Tình hình nổi bật

Giám đốc FBI Christopher Wray ngày 7/7 tại viện Hudson nói mối đe dọa lâu dài và lớn nhất đối với an ninh và kinh tế Mỹ là gián điệp và phản gián từ Trung Quốc, nhấn mạnh đây không phải vấn đề của riêng chính phủ hay các tập đoàn lớn. Ông cũng nhấn mạnh thủ phạm không phải người dân Trung Quốc hay người Mỹ gốc Trung, mà là chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Báo Sina, Trung Quốc, ngày 8/7 trích dẫn nguồn tin từ Nhật Bản cho biết 2 tàu huấn luyện của Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản ngày 7/7 đã tiến hành huấn luyện liên hợp với hai tàu sân bay của Mỹ đang diễn tập tại Biển Đông, thực hiện huấn luyện triển khai chiến thuật và huấn luyện liên lạc, mục đích để tăng cường các kỹ năng chiến thuật của Lực lượng phòng vệ hải quân và củng cố mối quan hệ giữa Lực lượng này và quân đội Hoa Kỳ.

Tờ VnExpress ngày 8/7 đưa tin về vụ việc tàu Trung Quốc áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 4/7. Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) cho biết một số tàu tuần tra của hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh nhóm đảo tranh chấp, ở lại 30 tiếng trước khi rút đi. “Đây là vụ xâm nhập lãnh hải Nhật Bản lâu nhất của tàu Trung Quốc từ khi chính phủ Nhật Bản mua một số đảo thuộc nhóm đảo Senkaku từ chủ sở hữu tư nhân hồi năm 2012", JCG cho biết.

Hai chỉ huy cuộc diễn tập giữa hai nhóm tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan của Mỹ ở Biển Đông ngày 8/7 cho biết các biện pháp đặc biệt phòng chống Covid-19 đang được tiến hành trong suốt quá trình diễn tập, bao gồm yêu cầu mọi thủy thủ đeo khẩu trang, tiến hành giãn cách cần thiết, sử dụng các chuyên gia và nhân viên y tế trên tàu.

Góc nhìn Quốc tế

+ Châu Âu - Mỹ:

Học giả Allen Carlson, Mỹ, ngày 4/7 trên South China Morning Post đưa ra ba lý do sự quyết đoán của Trung Quốc đe dọa tới hòa bình và ổn định lâu dài ở Châu Á: (1) Trung Quốc và Ấn Độ đang giữ thái độ giận dữ với nhau về xung đột biên giới kéo dài giữa hai nước; (2) Với vị thế lớn hơn trước rất nhiều, Bắc Kinh đã tạo ra một hiện trạng mới về sự hiện diện hữu hình lâu dài của Trung Quốc ở những vùng nước có tranh chấp. Trung Quốc có vẻ không còn cố gắng duy trì thái độ kiềm chế ở Biển Đông như trước; (3) Việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông xung đột với Luật Cơ bản được áp dụng kể từ khi tiếp quản thành phố cho thấy ông Tập Cận Bình đã thực hiện các hành động mới, không còn tuân thủ các luật lệ vốn có và trở nên cứng rắn hơn khi xử lý các mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Tờ RFI ngày 6/7 nhận định trong cuộc họp trực tuyến của hội nghị cấp cao ASEAN lần 36, dù gặp những bất lợi nhất định so với các cuộc họp thông thường, cùng với Việt Nam, các nước Philippines, Malaysia, Indonesia đã bày tỏ lập trưởng cứng rắn hơn bao giờ hết với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Vai trò của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 ngày càng được nhấn mạnh. TS. Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nhận định các sự kiện liên quan tới Biển Đông gần đây giúp Việt Nam dễ dàng vận động các nước có một lập trường thống nhất và cứng rắn hơn trong ASEAN.

Greg Poling, CSIS, Mỹ, ngày 7/7 trả lời phỏng vấn của NPR, cho rằng việc Mỹ điều hai tàu sân bay đến khu vực là sự khẳng định năng lực hiện diện của Mỹ không hề bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và Mỹ đứng về phía các nước nhỏ trước sự gây hấn của Trung Quốc. Trước việc Việt Nam, Philippines, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ trong những tháng qua kêu gọi sự ủng hộ với khu vực lớn hơn từ Mỹ, hành động của Mỹ là chưa đủ nhưng đây là bước đầu chứng minh cho khu vực thấy Mỹ luôn ủng hộ khu vực. Lo ngại lớn nhất của Mỹ và cộng đồng quốc tế là thực trạng Bắc Kinh thiết lập được bá quyền ở Biển Đông sẽ xảy ra, khi đó không ai có thể tự do qua lại hay hoạt động ở vùng biển này. Greg nhấn mạnh không thể có giải pháp quân sự cho vấn đề này.

David A. Andelman, RedLines Project, Mỹ, ngày 7/7 cho rằng các cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ thường không có nhiều tác động tới hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân với mục tiêu thách thức sự thống trị của Mỹ tại Thái Bình Dương, cùng với đó tiếp tục củng cố kiểm soát tại Biển Đông. Vấn đề then chốt ở đây là Mỹ muốn thách thức Trung Quốc trực tiếp đến mức độ nào – trong bối cảnh Trung Quốc đã thể hiện rõ quyết tâm thống trị khu vực bằng vũ trang, sẵn sàng đe doạ gây xung đột chấp nhận leo thang một cách nhanh chóng, bất chấp hậu quả.

James Kraska, Đại học Hải chiến Mỹ, ngày 7/7 trên The Diplomat, nói rằng cái khó để xác định địa vị pháp lý của Lực lượng dân quân biển Trung Quốc (PAFMM) là do Trung Quốc đã cố tình “nhập nhằng”. Ông cho rằng trong thời gian xảy ra xung đột vũ trang, có thể chia PAFMM thành 3 nhóm: (1) nhóm các tàu đánh cá ven bờ được coi là mục tiêu dân sự, trừ khi chúng hỗ trợ quân đội Trung Quốc, (2) nhóm tàu đánh cá trên biển thông thường (ordinary, ocean-going fishing vessels) ban đầu được coi là mục tiêu dân sự, cho đến khi cho thấy chúng có đóng góp hiệu quả cho hoạt động quân sự (VD: đặt mìn kẻ thù, chở lực lượng quân đội…), (3) nhóm các tàu PAFMM được chuyên nghiệp hóa có thể được coi là mục tiêu quân sự (kể cả khi chúng không được trang bị vũ khí), dưới dạng lực lượng phụ trợ cho hải quân trên thực tế (de facto), hoạt động cùng hải quân Trung Quốc hoặc lực lượng cảnh sát biển để thực thi lập trường và các yêu sách biển Trung Quốc thông qua cưỡng chế, theo tầm nhìn của Chủ tịch Tập về kết hợp dân sự-quân sự.

Báo Thanh niên ngày 8/7 dẫn ý kiến học giả cho rằng việc Mỹ, Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông có thể xem là cao trào ngoại giao pháo hạm, Washington và Bắc Kinh không chỉ muốn gửi thông điệp cho nhau mà còn cho cả các bên khác ở khu vực. PGS-TS Stephen Robert Nagy, Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, kiêm học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương, Canada, cho rằng: “Ở cấp độ song phương, hai bên phát tín hiệu cho nhau rằng kiên quyết không lùi bước khỏi các vị trí hiện có trên Biển Đông. Rộng hơn, thông qua các cuộc tập trận, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều muốn gửi thông điệp đến các nước trong khu vực, các thành viên ASEAN… Cụ thể, Washington đang hướng đến nhấn mạnh một nước Mỹ mạnh mẽ, cam kết tiếp tục hiện diện tại khu vực. Còn Bắc Kinh thì muốn thể hiện rằng không ngần ngại sức mạnh từ Washington, và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự.”

Sébastien Roblin, tờ NBC News, Mỹ, ngày 8/7 nhận định cuộc diễn tập giữa hai nhóm tàu sân bay của Mỹ là hoạt động cần có để thể hiện sức mạnh, song chưa đủ để kiềm chế Trung Quốc. Các cuộc diễn tập và tuần tra thường xuyên của Mỹ ở Biển Đông giúp: (1) bảo vệ luật pháp quốc tế; (2) giúp các nước khu vực dám đứng lên trước sức ép từ Trung Quốc; (3) duy trì vị trí của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các hoạt động này là chưa đủ, Mỹ cần tiến hành tái đầu tư vào các đồng minh, bao gồm giải quyết rạn nứt, hợp tác sâu rộng hơn, thay vì đòi hỏi nhiều tiền hơn và đe dọa chiến tranh thương mại.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn