21/07/2020
Cập nhập tin tức và đánh giá mới nhất của học giả quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 20/7.
Tình hình nổi bật
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung ngày 16/7 hội nghị trực tuyến với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy. Hai bên trao đổi về việc chuẩn bị Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, hợp tác phòng chống Covid-19, tình hình quốc tế, khu vực và vấn đề Biển Đông.
Hai máy bay B-1B của Mỹ ngày 17/7 được triển khai tới Guam. Trước đó, 2 máy bay này diễn tập với các máy bay F-15J của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Trung tá Shirota Takamichi thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi duy trì cam kết thực hiện huấn luyện chung nhằm tăng cường năng lực đồng minh, cũng như tăng khả năng tương tác để ngăn chặn và chống lại các mối đe dọa."
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ ngày 17/7 cho biết 2 nhóm tàu sân bay Mỹ tiến hành tập trận chung lần thứ hai ở Biển Đông trong cùng một tháng. Chuẩn đô đốc Jim Kirk, chỉ huy nhóm tàu Nimitz, cho biết các tàu sân bay Mỹ duy trì hoạt động ở bất kỳ khu vực nào trên Biển Đông mà luật pháp quốc tế cho phép nhằm bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh ngày 19/7 bình luận về việc Anh dự định điều tàu sân bay đến Biển Đông và Thái Bình Dương: (1) Anh là quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng lại có một hành động “nguy hiểm”; (2) Trung Quốc và các nước ASEAN đã nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; (3) Mỹ muốn thách thức, vi phạm và tổn hại chủ quyền của Trung Quốc và Trung Quốc hy vọng Anh sẽ không đi theo Mỹ để khiêu khích chủ quyền Trung Quốc, ảnh hưởng hòa bình, ổn định của khu vực.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên ngày 20/7 kêu gọi các nước ASEAN “đề cao cảnh giác” trước việc Mỹ “cố ý can thiệp” vào tranh chấp ở Biển Đông: “Trong khi Trung Quốc và các nước ASEAN đang rất nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông, chúng ta cần đề cao cảnh giác trước việc Mỹ, là một nhân tố bên ngoài, đang cố ý can thiệp vào Biển Đông”.
Góc nhìn Quốc tế
+ Trung Quốc:
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Dương Thừa Quân 15/4 cho rằng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực là lựa chọn duy nhất, nhằm tăng cường sức quy tụ dân tộc, thực hiện phục hưng dân tộc, ưu tiên hàng đầu trong bảo vệ an ninh quốc gia do: (1) Cương lĩnh “Đài độc” của Dân Tiến Đảng sẽ không thay đổi; (2) Thống nhất bằng lực lượng trong nội bộ là không thực tế; (3) Mỹ sẽ không tuyên chiến với Trung Quốc mà sẽ dựa vào phương thức hỗ trợ Đài Loan. 05 phương án quản trị được đưa ra sau khi thống nhất Đài Loan bao gồm: (1) Áp dụng “một nước, một chế độ”; (2) Xử lý tốt trị an xã hội, xây dựng quy định trừng phạt tội phạm chống đối, phá hoại, phản quốc; (3) Tăng tuyên truyền kiến thức về Trung Quốc để quy thuận người Đài Loan; (4) Nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế; (5) Tăng kiểm soát quân sự, triển khai quân đội tại Đài Loan; giải tán quân đội Đài Loan.
+ Châu Âu - Mỹ:
Tờ Aljazeera ngày 18/7 cho rằng Mỹ và Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc Chiến tranh lạnh mới. Stephen Walt, GS. Đại học Havard, Mỹ, nhận định hai nước đang cạnh tranh dài hạn về tầm nhìn chiến lược nhưng quan hệ Mỹ - Trung chưa tới mức thù địch như Chiến tranh lạnh trước đây.
Báo Thanh niên ngày 19/7 dẫn lời học giả Mỹ nhận định việc Mỹ triển khai 2 đơn vị đặc nhiệm đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Carl O. Schuster, Đại học Hawaii (Mỹ) cho rằng: “Từ việc Mỹ triển khai lực lượng tác chiến điện tử như thông tin được công bố có thể thấy quân đội nước này hoặc một số đối tác đã gặp phải sự cố gây nhiễu, hoặc xâm nhập radar, liên lạc, mạng lưới dữ liệu. Tác chiến điện tử ngày nay cũng bao gồm các hệ thống xác định tấn công laser”. TS. Satoru Nagao, Viện Hudson (Mỹ), nhận định để hoá giải những nguy cơ đe dọa từ Trung Quốc, "đơn vị tác chiến điện tử có vai trò rất quan trọng” nhằm xác định vị trí để phản kích, tấn công đáp trả hoặc phủ đầu.
Brian P. Klein, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, ngày 20/7 nhận định Chính quyền Trump cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông để phục vụ mục tiêu bầu cử. Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo ngày 13/7 bác bỏ yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông được đưa ra chỉ 6 tháng trước bầu cử tháng 11 giúp ghi điểm thêm cho Tổng thống Trump. Mỹ tuyên bố vào thời điểm này cũng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước khu vực vốn đang mất dần lòng tin vào Trung Quốc. Nếu không hiểu các động cơ chính trị và gây xung đột với Mỹ, Trung Quốc sẽ gặp phải các phản ứng dữ dội vốn vẫn đang âm ỉ tại khu vực.
Joseph Bosco, cựu Giám đốc phụ trách Trung Quốc, Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 20/7 đề xuất Chính quyền Mỹ tiếp theo nên tiến hành chiến lược “phi pháp hóa” chế độ Trung Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính, khiến nước này mất dần năng lực đàn áp trong nước và gây hấn ở nước ngoài, qua đó Mỹ giành được chiến thắng mà không cần chiến đấu.
Patrick Buchannan ngày 20/7 nhận định Mỹ cần cân nhắc trước khi hải chiến với Trung Quốc. Hiện có một số dấu hiệu của Chiến tranh lạnh Mỹ - Trung. Tuyên bố của Pompeo là bước chuyển chính sách nhưng để sẵn sàng xung đột quân sự với Trung Quốc, Mỹ cần biết: (1) Tuyên bố có đồng nghĩa với thông điệp về lằn ranh đỏ chiến tranh tới Trung Quốc?: (2) Mỹ không công nhận yêu sách biển của Trung Quốc nhưng có sử dụng sức mạnh hải quân để bảo vệ yêu sách của các nước Đông Nam Á?; (3) Mỹ có thể tập hợp được hệ thống đồng minh như thời Chiến tranh Lạnh?; (4) Mỹ có thể ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc như thời Chiến tranh Lạnh?; (5) Nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra, mọi việc sẽ thế nào?
+ Đông Nam Á:
Cựu Ngoại trưởng Malaysia Anifah ngày 16/7 cho rằng Ngoại trưởng Hishammuddin phủ nhận và phớt lờ sự thật rằng tàu Trung Quốc vẫn hiện diện trong EEZ của Malaysia, sử dụng lợi ích biển và chiến lược của Malaysia làm con bài chính trị. Trên thực tế (sau vụ HD-08) tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn hiện diện trong EEZ của Malaysia trong các tháng 5, 6, 7/2020.
+ Các nước khác:
Abhijit Singh, Giám đốc Sáng kiến chính sách biển, ORF (Ấn Độ), ngày 20/7 cho rằng giới học giả Ấn Độ ủng hộ mời Úc tham gia tập trận Malabar, tuy nhiên giới hoạnh định chính sách lại thận trọng vì: (1) Trung Quốc có thể sẽ đáp trả mạnh mẽ ở Đông Ấn Độ Dương; (2) Lợi ích của việc bổ sung yếu tố quân sự vào Quad qua mời Úc tham dự Malabr tương đối khiêm tốn; (3) Cạnh tranh Mỹ - Trung tại Đông Á, Đông Nam Á và Biển Đông ngày càng căng thẳng khiến Ấn Độ có thể liên quan nhiều. Úc tham gia Malabar có thể tác động tiêu cực trong dài hạn.
Bản PDF tại đây
@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao
"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.
Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...