Tình hình nổi bật

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3/8 đã điện đàm với Người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi và Singapore Vivian Balakrishnan về duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông, khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với các quốc gia Đông Nam Á duy trì các lợi ích và quyền chủ quyền theo luật quốc tế, chống lại các yêu sách biển phi pháp của Trung và thúc đẩy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Tân Tổng tư lệnh Quân đội Philippines, Trung tướng Gilbert Gapay, ngày 3/8 họp báo trực tuyến khẳng định các vấn đề lãnh thổ Biển Tây Philippines sẽ được giải quyết dựa trên luật pháp. Chính quyền Tổng thống Duterte đang áp dụng cách tiếp cận thực tế và thực dụng” để giải quyết vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông mà không làm ảnh hưởng lợi ích quốc gia. Ngoài ra, Tướng Gapay bày tỏ hy vọng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc sẽ được duy trì.

Theo CNN Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trong cuộc họp báo ngày 3/8 cho biết Philippines sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tập trận chung nào trên Biển Đông ngoại trừ ở vùng biển của Philippines. Theo Lorenzana, đây là chỉ thị của Tổng thống Duterte từ khi nhậm chức - Philippines không nên tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông, ngoại trừ trong phạm vi lãnh hải tính từ bờ biển nước này.

Theo Reuters, ngày 3/8, người dân Thái Lan phản đối Mỹ đến diễn tập trong bối cảnh nước này đang đóng cửa biên giới vì Covid-19. Nattapon Srisawat, người đứng đầu đơn vị ứng phó Covid-19 của quân đội Thái Lan, cho biết 106 quân nhân Mỹ sẽ tham gia ba cuộc diễn tập riêng vào ngày 18-30/8 tại ba Tỉnh của Thái Lan. Hơn 70 binh sĩ Mỹ đóng quân tại Guam đã đến Thái Lan hôm 3/8, những người còn lại sẽ xuất phát từ Nhật Bản. Đợt diễn tập được tổ chức trong bối cảnh quân đội Thái Lan đình chỉ mọi kế hoạch điều quân ra nước ngoài, sau khi 9 binh sĩ nhiễm Covid-19 trong đợt huấn luyện Lightning Forge của Mỹ ở Hawaii.

Tờ The Drive ngày 3/8 đăng tin và hình ảnh cho biết, Chiến khu miền Nam (quân đội Trung Quốc) đã cử một biên đội máy  bay chiến đấu Su-30 thực hiện nhiệm vụ “tuần tra” tại Biển Đông. Biên đội đã thực hiện chuyến bay liên tục trong 10 giờ, tiếp nhiên liệu trên không và bay tới khu vực đá Xu-bi (quần đảo Trường Sa).  

Tờ Thanh Niên ngày 2/8 đưa tin Trung Quốc đang phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ mới, sử dụng trên các tàu sân bay, để đối trọng Mỹ. Viện Thiết kế máy bay Thành Đô đang phát triển một phiên bản chỉnh sửa của máy bay J-20 trong khi Viện Thẩm Dương đang thay đổi máy bay FC-31. Chuyên gia quân sự Zho Chenming cho rằng J-20 không chỉ là máy bay chiến đấu đời thứ 5 mà có thể là nền tảng cho thiết bị tiên tiến khác nhằm vào điểm yếu của máy bay F-22 của Mỹ.

Ngày 31/7 tại Đại lễ đường Nhân dân, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố chính thức khai thông hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu 3. Dự án này có ý nghĩa lớn trong việc tăng cường sức mạnh toàn diện quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy Trung Quốc mở cửa ra thế giới, tăng cường sự tự tin quốc gia để đạt 2 mục tiêu một trăm năm.

Ngày 30/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị điện đàm với Người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi, bày tỏ Biển Đông không phải là chiến trường cạnh tranh địa chính trị hay võ đài của các nước lớn, mà nên trở thành vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phù hợp với lợi ích của các bên. Trung Quốc sẵn sàng cùng với các nước ASEAN tiếp tục thực hiện có hiệu quả DOC, đẩy nhanh tham vấn COC, duy trì trao đổi chặt chẽ, xử lý thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, giữ gìn hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực.

Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin, Jr. ngày 27/7 trên Twitter nói rằng Sabah không nằm trong Malaysia, khẳng định quyền kiểm soát của Philippines đối với khu vực này. Tuyên bố được đưa ra để phản hồi tweet của Đại sứ quán Mỹ tại Manila về việc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tặng bộ dụng cụ vệ sinh cho người Philippines hồi hương từ Sabah. Hai ngày sau, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết sẽ triệu tập Đại sứ Philippines để giải thích các phát biểu trên Twitter của ông Locsin. Hôm 30/7, Ngoại trưởng Locsin cho biết ông cũng đã triệu tập Đại sứ Malaysia.

Góc nhìn Quốc tế

+ Trung Quốc:

Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) cho biết trong tháng 7 Mỹ cử tổng cộng 67 lượt máy bay trinh sát hoạt động tại Biển Đông (tăng gấp đôi so với 35 lượt trong tháng 5 và 49 lượt trong tháng 6/2020). Hoạt động của các máy bay Mỹ chuyển từ trinh sát “kiểu phòng vệ” sang “kiểu đối kháng”, gây sức ép về chính trị và quân sự. Dbáo Mỹ sẽ tiếp tục tăng hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là gần bờ biển Trung Quốc và điều này sẽ làm gia tăng rủi ro va chạm quân sự Trung - Mỹ.

+ Các nước khác:

Kevid Rudd, Cựu Thủ tướng Úc, ngày 3/8 cho biết quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, làm tăng khả năng xung đột vũ trang, đặc biệt khi tình hình Đài Loan, Hồng Kông và Biển Đông diễn biến phức tạp, áp lực trong nước và bầu cử tại Mỹ. Quan hệ Mỹ - Trung cần có một khung mới nhằm quản lý khủng hoảng, cạnh tranh chiến lược và hiểu được giới hạn đỏ của nhau.

James Massola, Úc, ngày 3/8 cho rằng Biển Đông ý nghĩa quan trọng đối với sự tự do, rộng mở và thương mại của Úc. Biển Đông có ý nghĩa chiến lược nguồn tài nguyên, tuyến đường vận tải biển và ưu thế quân sự nếu kiểm soát được các thực thể. GS. John Blaxland (ĐH Quốc gia Úc) cho rằng các nước cần hỗ trợ Mỹ đẩy lùi Trung Quốc nếu không muốn Mỹ rút lui khỏi các cam kết an ninh khu vực. Medcalf (ĐH Quốc gia Úc) cho biết bất chấp ý kiến Trung Quốc đã kiểm soát được Biển Đông, hành động phản kháng gần đây của các nước như Việt Nam, Malaysia và Indonesia cho thấy tình hình Biển Đông sẽ ngày càng nóng hơn. Úc không nên tham gia ngay vào FONOP trong 12 hải lý các thực thể Trung Quốc quân sự hóa phi pháp mà duy trì hiện diện và không lùi bước trước yêu sách của Trung Quốc.

 Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn