Tình hình nổi bật

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 29/7 điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen về quan hệ Việt Nam – EU và Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, an ninh, tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982 và đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quan trọng kết nối EU và khu vực.

Phái đoàn thường trực Malaysia tại Liên hợp quốc ngày 29/7 gửi công hàm số HA 26/20 lên Tổng thư ký LHQ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông (được nêu trong công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc ngày 12/12/2019): (1) Malaysia phản đối yêu sách quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán khác đối với các vùng biển ở Biển Đông nằm trong phạm vi đường chín đoạn vì các yêu sách này trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý do vượt quá các ranh giới thực chất và địa lý của quyền hưởng vùng biển của Trung Quốc như quy định của UNCLOS; (2) Malaysia phản đối toàn bộ nội dung công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc do Malaysia thấy yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể ở Biển Đông không có cơ sở về luật pháp quốc tế.

Trung Quốc ngày 29/7 gửi một công hàm mới phản đối công hàm về Biển Đông của Úc với những lời lẽ hết sức gay gắt. Cụ thể, Bắc Kinh lên án Canberra "vi phạm luật pháp quốc tế và những nguyên tắc căn bản của quan hệ quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ”.

Báo Hoàn Cầu ngày 30/7 cho biết máy bay H-6G và H-6J cùng các máy bay chiến đấu mới khác của lực lượng không quân thuộc hải quân Trung Quốc huấn luyện cường độ cao ở Biển Đông. Nội dung đợt huấn luyện bao gồm cất/hạ cánh ban đêm, tấn công tầm xa và tấn công mục tiêu trên biển. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức giới thiệu loại oanh tạc cơ mới H-6J, có bán kính tác chiến xa hơn và mang theo nhiều tên lửa hơn các loại oanh tạc cơ H-6 trước đó, đặc biệt là mang được tên lửa chống hạm siêu thanh Ưng Kích 12 (YJ-12).

Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 30/7 phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về dự kiến ngân sách BNG cho năm tài khóa 2021. Trong đó gồm 41 tỷ USD cho BNG và USAID, gần 1,5 tỷ USD trong số này dành cho hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tăng 20% so với 2020. Ngoại trưởng cũng chỉ trích Chính quyền “độc tài” ở Nga và Trung Quốc, cho biết Mỹ bắt đầu được nhiều quốc gia hưởng ứng chống lại “mối đe dọa Trung Quốc”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường ngày 30/7 trả lời họp báo về “Sách trắng Quốc phòng 2020” của Nhật Bản, cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối và vô cùng bất mãn với cáo buộc vô lý của Nhật Bản khi đưa ra thuyết “nguy cơ quân sự Trung Quốc”, bẻ cong sự thật trắng đen về vấn đề Biển Đông. Cho rằng tuyên bố về Biển Đông của Mỹ hoàn toàn không có căn cứ, vô đạo lý, đầy định kiến, có tính công kích và bôi nhọ Trung Quốc, cho rằng Mỹ chỉ tận dụng luật quốc tế khi có lợi. Việc Mỹ nhắc lại Phán quyết 2016 làm náo loạn ổn định khu vực, phá vỡ quan hệ giữa các nước.

Theo tờ Livemint, Ấn Độ, ngày 30/7 Cao ủy Úc tại Ấn Độ cho biết Úc hết sức quan ngại các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, phản đối các yêu sách biển trái pháp luật của Trung Quốc ở khu vực, phản đối hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng đường biên giới LAC Ấn Độ -Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 30/7 trả lời họp báo về tiến trình tháo dỡ các lều trại quân sự dọc LAC nhằm giảm căng thẳng biên giới Ấn-Trung theo đúng thỏa thuận, nghị trình song phương, cho biết, tiến trình tháo dỡ đã diễn ra nhưng công việc vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Chỉ huy cao cấp hai bên sẽ gặp gỡ và đề ra các bước đi tiếp theo cho tiến trình này.

Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông phát biểu tại hội thảo trực tuyến ngày 30/7 do Viện Nghiên cứu Trung Quốc của Ấn Độ tổ chức, bày tỏ lo ngại về những tiếng nói ở Ấn Độ kêu gọi New Delhi điểu chỉnh chính sách với Trung Quốc: Thay đổi chính sách 1 Trung Quốc, thay đổi lập trường về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương, Hồng Công và Biển Đông. Khẳng định Trung Quốc không phải là mối đe dọa của Ấn Độ, kêu gọi giải quyết đúng đắn những bất đồng, đưa mối quan hệ song phương trở lại bình thường.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Phi ngày 30/7 dẫn lời học giả Châu Phi Shannon Ebrahim cho rằng Tuyên bố về Biển Đông của Ngoại trưởng Pompeo là đe dọa nghiêm trọng an ninh hòa bình quốc tế. Lập trường của Mỹ về chủ quyền Biển Đông trước là trung lập nhưng các hành động gần đây như công khai phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc với Nam Hải chư đảo, ủng hộ vụ kiện Biển Đông… đã làm căng thẳng tình hình khu vực. Trung Quốc đã thể hiện sự nhẫn nại chiến lược trước các hành động khiêu khích của Mỹ và cũng tiến hành các biện pháp để bảo vệ chủ quyền như xây dựng sân bay, gia tăng phòng vệ các đảo…

Góc nhìn Quốc tế

+ Các nước khác:

Lục Anh Tuấn, Đại học New South Wales, Úc, ngày 25/7 cho rằng Úc đang quyết liệt chưa từng thấy với Trung Quốc ở Biển Đông. Úc vừa chính thức bác hết mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và công bố bản cập nhật Chiến lược quốc phòng Úc 2020, đưa 5 tàu chiến ra Biển Đông tập trận với Nhật Bảnvà Mỹ. Tuy chưa thể kết luận Úc sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn với Mỹ, nhưng sự gia tăng can dự của Úc ở Biển Đông là ngoài mong đợi. Do đó, Trung Quốc nên điều chỉnh lại cách ứng xử của mình trước khi quá muộn.

GS. Donald R. Rothwell, Đại học Quốc gia Úc ngày 31/7 cho rằng mặc dù kiên định với chính sách không chọn bên trong các tranh chấp khu vực, Úc không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng Úc lại có lợi ích thương mại và tự do hàng hải to lớn ở khu vực này. Do đó, Úc đưa ra Công hàm nhằm bác bỏ các quyền lịch sử và yêu sách biển của Trung Quốc không tuân thủ UNCLOS 1982.  Úc cũng nói rõ các "thực thể được cải tạo nhân tạo" (artificially transformed features) không được hưởng quy chế của "đảo hình thành tự nhiên" trong UNCLOS. 

 Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn