27/05/2020
Cập nhập tin tức và đánh giá mới nhất của học giả quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 26/5.
Tình hình nổi bật
Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), ngày 18/5 ra thông báo mời thầu quốc tế đến ngày 31/10/2020 để thăm dò tại 15 lô dầu khí với tổng diện tích khoảng 9.453 km2, tại biển Bột Hải, Hoa Đông, vùng biển tỉnh Quảng Đông, đảo Hải Nam và Vịnh Bắc Bộ. Mục đích của việc mời thầu là mở rộng hợp tác đối ngoại, thu hút các công ty nước ngoài đầu tư thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trên biển của Trung Quốc.
Góc nhìn Quốc tế
+ Trung Quốc:
Hoàng Nhẫn Vĩ, Viện nghiên cứu Quản trị Toàn cầu và Vành đai Con đường – Đại học Phúc Đán, ngày 26/5, phân tích những thách thức và cơ hội mới từ dịch covid-19 đối với Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI). Ông cho rằng những thách thức mới của BRI là toàn diện, sâu sắc và lâu dài, bao gồm: (i) tiến độ của những dự án BRI, (ii) Mỹ cảnh giác hơn và gia tăng áp lực lên BRI, (iii) hoãn hoặc huỷ bỏ những cuộc họp thượng đỉnh và trao đổi cấp cao giữa Trung Quốc và ASEAN, (iv) tình trạng khó trả nợ do một số nước đang phát triển chỉ trích Trung Quốc về dịch bệnh (v) hợp tác giữa WTO với AIIB, BRICK và quỹ Con đường tơ lụa có dấu hiệu đi xuống, (iv) biến động chính trị tại các quốc gia tạo ra tính bất định cho các dự án BRI. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ các cơ hội mới, bao gồm: (i) BRI là điểm sáng tăng trưởng của thế giới, (ii) các tuyến tàu hàng Trung Quốc – Châu Âu gia tăng trong thời gian dịch bệnh, (iii) hình thành chuỗi sản xuất mới giữa các nước dọc theo BRI, (iv) không gian phát triển cho 5G và công nghệ được mở rộng.
+ Đông Nam Á:
Nghiên cứu viên Zi Yang, Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam, Đại học Công Nghệ Nan Yang, Singapore ngày 19/05, nhận định tham nhũng tồn tại trong tập đoàn nhà nước về đóng tàu quân sự của Trung Quốc là mối đe dọa vô hình nghiêm trọng đối với hải quân nước này vì (i) chất lượng thiết bị bị ảnh hưởng bởi quỹ công ty bị cắt xén; (ii) các cá nhân không đủ năng lực nắm giữ vị trí quan trọng nhờ hối lộ, làm giảm đi khả năng hỗ trợ cho hải quân; (iii) nguy cơ an ninh đối với hải quân gia tăng vì những cá nhân tham nhũng không màng tới luật pháp và để lộ thông tin mật ra ngoài.
+ Châu Âu - Mỹ:
TS Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Trường Quân sự Pháp (IRSEM), ngày 25/5 trao đổi với RFI cho rằng (i) các hành động gần đây của Trung Quốc không hẳn lợi dụng dịch bệnh mà là chiến lược lâu dài, liên tục từ năm 2010; (ii) việc các công ty Mỹ rời Trung Quốc và nhắm vào Indonesia cho thấy Mỹ vẫn còn nghi ngờ về khả năng mà Việt Nam tách biệt khỏi Trung Quốc vì truyền thống kinh tế, chính trị, lịch sử lâu đời.
Derek Grossman, Viện RAND, Mỹ, ngày 25/5, nhận định Trung Quốc gửi viện trợ phòng chống Covid-19 cho một số nước Đông Nam Á nhằm cải thiện hình ảnh của mình trong bối cảnh các nước này có nhiều mâu thuẫn về địa chính trị. Ông cho rằng các nước này có thể chấp nhận viện trợ nhưng sẽ vẫn chỉ trích Trung Quốc.
Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ngày 25/5, kêu gọi khối này cần có “chiến lược mạnh mẽ hơn” với Trung Quốc. Đại dịch có thể là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông, và “sức ép chọn bên đang ngày một gia tang” với EU. Theo ông, EU “cần theo đuổi các lợi ích và giá trị của riêng mình, tránh để bị bên này hay bên khác sử dụng làm công cụ.”
+ Các nước khác:
Học giả Kuni Miyake, Nhật Bản, ngày 25/5, khuyến nghị Nhật Bản nên cùng các nước có chung chí hướng soạn thảo một “Hiến chương Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới” nhằm xây dựng một trật tự quốc tế bao gồm các nguyên tắc toàn cầu có lợi cho người dân trên toàn thế giới. Học giả đưa ra 7 lý do để Nhật Bản nên làm điều này: (i) tình hình địa chính trị của Nhật Bản sẽ không thay đổi; (ii) cạnh tranh bá quyền giữa Mỹ-Trung sẽ gia tăng; (iii) tiến trình lưỡng phân cực hóa kỹ thuật số; (iv) các nguyên tắc nền tảng cũ đã không được áp dụng đúng cách vào vấn đề Biển Đông và dịch Covid 19 đang làm xói mòn các nguyên tắc này; (v) tương lai không chắc chắn của chính quyền Trung Quốc; (vi) Liên Hợp Quốc có thể cần cải tổ lại; (vii) Nhật Bản phải đóng vai trò xúc tác và trung gian để nắm lấy thời cơ.
Bản PDF tại đây
@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao
"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.
Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...