Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tờ Nanhai ngày 16/5 cho hay Mỹ có thể triển khai máy bay không người lái (UAV) để tăng cường do thám Trung Quốc. Các nhà quan sát quân sự đánh giá UAV cỡ lớn được trang bị cảm biến quang học, điện tử và radar tiên tiến có thể thay thế máy bay trinh sát điện tử có người lái như EP-3E "Orion" trong các nhiệm vụ thông thường, với chi phí thấp và bay an toàn hơn. 

Ngày 19/5, nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) rời cảng Yokosuka, Nhật Bản tiến hành hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đại úy Fred Goldhammer, sĩ quan chỉ huy tàu Ronald Reagan nhấn mạnh: “Sự hiện diện của tàu Ronald Reagan là yếu tố then chốt giúp đảm bảo với các đồng minh và đối tác rằng Mỹ cam kết đảm bảo quyền tự do trên biển”.

Cục Hải sự Thanh Lan tỉnh Hải Nam 19/5 ra thông báo hàng hải 0035 cho biết từ 1h00 đến 3h00 trong hai ngày 20-21/5, quân đội Trung Quốc sẽ tập trận ở Biển Đông tại vùng biển có bán kính 6 hải lý tính từ tọa độ 19-37.12N/110-57.32E, nghiêm cấm tàu thuyền đi vào.

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur ngày 20/5 tiến hành FONOP ở Hoàng Sa, là đợt hoạt động thứ ba trong năm 2021. Tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết: “Tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG 54) đã khẳng định quyền tự do lưu thông trên biển ở Hoàng Sa, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Hoạt động FONOP trên nhằm thách thức việc áp đặt trái luật các giới hạn về quyền qua lại vô hại, cũng như yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc tuyên bố ở Hoàng Sa. Những đòi hỏi bất hợp pháp và quá mức ở Biển Đông là mối đe dọa đối với quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động tự do thương mại ở Biển Đông”. Trước đó, Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ đưa tin tàu USS Curtis Wilbur đã di chuyển qua Eo biển Đài Loan vào ngày 18/5.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Mạng tin tham khảo của Trung Quốc ngày 13/5 cho biết Mỹ công bố Dự thảo ngân sách của Lầu Năm Góc trong đó điều chỉnh lớn nhất là tập trung vào Trung Quốc với 3 điểm nổi bật: (i) tăng cường hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn – Thái nhằm đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc; (ii) tập trung phát triển hải quân nhằm đối trọng sự phát triển của hải quân Trung Quốc những năm gần đây; (iii) tập trung phát triển máy bay chiến đấu và bom hạt nhân để răn đe Trung Quốc.

Theo GMA ngày 16/5, cựu Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia tiết lộ trong vụ đối đầu năm 2012 tại Bãi cạn Scarborough, có một thỏa thuận với Trung Quốc do Mỹ đứng ra dàn xếp, đặc biệt có sự tham gia của Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell, về việc Philippines và Trung Quốc đồng thời rút tàu. Mỹ khi đó xác nhận Trung Quốc chấp nhận rút tàu dự kiến vào ngày 15/6/2012 và Mỹ mong muốn Philippines tuân thủ thỏa thuận này. Tuy nhiên chính Trung Quốc phá vỡ giao kèo, Philippines đã rút tàu còn Trung Quốc thì không. Trước đó ngày 14/5, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết việc Philippines rút tàu và để Trung Quốc phong tỏa Scarborough năm 2012 thuộc chức trách của Bộ Quốc phòng, không phải Bộ Ngoại Giao.

Phát biểu trên truyền hình ngày 17/5, Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ thị các thành viên nội các không thảo luận, phát biểu công khai về vấn đề Biển Đông và "nếu có thảo luận, chỉ thảo luận trong nội bộ". Ông Duterte sau đó cũng nêu rõ điều này không nên hiểu là sự yếu kém của Philippines hay dao động trong việc bảo vệ chủ quyền. Trước đó ngày 14/5, Tổng thống Duterte tuyên bố không rút tàu Philippines khỏi khu vực tàu Trung Quốc neo đậu; khẳng định sẽ không cúi đầu trước áp lực, ngay cả khi điều đó ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh.

Trong cuộc điện đàm ngày 17/5 với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Suga bày tỏ quan ngại sâu sắc và phản đối mạnh mẽ những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, bao gồm Luật Hải cảnh của Trung Quốc.

Tại Tham vấn Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 27 ngày 18/5, các nước nhất trí cần phối hợp bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và thượng tôn pháp luật; tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm nối lại các cuộc đàm phán do ảnh hưởng của Covid-19, hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả.

Ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) gửi công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông. DFA trích dẫn Đoạn 716 thuộc Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Theo đó, lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc “vi phạm Điều 56 của UNCLOS năm 1982 về quyền của Philippines đối với các nguồn tài nguyên và vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia".

Trả lời phỏng vấn với Kyodo News ngày 18/5, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Khổng Huyễn Hựu chỉ trích "nhóm Bộ Tứ", bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, mang "tâm lý Chiến tranh Lạnh" và "100% lỗi thời". Đại sứ Khổng kêu gọi Nhật Bản không theo đuổi chính sách của Mỹ và tăng cường quan hệ với Trung Quốc bằng cách thực hiện "chiến lược độc lập".     

Trong cuộc điện đàm ngày 19/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo và người đồng cấp Úc Peter Dutton nhất trí hợp tác thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở, bao trùm và thịnh vượng; tiếp tục phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông; khẳng định tầm quan trọng trật tự biển dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Hai Bộ trưởng tái khẳng định cam kết hợp tác và trao đổi quốc phòng ba bên với đồng minh chung là Mỹ, nhằm củng cố Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Phát biểu tại lễ tốt nghiệp khóa 140 Học viện Tuần duyên Mỹ ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh luật lệ quốc tế là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu. Mỹ và các đối tác luôn ủng hộ luật pháp quốc tế và các tuyến hàng hải an toàn, rộng mở. Tuy nhiên, các luật lệ này đang bị thách thức bởi sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ cũng như những hành động gây rối của Trung Quốc và Nga. Mỹ kiên quyết duy trì hòa bình ở những khu vực huyết mạch của thương mại và vận chuyển quốc tế, bao gồm Biển Đông. Lực lượng Tuần duyên Mỹ có vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, tự do.

Trong cuộc điện đàm ngày 19/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhất trí hợp tác chặt chẽ thúc đẩy “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) và “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (AOIP). Tổng thống Duterte nhấn mạnh việc hợp tác nâng cao năng lực nhận thức biển, an ninh và an toàn hàng hải. Thủ tướng Suga bày tỏ quan ngại đối với các diễn biến ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, bao gồm Luật Hải cảnh. Hai nhà lãnh đạo cam kết bảo đảm an ninh và ổn định khu vực trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Tại cuộc họp báo ngày 20/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc-Philippines ngày 21/5 tiến hành cuộc họp lần thứ sáu cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Giang Hạo và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Elizabeth Buensuseso sẽ đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến với đại diện các Bộ, ban ngành của hai nước. Hai bên trao đổi về tình hình Biển Đông, khả năng hợp tác về cứu hộ trên biển, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học.

Người phát ngôn Chiến khu miền Nam Trung Quốc Điền Quân Lý ngày 20/5 cho biết hải quân Trung Quốc đã cảnh báo, xua đuổi tàu chiến USS Curtis Wilbur ở Hoàng Sa. Động thái của Mỹ nhằm thực hiện bá quyền trên biển, phá hoại hòa bình ổn định tại Biển Đông, vi phạm luật pháp và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế. Theo ông Điền, tàu Curtis Wilbur hôm 18/5 đã đi qua eo biển Đài Loan và quân đội Chiến khu miền Đông cũng tiến hành theo dõi giám sát chặt chẽ.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Ngày 19/5, Học giả Hạng Hạo Vũ, Viện Nghiên cứu các Vấn đề quốc tế Trung Quốc đánh giá cuộc tập trận chung của Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Úc ở Biển Hoa Đông có hai đặc điểm: (i) đây là phép thử nguy hiểm đối với việc can thiệp quân sự vào tranh chấp Trung-Nhật, thậm chí khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, dẫn đến nguy cơ xung đột địa chính trị và đối đầu quân sự; (ii) việc các nước Châu Âu can dự vào công việc của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương càng làm phức tạp môi trường an ninh khu vực. Các xu hướng “NATO hóa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” hay “NATO thâm nhập Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” dường như đang được thúc đẩy.

Ngày 19/5, Nghiên cứu viên Lưu Lâm, Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cho biết sau Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên ngày 12/3, các hoạt động của nhóm QUAD diễn ra dồn dập. Một mặt mở rộng các vấn đề hợp tác, thúc đẩy cơ chế đối thoại đi vào thực chất, mặt khác tăng cường tương tác với các quốc gia ngoài cơ chế, cho thấy xu hướng tạo ra khung “bốn bên +”. Theo ông Lưu, bốn xu hướng chủ yếu của QUAD thời gian tới gồm: (i) thúc đẩy bình thường hóa hội nghị thượng đỉnh và thành lập tổ công tác, nâng cao mức độ cơ chế hóa; (ii) các chủ đề đang dần được mở rộng, từ an ninh trên biển mở rộng đến cơ sở hạ tầng, hợp tác vắc xin, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, (iii) sự tương tác thường xuyên và chặt chẽ giữa các nước thành viên của cơ chế này với đối tác đồng minh cho thấy xu hướng mở rộng mạng lưới nhanh chóng; (iv) Cơ chế bốn nước đang cân nhắc khả năng mở rộng thành viên, trong đó tập trung chủ yếu vào các nước như Anh, Pháp, Đức, New Zealand, Hàn Quốc, Việt Nam.

+ Đông Nam Á:

GS. Renato De Castro, Đại học De la Salle (Manila), ngày 17/5 đánh giá Mỹ có thể rút khoảng 400 binh lính và các nhà thầu quốc phòng đã triển khai ở miền Nam Philippines trong vòng vài tháng tới nếu hai bên không đạt được Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) mới.

+ Mỹ-Âu:

Học giả Steven Grove, Quỹ Heritage - Mỹ, ngày 19/5 cho rằng Mỹ không cần tham gia UNCLOS để bảo vệ lợi ích hàng hải trên khắp thế giới. Việc gia nhập UNCLOS sẽ khiến Mỹ bị thiệt hại vì các khoản đóng góp do khai thác dầu khí tại thềm lục địa mở rộng và nguy cơ bị khởi kiện về môi trường, gây thiệt hại lớn về chi phí mà không đem lại lợi ích cho Mỹ.

+ Các nước khác:

Ngày 15/5, học giả SD Pradhan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Tình báo chung Ấn Độ nhận định Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thiết lập chương trình nghị sự cho các nước Chủ tịch tiếp theo nhằm đảm bảo các mục tiêu trong tương lai gần. Brunei là Chủ tịch ASEAN 2021 đang tiếp tục các chính sách do Việt Nam đưa ra, trong đó nhấn mạnh trọng tâm phát triển kinh tế qua việc triển khai các Nhóm kinh tế ưu tiên PED trong trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Brunei cũng tái khẳng định nhu cầu hợp tác đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế, hướng tới đạt được hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Tuy nhiên, ASEAN có hai nhiệm vụ quan trọng: (i) hoàn tất COC và (ii) thúc đẩy vấn đề Biển Đông ở Liên Hợp Quốc. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy ASEAN ngay cả khi không giữ vị trí Chủ tịch.

Ngày 16/5, học giả Jainli Yang và Aaron Rhodes đánh giá cơ chế QUAD cần chuyển hóa thành một liên minh kinh tế trên cơ sở một Hiệp ước. Theo đó, các bên tham gia cam kết bảo vệ nhau trong trường hợp Trung Quốc trả đũa một trong các quốc gia thành viên; ứng phó với chiến lược lâu nay của Trung Quốc là gây sức ép, trừng phạt các đối tác thương mại. Các phản ứng của Trung Quốc cho thấy nước này bất an về Quad, một “vòng cung dân chủ” ở châu Á kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Khó khăn lớn đối với các thành viên QUAD là mối liên kết thương mại với Trung Quốc.

Ngày 17/5, Giáo sư Ấn Độ Pankaj Jha nhận định trước các hành vi quyết đoán của Trung Quốc, Việt Nam có thể: (i) kêu gọi các nước ngừng hoạt động bồi đắp, đưa Biển Đông trở thành khu vực hòa bình, tự do và trung lập; (ii) mời các quan sát viên quốc tế và truyền thông quốc tế để thông tin thảm họa sinh thái Trung Quốc đang gây ra; (iii) tiến hành đối thoại quy mô lớn giữa các nước ASEAN cùng giới học giả, nhà báo, chuyên gia chiến lược, pháp lý để giải quyết bế tắc với Trung Quốc trong dài hạn; (iv) xây dựng các mốc để xác định khu vực an toàn hàng hải cho tàu bè qua lại; (v) tham vấn cách giải quyết tranh chấp giữa các nước trong khu vực như Singapore-Malaysia, Ấn Độ-Bangladesh; (vi) thành lập một ủy ban quốc tế gồm các chuyên gia có thể tham vấn về dự thảo COC để đi đến đồng thuận; (vii) giữ vai trò lãnh đạo, nêu bật vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn phù hợp.

Ngày 19/5, nhà nghiên cứu Ameera Rao, Viện Takshashila đánh giá Việt Nam và Ấn Độ cần cải thiện quan hệ quốc phòng. Hai nước đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và thái độ gây hấn của Bắc Kinh đối với những vấn đề này đều gây lo ngại. Dù Việt Nam và Ấn Độ đạt được nhiều bước tiến trong nâng cao hợp tác quân sự nhưng việc cung cấp thiết bị quân sự còn hạn chế. Ví dụ, năm 2014, Ấn Độ đề xuất bán tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam nhưng hai bên chưa đạt bất cứ tiến triển thực sự. Năm 2016, hai nước đã bàn việc mua bán ngư lôi chống tàu ngầm Varunastra. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết tiến triển sẽ lâu hơn mong đợi.

GS. Aoyama Rumi, Đại học Waseda - Nhật Bản, ngày 20/5 đánh giá sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga thăm Mỹ, việc duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc không còn được coi là “bất biến”. Hiện tại, Nhật Bản khởi động chính sách an ninh kinh tế như dần loại bỏ các sản phẩm của Hoa Vi và ZTE trong mua sắm của Chính phủ, di rời các doanh nghiệp khỏi Trung Quốc, hợp tác với Mỹ phát triển mạng 6G, bán dẫn, chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hợp tác an ninh sẽ phức tạp hơn nhiều. Nếu kịch bản xung đột Đài Loan nổ ra, Nhật Bản có thể đóng vai trò “khiên” và Mỹ phát huy vai trò của “thanh kiếm”. Nhật Bản có thể sẽ bị cuốn sâu hơn vào căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ. Trong khi ngày càng phụ thuộc về kinh tế đối với Trung Quốc, Nhật Bản sẽ gặp khó khăn đưa ra lập trường cứng rắn hơn. Nói cách khác, chính sách cân bằng của Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc dự báo rất khó thực hiện.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn