23/10/2020
Cập nhập tin tức và đánh giá mới nhất của học giả quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 22/10.
Tình hình nổi bật
Báo Sohu ngày 15/10 cho biết Trung Quốc đang xem xét dự thảo Luật Cảnh sát biển. Tại kỳ họp lần thứ 22 Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, các đại biểu đã nghe và thảo luận về dự thảo “Luật Cảnh sát biển” do Quân ủy Trung ương Trung Quốc chủ trì xây dựng và báo cáo. Đây là bước tiến mới cho thấy Trung Quốc chuẩn bị ban hành bộ luật có ý nghĩa quan trọng này. Sau khi được ban hành, “Luật Cảnh sát biển” sẽ là cơ sở pháp lý cho hoạt động thực thi pháp luật của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc. Việc xây dựng “Luật Cảnh sát biển” là xu thế và nhu cầu tất yếu, là bước đi cần thiết để xây dựng lực lượng Hải cảnh sau khi Trung Quốc chuyển lực lượng Hải cảnh thành một bộ phận của Bộ đội Cảnh sát Vũ trang Nhân dân.
Tờ Times of India ngày 20/10 cho biết trong tháng 11, Australia sẽ cùng Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tham gia cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn - diễn tập hải quân Malabar - ở khu vực ngoài khơi Ấn Độ, qua đó cho thấy cơ chế Bộ tứ an ninh Mỹ - Nhật Bản - Australia - Ấn Độ đã bước vào thời kỳ cụ thể hóa các hợp tác trong lĩnh vực quân sự và chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc. Giới quan sát quân sự cho rằng, qua các sự kiện này, dường như đang hình thành một “tiểu NATO” ở Châu Á, được dẫn dắt bởi nhóm Bộ Tứ. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds đã xác nhận Australia sẽ tham gia Cuộc tập trận Malabar 2020; mô tả là một “hoạt động mang tính dấu mốc”. “Các cuộc tập trận quân sự cao cấp như Malabar là chìa khóa để nâng cao năng lực biển của Australia, xây dựng khả năng tương tác với các đối tác thân thiết của chúng tôi và thể hiện quyết tâm chung của chúng tôi nhằm hỗ trợ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và thịnh vượng”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres ngày 21/10 tại cuộc họp Bộ trưởng ASEAN-Liên hợp quốc phát biểu về tình hình Biển Đông, cho rằng sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông đòi hỏi các bên triển khai đối thoại và tránh leo thang. Hy vọng rằng các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC sẽ mang lại kết quả càng sớm càng tốt, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế và "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển".
SCMP ngày 22/10 cho biết cuộc tập trận tên lửa của Trung Quốc trên Biển Đông khiến máy bay Đài Loan quay trở lại Hồng Công. Các cuộc tập trận tên lửa trong Biển Đông và những hạn chế về hàng không là lý do khiến một máy bay Đài Loan bị từ chối vào không phận Hồng Kông trên đường đến quần đảo “Đông Sa” vào tuần trước. "Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành một cuộc tập trận tên lửa đất đối không trên Biển Đông vào buổi sáng 15/10 khi máy bay Đài Loan đang hướng đến quần đảo Đông Sa”, một nguồn tin quân sự thân cận với PLA tại Bắc Kinh cho biết.
Góc nhìn quốc tế
+ Châu Âu – Mỹ:
Drone Wars UK ngày 21/10 công bố báo cáo “Contested Sea, Crowded Sky” về vai trò của các thiết bị bay không người lái đối với các nước khu vực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hiện nay các nước trong khu vực đều tăng cường đầu tư vào các thiết bị bay không người lái. Tuy nhiên mới chỉ có Trung Quốc có năng lực vận hành máy bay không người lái có vũ trang. Mặc dù về trước mắt sử dụng máy bay không người lái có thể giảm thiểu rủi ro về người, nhưng trong bối cảnh vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào về tiêu chuẩn sử dụng loại thiết bị này, việc tăng cường triển khai các máy bay không người lái có thể khiến xung đột vũ trang dễ xảy ra hơn.
+ Các nước khác:
Tờ The Diplomat ngày 14/10 cho biết Chính phủ Úc đang ở giai đoạn cuối trong việc xem xét cung cấp một gói viện trợ cho các nước Đông Nam Á trị giá hàng trăm triệu USD trong 4 năm tới nhằm giúp các nước này giảm nhẹ tác động của 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mê Công. Gói viện trợ mới là một động thái được hoan nghênh đối với cam kết của Australia tại tiểu vùng Mê Công và cả Đông Nam Á nói chung. Cam kết tài trợ mới của Australia là một bước đi tiến tới ưu tiên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như là diễn đàn chủ chốt của đối ngoại Australia.
Tân Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Tarumi Hideo, một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ngày 15/10 trả lời phỏng vấn độc quyền với NHK trước khi lên đường tới Bắc Kinh vào tháng sau cho rằng Nhật Bản và Trung Quốc nên bỏ qua quan hệ song phương bất ổn hiện tại và nỗ lực xây dựng quan hệ vững chắc hơn thông qua đối thoại cấp cao. Ông Tarumi nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ phản ứng kiên quyết trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động tại Biển Hoa Đông, trong đó có vùng biển quanh quần đảo Senkaku. Ông cho biết sẽ không nhượng bộ do đây là vấn đề chủ quyền của Nhật Bản. Ông cũng cho rằng Nhật Bản không thể để Trung Quốc tận dụng bất cứ cơ hội nào. Quan hệ song phương Nhật - Trung thường lên xuống đột ngột, nên hai nước cần phải xây dựng quan hệ mới, thay vì mối quan hệ dựa trên nền tảng không vững chắc và lung lay bất cứ khi nào gặp vấn đề. Ông cho rằng hai nước cần khẳng định trao đổi song phương có lợi cho cả hai bên, và xây dựng mối quan hệ vững chắc, không bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài.
Trong điều trần trước Quốc hội Australia, ngày 20/10, ông Michael Burgess, Lãnh đạo cơ quan Tổ chức An ninh Tình báo Australia (ASIO), cho biết mức độ hoạt động gián điệp hiện nay “mạnh hơn cả thời Chiến tranh Lạnh”, nhiều người trong các cộng đồng gốc nước ngoài bị chính quyền quốc gia nơi họ xuất thân cử người theo dõi, gây áp lực. Một điều tra cho thấy người Duy Ngô Nhĩ, chạy trốn khỏi vùng Tân Cương, sống lưu vong tại Australia hay một số quốc gia khác, là mục tiêu của chính quyền Trung Quốc. Nhiều sinh viên Hồng Công đăng ký học tại các đại học Australia khẳng định chính họ và thân nhân sống tại Hồng Công bị đe dọa sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ làm rung chuyển đặc khu hồi năm ngoái. Rất hiếm khi các lãnh đạo phản gián Australia trực tiếp lên tiếng về chủ đề nhạy cảm này. Theo giới quan sát, gián điệp Trung Quốc là mối lo hàng đầu của Canberra những năm gần đây.
Bản PDF tại đây
@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao
"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.
Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...