Tình hình nổi bật

Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân Mỹ ngày 7/7 tập trận song phương tại Biển Đông. Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu JS KASHIMA, JS SHIMAYUKI và một phi đội của Nhật Bản cùng tàu USS RONALD REAGAN (tàu sân bay) và USS MUSTIN (tàu hộ vệ mang tên lửa). Cuộc tập trận này giúp lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản gia tăng khả năng tác chiến và phối hợp với hải quân Mỹ.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 7/7 ra thông cáo báo chí trong Tham vấn quan chức ngoại giao Ấn - Mỹ: Cam kết hợp tác duy trì Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở, bao quát, hòa bình và thịnh vượng. Đánh giá lại toàn bộ tiến trình hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn cầu toàn diện Ấn - Mỹ (chính trị, kinh tế, thương mại, khu vực và liên khu vực). Về các vấn đề khu vực và toàn cầu, hai bên tái khẳng định hợp tác duy trì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở, bao quát, hòa bình và thịnh vượng. Cuộc họp trực tuyến diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao hai bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 8/7 trả lời phóng viên về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Nhật – Australia: “Hiện nay, với nỗ lực của Trung Quốc và các nước trong khu vực, tình hình “Nam Hải” (Biển Đông) về tổng thể duy trì ổn định và tốt lên. Tuy nhiên, một số quốc gia cá biệt ngoài khu vực thường xuyên làm lớn các vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông, thậm chí còn cử một lượng lớn tàu khu trục và máy bay hiện đại tới các vùng biển liên quan tiến hành quân sự hóa, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực” và kêu gọi tôn trọng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8/7 trong thông cáo báo chí nói Bắc Kinh “thường xuyên kích động tranh chấp lãnh thổ” và “thế giới không nên để hành vi bắt nạt này xảy ra, hay để nó tiếp diễn”. Chính quyền Trump đang nỗ lực giải quyết chủ nghĩa xét lại ngày một lớn của Trung Quốc. Cho biết Mỹ sẽ bắt đầu tiến hành đối thoại với EU để tìm ra cách đối phó với thách thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật và Úc ngày 8/7 ra Tuyên bố chung phản đối mạnh mẽ về các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm răn đe các hành vi trên. Nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp bằng hòa bình theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Mong muốn COC tại Biển Đông phù hợp luật quốc tế như UNCLOS, không làm phương hại tới lợi ích của bên thứ 3 hay bất kỳ quyền của nước nào trong luật quốc tế và tăng cường cấu trúc khu vực bao trùm hiện tại.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ngày 8/7 cho biết Mỹ phản đối việc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí vốn có từ lâu của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. An ninh hàng hải đóng vai trò sống còn với sự phát triển kinh tế của khu vực, toàn cầu cũng như với các quốc gia khu vực. Luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mọi quốc gia phải hành xử theo luật pháp quốc tế. Không nước nào được dùng vũ lực để cưỡng ép, bắt nạt các quốc gia khác và để thúc đẩy lợi ích riêng của họ.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne ngày 9/7 thảo luận về an ninh toàn cầu với Anh, Canada, Mỹ và New Zealand, bày tỏ lo ngại về luật an ninh quốc gia do Trung Quốc áp đặt lên Hồng Công sẽ làm suy giảm "Hệ thống một quốc gia hai chế độ" và niềm tin vào các thỏa thuận quốc tế. Úc sẽ cùng các nước hợp tác về nhân quyền và tự do.

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 9/7 ra tuyên bố về cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Nhật, tái khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai nước. Thủ tướng Úc tiết lộ thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản về cách hai nước hợp tác nhằm đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm và thịnh vượng. Hơn nữa, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận phương thức hỗ trợ cho Thái Bình Dương và Đông Nam Á trong việc nâng cao hệ thống y tế và sự phục hồi kinh tế.

Tờ The Globe and Mail Canada ngày 9/7 đưa tin Canada dừng hiệp ước dẫn độ tới Hồng Công, dừng xuất khẩu vật tư quân sự cho Hong Kong và cập nhật cảnh báo đi lại với Hong Kong nhằm "khuyến cáo công dân về những ảnh hưởng tiềm tàng của luật an ninh mới". Ngoại trưởng Canada phát biểu Canada cùng cộng đồng quốc tế một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hồng Công. Việc luật được thông qua trong một tiến trình bí mật mà không có sự tham gia của nhà lập pháp, tư pháp và người dân Hồng Công là vi phạm nghĩa vụ quốc tế. Hơn nữa, Ngoại trưởng Canada cho rằng luật này đi ngược lại hệ thống một quốc gia hai chế độ.

Góc nhìn Quốc tế

+ Trung Quốc:

Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình ngày 8/7 cho rằng các máy bay trinh thám EP-3E và RC-135 tiến hành giám sát khu vực gần bờ biển của Trung Quốc là để tìm hiểu các tín hiệu quân sự của PLA, những hành động này không chỉ mang tính chất chính trị mà còn có các yếu tố cân nhắc về quân sự. Các máy bay trinh thám EP-3E và RC-135 có thể bắt các sóng truyền tin, tiến hành phân tích và so sánh hàm lượng thông tin trong đó từ đó tìm hiểu và nắm bắt được hiện trạng các trang bị vũ khí và các động thái quân sự của Trung Quốc. Kiến nghị (1) PLA có thể áp dụng phương pháp tiếp cận đánh chặn để gây nhiễu máy bay quân sự Mỹ tiếp cận trinh sát; (2) Khi máy bay trinh sát đối phương tiếp cận không phận liên quan của Trung Quốc, PLA cũng có thể tạm dừng một số hoạt động quân sự để giảm tần suất các tín hiệu điện từ bị thu thập.

+ Châu Âu - Mỹ:

Chris Johnstone, Trưởng phòng Nam - Đông Nam Á Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 7/7 cho biết Mỹ “cùng với Việt Nam và Singapore quan ngại về các cuộc diễn tập gần đây của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa”. Mỹ coi hoạt động này là phản tác dụng, vi phạm DOC và sẽ làm căng thẳng tình hình khu vực. Khẳng định lực lượng vũ trang của Mỹ đang thực hiện nghĩa vụ của mình ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép; đang thực hiện nhiệm vụ đi lại tự do trên vùng biển quốc tế để có thể thúc đẩy hòa bình, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.

+ Các nước khác:

Đại tá Hải quân Ấn Độ Digvijay Sodha ngày 2/7 đưa ra 3 cách thức Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển cho các nhiệm vụ chiến lược trên biển: (i) Di chuyển theo đám đông để cản trở hoạt động tự do hàng hải của đối phương; (ii) Vận chuyển lực lượng và hậu cần tại các khu vực tranh chấp; (iii) Do thám và hỗ trợ hoạt động cho hải quân. Trung Quốc đã thực hiện hiệu quả hoạt động này ở Biển Đông.  Lực lượng này làm cản trở tự do hoạt động của hải quân Ấn Độ tại Đông Ấn Độ Dương, vận chuyển đổ bộ lính lên các đảo xa xôi và tách biệt của Ấn Độ, thực hiện các hoạt động do thám. Ấn Độ cần thường xuyên theo dõi hạm đội tàu cá Trung Quốc, tiêu chuẩn hóa tàu cá Ấn Độ, tăng cường huấn luyện hải quân…

Báo Thanh Niên ngày 6/7 cho biết Trung Quốc đang đồng loạt tập trận tại 3 vùng biển ở Châu Á gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải và ngang nhiên gọi đây là “3 chiến khu chính”. Theo CCTV, một tàu khu trục mang tên lửa và 2 trực thăng diễn tập bắt giữ một tàu lạ ở biển Hoa Đông. Cuộc tập trận này có thể được thiết kế cho các vùng biển gần Đài Loan và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Bên cạnh đó, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông và Hoàng Hải, khi Trung Quốc ngang ngược cấm các tàu dân sự đến gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ 1-5/7.

Nhân dịp Thủ tướng Úc và Nhật Bản sắp có cuộc thảo luận trực tuyến, Cựu Đại sứ Úc tại Mỹ John McCarthy ngày 8/7 cho rằng Úc nên học Nhật Bản trong ứng xử với Trung Quốc và Mỹ. Cho rằng Nhật Bản có cách tiếp cận cứng rắn và thực tế đối với Trung Quốc, nhưng lại không đối đầu. Do đó, Nhật Bản vẫn có nhiều mối liên hệ về cá nhân, doanh nghiệp với phía Trung Quốc, và rất cẩn trọng trong các phát ngôn liên quan tới Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có thể là một đối trọng với Trung Quốc khi uy tín và sự can dự ngoại giao của Mỹ suy giảm ở tại Đông Nam Á.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn