03/07/2020
Cập nhập tin tức và đánh giá mới nhất của học giả quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 2/7.
Tình hình nổi bật
Hải quân Mỹ ngày 30/6 cho biết tàu chiến đấu ven biển USS Gabrielle Giffords (LCS 10) triển khai hoạt động thường lệ ở Biển Đông. Trước đó ngày 23/6, tàu Gabrielle Giffords đã diễn tập với hai tàu Nhật Bản JS Kashima (TV 3508) và S Shimayuki ở Biển Đông. USS Gabrielle Giffords thuộc lớp Independence, được triển khai luân phiên tới Hạm đội 7.
Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc ngày 30/6 thông báo tàu Hải dương Địa chất 8 của Cục Điều tra địa chất biển Quảng Châu đã hoàn thành nhiệm vụ và quay về Quảng Châu. Khảo sát lần này áp dụng công nghệ tác nghiệp địa chấn 3D với 2 nguồn 4 cáp và cũng là lần đầu tiên Cục điều tra địa chất biển Quảng Châu thực hiện thu thập dữ liệu địa chấn 3D hoàn chỉnh theo phương pháp này, cho ra hình ảnh chính xác cao của tầng địa chất nông, bao quát được một vùng nhỏ, cải thiện hiệu quả độ chính xác của việc khảo sát, đánh giá tài nguyên.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Chí Vịnh ngày 1/7 điện đàm với Quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Phụ trách An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương David Helvey về nội dung ứng phó với dịch COVID-19, các vấn đề khu vực và hợp tác quốc phòng song phương. Ông Helvey đánh giá cao ứng phó của Việt Nam với dịch COVID-19 và hai bên cam kết phối hợp trong việc xử lý đại dịch, trong đó có việc mở rộng hợp tác quân y. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong vấn đề di sản chiến tranh, tìm kiếm lính Mỹ mất tích và phát triển hợp tác quốc phòng song phương, đặc biệt là lĩnh vực an ninh biển.
Tại Hội nghị Tham vấn Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc (ACSOC) lần thứ 26 ngày 1/7, các nước ASEAN và Trung Quốc khẳng định lại cam kết phối hợp thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có Biển Đông, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và sớm nối lại đàm phán Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả.
Ngày 2/7/2020, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời phóng viên về quan hệ Việt – Mỹ: “Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 6 năm thiết lập và triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện, quan hệ Việt – Mỹ chứng kiến những bước phát triển tích cực, thực chất... Hai bên duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc song phương và trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại, tăng cường thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh - quốc phòng, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế. Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.
Về thông tin Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa từ 30/6-5/7, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, "Việc Trung Quốc tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đi ngược tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), cũng như duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông". Bà Hằng cho biết Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai.
Góc nhìn Quốc tế
+ Trung Quốc:
Thời báo Hoàn cầu ngày 29/6 có bài xã luận nói truyền thông nước ngoài ám chỉ tuyên bố Chủ tịch ASEAN nhắm đến Trung Quốc và cho rằng sự can thiệp của Mỹ có thể là nguyên nhân cho sự “tự tin” hơn của các nước Đông Nam Á; nhận định Mỹ tin rằng các vấn đề Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ, vì vậy họ sẽ không muốn vắng mặt trong các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Bài báo kiến nghị Trung Quốc có thể thực hiện biện pháp thay đổi dư luận quốc tế, cần nỗ lực hơn nữa để mở rộng hợp tác với các nước ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như nghiên cứu hàng hải chung, hoạt động cứu hộ và trấn áp cướp biển.
+ Châu Âu - Mỹ:
Drake Long, Mỹ, ngày 1/7 đưa tin Trung Quốc bắt đầu diễn tập quân sự từ 1-5/7 ở Hoàng Sa. Bryan Clark, chuyên gia hải quân, Viện Hudson, nhận định có thể đây là diễn tập chiếm đảo hoặc diễn tập an ninh liên quan đảo, qua đó chứng minh cho các nước Đông Nam Á rằng Trung Quốc có năng lực đánh chiếm các đảo trên Biển Đông. Ông cho rằng cuộc diễn tập không phải là giả định một cuộc tấn công bằng lực lượng quân sự, mà là diễn tập sử dụng quân đội trong một động thái trị an nhằm trấn áp tình trạng bất ổn tiềm tàng. Greg Poling, AMTI, cho rằng Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình, dự báo Trung Quốc sẽ có nhiều hành động gây căng thẳng hơn trong thời gian tới.
VOA News ngày 2/7 dẫn lời các học giả nhận định Trung Quốc sẽ phô trương lực lượng để đáp trả việc Mỹ điều 3 tàu sân bay đến Thái Bình Dương, tuy nhiên hai bên sẽ không để xảy ra xung đột. Học giả Yun Sun, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cho rằng “chính sách hiện nay của Trung Quốc là nếu Mỹ làm gì, TrungQuốc phải đáp trả với cường độ và mức độ nghiêm trọng tương ứng”. Học giả Oh Ei Sun, Viện Nghiên cứu các vấn đề Quốc tế Singapore, cho rằng Bắc Kinh sẽ đáp trả sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ để “nhắc nhở” thế giới về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Á, đặc biệt là tại Biển Đông. Ông đánh giá Trung Quốc đang áp dụng Học thuyết Monroe, trong đó không để Mỹ can thiệp vào các khu vực quanh Biển Đông.
Bản PDF tại đây
@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao
"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.
Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...