Hoàng Lan

Tháng 3/2018, nhóm các nhà nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc tài trợ đã công bố công trình công bố bằng chứng mới thể hiện đường chữ U là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Công trình nghiên cứu này có tựa đề “Bản đồ đường biên giới quốc gia và bản đồ đường phân khu hành chính thể hiện đường chữ U là đường biên giới trên Biển Đông của Trung Quốc” được đăng trên Tạp chí Khoa học Trung Quốc số ra ngày 15/3/2018. Mặc dù đây chỉ là xuất bản của một nhóm nhà nghiên cứu, nhưng nó có ý nghĩa quan trọng bởi nó là một trong số ít các công trình về chủ đề liên quan được xuất bản sau Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Philippines và Trung Quốc. Bài viết sẽ tóm tắt cũng như đánh giá tính khách quan và khoa học của kết quả nghiên cứu chính trong công trình này. 

Lập luận cũ, chứng cứ mới

Điểm mới của công trình là công bố phát hiện khảo cứu mới được cho là “Bản đồ mới của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” xuất bản năm 1951. Điểm đặc biệt là tập bản đồ có bản đồ Đường lưỡi bò ở Biển Đông, hay còn gọi là Đường chữ U, được mô tả là vẽ cả bằng hai nét, một nét giống ký hiệu biên giới quốc gia và một nét được thể hiện giống đường đường phân khu hành chính. Trên cơ sở phát hiện đó, nhóm tác giả lập luận rằng đường chữ U là đường biên giới trên Biển Đông của Trung Quốc và cố gắng chứng minh đường này nhất quán với đường chữ U được vẽ trong các bản đồ năm 1912, năm 1927, năm 1936 và năm 1948. Nhóm tác giả cũng đưa ra kiến nghị sử dụng thuật ngữ “Đường biên giới chữ U trên Biển Đông” một cách thống nhất để thay thế cho tất cả các tên gọi khác, “bởi đó là tên gọi mang tính hình tượng, chính xác, hoàn chỉnh và khoa học để biểu thị đường biên giới trên Biển Đông của Trung Quốc”.[1]

Lý giải về nguồn gốc ra đời, nhóm nghiên cứu này cho rằng, bản đồ chữ U nét liền này nằm trong Tập “Bản đồ mới của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được xuất bản lần đầu năm 1950 và xuất bản lần thứ 2 năm 1951 do Quang Hoa và Hội Khoa học Địa chất biên tập; hiệu sách Tam Liên in ấn, in tổng cộng 80,000 bản. Tập bản đồ này được ông Dương Lang (Yang Lang) sưu tầm sau đó giao lại cho ông Hào Tiêu Quang (Hao Xiaoguang, một trong sáu thành viên của nhóm nghiên cứu). Trong quá trình nghiên cứu, bà Đường Đan Linh (Tang Danling, trưởng nhóm nghiên cứu) đã phát hiện trong trang 3-4 của “Tập Bản đồ mới của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” là “Bản đồ khu vực hành chính toàn quốc”, và ở góc nhỏ phía dưới bên phải tấm bản đồ này là “Bản đồ các đảo trên Biển Đông” có vẽ đường chữ U nét liền với tỷ lệ 1:30000000 bằng ký hiệu của đường biên giới quốc gia và đường phân khu hành chính.[2] Về phạm vi, theo hướng từ Tây sang Đông, Đường chữ U bắt đầu từ cửa sông Bắc Luân ở biên giới Việt Trung và kết thúc ở khu vực Đông Bắc Đài Loan, bao quanh quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và quần đảo Trung Sa; bãi cạn James Shoal (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu) và một số thực thể khác; cực Nam của đường này là ở vĩ tuyến 4o Bắc.

Nhóm nghiên cứu cho rằng Đường lưỡi bò trong bản đồ năm 1951 dùng ký hiệu (·>—<·>—<·) khi đó là ký hiệu biên giới quốc gia; đồng thời dùng đường màu đỏ khi đó là đường phân khu hành chính. Theo đó, Đường lưỡi bò là đường biên giới quốc gia theo chuẩn do Nhà xuất bản bản đồ Trung Quốc sử dụng dấu hiệu quy ước cho đường biên giới. Để lý giải về sự khác biệt giữa Bản đồ 1951 và các bản đồ Đường lưỡi bò khác, nhóm tác giả đành lập luận rằng thời kỳ trước năm 1951 hay sau năm 1990 thì được vẽ theo phương pháp khác, ví dụ như trước năm 1951, đường biên giới được ký hiệu bằng nét (—·—·—·) hay sau năm 1990, ký hiệu đường biên giới quốc gia là nét (·|—|·|—|). Đồng thời, đường chữ U được cho là biên giới được vẽ chèn lên một đường nét liền màu đỏ nối với lục địa ở khu vực hành chính Trung Nam (khi đó đại lục Trung Quốc được phân thành 8 địa khu hành chính trong đó có khu vực Trung Nam). Với quan sát này, nhóm tác giả cho rằng, đây là ký hiệu đường biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển của Trung Quốc; đồng thời cũng là đường ranh giới phân định các khu vực quản lý hành chính của Trung Quốc tại thời điểm đó.


Nguồn: Đây là tấm bản đồ được nhóm tác giả minh họa trong trang 3 của nghiên cứu[3]

Về sự tồn tại của nhiều phiên bản đường chữ U trong lịch sử, nhóm tác giả thừa nhận có sự khác nhau nhưng cho rằng đó chỉ là khác nhau về cách vẽ để phù hợp với các giai đoạn lịch sử khác nhau, và đường chữ U từ khi xuất hiện đến nay luôn nhất quán thể hiện là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc. Điểm đáng chú ý là, Trung Quốc dùng khái niệm “nước biển mang tính chuyển động” để lý giải sự khác nhau giữa các phiên bản nét liền và nét đứt. Nhằm bảo vệ cho cách vẽ đường lưỡi bò nét đứt, nhóm nghiên cứu này lý giải rằng việc vẽ đường lưỡi bò nét đứt là phù hợp với thực tiễn và thể hiện tàu thuyền được phép qua lại tự do trong khu vực này.[4]


Nguồn: Đây là tấm bản đồ được nhóm tác giả minh họa trong trang 4 của nghiên cứu[5]

Theo nghiên cứu này, đường chữ U nét liền đã xuất hiện trên những bản đồ năm 1912, năm 1927 và năm 1936 và đó là căn cứ để Trung Quốc [Trung Hoa Dân quốc] chính thức công bố bản đồ đường nét đứt năm 1948. Học giả Trung Quốc còn viện dẫn các thực tiễn quốc tế để củng cố lập luận luận của họ, lấy ví dụ rằng đường biên giới giữa các đảo của Italia và Tây Ban Nha, đường biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hay trong Át-lát Oxford mới của Canada, ở Địa Trung Hải tại thời điểm đó đều vẽ đường biên giới trên biển là nét đứt.

Vậy tại sao Trung Quốc lại phải tiếp tục công bố bản đồ chữ U nét liền năm 1951 thay vì tiếp tục duy trì bản đồ nét đứt năm 1948? Theo lập luận của nghiên cứu này, sau khi công bố bản đồ nét đứt năm 1948, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận rộng rãi tấm bản đồ này, tuy nhiên, Trung Quốc sau đó lại vẫn duy trì xuất bản cả hai phiên bản đường chữ U nét đứt và nét liền. Ví dụ như, năm 1948, nhà xuất bản Viện Khoa học Địa chất Á Quang vẫn xuất bản tấm bản đồ đường chữ U nét liền; hay năm 1951, Viện Khoa học Địa chất Thế giới vẫn cho xuất bản tấm bản đồ đường chữ U nét đứt.

Từ những minh họa này, nhóm đi đến kết luận, hai phiên bản đường chữ U nét đứt và nét liền vẫn luôn được tồn tại song hành từ sau năm 1948, có nguồn gốc từ những tấm bản đồ nét liền năm 1912, năm 1927, năm 1936; được thay đổi cách vẽ sao cho phù hợp với thực tiễn quốc tế và bối cảnh lịch sử của Trung Quốc và tất nhiên thông qua những ký hiệu để chứng minh, dù là bản đồ vẽ vào thời điểm nào, dưới cách vẽ nào thì đường chữ U vẫn được ký hiệu là đường biên giới trên biển của Trung Quốc.

Sự phi lý, nguỵ biện trong cách lập luận của học giả Trung Quốc

Điểm đáng nói đầu tiên là theo các học giả Trung Quốc, bản đồ đường chữ U nét liền của Trung Quốc công bố năm 1951 là sự thống nhất, nối tiếp của những tấn bản đồ đường chữ U trước đó, bao gồm bản đồ đường chữ U năm 1912, năm 1936 và năm 1947. Tuy nhiên, nếu coi đây là cơ sở, thì phải khẳng định rằng, những tấm bản đồ đường chữ U trước đó đều hết sức mơ hồ và thiếu căn cứ pháp lý.

Bản đồ năm 1912 đến nay vẫn còn đang gây tranh cãi trong giới học giả vì sự thiếu nhất quán về thời điểm, không rõ ràng về nội dung và mập mờ về chính tác giả. Theo một số nguồn của Trung Quốc, tấm bản đồ đường lưỡi bò đầu tiên được công bố là năm 1914 chứ không phải năm 1912[6]. Về tác giả tấm bản đồ đầu tiên, có những nguồn cho rằng, tác giả tấm bản đồ năm 1912 là Hu Jin Jie[7], xong có những nguồn cho rằng, tác giả là Hu Jin Sui[8]. Sự thiếu nhất quán trong các tài liệu của Trung Quốc cho thấy sự giả mạo rõ nét của tấm bản đồ được coi là “khởi nguyên” của đường chữ U này

Tấm bản đồ đường chữ U nét liền năm 1936 do Bai Meichu vẽ bao trọn cả bốn quần đảo mà Trung Quốc gọi là Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa cũng chỉ là tấm bản đồ cá nhân tuỳ tiện vẽ, không thể coi là nguồn cho bản đồ đường lưỡi bò như nhóm nghiên cứu này lập luận.

Tấm bản đồ năm 1947 được coi là cơ sở chính thức của Đường lưỡi bò. Tuy nhiên, bản đồ này có tên là "Vị trí các đảo trên Biển Nam Hải" chứ hoàn toàn không đề cập đến cái gọi là "biên giới trên biển". Bản đồ là sản phẩm có tính cục bộ, tuỳ tiện, các nét vẽ đường đứt đoạn mơ hồ, hoàn toàn không có toạ độ địa lý và không giải thích nội dung cụ thể. Trên thực tế, các nhà bản đồ của Trung Quốc thời gian đó cứ vẽ một đường khoanh tạm các thực thể, dù có thể họ chưa bao giờ đặt chân hoặc nhận thức được sự tồn tại của các cấu trúc đó. Nhiều dấu hiệu cho thấy tên gọi của các thực thể là do các nhà bản đồ Trung Quốc "tạm dịch" từ bản đồ hàng hải của phương Tây.

Khó có thể chấp nhận được “đường biên giới quốc gia trên biển” lại thay đổi tuỳ tiện và mơ hồ. Nghiên cứu này cũng phải thừa nhận từ khi xuất hiện cho tới nay, đường chữ U đã được biến đổi về ký hiệu và hình dáng, khi thì  là nét đứt, khi thì là nét liền; riêng với phiên bản nét đứt thì có những bản đồ đường chữ U được vẽ bằng 9 nét đứt, khi thì lại có 11 nét, khi thì 7 nét, thậm chí có cả 10 nét. Có thể thấy, cái mà các học giả Trung Quốc gọi là “đường biên giới trên biển của Trung Quốc” cơ bản là suy diễn, nguỵ biện, thiếu cơ sở khoa học, không khách quan, không phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Tất nhiên, ngay cả khi nó là hiện thực, bản đồ năm 1951 vẫn có yếu huyệt của các bản đồ khác cùng loại. Đó là cái gọi là "Đường biên giới quốc gia trên biển" không có toạ độ địa lý, không được giải thích về nội dung. Hơn nữa, bản đồ này thậm chí chỉ là tấm bản đồ phụ đặt ở một góc phải của tấm bản đồ phân khu hành chính của Trung Quốc. Tấm bản đồ nhỏ ấy tên là “Bản đồ các đảo trên Biển Đông”. Nếu có, bản đồ này chỉ đơn thuần thể hiện thông tin địa lý chứ không đủ để thể hiện yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc.

Phản ứng của giới học giả quốc tế

Sau khi tấm bản đồ năm 1951 được công bố, các học giả Trung Quốc bày tỏ ủng hộ và cho rằng phát hiện trên sẽ củng cố thêm cơ sở pháp lý cho yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Giáo sư Zou Jingui, Phó Giám đốc Viện Đo đạc và Địa chất học, Trường Đại học Vũ Hán, cho rằng đường đứt đoạn hiện nay không giúp tính toán được chính xác độ rộng của khu vực biển mà Trung Quốc yêu sách và nước này cần công bố một đường biên giới khép kín và chính xác thay thế cho đường đứt đoạn nhằm tính toán được cụ thể hơn trữ lượng tài nguyên thiên nhiên như nguồn cá, hải sản, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt[9] Tuy nhiên, nhiều học giả quốc tế đã nêu quan ngại đồng thời đưa ra các lý lẽ, lập luận để bác bỏ lập luận nêu trên, đồng thời phủ nhận giá trị pháp lý của bản đồ năm 1951.

GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc cho rằng Bản đồ 1951 "mới" của Trung Quốc không có cơ sở trong luật pháp quốc tế do hai lý do: (1) bản đồ không có giá trị khẳng định chủ quyền quốc gia trong luật pháp quốc tế trừ phi nó đi liền với một hiệp định quốc tế; (2) bản đồ này không được xuất bản bởi Chính phủ Trung Quốc mà là của một hiệp hội chuyên ngành, Hội Khoa học Địa chất. Do đó, phát hiện này, nếu có, cũng không đủ để hình thành chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển đó.[10]

Một số học giả khác như Giáo sư Julian Ku, Đại học Hofstra và Chris Mirasola, chuyên gia pháp lý của Harvard lại cho rằng, phát hiện mới của các học giả Trung Quốc về bản đồ đường chữ U năm 1951 thực chất chỉ là “bình mới rượu cũ”. Theo học giả này, từ góc độ pháp lý quốc tế, những lập luận của công trình nêu trên còn yếu hơn cả các lâp luận về yêu sách đường chín đoạn trước đây.[11]

Tiến sỹ Ian J.Storey, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng, nếu Trung Quốc chính thức công bố yêu sách đường chữ U là đường biên giới trên biển ở Biển Đông thì đây sẽ được coi là sự bác bỏ hoàn toàn đối với phán quyết của Tòa Trọng tài này 12/7/2016. Động thái này chắc chắn gây ra quan ngại sâu sắc cho các quốc gia Đông Nam Á và làm nguy hại tới ổn định khu vực. Các học giả khác như Bonnie Glaser, Jonathan G. Odom, Euan Graham đều bày tỏ nghi ngờ và quan ngại với nghiên cứu và đề xuất mới của các các học giả Trung Quốc.[12]

Ý đồ đằng sau việc công bố tấm bản đồ năm 1951

Mặc dù đây mới chỉ là một công trình nghiên cứu khoa học và chưa được giới chính sách thông qua, không loại trừ đây là một phép thử phía Trung Quốc muốn sử dụng kênh học giả để công bố các cơ sở mới cho Đường lưỡi bò. Nghiên cứu này cơ bản đề xuất các diễn giải Đường lưỡi bò theo cách cực đoan nhất, qua đó bác bỏ phán quyết. Trước đây, các học giả thường có 4 cách lý giải đường chữ U là: (1) đường quy thuộc các đảo; (2) đường giới hạn vùng nước lịch sử; (3) đường giới hạn vùng nước Trung Quốc có quyền lịch sử; (4) đường biên giới quốc gia trên biển. Hướng thứ 4 coi đường chữ U là đường biên giới trên biển là cách diễn giải mạnh nhất và đi trái với luật pháp quốc tế nhất.

Thứ hai, công trình tiếp tục tạo thêm các mập mờ mới về pháp lý. Bài nghiên cứu không đề cập đến quy chế pháp lý của vùng nước bên trong cái gọi là "Đường biên giới quốc gia trên biển". Nếu Đường lưỡi bò là đường biên giới quốc gia nghĩa là các học giả đề xuất Trung Quốc có chủ quyền với khu vực này. Bài báo trên Nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lại lời của các nhà nghiên cứu rằng trong phạm vi đường biên giới này, Trung Quốc nên yêu sách các quyền đối với hoạt động từ đánh bắt cá, thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng đến việc xây dựng các căn cứ quân sự cùng với bến cảng nước sâu và sân bay, tuy nhiên các quốc gia khác vẫn có thể được hưởng tự do hàng hải qua khu vực.[13] Nếu yêu sách về các quyền đó, có thể thấy các học giả này coi vùng nước bên trong đường chữ U có giá trị tương đương với Vùng Đặc quyền Kinh tế theo Công ước Luật biển 1982.  

Thứ ba, nghiên cứu là dự án do Chính phủ Trung Quốc tài trợ sau khi Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách này của Trung Quốc trong phán quyết vào tháng 7/2016. Sau nghiên cứu này, các học giả Trung Quốc cũng công bố một công trình hơn 500 trang nhằm bác bỏ các kết luận của Toà Trọng tài. Trước đó, phía Trung Quốc cũng đã tung ra lý thuyết "Tứ Sa" nhằm tối đa hoá yêu sách chủ quyền và các vùng nước. Hai sự kiện này cho thấy có dấu hiệu giới học giả Trung Quốc đang được bật đèn xanh và khuyến khích cung cấp các cơ sở, lập luận mới để làm giảm giá trị của Phán quyết. Bản đồ 1951 không chỉ được coi là phát hiện mới mà còn được coi là phản ánh quan điểm của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, được coi là bước kế thừa từ Bản đồ năm 1948 của Trung Hoa Dân quốc. Tuy nhiên, dù có lập luận thế nào cũng không thể thay đổi được bản chất của Đường lưỡi bò là sản phẩm của sự tưởng tượng và tuỳ tiện.

Kết luận

Trong khi thế giới chưa kịp hiểu về cái gọi là “yêu sách Tứ Sa”, các học giả Trung Quốc tiếp tục tìm cách cung cấp các lập luận, lý thuyết mới cho yêu sách Đường lưỡi bò vốn đã bị Toà Trọng tài bác bỏ. Cách các học giả Trung Quốc mô tả và biện minh cho Đường lưỡi bò không giúp làm sáng tỏ thêm mà thậm chí làm cho họ đi sâu hơn vào mớ "bòng bong" về các giả thuyết mà chính họ tạo ra. Rốt cuộc thì có diễn giải kiểu gì cũng không thể thay đổi được thực tế rằng yêu sách Đường lưỡi bò dù với ý nghĩa gì cũng không phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Do đó, nếu Trung Quốc tìm cách để thực thi yêu sách này, đó chỉ là chính trị cường quyền không hơn, không kém. Việc đưa ra các khả năng khác nhau để biện minh cho yêu sách quá đáng, phía Trung Quốc có vẻ muốn tiếp tục thăm dò phản ứng của cộng đồng quốc tế. Theo đó, cộng đồng quốc tế và các nước liên quan, giới chính sách và học giả quốc tế cần tiếp tục theo dõi các động thái mới của phía Trung Quốc để kịp thời có phản ứng thích hợp, không để cho sự tưởng tượng trở thành cơ sở cho chính sách thực tiễn.

Hoàng Lan, nghiên cứu viên Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 


[1] 唐丹玲, 刘宇鹏, 郝晓光, 吴常霞, 王素芬, 殷宇威, “国界线和行政区线表示南海 U 形海疆线的地图”, Tạp chí Khoa học Trung Quốc, Kỳ 9, tháng 3/2018: 856-864, trg 862

[2]唐丹玲, 刘宇鹏, 郝晓光, 吴常霞, 王素芬, 殷宇威, “国界线和行政区线表示南海 U 形海疆线的地图”, Tạp chí Khoa học Trung Quốc, Kỳ 9, tháng 3/2018: 856-864, trg 856

[3]唐丹玲, 刘宇鹏, 郝晓光, 吴常霞, 王素芬, 殷宇威, “国界线和行政区线表示南海 U 形海疆线的地图”, Tạp chí Khoa học Trung Quốc, Kỳ 9, tháng 3/2018: 856-864, trg 858

[4]Lập luận này được nhóm nghiên cứu chú thích từ Wang Y, Ge C D, Zou X Q. Evidence of China’s sea boundary in the South China Sea (in Chinese)? Acta Oceanol Sin, 2014, 36: 1–11 [王颖, 葛晨东, 邹欣庆. 论证南海海疆国界线. 海洋学报, 2014, 36: 1–11]

[5]唐丹玲, 刘宇鹏, 郝晓光, 吴常霞, 王素芬, 殷宇威, “国界线和行政区线表示南海 U 形海疆线的地图”, Tạp chí Khoa học Trung Quốc, Kỳ 9, tháng 3/2018: 856-864, trg 859

[6]民国期南海档案披露 详细记载南海断续线的形成, 海南日, http://www.confucianism.com.cn/html/lishi/20532252.html, truy cập ngày 5/12/2018

[7] Tlđd.

[8]导师, 南海九段线的形成及其意义, 《新方》2011年第4, http://www.haijiangzx.com/html/2012-03-14/page_45303_p1.html

[9] Stephen Chen , China’s claims in South China Sea ‘proposed by continuous boundary for the first time’, South China Morning Post , https://www.scmp.com/news/china/society/article/2141323/chinas-claims-south-china-sea-proposed-continuous-boundary-first, truy cập ngày 27/11/2018

[10] Ralph Jennings,Map Discovery Gives China New Tool to Control a Disputed Sea, VOA News, https://www.voanews.com/a/map-gives-china-new-tool-control-disputed-sea/4367264.html, truy cập ngày 27/11/2018

[11] Richard Javad Heydarian, China’s ‘new’ map aims to extend South China Sea claims,  AISA Times, http://www.atimes.com/article/for-weekend-chinas-new-map-aims-to-extend-south-china-sea-claims/, truy cập ngày 27/11/2018

[12] Stephen Chen , China’s claims in South China Sea ‘proposed by continuous boundary for the first time’, South China Morning Post , https://www.scmp.com/news/china/society/article/2141323/chinas-claims-south-china-sea-proposed-continuous-boundary-first, truy cập ngày 27/11/2018

[13] Tlđd, 12.