Tình hình nổi bật

Thủ tướng Nhật Bản Suga ngày 19/10 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam đã cho biết: “Nhật Bản mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đông”. Ông nhấn mạnh, Nhật Bản luôn nhất quán chủ trương thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển, các nước liên quan cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực. Thủ tướng cho rằng tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở của Nhật Bản và ASEAN có nhiều điểm chung nên có thể cùng hợp tác để tạo ra hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Ông cho biết Việt Nam là “nơi thích hợp nhất” để Nhật Bản truyền tải thông điệp ra thế giới trước tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Linda Reynolds ngày 19/10 nhất trí hai nước sẽ bắt đầu phối hợp để cho phép Nhật Bản bảo vệ các tài sản quân sự của Úc trong các tình huống không xảy ra chiến đấu. Úc là nước thứ hai sau Mỹ có tài sản mà Nhật Bản được phép bảo vệ theo luật. Luật quy định các nhân viên Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được phép bảo vệ tài sản quân sự của các quốc gia khác với điều kiện lực lượng nước ngoài tham gia vào các hoạt động góp phần bảo vệ Nhật Bản.

Chủ tịch chi nhánh thăm dò của Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines (PNOC) ngày 20/10 cho biết công ty này muốn bắt đầu liên doanh thăm dò năng lượng với Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ở Biển Đông vào năm 2021. Động thái được đưa ra trong bối cảnh Philippines dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu khí trên Biển Đông từ năm 2014 dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III.

Indonesia ngày 20/10 từ chối đề nghị của phía Mỹ cho phép máy bay P-8 của Mỹ hạ cánh và tiếp liệu trên lãnh thổ của Indonesia. Các quan chức Indonesia cho biết Jakarta quyết định giữ vững sự trung lập trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung.

Tờ Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc, ngày 21/10 cho biết Phó Tổng tham mưu trưởng đơn vị Quốc phòng Đài Loan Lý Đình Thành ngày 20/10 đã bay đến đảo “Đông Sa” và tiến hành khảo sát trên đảo, đồng thời có 3 máy bay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến vào vùng ADIZ phía Tây Nam của Đài Loan (máy bay đối kháng thông tin Y-9, máy bay chống ngầm Y-8, máy bay KJ-500), trong đó có 2 máy bay tiếp cận gần không phận đảo “Đông Sa”, điều này thể hiện tính quan trọng của đảo “Đông Sa”.

Góc nhìn Quốc tế

+ Trung Quốc:

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 20/10 trích ý kiến học giả đánh giá Nhật Bản sẽ không có được lợi ích gì khi “làm con tốt của Mỹ trong vấn đề Biển Đông”. Bài viết khẳng định Nhật Bản không phải quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, nhưng lại luôn thể hiện mối quan tâm của mình với Biển Đông và Đông Nam Á. Tuy nhiên sẽ rất khó để Nhật Bản và Việt Nam tăng cường hơn nữa hợp tác về Biển Đông, vì “Nhật Bản chỉ coi Việt Nam như một đòn bẩy quan trọng để thổi phồng vấn đề”, theo Xu Liping, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Biển Đông không nên trở thành nơi để Mỹ và Nhật Bản phối hợp đoàn kết một nhóm nhỏ các nước chống lại Trung Quốc. Tokyo nên cảnh giác với việc làm con tốt cho Washington và gây nguy hại đến mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 21/10 chất vấn hành động tập trận gần đây của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ với Hải quân Nhật Bản, Úc liệu có lợi cho tất cả các quốc gia trong khu vực?! Trích dẫn tin từ Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, cho biết cuộc tập trận giữa ba nước này là hành động liên hợp thứ 5 được triển khai trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 với mục đích tăng cường năng lực tập thể của các nước đồng minh, chuẩn bị ứng phó với các sự việc phát sinh đột xuất trong khu vực đ duy trì an ninh biển. Cho biết tàu USS John S. McCain đã hoạt động Biển Đông liên tục từ ngày 7/10, tiến hành tổ chức huấn luyện vũ khí hạng nặng cho các thuyền viên trên tàu. Đối với các hoạt động trên, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng đã nhiều lần cảnh báo và nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo dõi sát các động thái này.

+ Các nước khác:

Brahma Chellaney, GS. Nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm chính sách, New Delhi, ngày 19/10 cho rằng, việc Quad có thể phát triển trở thành một thỏa thuận an ninh cụ thể phụ thuộc vào Ấn Độ vì: (i) Ấn Độ là thành viên duy nhất bị Trung Quốc xâm lược quân sự sau Thế chiến 2; (ii) Ấn Độ là thành viên duy nhất có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc; (iii) Ấn Độ vẫn do dự về mức độ tin cậy của Mỹ; (iv) Dù thận trọng nhưng thực tế Ấn Độ lại chính là thành viên phản ứng Trung Quốc nhiều nhất; (v) Khác với các thành viên khác, Ấn Độ phải tự thân đương đầu với sự xâm lược quân sự của Trung Quốc.

Tờ Intell Asia, Úc, ngày 21/10 trích dẫn ý kiến học giả về động thái hợp tác của Nhật Bản với Việt Nam mới đây. Lian Degui, chuyên gia về Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, đánh giá Nhật Bản “muốn tìm cách riêng để hợp tác với Mỹ” và tiến hành hợp tác quân sự và tập trận chung ở một mức độ nhất định với các nước Đông Nam Á. Ông cho rằng hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Nhật Bản về Biển Đông sẽ không vượt qua ranh giới đỏ của Bắc Kinh. Li Mingjiang, Trường S. Rajaratnam thuộc Đại học công nghệ Nanyang, Singapore, nói Trung Quốc đang đối mặt với sự phối hợp không chính thức nhằm kiềm chế Trung Quốc đến từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn