Tình hình nổi bật

Sau họp trực tuyến, Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Úc ngày 9/7 phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương và cưỡng ép thay đổi nguyên trạng hoặc gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bày tỏ lo ngại về những diễn biến xấu ở Biển Đông bao gồm việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp. Tái khẳng định cần tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và các tranh chấp phải được giải quyết hòa bình dựa trên luật quốc tế như trong UNCLOS 1982.

Anh ngày 14/7 đã cấm Huawei tham gia mạng lưới 5G ở nước này, thay đổi quyết định từ hồi tháng 1 cho phép Huawei có vai trò giới hạn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G ở Anh. Lệnh trừng phạt Mỹ áp dụng lên Huawei từ tháng 5 có tác động lớn tới quyết định của Anh, theo Bộ trưởng Văn hóa và Kỹ thuật số Oliver Dowden.

Người phát ngôn Triệu Lập Kiên ngày 14/7 phản đối Tuyên bố lập trường Mỹ tại Biển Đông. Mỹ đã coi nhẹ yếu tố lịch sử và sự khách quan của vấn đề Biển Đông, đi ngược lại cam kết về giữ lập trường trung lập đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, vi phạm và bóp méo luật pháp quốc tế. Hành động của Mỹ là vô trách nhiệm khi kích động tranh chấp lãnh thổ trên Biển và phá hoại hòa bình, ổn định khu vực.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 14/7 hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Philippines, đánh giá cao Tổng thống Philippines Durterte đã thay đổi cách tiếp cận đối đầu của Chính quyền tiền nhiệm, cùng Trung Quốc đạt được nhận thức chung về gác tranh chấp trên biển, thông qua đàm phán và đối thoại song phương để kiểm soát tình hình. Vương Nghị khuyến nghị các nước trong khu vực cần cảnh giác cao độ trước việc Mỹ xuất phát từ nhu cầu địa chính trị của mình, không ngừng gây rối và thúc đẩy quân sự hóa tại Biển Đông, cố tình chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, phá hoại ổn định của khu vực. Đồng thời, Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẽ cùng Philippines và các nước khu vực kiên trì hiệp thương đối thoại, sớm đạt được COC có tính ràng buộc trên cơ sở tuân thủ DOC.

RFA ngày 14/7 cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, Kiểm ngư Việt Nam đã phát hiện và xua đuổi 222 tàu cá nước ngoài vi phạm. Các chi đội kiểm ngư đã triển khai 44 lượt tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác thuỷ sản trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và nhà giàn DK1. Đã phát hiện và xua đuổi 222 tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển; cứu thành công 44 tàu và 438 người. Tăng cường các hoạt động bảo vệ ngư dân Việt Nam bám biển, tiếp tục khai thác hải sản trên biển Đông kể từ sau khi Trung Quốc đơn phương thông báo “lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông” từ 1/5 - 16/8.

Đánh giá hoạt động quân sự của Trung Quốc trong Sách trắng Nhật Bản năm 2019 và Sách trắng Nhật Bản 2020, BTQP Nhật Bản ngày 14/7 cho biết Trung Quốc cố gắng đơn phương thay đổi nguyên trạng tại rất nhiều nơi bao gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông. BTQP Nhật Bản đã tuyên bố chi tiết hơn về các hành động dai dẳng của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng xung quanh lãnh thổ Senkaku và yêu cầu lực lượng cảnh sát biển cập nhật thông tin thường xuyên về các diễn biến trên thực địa.

Về việc Mỹ tuyên bố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp, Ngoại trưởng Nhật Bản ngày 14/7 cho rằng đó là cam kết của Mỹ và hoan nghênh Mỹ ủng hộ và duy trì việc này. Tuyên bố này của Mỹ cho thấy cam kết không suy chuyển về đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. Nhật Bản có chủ trương nhất quán về tầm quan trọng của việc sử dụng các biện pháp không đe dọa, không sử dụng vũ lực và thượng tôn pháp luật. Các nước liên quan cần tuân thủ Phán quyết vì là chung thẩm theo UNCLOS 1982.

Tàu USS Ralph Johnson (DDG-114) ngày 14/7 đã tiến hành FONOP gần Trường Sa, thách thức những hạn chế đối với việc qua lại vô hại do Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan áp đặt; “Các yêu sách biển càn quét và phi pháp ở Biển Đông đặt ra mối nguy nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải, hàng không, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế đối với các quốc gia ven Biển Đông”.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc 5402 ngày 15/7 tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính. Sáng ngày 15/7, tàu Trung Quốc lần thứ 4 tiến vào Lô 06.01 mà Việt Nam thăm dò dầu khí. Một số nhận xét trên Twitter cho rằng Việt Nam cần sự hỗ trợ của thế giới để giữ vững lập trường trước Trung Quốc, và nếu Việt Nam "im lặng" thì Trung Quốc sẽ càng tiến tới.

 

Nguồn Indo-Pacific News

Góc nhìn Quốc tế

+ Trung Quốc:

Xu Guangyu, cố vấn cấp cao Hiệp hội kiểm soát vũ trang và giải trừ quân bị Trung Quốc ngày 11/7 cho rằng, tăng áp lực cho Bắc Kinh chỉ là một trong những tính toán trong kế hoạch chiến lược tổng thể lớn hơn của New Delhi. Ấn Độ sẽ mời Úc tham gia tập trận. Chiến lược của Ấn Độ là mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra toàn bộ Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương qua Eo Malacca với sự ủng hộ của Úc. Ấn Độ sẽ không tham gia liên minh quân sự mà chỉ thúc đẩy các nước ủng hộ tập trận quân sự và ký các hiệp ước quân sự với các cường quốc khác. Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ hiện đều có những bất đồng với Trung Quốc và Trung Quốc cần tiếp tục duy trì tương tác để làm giảm sức ép tập thể từ 4 quốc gia này.

Học giả Điền Sỹ Thần, Đại học Nam Kinh, Trung Quốc ngày 14/7 nêu 7 đánh giá về Tuyên bố của Mỹ bao gồm: (1) Đánh dấu Mỹ bắt đầu chính thức công khai đối đầu Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, từ bỏ lập trường trung lập trước đây; (2) Là tiếng còi cảnh báo những hành động quân sự sắp tới của Mỹ trên Biển Đông sẽ được đẩy mạnh theo Phán quyết nhằm thách thức Trung Quốc; (3) Mỹ muốn thể hiện lập trường vượt ra ngoài các đảo và rạn san hô được đề cập trong Phán quyết như Vạn An Bắc, bãi ngầm James và Luconia; (4) Đây không chỉ là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung mà là kết quả của chính sách đối đầu toàn diện với Trung Quốc bên cạnh chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, dịch bệnh, vấn đề Đài Loan, Hồng Kong; (5) Mỹ muốn kích động dư luận thế giới thông qua đả kích Trung Quốc coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình; (6) Mỹ muốn các nước phải chọn bên, làm xáo trộn cục diện để đạt lợi ích riêng; (7) “hướng đến Trung Quốc trên Biển Đông” là quân bài của Chính quyền Trump trong bối cảnh tiền bầu cử và thất bại trong việc chống dịch bệnh.

Tờ Sankei, Nhật Bản, ngày 14/7 trích lời của NFN Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản bác Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2020, cho rằng trong đó có đầy cái nhìn phiến diện và thông tin sai lệch, những tư liệu về sự uy hiếp của Trung Quốc là ngụy tạo và nhằm gây kích động. NFN cũng cho biết Trung Quốc chủ trương bảo vệ và ủng hộ cho sự phồn thịnh, ổn định và hòa bình của thế giới, và cho rằng Nhật Bản nên nhìn lại lịch sử của mình và nên từ bỏ gia tăng đối lập. Bên cạnh đó, NFN cũng phê phán phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng "yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn vi phạm luật quốc tế". 

+Các nước khác:

Gitanjali Sinha Roy, Tiến sĩ khoa Nghiên cứu Đông Á, Đại học Delhi, ngày 12/7 cho rằng cần trang bị đầy đủ cho các cảng và đảo để đối phó Trung Quốc. Nếu Mỹ có được Vịnh Cam Ranh, thì có thể nâng cấp và hiện đại hóa để biến đây thành điểm khởi đầu trong trung tâm chuỗi hàng hải để đối phó với Trung Quốc. Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ có thể là điểm trung tâm kết nối, theo dõi và giám sát đối với Vịnh Cam Ranh và Djibouti. Djibouti là điểm thứ ba và cũng là cuối cùng trong trung tâm chuỗi hàng hải để đối phó Trung Quốc (Trung Quốc hiện có căn cứ ở phía Tây Djibouti; phía Nam là các căn cứ quân sự của Mỹ, Pháp và Nhật).

Brahma Chellaney, nhà tư tưởng, chiến lược Ấn Độ, bình luận trên Twitter ngày 14/7 về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo về Biển Đông. Cho rằng phải mất 4 năm để Mỹ điều chỉnh quan điểm phù hợp với Phán quyết và lần đầu tiên gọi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Cho đến nay, Mỹ vẫn chỉ dựa vào các hành động mang tính tượng trưng và khoa trương. Hy vọng điều này sẽ bắt đầu thay đổi và Mỹ sẽ thực thi những hành động có ý nghĩa để đối với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tờ IISS News ngày 14/7 đăng tải bài viết của học giả Euan Graham về sự thay đổi chiến lược do những đe dọa từ Trung Quốc. Trong Bản cập nhật Chiến lược Quốc phòng 2020 và Kế hoạch Cấu trúc Quân đội năm 2020, Úc cam kết sẽ hướng tới gia tăng răn đe và khả năng tấn công của Úc trong bối cảnh tình hình an ninh chiến lược đang ngày càng xấu đi. Bên cạnh duy trì cam kết đồng minh với Mỹ, Úc cần tăng năng lực răn đe và định hình môi trường chiến lược rộng hơn để xây dựng quan hệ với nhiều đối tác tiềm năng khác như Nhật và Indonesia.

Học giả Victor Abrahamowicz, Đại học Curtin, Úc ngày 15/7 đánh giá chính sách quốc phòng mới của Úc sẽ đem lại rủi ro cao và ít hiệu quả. Úc có thể thể hiện “sự sẵn sàng” tại Nam Thái Bình Dương và Biển Đông - nơi mà Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và hoạt động. Tuy nhiên, hai nơi trên không phải là thách thức an ninh lớn đối với Úc vì (i) Úc không cần phải bảo vệ Biển Đông và hành động này có thể đem lại thiệt hại lớn về kinh tế; (ii) việc gia tăng khả năng quân sự sẽ là thừa nếu Úc chọn chung chiến tuyến với Mỹ; (iii) lựa chọn gia tăng khả năng chiến đấu sẽ có thể làm leo thang căng thẳng. Úc nên duy trì chiến lược không rõ ràng vì bất chấp những gì xảy ra thì Úc vẫn là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới.

 

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn