Tình hình nổi bật

Ngoại trưởng Anh ngày 20/7 thông báo đình chỉ Hiệp ước dẫn độ và áp lệnh cấm bán vũ khí với Hồng Công. Anh sẽ không xem xét tái kích hoạt những thoản thuận này trừ khi có những biện pháp bảo vệ rõ ràng và vững chắc nhằm hạn chế việc quyền dẫn độ từ Anh bị lạm dụng theo luật an ninh mới.

BTQP Nhật Bản và BTQP Malaysia ngày 20/7 điện đàm về nhiều vấn đề bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông. BTQP Nhật Bản phản đối mạnh mẽ nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng cưỡng ép, các hành vi gia tăng căng thẳng và nhận định trật tự trên biển tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật là rất quan trọng. BTQP Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định tại Biển Đông và các vấn đề ở Biển Đông phải được giải quyết hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên ngày 20/7 trả lời Thời báo Manila, “cảnh báo” các quốc gia ASEAN phải cảnh giác cao độ với việc Mỹ đang tìm cách tăng cường can thiệp vào Biển Đông khi Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đang nỗ lực để kiểm soát tranh chấp Biển Đông. Mỹ đang bóp méo sự thật và tìm cách reo rắc bất hòa giữa Trung Quốc với các quốc gia ven biển khác, tìm cách diễn dịch tranh chấp đơn thuần về lãnh thổ và biển tại Biển Đông thành cạnh tranh về địa chính trị. Trung Quốc và các quốc gia ASEAN nên cùng giải quyết tranh chấp, không để Mỹ lợi dụng để phá hoại sự ổn định của Châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng Úc ngày 21/7 đưa tin Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản, Hải quân Úc và nhóm tàu tấn công Ronald Reagan Mỹ đã tập trận tại Biển Philippines. Chuẩn Đô đốc Michael Harris, chỉ huy nhóm tác chiến của Úc, nhận định hải quân phải hợp tác chặt chẽ để duy trì an ninh và an toàn hàng hải. Thuyền trưởng Sakano Yusuke, đội tàu hộ tống số 4 của Nhật Bản, cho biết hợp tác với hải quân Mỹ và Úc rất quan trọng với Nhật Bản để đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thuyền trưởng tàu USS Antietam Russ Caldwell đánh giá tập trận củng cố quan hệ đồng minh chặt chẽ, trật tự luật pháp trên biển, ổn định khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 21/7 nêu quan ngại về tình hình Biển Đông với Ngoại trưởng Trung Quốc, đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển trong Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (trực tuyến).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 21/7 cho biết có kế hoạch tới thăm Trung Quốc trước cuối năm nay, khi căng thẳng song phương đang leo thang, nhằm thúc đẩy quan hệ mang tính xây dựng và 2 bên cùng có lợi, mở ra các kênh đối thoại và giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, BTQP Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc không có quyền biến vùng biển quốc tế thành khu vực hàng hải độc quyền của riêng mình.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Báo Hoàn Cầu ngày 20/7 cho biết 1 lữ đoàn không quân của Chiến khu miền Nam Trung Quốc đóng ở Hải Nam đã tiến hành tập trận tấn công mục tiêu biển bằng đạn thật trong hai ngày 15-16/7 với sự tham gia của máy bay ném bom JH-7 (một trong những máy bay chiến đấu xuất hiện tại Phú Lâm thời gian gần đây).

Tảo Báo Thượng Hải ngày 20/7 cho biết khi Biển Đông nóng lên, Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển tàu sân bay. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ cho ra mắt tàu sân bay thứ 3 thế hệ 002, đồng thời đẩy nhanh đóng tàu sân bay thứ 4 từng bị tạm hoãn do lỗi kỹ thuật. Đến trước cuối năm 2035 Trung Quốc sẽ đóng ít nhất 6 tàu sân bay để đuổi kịp Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Hiện Mỹ có 11 tàu sân bay và đang đóng 2 chiếc khác. Chuyên gia Chu Chấn Minh cho rằng Trung Quốc không có chiến lược toàn cầu như Mỹ và tàu sân bay chỉ cần bảo vệ biển gần với 3 biên đội tàu sân bay (mỗi biên đội 2 chiếc) tại Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ngô Sĩ Tồn, Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc ngày 21/7 cho rằng thời kỳ nhẫn nhịn của Trung Quốc đã kết thúc. Mỹ không ngừng tăng các hoạt động quân sự và ngoại giao tại Biển Đông để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Vụ kiện Biển Đông của Philippines là do Mỹ chỉ đạo và Philippines chỉ là “con rối”. Kiến nghị Trung Quốc: (i) Kiên định không được loạn, không để Mỹ lôi kéo vào căng thằng; (ii) Tăng cường xây dựng năng lực quốc gia (Mỹ gia tăng hoạt động ở Biển Đông là do năng lực răn đe của quân đội Trung Quốc chưa cao); (iii) Kiên trì đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC với các nước ASEAN; (iv) Ổn định quan hệ với các nước ASEAN.

+Châu Âu – Mỹ:

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink ngày 20/7 cho biết Mỹ điều chỉnh chính sách sau khi gửi công thư tới Liên hợp quốc ngày 1/6 nhằm phản đối các yêu sách Biển Đông của Trung Quốc. Tuyên bố về chính sách của Mỹ vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết của Mỹ về duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông qua việc ủng hộ luật pháp quốc tế được phản ánh trong UNCLOS.

Nhà bình luận chính trị David Hutt ngày 20/7 nhận định tuyên bố của Pompeo có thể được coi là thắng lợi cho Việt Nam vì Mỹ đã chính thức coi các yêu sách biển của Trung Quốc là bất hợp pháp. Mặt khác, tuyên bố của Mỹ cũng làm gia tăng khả năng đụng độ Mỹ - Trung, trong đó các vùng lãnh thổ yêu sách của Việt Nam trở thành địa bàn chính cho cạnh tranh nước lớn. Về các lựa chọn chính sách cho Việt Nam, dẫn lời các học giả cho rằng biện pháp quân sự là không khả thi do tương quan của Việt Nam với Trung Quốc quá chênh lệnh. Hà Nội cũng cần cân nhắc liệu Mỹ có hỗ trợ Việt Nam khi xung đột xảy ra. Mỹ và Việt Nam không phải là đối tác an ninh và không có đảm bảo gì Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự cho Việt Nam, đặc biệt là dưới nhiệm kỳ của một Tổng thống khó đoán như Trump. Bản thân Việt Nam cũng chưa chắc đã tiếp nhận các hỗ trợ về an ninh của Mỹ. Dẫn lời học giả Derek Grossman (RAND) cho rằng Hà Nội chỉ muốn Mỹ hỗ trợ về tuyên bố và vật chất.

+ Đông Nam Á:

Vụ trưởng LPQT BNG Indonesia Damos Agusman ngày 19/7 cho rằng tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể do các bên yêu sách tự giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp hoặc sử dụng biện pháp pháp lý thông qua trọng tài/toà án quốc tế. Do đó, việc chọn bên là vô ích. Trong khi đó, tranh chấp về các vùng biển được tạo thành từ các thực thể là mối quan tâm chung của các quốc gia và tất cả đều sẽ đứng về phía các quy định rõ ràng của UNCLOS. Nếu một quốc gia yêu sách vùng biển vượt quá những quy định trong UNCLOS sẽ không chỉ ảnh hưởng đến vùng biển của các nước láng giềng mà còn đến quyền tự do hàng hải của các nước khác.

Báo Quốc tế ngày 20/7 trích dẫn ý kiến các học giả cho rằng nguy cơ xảy ra đối đầu trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng khi hai nước liên tục thử thách giới hạn của nhau. Hiện Trung Quốc đang yếu thế về luật pháp quốc tế nhưng có thể nước này vẫn tiếp tục xu hướng phản ứng với sức ép bằng việc leo thang căng thẳng hơn nữa. Tuyên bố và động thái của Mỹ cho thấy Mỹ có thể sẽ tiến hành nhiều chiến dịch quân sự đa dạng và mạnh mẽ ở Biển Đông trong thời gian tới.

+Các nước khác:

Sau việc Việt Nam hủy hợp đồng dầu khí với Tập đoàn dầu khí Noble, Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Úc ngày 17/7 lo ngại ngành dầu khí Việt Nam không có đủ nguồn lực tài chính để tự phát triển tại vùng biển quanh Bãi Tư Chính. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng có thể quan ngại về việc đảm bảo đầu tư dài hạn ở Việt Nam. Việt Nam cần thảo luận với các quốc gia có quyền lợi ở Biển Đông về một quan điểm chung trước Trung Quốc và cần thảo luận với Nga để xem Rosneft có sẵn sàng tiếp tục hoạt động ở Việt Nam cũng như Nga có thể làm gì để chống lại các sức ép của Trung Quốc liên quan Lô 06-01.

Tờ Mainichi ngày 19/7 đưa tin Trung Quốc cáo buộc việc tàu cá Nhật Bản đi qua lãnh hải của một số đảo Trung Quốc (Quần đảo Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông và yêu cầu Nhật Bản chấm dứt hành vi này. Nhật Bản ngay lập tức bác bỏ đòi hỏi này vì Quần đảo Senkaku thuộc quản lý của Nhật Bản. Phát biểu của Trung Quốc nhằm làm suy yếu sự kiểm soát hữu hiệu của Nhật Bản đối với Senkaku.

Giám đốc Viện nghiên cứu Takshashila (Ấn Độ) Nitin Pai ngày 19/7 nhận định hiện là thời điểm để Ấn Độ hành động vì tự do hàng hải và bảo vệ luật pháp quốc tế. Ấn Độ cần tăng tần suất và thời gian triển khai ở Biển Đông, mở rộng hơn nữa các hình thái lực lượng hải quân, tăng cường những cuộc viếng thăm hải quân tới các quốc gia bè bạn ở khu vực như Việt Nam, Singapore và Indonesia. Ấn Độ có thể tham gia hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông để duy trì luật pháp quốc tế và bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Để làm điều này, Ấn Độ phải hợp tác chặt chẽ về chính trị và quân sự với Mỹ, Nhật Bản, Úc và tăng cường ngân sách quốc phòng.

Tờ The Hindu ngày 20/7 đưa tin cuộc tập trận thường kỳ PASSEX thực hiện trong hai ngày 20 và 21/7 diễn ra gần quần đảo Andaman và Nicobar giữa Ấn Độ và Mỹ (Ấn Độ đã diễn tập với Nhật Bản, Pháp trong khuôn khổ này). Nhóm tàu sân bay USS Nimitz tham gia tập trận trước đó đã tham gia FONOP với nhóm tàu USS Ronald Reagan tại Biển Đông.

Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc ngày 21/7 đăng bài của học giả Jagannath Panda cho rằng Úc nên tăng hợp tác với Ấn Độ trong bối cảnh an ninh và chiến lược khu vực đang xấu đi. Dựa trên Bản cập nhật về chiến lược quốc phòng của Úc gần đây, học giả cho rằng Úc ngày càng xem trọng vai trò của Ấn Độ như một đối tác quốc phòng và kinh tế.

Học giả Euan Graham, Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc ngày 21/7 cho biết Malaysia không bị động trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Kuala Lumpur đã cố gắng bảo vệ quyền chủ quyền của mình dù có thể dễ dàng bị “bắt nạt” nhưng không đi kèm những hậu quả nghiêm trọng.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn