Tình hình nổi bật

NPN Văn phòng Đài Loan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc, Châu Phượng Liên, ngày 16/7 cho rằng hai bờ nên cùng nhau duy trì chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi với Nam Hải chư đảo và các vùng biển lân cận dựa theo Luật quốc tế và Luật biển. Đối với các phát ngôn không chính xác từ phía Mỹ, Bộ Ngoại giao đã nhiều lần lên tiếng phản bác. Hai bờ đều là một nước Trung Quốc, cần cùng nhau duy trì bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì lợi ích căn bản của dân tộc.

NPN BNG Ấn Độ Anurag Srivastava trả lời họp báo ngày 16/7: Biển Đông là lợi ích chung toàn cầu. Ấn Độ có lợi ích không đổi về hòa bình và ổn định ở khu vực. Ấn Độ kiên trì ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế ở Biển Đông, phù hợp với luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Ấn Độ tin rằng, mọi tranh chấp cần được giải quyết hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Ngoại trưởng Indonesisa Retno Marsudi ngày 16/7 kêu gọi các bên liên quan trên Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Nhấn mạnh tầm quan trọng của đóng góp từ tất cả các quốc gia để duy trì hoà bình và ổn định tại khu vực và kêu gọi các quốc gia kiềm chế những hành động có thể làm leo thăng căng thẳng.

AsiaNews ngày 15/7 cho biết khi được hỏi về tuyên bố ngày 13/7 của Mỹ về Biển Đông, BNG Indonesia bình luận rằng "Bất kì sự ủng hộ nào đối với quyền lợi của Indonesia trong vùng biển Natuna là điều bình thường".

Liên quan tuyên bố ngày 13/7 của Mỹ về Biển Đông, ngày 15/7 NPN BNG Việt Nam khẳng định: (i) Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước, khu vực và cộng đồng quốc tế, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm UNCLOS có ý nghĩa quan trong để thực hiện các mục tiêu đó; (ii) Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố dịp HNCC ASEAN 36 rằng UNCLOS là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương; (iii) Mong muốn các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, hòa bình theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.  

Theo Thông tấn xã Philippines ngày 15/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin trong ngày 14/7 với các nội dung chính: (i) Nhắc lại hai nước đã đạt được sự đồng thuận về việc bỏ qua sự khác biệt trên biển, kiểm soát các tình huống thông qua tham vấn song phương; (ii) Cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Philippines chống dịch Covid-19 và giúp Philippines nhanh chóng nối lại các hoạt động sản xuất; (iii) Chỉ trích Mỹ đang cố tình khuấy động Biển Đông và thúc đẩy quân sự hóa khu vực; (iv) Kêu gọi Philippines trân trọng mối quan hệ hữu nghị "khó lắm mới đạt được như hiện tại". Ngoại trưởng Philippines lập luận quan hệ với Trung Quốc có nhiều mặt khác, không chỉ có tranh chấp trên biển, và hi vọng vấn đề này sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ chung. 

Theo Manila Bulletin ngày 14/07, NPN Harry Roque của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh Philippines cam kết tiếp tục quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và tránh gây tranh cãi về tranh chấp trên biển trong thời gian này; khẳng định Philippines chưa từng từ bỏ các quyền lợi ở Biển Đông. Những bất đồng trên biển không phải là tất cả trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc. Philippines đã và đang theo đuổi các biện pháp hòa bình và ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn.

Trung tâm SCSPI (Trung Quốc) ngày 15/7 cho biết máy bay không người lái do thám của hải quân Mỹ MQ-4C Triton đã vào Biển Đông qua eo biển Ba Sĩ. Triton được trang bị cảm biến đặc biệt và các máy quay có nhiều tính năng cao cấp, có thể theo dõi các tàu ở tầm cao hơn và rộng hơn so với máy bay do thám có người lái. Cùng máy bay tuần tra chống tàu ngầm, Triton sẽ giúp hải quân Mỹ tăng đáng kể khả năng giám sát và ứng phó với Trung Quốc vốn đang đẩy mạnh các hoạt động trên biển.

Kết thúc Thượng đỉnh Ấn Độ - EU lần thứ 15 ngày 15/7, hai bên thông qua “Đối tác Chiến lược Ấn Độ - EU: Lộ trình 2025” với một số điểm đáng chú ý: (i) Thiết lập đối thoại an ninh biển thay cho đối thoại chống cướp biển và khai thác cơ hội tăng cường hơn nữa về hợp tác biển; (ii) Tăng cường điểm chung và hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh, đặc biệt ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thông qua hợp tác bảo vệ quyền tiếp cận tự do, mở và bao quát trong lĩnh vực biển, tuân thủ tuyệt đối luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; (iii) Thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế xanh, bao gồn nuôi trồng thủy hải sản bền vững, hợp tác về quy hoạch không gian biển và thực tiễn quản lý tổng hợp vùng bờ.

NPN Văn phòng Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, Châu Phượng Liên, ngày 14/7 nhấn mạnh Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và mọi hoạt động hợp tác quân sự giữa Mỹ và Đài Loan. Cho rằng mưu đồ “độc lập bằng vũ lực” của Đảng Dân Tiến sẽ không thành công và chỉ dẫn đến những hậu quả khó đoán cho người dân và cục diện hòa bình ổn định tại eo biển Đài Loan.

Theo Inquirer, Thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros, ngày 16/07, nói rằng Chính phủ không nên để Philippines trở thành “một con tốt” trong chiến lược của các siêu cường, kêu gọi chính sách đối ngoại độc lập và tái khẳng định quyền sở hữu đối với các phần lãnh thổ của Philippines. Trong khi hoan nghênh sự bác bỏ của Mỹ đối với hầu hết các yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp, cảnh báo Philippines có thể bị cuốn vào một cuộc giằng co chiến lược giữa BRI của Trung Quốc và Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Philippines nên hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng, đặc biệt là các đồng minh ở Đông Nam Á, để bảo vệ quyền chủ quyền.

Góc nhìn Quốc tế

+ Mỹ và Châu Âu:

Tờ Rappler ngày 16/7 cho rằng động thái của Mỹ sẽ tạo ra khuôn mẫu mới cho các hành động trên Biển Đông. Mỹ sẽ tăng cường các hành động răn đe Trung Quốc; các nước trong khu vực cần chủ động hợp tác với Mỹ để ứng phó Trung Quốc. 

+ Đông Nam Á:

Lê Hồng Hiệp (ISEAS) ngày 17/7 nói Tuyên bố của Mỹ là sự tấn công trực tiếp và mạnh mẽ nhất đối với yêu sách Trung Quốc tại Biển Đông, qua đó thể hiện mong muốn bảo vệ luật pháp và trật tự trên biển. Tuyên bố giúp củng cố lập trường pháp lý và chính trị của ASEAN so với Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu lập trường và tính hợp pháp của Trung Quốc. Tuy vậy, các nước ASEAN vẫn sẽ cảnh giác, không triển khai các bước đi để bị coi là theo Mỹ chống lại Trung Quốc.

Hoàng Thị Hà và Ian Storey (ISEAS) ngày 15/7 nói việc ASEAN hầu như không công nhận Phán quyết khiến: (i) ASEAN bỏ lỡ cơ hội lịch sử để đưa ra lập trường ủng hộ trật tự trên biển dựa trên luật lệ ở Đông Nam Á; (ii) Tạo điều kiện để Trung Quốc chuyển sự chú ý từ Phán quyết sang đàm phán COC, chủ động hơn trong đàm phán, có cớ chứng minh tình hình trên Biển Đông hòa dịu và loại sự can dự của Mỹ cùng các cường quốc khác khỏi khu vực; (iii) Đàm phán COC phức tạp hơn do không thể giới hạn các thảo luận về hành vi cụ thể tại và xung quanh các thực thể tranh chấp; (iv) Việc công nhận Phán quyết lẽ ra sẽ giúp khối củng cố cam kết với UNCLOS, giúp COC đáng tin hơn đối cả các bên và cộng đồng quốc tế; (v) Thảo luận “đúng, sai” về các vụ việc trên biển gần đây cũng không cần thiết nếu dựa trên Phán quyết.

Julio Amador III, chuyên gia Asia Pacific Pathways to Progress, Philippines, ngày 15/07 cho rằng lập trường của Mỹ về các yêu sách biển trên Biển Đông cho thấy: (i) Phán quyết sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi Chính quyền Philippines hiện tại hoặc tương lai sẽ không chủ động thi hành; (ii) Philippines có thể tận dụng sự ủng hộ ngoại giao của các nước láng giềng ASEAN, Mỹ các đồng minh của Mỹ.

PGS.TS. Vũ Thanh Ca ngày 15/7 bình luận về tuyên bố 13/7 của Mỹ: (i) Tuyên bố rất mạnh mẽ, phù hợp với lập trường của Việt Nam; (ii) Tuyên bố là vì lợi ích của Mỹ trùng với lợi ích của Việt Nam và các nước Đông Nam Á; (iii) Dưới các áp lực từ Mỹ, Philippines, Indonesia, Malaysia... Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn có hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông; (iv) Việt Nam ủng hộ tất cả hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế; phê phán và bác bỏ các hoạt động không phù hợp.

Theo Manila Standard, cựu Thẩm phán Philippines Antonio Carpio ngày 14/7  nhận định tuyên bố 13/7 của Mỹ đã gửi một thông điệp "rất mạnh mẽ" tới Trung Quốc rằng Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei có sự ủng hộ của Mỹ để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông. Hoạt động tự do hàng hải và hàng không là biện pháp "thực thi mạnh mẽ nhất" Phán quyết. Nếu Trung Quốc kiên trì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN ven biển, họ có thể đáp trả bằng cách cùng các cường quốc hải quân bên ngoài thực hiện FONOP ở Biển Đông.  

Duân Đặng ngày 14/7 bình luận về tuyên bố 13/7 của Mỹ: (i) Tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại các vùng biển, bao gồm Bãi Tư Chính (ngoài khơi VN); (ii) Mỹ đứng về phía Việt Nam trước việc Trung Quốc quấy phá hoạt động nghề cá và khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam ở khu vực nàychỉ đích danh đó là các hành động phi pháp; (iii) Mỹ giữ quan điểm trung lập vtranh chấp lãnh thổ nhưng đã bác bỏ hầu hết các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông; (iv) Tuyên bố này mở đường cho các hành động cứng rắn của Mỹ trong tương lai.

+ Các nước khác:

Theo Sputnik ngày 14/07, GS-TS Dmitri Mosyakov, Viện Đông phương học (Nga) cho rằng không nên đánh giá quá cao tuyên bố của Philippines kêu gọi Trung Quốc thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài. Chiến lược của Philippines luôn không rõ ràng; Philippines biết rõ lập trường của Trung Quốc về Phán quyết và vấn đề Biển Đông. Tuyên bố có thể liên quan chủ yếu đến tình hình nội bộ Philippines và chỉ nhằm thử thách độ bền vững của mối quan hệ Trung Quốc - Philippines. 

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn