08/07/2020
Cập nhập tin tức và đánh giá mới nhất của học giả quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 6/7.
Tình hình nổi bật
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/7 ra Thông cáo chỉ trích diễn tập quân sự của Trung Quốc tại khu vực có tranh chấp (disputed territory) ở Hoàng Sa là vi phạm cam kết của nước này theo Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Mỹ ủng hộ các nước Đông Nam Á phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc.
Trang CNN Philippines ngày 2/7 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, Ấn Độ thể hiện ý định thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Bộ trưởng cho biết ông không phản đối nhưng cũng cho rằng, sự hiện diện của Ấn Độ ở Biển Đông có thể làm gia tăng căng thẳng.
The WSJ ngày 3/7 đưa tin hoạt động diễn tập của tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz là một trong những lần diễn tập lớn nhất của hải quân Mỹ trong những năm gần đây tại Biển Đông. “Mục đích là thể hiện tín hiệu rõ ràng cho các đối tác và đồng minh rằng Mỹ cam kết đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực”, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, Chuẩn Đô đốc George Wikoff biết. Ông từ chối tiết lộ vị trí cụ thể hai tàu sân bay diễn tập trên Biển Đông.
Máy bay ném bom B-52 ngày 4/7 từ lục địa Mỹ tham gia diễn tập cùng nhóm 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan ở Biển Đông trước khi hạ cánh xuống căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Chỉ huy phi đội máy bay ném bom 96 Christopher Duff cho biết “Điều này chứng tỏ khả năng triển khai nhanh chóng lực lượng từ căn cứ Mỹ đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, và thể hiện cam kết của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ đối với an ninh và ổn định của khu vực.”
Tờ Nikkei ngày 5/7 đưa tin phần lớn trong số 9.500 binh sĩ Mỹ rời khỏi Đức dự kiến sẽ được triển khai tới các căn cứ của Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương (Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản và Úc). Đây là động thái của Mỹ nhằm đối phó với “2 đối thủ cạnh tranh lớn” là Trung Quốc và Nga.
Phản ứng trước tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Ladakh ngày 3/7 khi ám chỉ Trung Quốc theo chủ nghĩa bành trướng, Phát ngôn viên ĐSQ Trung Quốc tại Ấn Độ tuyên bố trên Twitter cùng ngày rằng: Trung Quốc đã hoàn thành phân giới cắm mốc với 12 trên 14 quốc gia láng giềng thông qua đàm phán hòa bình, đưa vùng biên giới trên bộ thành khu vực hợp tác hữu nghị thân thiện. Thật vô căn cứ khi coi Trung Quốc là quốc gia theo “chủ nghĩa bành trướng”.
Góc nhìn Quốc tế
+ Mỹ và Châu Âu:
Ankit Panda, biên tập viên The Diplomat, ngày 2/7 cho biết lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đã tham gia vào hoạt động diễn tập quân sự của nước này tại Quần đảo Hoàng Sa (ngày 1-5/7). Việc một đơn vị chấp pháp dân sự tham gia vào hoạt động diễn tập của hải quân được đánh giá là một diễn biến mới. Đáng chú ý, trước đó Quốc hội Trung Quốc đã thông qua việc chỉnh sửa quy định liên quan đến Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc. Theo đó, cảnh sát biển Trung Quốc sẽ được phép tham gia vào các hoạt động chiến sự theo sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương.
+ Đông Nam Á:
Lee Yinghui, Đại Học Công Nghệ Nanyang (Singapore), ngày 29/6 trên The Diplomat, nhận định Trung Quốc đang “kín đáo” triển khai chương trình “Biển Xanh 2020” và cho rằng hiện nay chưa một quốc gia ASEAN nào có phản ứng công khai đối với sáng kiến này. Sáng kiến có vẻ đơn thuần nhằm chương trình bảo vệ môi trường biển nhưng các hoạt động thực thi pháp luật trong khuôn khổ sáng kiến bao gồm các hoạt động tuần tra khu vực bờ biển và trên biển. Phạm vi địa lý của sáng kiến cho đến nay là không rõ rang (các cơ quan quản lý Trung Quốc không làm rõ các hoạt động thực thi pháp luật chỉ được tiến hành trong lãnh hải của Trung Quốc hay rộng hơn trong khu vực Biển Đông). Bắc Kinh có thể sử dụng sáng kiến này như 1 công cụ để biện hộ cho hiện diện ngày càng gia tăng của các tàu chấp pháp trên Biển Đông. Học giả kêu gọi các nước Đông Nam Á quan tâm nhiều hơn đến “Biển Xanh 2020” trước khi chương trình trở thành một điểm bùng nổ xung đột mới trong khu vực.
Duân Đặng đưa tin ngày 5/7, tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát mỏ Lan Tây, cho thấy việc leo thang gây hấn từ phía Trung Quốc. Trước đó, tàu này rời Tam Á ngày 1/7, đến đá Xu Bi ngày 2/7, ngày 3/7 bắt đầu hướng đến lô 06.01. Nhận định việc Trung Quốc tăng cường quấy phá có thể từ 3 nguyên nhân: (i) gây sức ép buộc Việt Nam không triển khai các hoạt động mới cũng như gây sức ép trong các vấn đề Biển Đông khác; (ii) tăng cường quấy phá hoạt động dầu khí của Việt Nam nói chung; và (iii) lực lượng tại chỗ của Trung Quốc được cấp quyền tự do hoạt động nhiều hơn, đặc biệt sau khi có sự thay đổi cơ cấu tổ chức chỉ huy của hải cảnh Trung Quốc.
TS. Kin Phea, Giám đốc Viện nghiên cứu QHQT Campuchia, ngày 3/7 cho rằng Mỹ và Campuchia đang muốn cải thiện quan hệ song phương nhân dịp kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. "Tôi thấy rằng ngài Đại sứ Partrick Murphy hiện đang rất tích cực triển khai các hoạt động nhằm khôi phục lòng tin và củng cố quan hệ với Campuchia”, và Chính phủ Campuchia dường như cũng thể hiện thiện chí để khôi phục quan hệ giữa hai nước.
Bản PDF tại đây
@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao
"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.
Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...