Tình hình nổi bật

Báo Quân đội Nhân dân Trung Quốc ngày 12/7 có bài viết “Mỹ - Trung đồng thời tập trận ở Biển Đông, vô tình hay hữu ý?”, cho rằng trong bối cảnh “bất lực” giải quyết những vấn đề nội bộ như dịch Covid-19 mất kiểm soát, kinh tế sụt giảm, Mỹ chỉ còn cách rêu rao “mối họa” từ bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý của dư luận trong nước. Hoạt động quân sự quy mô lớn lần này của Mỹ vừa muốn cảnh báo Trung Quốc Mỹ không hề vắng mặt tại Châu Á – Thái Bình Dương và cũng nhằm nhắc nhở các đồng minh trong khu vực rằng địa vị bá quyền của Mỹ vẫn không hề lay động. Mỹ còn lợi dụng, “dung túng” cho Việt Nam và Philippines để thử phản ứng của Trung Quốc. Trung Quốc muốn khuyên Mỹ rằng đừng đánh giá thấp quyết tâm và ý chí của Trung Quốc trong bảo vệ “chủ quyền” quốc gia.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 12/7 ra tuyên bố về Phán quyết Tòa Trọng tài và nhắc lại kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày Phán quyết được đưa ra bởi Tòa trọng tài. Tuyên bố có các nội dung chính: (i) khẳng định Phán quyết đã giải quyết một cách thuyết phục vấn đề quyền lịch sử và các quyền hàng hải tại Biển Đông trên cơ sở UNCLOS; là một cột mốc quan trọng trong luật quốc tế, nền tảng của trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ. (ii) Nêu rõ phán quyết này là không thể thương lượng, những yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển này là không có cơ sở pháp lý, (iii) Tuân thủ thiện chí với Phán quyết là điều phù hợp với những nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc theo luật quốc tế. Philiipines kỷ niệm việc Tòa ban hành phán quyết này là để tôn vinh tính thượng tôn pháp luật, coi đó là phương thức để giải quyết tranh chấp một cách thiện chí.

Trung Quốc ngày 11/7 tổ chức Diễn đàn hàng hải lần thứ 16 tại Thượng Hải và ra tuyên bố về thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường và phát triển kinh tế biển. Tuyên bố cho biết, các thủy thủ của Trung Quốc hiện đang ở tiền tuyến nhằm bảo đảm hoạt động của logistics và chuỗi cung ứng quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục phát tán trên toàn cầu. Là nước giao dịch thương mại hàng hóa lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giao thông hàng hải của Trung Quốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại toàn cầu và xây dựng cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại. Hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và văn hóa giữa Trung Quốc và các nước, khu vực dọc Vành đai và Con đường đang ngày càng chặt chẽ thông qua đường biển. Trong năm 2020, Trung Quốc cũng đạt được những thành tựu vượt bậc về hàng hải và công nghiệp biển. Quy mô các cảng, số lượng thủy thủ, việc sản xuất tàu thuyền và quy mô các hạm đội của Trung Quốc đều dẫn đầu thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt-Mỹ, Nhà trắng ngày 10/7 có tuyên bố khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng Việt Nam, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở. Trong thư trao đổi chúc mừng gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ duy trì cam kết tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ giữa hai nước trên cơ sở tầm nhìn chia sẻ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng cũng như tôn trọng luật lệ và chủ quyền của nhau.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Helvey ngày 10/7 nhận định Mỹ cần có chiến lược dài hạn và "các đối tác cùng chí hướng" để cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc "marathon" nhằm giành quyền lãnh đạo trật tự thế giới. Theo đó, cộng đồng quốc tế không thể ngồi yên khi Trung Quốc tiếp tục bẻ cong, coi thường hoặc viết lại luật lệ để áp đặt các ưu tiên của mình. Mỹ cùng với các quốc gia cần tập trung nỗ lực vào 3 trụ cột là nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đối, xây dựng mạng lưới kết nối và các nỗ lực cần mang tính bền bỉ, lâu dài.

Tờ Bloomberg ngày 10/7 đưa tin Chính quyền Trump dự định đưa ra một tuyên bố trong tuần này về căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông, cụ thể là hành động tập trận ở Hoàng Sa của Trung Quốc, theo hai người thạo tin. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ chưa bình luận gì về thông tin này. 

Ngoại trưởng Indonesisa Retno Marsudi ngày 10/7 xác nhận Indonesia đã bắt giữ 2 tàu cá Trung Quốc tại lãnh hải của Indonesia sau khi nhận được tin báo tàu Trung Quốc đang chở thi thể của một thuỷ thủ Indonesia và có dấu hiệu chạy trốn ngày 8/7. Indonesia đã huy động hải quân, tuần duyên và cảnh sát quốc gia cùng truy đuổi. Bà Marsudi không tiết lộ lý do thủy thủ Indonesia chết cũng như nói về việc tàu Trung Quốc sẽ đối xử với thi thể của người này như thế nào. Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia chưa lên tiếng về vụ việc trên.

Thông tấn xã CNA (Đài Loan) ngày 10/7 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức phê chuẩn bán cho Đài Loan gói thiết bị và kỹ thuật kéo dài tuổi thọ hệ thống tên lửa đạn đạo Patriot Advanced Capability 3 (PAC-3) với tổng trị giá 620 triệu USD. Người phát ngôn “Phủ Tổng thống” Đài Loan Hoàng Trọng Ngạn hoan nghênh động thái trên của Mỹ, cho rằng điều này góp phần củng cố quan hệ đối tác an ninh với Mỹ giúp nâng cao hơn nữa năng lực phòng vệ của Đài Loan. Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho rằng, hợp đồng này thể hiện sự coi trọng đầy đủ của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong hợp tác an ninh quốc phòng với Đài Loan. Cơ quan ngoại giao của Đài Loan cũng ra tuyên bố cảm ơn Mỹ có hành động cụ thể thực hiện cam kết an ninh đối với Đài Loan.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 9/7 trả lời phóng viên tại họp báo trực tuyến về phản ứng của Indonesia đối với các cuộc tập trận do Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông vào đầu tháng 7/2020 rằng: Jakarta yêu cầu tất cả các nước, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, ngừng hành động có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng và đe dọa sự ổn định ở Biển Đông. Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các quốc gia góp phần duy trì sự ổn định ở các vùng biển này, đặc biệt là vào thời điểm thế giới đang chống lại Covid-19.

Góc nhìn Quốc tế

+ Trung Quốc:

Học giả Hồ Ba ngày 11/7 trên Báo Hoàn Cầu cho biết thời gian qua, Sáng kiến Minh bạch Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thường xuyên cập nhật, công bố hoạt động của Mỹ và hoạt động nghề cá “trái phép” của các nước tại Biển Đông. Đây là những nỗ lực mới của giới nghiên cứu Trung Quốc nhằm cung cấp nguồn tin “đáng tin cậy”, ngăn chặn các tin giả, mang đến cho cộng đồng quốc tế một cái nhìn đa nguyên và cân bằng hơn về Biển Đông thay vì chỉ có tin tức từ phương Tây. Cho rằng các dữ liệu của hệ thống theo dõi có nguồn và phương thức phân tích tương đối đơn nhất, không thể so sánh về độ chính xác và ổn định so với các hệ thống nội bộ của chính phủ các nước, do đó, chủ yếu nhằm phục vụ giới học giả trong việc nghiên cứu và phân tích chính sách, không thể phục vụ cho các hành động quân sự cụ thể. Học giả thừa nhận Trung Quốc đang ở giai đoạn sơ khởi và vẫn “chạy theo” phương Tây trong việc xây dựng các hệ thống, công cụ dữ liệu chuyên ngành.

+ Châu Âu - Mỹ:

VnExpress ngày 12/7 dẫn ý kiến học giả đánh giá cao quan hệ Mỹ - Việt Nam trên nhiều khía cạnh, góp phần mang lại hòa bình, ổn định cho khu vực. Gs. Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ, nhận định (i) quan hệ Việt-Mỹ sẽ có những bước tiến mạnh trong tương lai trong chuyển hướng chuỗi cung ứng và an ninh trên Biển Đông; và (ii) nếu tàu chiến và máy bay Mỹ thường xuyên tiếp cận được một số vị trí chiến lược ven Biển Đông của Việt Nam và Philippines, Trung Quốc sẽ mất dần lợi thế từ các đảo nhân tạo.

Drake Long, Mỹ, ngày 10/7 dẫn ý kiến các học giả nhận định nguy cơ xung đột nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra ở Biển Đông đang tăng lên, có thể bùng nổ từ một vụ tai nạn trong bối cảnh cả hai nước đều tăng cường hoạt động trên thực địa. Andrew Scobell, Viện RAND, lo lắng khi cả Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng nguy cơ xung đột trên Biển Đông ở mức thấp, bởi hai nước sẽ nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì mà không cần lo lắng về khả năng leo thang căng thẳng.  

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn