25/09/2020
Cập nhập tin tức và đánh giá mới nhất của học giả quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 24/9.
Tình hình nổi bật
Tại Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 11 ngày 23/9, hai nước đánh giá cao những tiến triển trong hợp tác quốc phòng, an ninh trên cơ sở các văn bản hợp tác sẵn có, nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng. Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm liên quan đến hòa bình, an ninh, trong đó có an ninh hàng hải, hợp tác và phát triển tại khu vực; nhất trí tiếp tục coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN.
Bí thư Đảng ủy “Thành phố Tam Sa” Trương Quân ngày 18/9 làm việc với Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Hải Nam Tạ Kinh, trao đổi về việc hợp tác nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo khoa học kỹ thuật, cho biết thời gian tới sẽ tập trung đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ biển, đẩy nhanh xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm biển sâu, tận dụng các lợi thế về địa lý và tài nguyên của Biển Đông để thu hút giới khoa học công nghệ trong và ngoài nước tới Tỉnh Hải Nam nhằm thiết lập và triển khai các dự án nghiên cứu chuyên đề về đại dương; nhấn mạnh điều kiện tự nhiên phù hợp của “Tam Sa” cho công tác nghiên cứu sinh thái biển và là khu vực trọng điểm của Tỉnh Hải Nam về đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ biển.
Ngày 24/8, tại Hội nghị Tư lệnh quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (ACDFM17) trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đề nghị các nước kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp tình hình, tăng cường đối thoại, hợp tác nhằm tháo gỡ bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Thứ trưởng đề nghị quân đội các nước ASEAN tiếp tục nâng cao khả năng phối hợp hoạt động chung, phát huy vai trò và tính hiệu quả của các cơ chế sẵn có trong quân sự nhằm xây dựng lòng tin, đoàn kết giữa quân đội các nước, tạo thành sức mạnh ứng phó với thách thức chung, góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Trưởng đoàn các nước ASEAN khẳng định ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải Biển Đông, kiên trì lập trường nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/9 hội kiến trực tuyến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cho rằng 75 năm qua Liên hợp quốc đã cống hiến nhiều cho sự phát triển và hòa bình của thế giới. Dịch bệnh đã đặt ra nhiều vấn đề mới nhưng không thể tách rời vấn đề phát triển hòa bình, cần cố gắng giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh, tăng cường các biện pháp hỗ trợ giúp đỡ các nước đang phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Dịch bệnh cũng làm rõ vấn đề quản trị toàn cầu không thích hợp và không hợp lý, các nước cần tăng cường liên kết, vượt qua ranh giới của các quốc gia, dân tộc, văn hóa và hệ tư tưởng, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, xây dựng ngôi nhà chung thế giới và con người đang sinh sống.
Tờ Breaking Defense ngày 22/9 cho biết Thủy quân lục chiến của Mỹ đang thành lập các trung đoàn chiến đấu ven bờ mới nhằm thách thức các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc. Dự kiến sẽ có 2 trung đoàn đóng tại Nhật Bản và 1 ở Đảo Guam, sẽ qua diễn tập và thử nghiệm 3 năm trước khi hoàn thiện và sẵn sàng triển khai thực tế.
Cuộc tập trận PASSEX thường kỳ diễn ra hai ngày 23 và 24/9 với sự tham gia của tàu khu trục HMAS Hobart của Úc, tàu hộ vệ tàng hình INS Sahyadri, INS Karmuk và máy bay tuần tra tầm xa P-8I của Ấn Độ, nhằm thúc đẩy năng lực phòng không trên biển, gồm các hoạt động như khai hỏa, điều khiển tàu, diễn tập và cất hạ cánh máy bay trên tàu.
Góc nhìn quốc tế
+Châu Âu-Mỹ:
Ngày 23/9, Bonnie Glaser (CSIS, Mỹ) cho biết ứng cử viên Joe Biden sẽ cứng rắn hơn trong hai vấn đề bao gồm vấn đề nhân quyền của Trung Quốc và quân sự hoá ở Biển Đông. Bonnie hy vọng sẽ được nghe thảo luận về hai vấn đề này – hai vấn đề mà vốn dĩ Tổng thống Trump không bao giờ nói đến.
+Đông Nam Á-Châu Á:
Liên quan đến việc ĐSQ Mỹ tại Hà Nội đăng tải tấm bản đồ Việt Nam gây tranh cãi trong thời gian gần đây, Khang Vũ trên The Interpreter ngày 22/9 cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ tiếp tục chính sách trung lập từ trước tới nay, không có sự thay đổi lập trường. Việc ĐSQ Mỹ thay đổi bản đồ Việt Nam không có hình ảnh Hoàng Sa và Trường Sa khiến cho uy tín của Mỹ đối với người dân Việt Nam bị tổn hại và củng cố thêm chính sách “ba không” của Việt Nam.
Premesha Saha, chuyên viên nghiên cứu ORF, ngày 23/9 nhận định, cạnh tranh Mỹ-Trung tác động lớn đến Biển Đông. Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc, FONOP của Mỹ và các cuộc tập trận của Trung Quốc đang khiến khu vực nguy cơ trở thành vùng quân sự. Đứng trước tình hình khó khăn, các nước ASEAN cần: (i) Đoàn kết và có lập trường vững chắc; (ii) Nhanh chóng hoàn tất COC, COC có thể đi theo hướng “Dựng từng khối” (building block): ban đầu tập trung vào hạn chế đánh bắt bất hợp pháp, chấm dứt hành vi quấy rối tàu thăm dò khai thác, sau đó đến giảm sự tham gia của tàu quân sự trong vùng tranh chấp; (iii) Hợp tác với Ấn, Úc, Nhật và Mỹ về nâng cao năng lực, đàm phán COC tại các diễn đàn đa phương của ASEAN.
Liên quan đến việc Tổng thống Philippines Duterte nêu Phán quyết 2016 tại Liên hợp quốc, ngày 24/9 chuyên gia Jeffrey Ordaniel (Chương trình hàng hải Pacific Forum, Mỹ) nhận định việc ông Duterte đề cao Phán quyết là bước đi đúng, nếu Philippines có chiến lược, nước này nên liên tục củng cố tầm quan trọng của Phán quyết 2016. Học giả Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển (Đại học Philippines), cho rằng cần theo dõi thêm hành động của Chính quyền Duterte sau khi ông Duterte nhấn mạnh tầm quan trọng của Phán quyết.
Bản PDF tại đây
@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao
"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.
Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...