16/07/2020
Cập nhập tin tức và đánh giá mới nhất của học giả quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 14/7.
Tình hình nổi bật
Tập đoàn Noble, Anh, ngày 9/7 ra thông báo chính thức hủy hợp đồng của giàn khoan Noble Clyde Boudreaux ở Việt Nam. Theo một số nguồn tin trước đó, Noble được một công ty (được cho là Rosneft của Nga) ký hợp đồng thuê giàn khoan Noble Clyde Boudreaux để khoan ở lô 06.01 của Việt Nam trong thời gian từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7/2020.
Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ ngày 10/7 đăng bài phát biểu trực tuyến, bàn về quan hệ Trung - Ấn hiện nay, nhấn mạnh 5 điểm sau: (i) Trung Quốc và Ấn Độ nên là đối tác, không nên là đối thủ. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay của hai nước chính là “chấn hưng và phát triển” dân tộc; (ii) Trung Quốc và Ấn Độ cần hòa bình, không cần xung đột. Hai nước có đủ năng lực và trí tuệ để giải quyết thỏa đáng bất đồng, không nên “động thủ với người thân và mua vui cho kẻ thù bên ngoài”; (iii) Trung Quốc và Ấn Độ cần hợp tác cùng thắng, không cần trò chơi có tổng bằng 0. Với tư cách là hai nền kinh tế mới nổi, hai bên có điểm giao thoa lợi ích là phát triển kinh tế. Trước mắt, hai nước còn có một kẻ thù chung, chính là đại dịch Covid-19; (iv) Trung Quốc và Ấn Độ cần lòng tin, không cần sự nghi kỵ; và (v) Quan hệ Trung - Ấn cần phát triển, không được để thụt lùi. Khi quan hệ hai nước xuất hiện “bóng đen”, cần nắm vững nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, tập trung vào hữu nghị và hợp tác, hóa giải nghi kỵ và lo lắng, giải quyết thỏa đáng bất đồng và các vấn đề nhạy cảm, đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 ra tuyên bố khẳng định yêu sách của Bắc Kinh với nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết khu vực Biển Đông, cùng với chiến dịch hăm doạ nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên này, là hoàn toàn phi pháp. Tại Biển Đông, Mỹ mong muốn giữ gìn hoà bình, bảo vệ tự do trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi hành vi sử dụng biện pháp cưỡng chế hoặc vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ với khu vực. Bắc Kinh không đưa ra được cơ sở pháp lý hợp lý nào cho yêu sách “Đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi đưa ra tuyên bố này vào năm 2009. Tuyên bố lần này thể hiện những điều chỉnh trong lập trường của Mỹ về các yêu sách biển của Trung Quốc với cơ sở là Phán quyết Toà trọng tài năm 2016.
Các nghị sĩ Mỹ ngày 13/7 ủng hộ tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, khẳng định các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là phi pháp và Mỹ sẽ sát cánh cùng các nước trong khu vực bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Các nghị sĩ Michael McCaul, Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Jim Risch và chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Bob Menendez khẳng định Mỹ cam kết duy trì luật pháp quốc tế và giúp đỡ khu vực tìm kiếm giải pháp ngoại giao hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông. TNS. Marco Rubio kêu gọi Quốc hội thông qua Đạo luật lưỡng đảng Trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông (S.1634) để xử lý các cá nhân và thực thể Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế. TNS. Tom Cotton khẳng định Mỹ phản đối sự bành trướng và hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 13/7 lên tiếng về tuyên bố của Mỹ liên quan đến Biển Đông, nhắc lại lập trường và chủ trương của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giải quyết tranh chấp hòa bình thông qua đàm phán, kiểm soát sự khác biệt thông qua các quy tắc và cơ chế, thực hiện hai bên cùng có lợi; duy trì đối thoại tham vấn với các nước có liên quan thông qua cơ chế tham vấn về các vấn đề hàng hải và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng hải. Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng thường xuyên can thiệp vào vấn đề Biển Đông dưới vỏ bọc duy trì sự ổn định ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và đối đầu trong khu vực. Trung Quốc kêu gọi Mỹ nghiêm túc tuân thủ cam kết trung lập đối với chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, tôn trọng nỗ lực của các quốc gia trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, ngăn chặn sự ly gián, phá hoại hòa bình khu vực.
Người phát ngôn Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 13/7 trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Ngoại trưởng Philippines Locsin ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông nhân kỷ niệm 4 năm ngày Tòa ra Phán quyết, khẳng định Trung Quốc và Philippines từ lâu đã đạt nhận thức chung về việc xử lý thỏa đáng vấn đề Phán quyết của Tòa Trọng tài, đây cũng chính là cơ sở để quan hệ song phương giữa hai nước có bước ngoặt mới. Hai bên đã xây dựng cơ chế tham vấn về vấn đề trên biển, trở lại “quỹ đạo đúng đắn” giải quyết mọi vấn đề thông qua đàm phán, hiệp thương. Về vấn đề Tòa Trọng tài và Phán quyết của Tòa, lập trường của Trung Quốc là rõ ràng, nhất quán và kiên định, không cần phải nhắc lại.
Người phát ngôn “Bộ Ngoại giao Đài Loan” Âu Giang An ngày 14/7 đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cho biết lập trường của Đài Loan đối với chủ quyền Biển Đông chưa từng dao động hay thay đổi. Đài Loan kiên trì nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối các ý đồ và hành động sử dụng các hình thức đe dọa, uy hiếp hoặc vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông và không công nhận các chủ trương trái với luật pháp quốc tế. Đài Loan cũng hối thúc các quốc gia liên quan đưa Đài Loan vào cơ chế điều phối, giải quyết tranh chấp đa phương. Chính phủ Đài Loan chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” làm nguyên tắc xử lý tranh chấp Biển Đông. Đài Loan có mong muốn, cũng có năng lực tham gia các cơ chế hiệp thương liên quan đến Biển Đông, đồng thời căn cứ theo “4 nguyên tắc” và “5 phương thức” do Tổng thống Thái Văn Anh đề xướng, trên cơ sở hiệp thương bình đẳng, cùng với các quốc gia liên quan thúc đẩy cởi mở, hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông, cùng giữ gìn, bảo vệ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Tờ The Times của Anh ngày 14/7 đưa tin hải trình đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ là tới khu vực Viễn Đông vào năm 2021. Tàu sân bay của Anh dự kiến sẽ có hoạt động diễn tập quân sự với Mỹ và Nhật Bản trong chuyến thăm này. Động thái này được coi là để phản ứng với việc Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra cứng rắn không chỉ ở trong và mà ở cả ngoài khu vực châu Á.
Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ngày 14/7 tổ chức “Phiên Dẫn đề và Phiên 1” của Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 10. Hội thảo được tổ chức theo hình thức chuỗi hội thảo webinar hàng tháng. Phát biểu dẫn đề, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nhận định trong bối cảnh thế giới đang tập trung chống dịch Covid-19, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường hoạt động nhằm áp đặt trật tự theo kiểu “sức mạnh quyết định lẽ phải” tại khu vực. Ông cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách thay thế luật quốc tế bằng các hành vi đe doạ và cưỡng ép. Trong bối cảnh đó, Mỹ cam kết bảo vệ các lợi ích sống còn của Mỹ và của các đồng minh, bạn bè khu vực, thông qua việc tăng cường năng lực quân sự, tiếp tục hoạt động tại bất cứ đâu luật quốc tế cho phép, tăng cường quan hệ với các nước bạn bè, sẵn sàng tăng cường năng lực cho các quốc gia lo ngại về hành vi Trung Quốc, hỗ trợ các nỗ lực đa phương nhằm đối phó với hoạt động xâm lấn của Trung Quốc, và đưa ra các lựa chọn kinh tế để giúp các quốc gia hiểu rằng họ không cần phải phụ thuộc vào các sáng kiến của Trung Quốc – vốn về cơ bản mang tính “kẻ cướp” (predatory).
Góc nhìn Quốc tế
+ Châu Âu - Mỹ:
Tom Rogan, Phóng viên Tờ Washingtonexaminer, ngày 13/7 đánh giá tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thể hiện sự thay đổi trong chính sách của Mỹ và thiết lập cơ sở theo luật quốc tế về việc sử dụng vũ lực đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố quan trọng, bởi nó (i) hoàn toàn bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, coi đây là yêu sách không chỉ bất hợp pháp mà còn phi thực tế (đề cập Bãi cạn James). Trước đây, Mỹ thường chỉ lên án yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi các bên đàm phán; (ii) xác định cơ sở pháp lý bác bỏ yêu sách Trung Quốc, cam kết sát cánh với các nước Đông Nam Á để bảo vệ quyền chủ quyền. Chính quyền Trump đang thiết lập thẩm quyền phù hợp và lý do cho việc sử dụng vũ lực trong tương lai theo cách hiểu chung về lý thuyết chiến tranh chính đáng theo luật pháp quốc tế.
Drake Long, Mỹ, ngày 13/7 nhận định tuyên bố mới của Mike Pompeo cho thấy (i) Mỹ không còn hoàn toàn giữ trung lập trong vấn đề Biển Đông, (ii) Mỹ bắt đầu trích dẫn cụ thể luật pháp quốc tế để chứng minh hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là phi pháp. Grossman, Viện RAND, cho rằng một số nước như Việt Nam và Philippines hài lòng với nước đi của Mỹ, trong khi một số nước khác như Malaysia, Indonesia,… thì chưa chắc.
Tờ CNN ngày 14/7 trích dẫn ý kiến học giả về tuyên bố mới của Pompeo, cho rằng đây là bước đi lớn về mặt ngoại giao, có lợi cho các nước ven Biển Đông nhằm chống lại Trung Quốc, đồng thời gây sức ép lên các nước khác phải đưa ra quan điểm riêng về vấn đề Biển Đông.
Tờ New York Times ngày 14/7 nhận định tuyên bố mới của Mỹ về Biển Đông mở ra khả năng Mỹ sẽ bảo vệ các nước như Việt Nam, Malaysia và Philippines nếu hành vi hung hăng của Trung Quốc gây ra xung đột. Ngoài ra, tuyên bố mạnh mẽ này có thể là cơ sở để Mỹ có các hành động khác bên cạnh việc tiếp tục thực hiện FONOP hay cử tàu đến các khu vực nhạy cảm ở Biển Đông. Julian G. Ku, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Hofstra cho rằng có khả năng Mỹ sẽ trừng phạt các công ty làm ăn với Trung Quốc tại các khu vực mà hiện Mỹ đã coi là "vùng biển bị chiếm đóng trái phép".
Ankit Panda, biên tập viên The Diplomat, ngày 14/7 nhận định tuyên bố của Mỹ không thể hiện quá nhiều sự thay đổi trong chính sách của Mỹ như truyền thông mô tả. Thứ nhất, trong thời gian trở lại đây đã có những chỉ dấu về việc Mỹ xem xét lại chính sách Biển Đông, trong đó có việc phê phán Trung Quốc tìm cách yêu sách vùng tài nguyên ngoài khơi tại các khu vực tranh chấp (như vụ HD-08 năm 2019). Thứ hai, lập trường của Mỹ về tự do hàng hải và hàng không không thay đổi. Thứ ba, việc thể hiện sự ủng hộ với Phán quyết Toà Trọng tài năm 2016 đã được Mỹ đưa ra trong công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, điểm khác biệt là tuyên bố lần này của Mỹ đã đề cập đến thực trạng pháp lý của các thực thể không được đề cập trong Phán quyết năm 2016, là Bãi Tư Chính, Bãi Luconia và Đảo Natuna Besar. Thứ tư, lập trường mới của Mỹ không đi quá giới hạn trong lập trường về yêu sách lãnh thổ với các thực thể tại Biển Đông. Theo đánh giá của Ankit Panda, cách diễn giải mới về chính sách của Mỹ tại Biển Đông sẽ được duy trì sau thời Tổng thống Trump.
Peter Dutton, Học viện Hải chiến Mỹ, ngày 14/7 nhận định tuyên bố mới của Mỹ thể hiện bước chuyển về chính trị hơn là bước chuyển về pháp lý. (i) Về mặt pháp lý, tuyên bố chỉ là cách thể hiện rõ hơn một chính sách vốn đã được ngầm thể hiện trước đó; (ii) Mỹ vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề chủ quyền; (iii) tuyên bố này chủ yếu đánh dấu sự thay đổi về mặt chính trị. Mỹ hiện đối đầu trực tiếp với Trung Quốc về sự phi pháp trong yêu sách của nước này; (iv) việc Mỹ không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể nửa nổi nửa chìm/chìm hoàn toàn là phù hợp theo cả luật quốc tế và cả góc độ lịch sử; (v) Trung Quốc có thể không hài lòng với việc Mỹ công khai đứng về phía các nước Đông Nam Á, nhưng Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia đang có lẽ phải của luật quốc tế; và (vi) để cách tiếp cận mới có hiệu quả, ngoài việc duy trì hiện diện quân sự, Mỹ cần tiếp tục duy trì cam kết, hỗ trợ lâu dài cho các nước Đông Nam Á và cho cả luật quốc tế.
Lyle Morris, Viện RAND, Mỹ, ngày 14/7 nhận định tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo không đồng nghĩa với việc Mỹ thay đổi quan điểm trung lập với các yêu sách chủ quyền. Theo Lyle, hiện nay có nhầm lẫn về sự thay đổi chính sách Biển Đông của Mỹ trên báo chí. Lyle nhận định tuyên bố này chỉ đơn giản là ủng hộ Phán quyết 2016, trong đó, bác bỏ Đường chín đoạn và các yêu sách biển/EEZ mà Trung Quốc yêu sách từ các thực thể riêng rẽ hoặc nhóm các thực thể ở Trường Sa hoặc Bãi cạn Scarborough. Tuyên bố không hề nói Mỹ công nhận chủ quyền lãnh thổ của bất kỳ nước nào. Mỹ tiếp tục lập trường trung lập đối với các yêu sách chủ quyền với các thực thể trên Biển Đông. Lyle làm rõ, Mỹ chỉ là không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với Bãi cạn James, cũng là bãi cạn lúc chìm lúc nổi.
+ Đông Nam Á:
Damos Agusman, Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao Indonesia, ngày 12/7 trên Twitter cá nhân nói rằng Indonesia không bị ràng buộc bởi Phán quyết Tòa Trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc, nhưng với tư cách là một thành viên của UNCLOS, Indonesia bị ràng buộc bởi những quy định của UNCLOS mà đã được giải thích bởi Toà, cụ thể (i) do quyền lịch sử/Đường chín đoạn đã bị Toà bác bỏ, Indonesia sẽ vi phạm UNCLOS nếu quyết định rằng Đường chín đoạn có hiệu lực và (ii) dựa trên Điều 121(3) UNCLOS, Toà kết luận không có một thực thể nào ở Trường Sa có EEZ và thềm lục địa riêng, nên không tạo ra vùng biển chồng lấn với vùng biển của Indonesia. Do đó, Indonesia sẽ vi phạm UNCLOS nếu tiến tới đàm phán phân định biển với bất kỳ quốc gia nào sở hữu những thực thể này. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng Phán quyết 2016 vẫn luôn có hiệu lực cho dù có hay không sự công nhận từ các quốc gia, bởi vì Toà Trọng tài đã được UNCLOS trao thẩm quyền - điều đã đồng thuận bởi tất cả các quốc gia thành viên Công ước. Các quốc gia thành viên của UNCLOS có nghĩa vụ phải tuân thủ Phán quyết và không có quyền hạn xem xét hay vô hiệu hóa Phán quyết.
The Star ngày 14/7 đưa tin Báo cáo Tổng kiểm toán 2018 của Malaysia cho biết (i) tàu hải quân và hải cảnh của Trung Quốc xâm nhập vùng biển ở Sabah và Sarawak 89 lần trong giai đoạn 2016-2019 (tàu hải cảnh 72 lần và hải quân 17 lần) để tăng cường hiện diện nhằm khẳng định yêu sách trên Biển Đông; (ii) các vụ việc xâm nhập của tàu hải cảnh Trung Quốc tăng lên trong năm 2017, giảm đi trong năm 2018 và 2019 nhưng tàu hải quân tăng lên; (iii) hải quân Malaysia tiến hành đuổi các tàu của Trung Quốc nhưng lực lượng và trang thiết bị hạn chế (34,6% tàu thuyền của cơ quan thực thi pháp luật Malaysia không sử dụng được); (iv) từ năm 2017, Malaysia bắt đầu tiến hành gửi công hàm phản đối ngoại giao tới Trung Quốc, từ 2018-2019 Malyasia đã 5 lần gửi công hàm phản đối các hoạt động xâm nhập của tàu Trung Quốc vào vùng biển của Malaysia.
+ Các nước khác:
TS. Jagannath Panda, nghiên cứu viên Viện Phân tích và nghiên cứu Quốc phòng Manohar Parrikar Ấn Độ, ngày 13/7 cho rằng, việc Úc tham gia Malabar sẽ bước đầu nổi lên một liên minh biển ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Sự tham gia của Úc không chỉ tăng cường khía cạnh biển của cả Ấn Độ và Úc mà còn thúc đẩy tầm nhìn hợp tác của hai nước ở Ấn Độ Dương. Chính sách Hành động hướng Đông là hòn đá tảng trong sự can dự Ấn Độ-Thái Bình Dương của Ấn Độ. Các chính sách biển gần đây của hai nước mang tính hành động hơn, như “Đảm bảo an ninh biển: Chiến lược an ninh biển của Ấn Độ” năm 2015 hay tại Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương 2016, Úc đã bóng gió về bước đi hành động mang tính thay đổi để can dự vào khu vực, theo đó đưa ra “Những ưu tiên chính sách cao nhất”, “Tăng cường Thái Bình Dương”. Đối với Úc và Ấn Độ, tập trận Malabar và thậm chí là Quad đều là sự phát triển mở rộng của những chính sách quốc gia này.
Samir Saran, giám đốc ORF, Ấn Độ, ngày 14/7 nhận định Mỹ đã đưa ra tuyên bố rất mạnh về Biển Đông trên 4 khía cạnh: (i) Trung Quốc đe dọa đến trật tự dựa trên luật lệ; (ii) Bác bỏ Đường chín đoạn; (iii) Không cho phép Bắc Kinh bắt nạt/thực hiện luật “sức mạnh là lẽ phải”; (iv) Ủng hộ Phán quyết Tòa Trọng tài Hague nghiêng về Philippines và Việt Nam.
Bản PDF tại đây
@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao
"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.
Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...