Tháng trước, Trung Quốc đã ngăn hai tàu Philippines mang đồ tiếp tế cho lính đồn trú ở Second Thomas. Kể từ năm 1999, tàu hải quân Philippines BRP Sierra Madre, một tàu chở dầu đổ bộ cũ của Mỹ, đã đồn trú tại đây cùng với một nhóm lính thủy đánh bộ. Sự hiện diện của Sierra Madre và số binh lính tại Second Thomas là một phần trong chiến lược lớn hơn của Philippines tại Biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình. Ủng hộ Manila, Washington khẳng định việc ngăn cản này là một “động thái gây hấn làm gia tăng căng thẳng”, kêu gọi tất cả các bên duy trì nguyên trạng. 

Trong khi sự kiên quyết của Bắc Kinh không phải là hiện tượng mới, thì nỗ lực của họ, nếu có, nhằm chiếm đoạt bãi Second Thomas sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với châu Á. Mỹ ngày càng lớn tiếng phản đối hành động của Trung Quốc trong khu vực và nhiều khả năng sẽ gia tăng ủng hộ và ảnh hưởng trước nỗ lực chiếm đoạt bãi Second Thomas của Trung Quốc. Điều này cũng sẽ tạo ra sự hoảng hốt và căng thẳng giữa các bên tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, tạo ra sự mất lòng tin giữa các chính phủ và nguy cơ đối đầu lớn hơn tại vùng biển này.

Manila lo ngại Bắc Kinh sẽ một lần nữa lặp lại kịch bản tại bãi Scarborough năm 2012 (Philippines gọi là bãi Panatag, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), khi Philippines rút lực lượng để giảm căng thẳng còn Trung Quốc tiếp tục duy trì tàu chiến, coi bãi cạn này là lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, kịch bản lần này sẽ có nhiều khác biệt do mọi nỗ lực chiếm đoạt bãi Second Thomas của Trung Quốc sẽ vấp phải sự kháng cự của nhóm thủy quân lục chiến đóng trên tàu Sierra Madre.

Làm phức tạp hơn tình hình là thái độ kiên quyết từ chối can dự của Trung Quốc với các bên tranh chấp khác tại diễn đàn quốc tế/đa phương. Tháng 1/2013, Philippines đã tiếp cận tòa án quốc tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) để đề nghị giải quyết tranh chấp. Bắc Kinh từ chối tham gia phiên tòa, khẳng định không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và rằng mọi tuyên bố chủ quyền của mình là hợp pháp. Cùng lúc đó, Trung Quốc lại tỏ ra hòa giải khi bày tỏ sẵn sàng thảo luận song phương với từng bên tranh chấp, mà rõ ràng lợi thế sẽ nghiêng về phía Trung Quốc. 

Ngược lại, Philippines không muốn đơn độc đối phó với nước láng giềng quyền lực và vì thế tìm cách thảo luận về vấn đề này ở các diễn đàn đa phương. Dù vậy, thậm chí ngay cả khi tòa án Liên hợp quốc ra phán quyết có lợi cho Manila, Trung Quốc cũng không bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, nó sẽ củng cố lập trường của Philippines khi gắn vấn đề này với luật pháp quốc tế và đẩy Trung Quốc về phía tiêu cực. Nó cũng có thể tạo ra tiền lệ cho các bên tranh chấp khác tại Biển Đông đưa vấn đề của mình với Trung Quốc lên trọng tài quốc tế.

Trong khi đó, Trung Quốc dường như sẽ không ngừng tuần tra vùng biển gần bãi Second Thomas. Dù Philippines đã lần đầu tiên thả đồ tiếp tế từ trên không và lần thứ hai tránh va chạm với tàu Trung Quốc, Manila không thể tiếp tục tránh né mãi. Họ sẽ phải tiếp tục tiếp tế bằng đường biển cho số binh lính đóng ở tiền đồn này. Mỗi lần Philippines làm vậy giờ đây có nguy cơ tính toán sai, dẫn đến xung đột giữa hai nước. Tuy nhiên, vấn đề là xung đột giữa hai nước sẽ không bị giới hạn giữa lực lượng quân sự của hai bên hay thậm chí là khu vực. Biển Đông là một tuyến vận tải quốc tế quan trọng tác động đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của Philippines và một Trung Quốc kiên quyết, ASEAN với tư cách một cộng đồng cần phải có tiếng nói chung để giải quyết vấn đề. Trong bối cảnh có tới 4 nước ASEAN va chạm với Trung Quốc ở Biển Đông, một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng. 

Theo "The Diplomat" (ngày 30/4)

Vũ Hiền (gt)