China-440x292.jpg

Tháng trước, Trung Quốc lại tiếp tục có hành động tại Biển Đông. Người đứng đầu chính quyền cái gọi là thành phố Tam Sa phát biểu với truyền thông Trung Quốc rằng sẽ sớm triển khai trạm quan trắc môi trường ở Bãi cạn Scarborough - bãi đá cách vịnh Subic 140 hải lí về phía Tây và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nguyên Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cho rằng Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một đường băng, một trạm rađa, một trung tâm hành chính, một doanh trại quân đội và một khu nghỉ dưỡng trên thực thể này. Ngay lập tức, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thể hiện sự thất vọng khi nước ông không đủ sức mạnh ngăn cản việc xây dựng đảo của Trung Quốc ngay ở cửa ngõ của Manila, “Chúng ta không thể ngăn chặn Trung Quốc thực hiện việc này”.

Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng 12 cơ sở quân sự quan trọng tại Biển Đông, bao gồm 3 căn cứ kiên cố cho chiến đấu cơ. Các cơ sở dự kiến xây dựng trên Scarborough có thể mở rộng và củng cố cho mạng lưới này, giúp rađa của Trung Quốc phủ kín các khu vực chiến lược quan trọng tại Philippines, kể cả căn cứ hải quân trên vịnh Subic. Bắc Kinh đang áp dụng nội luật đối với tất cả các khu vực yêu sách chủ quyền, đồng thời còn quấy nhiễu và bắt giữ một số tàu đánh cá nước ngoài. Dường như Trung Quốc có ý định biến Biển Đông thành một tuyến hàng hải nội địa. Tuyên bố của Trung Quốc về bãi cạn Scarborough đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với cả Manila và Washington.

Việc mở rộng mạng lưới này như thế nào vẫn chưa rõ, song dường như Washington ngầm bắn tín hiệu rằng trừ phi Trung Quốc thay đổi cách hành xử, nếu không vấn đề này sẽ làm xấu đi chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước tình hình đó, người phát ngôn Chính phủ Trung Quốc bất ngờ phủ nhận việc Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng trên bãi cạn Scarborough.

Nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng này đã được xoa dịu. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Trong khi Bắc Kinh tuyên bố không làm gì, Hãng tin Kyodo đã hé lộ quan điểm của các quan chức thuộc Hạm đội Biển Hoa Đông trong một tạp chí nội bộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Các quan chức này cho biết Bắc Kinh đang nắm giữ vai trò lãnh đạo trung tâm ở vùng biển này và các nước khác không thể theo kịp ưu thế quân sự vượt trội của Trung Quốc trong khu vực. Bài báo cho rằng PLA nên chuẩn bị cho “tình trạng chiến tranh lâu dài” để bảo đảm lợi thế chiến lược. Qua thời gian, cán cân chiến lược sẽ nghiêng về phía Trung Quốc.

Câu hỏi được đặt ra là Washington và các đồng minh nên làm gì trước tình hình này? Tất cả cho thấy mục tiêu của Bắc Kinh ở Biển Đông không thay đổi, song với điều chỉnh chiến thuật, nước này muốn tránh mọi căng thẳng leo thang. Việc Trung Quốc nối lại hoạt động ở bãi cạn Scarborough có thể sẽ diễn ra. Trước tình hình này, Nhà Trắng có 3 lựa chọn:

Thứ nhất, ông Trump có thể triển khai cách tiếp cận ở mức tối thiểu. Ông Trump có thể tái khẳng định quan điểm của chính quyền Obama cho rằng mọi xung đột trong khu vực nên được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp luật quốc tế và làm ngơ trước hoàn cảnh khó khăn của Philippines. Tuy nhiên, lựa chọn này khó có thể xảy ra dù nhiều quan chức kỳ cựu của Mỹ cũng nản lòng trước tình hình bất thường và tham nhũng ở Manila. Xa rời Philippines có thể tổn hại đến sự tin cậy đồng minh trên phạm vi toàn cầu và đi ngược với quan điểm chiến lược của các quan chức cấp cao trong chính quyền.

Thứ hai, ông Trump có thể đưa ra quan điểm bảo vệ Philippines, qua đó bảo vệ chủ quyền của Philippines và mối quan hệ đồng minh. Chẳng hạn, ông có thể bày tỏ quan ngại của mình với ông Tập Cận Bình. Máy bay và tàu chiến Mỹ có thể tiến hành tuần tra trong khu vực này, tương tự như cách xử lý của ông Obama vào năm ngoái. Mạnh mẽ hơn, ông Trump cũng có thể thẳng thắn bày tỏ rằng lực lượng Mỹ sẽ phối hợp với quân đội Philippines để bảo đảm chủ quyền lãnh thổ cho Philippines. Lựa chọn thứ 2 này dường như không thể đe dọa đến hợp tác chung với Trung Quốc ở trong những vấn đề Mỹ cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc, chẳng hạn như chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.

Lựa chọn thứ ba là phản ứng lại chủ nghĩa bành trướng và cách hành xử của Trung Quốc bằng việc phát triển chiến lược riêng. Đây là cách tiếp cận lâu dài, bao gồm một loạt biện pháp ngoại giao, thông tin, kinh tế, địa chiến lược, luật pháp, quân sự…Các biện pháp này có thể được điều chỉnh theo thời gian để kiềm chế sự quyết đoán của Trung Quốc, khuyến khích cách hành xử quốc tế có trách nhiệm và bảo vệ lợi ích cốt lõi của Mỹ và đồng minh.

Tác giả là ông Ros Babbage, Giám đốc điều hành Diễn đàn chiến lược ở Canberra và học giả cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách ở Washington DC. Bài viết đăng trên “Viện Chính sách Chiến lược Australia” (ASPI).

Vũ Hiền (gt)