tiếp cập đa phương đối với vấn đề, “Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực; tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vự chính trị và an ninh. Do tính chất nhạy cảm của vấn đề Biển Đông, hai nước cần thúc đẩy cách tiếp cận đa phương ở ASEAN, từ đó hướng tới một giải pháp khả dĩ cho vấn đề phức tạp này.

Phát biểu trong buổi điều trần ngày 1/3, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, Philippines đang mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh với các quốc gia khác ở khu vực, “Chúng ta triển khai cách tiếp cận đa phương, hợp tác không chỉ nhiều bên, thậm chí ba bên. Điều này được đề cập trong chuyến thăm Nhật Bản gần đây của Tổng thống”. Theo ông Manalo, Philippines đang trao đổi với Singapore, Việt Nam và các quốc gia khác về tăng cường hợp tác an ninh không chỉ về quân sự mà còn an ninh kinh tế.

Đại sứ Úc tại Philippines Hae Kyong Yu ngày 1/3 cho biết Úc quan tâm hợp tác với Philippines, Mỹ, Nhật để thúc đẩy luật pháp như một công cụ bảo đảm an ninh và ổn định ở các vùng nước quốc tế. Khả năng tuần tra chung được Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đề cập trong cuộc gặp với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr. tuần trước. Theo Đại sứ Yu, hoạt động này không có gì mới bởi Úc từng tiến hành với các đồng minh khác như Mỹ, Nhật Bản.

Tuyên bố chung của cuộc gặp Thủ tướng Ấn-Ý ngày 2/3 khẳng định, “hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn - Thái Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật pháp, tôn trọng luật lệ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tự do lưu thông và không bị cưỡng ép. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định thúc đẩy một hệ thống hợp tác về đại dương và quản trị biển, trật tự biển dựa trên luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS”.

Tuyên bố chung Ngoại trưởng nhóm Quad ngày 3/3 tại Ấn Độ nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp, gồm UNCLOS, để đối phó với các thách thức đối với trật tự luật lệ, bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các Ngoại trưởng phản đối các hành động thay đổi nguyên trạng; quan ngại việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng một cách nguy hiểm lực lượng hải cảnh và dân binh biển, và việc ngăn cản hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác”.

Bình luận của Viện Biển Đông

Bình luận của Jonathan G. Panter (cựu quân sĩ Hải quân, NCS tại Đại học Colombia) trên “Foreign Policy” cho rằng FONOP là công cụ được Hải quân Mỹ ưa chuộng tại Biển Đông nhưng nhiều hạn chế: (1) FONOP rủi ro, đặt tính mạng của lính Mỹ vào hiểm nguy. Trung Quốc có thể điều tàu ra áp sát bất kì lúc nào; (2) Nếu xung đột xảy ra, Mỹ - Trung rất khó xuống thang. Không như vụ ở Hải Nam 2001, hai nước hiện ở vị thế khác và đều cần tỏ ra mạnh mẽ; (3) Mỹ khó thuyết phục nội bộ về tầm quan trọng của FONOP. Mỹ dùng FONOP để đấu tranh cho luật lệ toàn cầu, không phải trực tiếp cho chủ quyền của mình nên khó được người dân ủng hộ; (4) Mỹ cũng có nhiều phương án thay thế. Thay vì FONOP, Mỹ có thể thúc đẩy các răn đe kinh tế. Bài viết đưa ra những luận điểm xác đáng tuy nhiên có một số điểm cần cân nhắc: (i) Ngoài vụ việc 2018, các FONOP Biển Đông đến nay không dẫn đến rủi ro tương tự. Các rủi ro thực địa nói trên cũng có thể xảy ra với các hiện diện khác của tàu Mỹ như tập trận hay thăm viếng các nước khu vực; (ii) Tàu khu trục Mỹ thế hệ mới được triển khai tại Biển Đông có thể được cải tiến để di chuyển linh hoạt hơn, hạn chế rủi ro hơn. Mỹ năm 2022 cũng mới thử nghiệm "tàu sân bay hạng nhẹ" ở Biển Đông; (iii) FONOP là công cụ thách thức các yêu sách biển Mỹ cho là "quá mức". Các biện pháp răn đe khác có thể không mang ý nghĩa pháp lý này. Tần suất FONOP tại Biển Đông năm 2022 và 2021 có giảm so với 2020 nhưng vẫn được duy trì.