Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) vừa đưa ra một phán quyết "chua cay" dành cho Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines. Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và người tiền nhiệm Benigno Aquino III đều đã bất chấp mối quan hệ với Trung Quốc để khởi xướng vụ kiện quan trọng này. 

Sự đanh thép và nhất trí trong phán quyết của Tòa Trọng tài là một bất ngờ đối với hầu hết các nhà phân tích và có lẽ là một sự "sỉ nhục" nặng nề đối với Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã phản ứng nhanh chóng với độ đanh thép không kém rằng: "Tòa trọng tài đã được thực hiện cái gọi là phán quyết cuối cùng bất hợp pháp và không hợp lệ về tranh chấp Biển Đông vào ngày 12/7. Về vấn đề này, Trung Quốc đã tuyên bố nhiều lần rằng điều mà Chính quyền ông Aquino III của Philippines đã đơn phương yêu cầu Tòa Trọng tài can thiệp là trái với luật pháp quốc tế. Tòa Trọng tài không có thẩm quyền về vấn đề này". Trung Quốc cũng đang sử dụng các phán quyết để thử độ phẫn nộ của người dân nước này, gây ra các cuộc biểu tình bất ổn, và qua đó củng cố quyền kiểm soát đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lo lắng chính của Bắc Kinh là sự ổn định nội bộ và việc duy trì quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản. Các phản ứng chính thức của Trung Quốc cho đến nay có vẻ như "giả điếc" trước dư luận quốc tế nhưng sẽ có được sự ủng hộ trong nước để tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Có thể nói, ở trong nước Trung Quốc hiện vẫn là người chiến thắng. Tuy nhiên, những gì xảy ra tiếp theo là hoàn toàn không thể dự đoán. Nếu Mỹ và các đồng minh thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài (như bảo vệ các ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough) thì luật pháp quốc tế và độ tin cậy trong các cam kết liên minh của Mỹ sẽ được tăng cường và độ tin cậy của Trung Quốc sẽ bị suy yếu. Ngược lại, nếu Trung Quốc "phớt lờ" các phán quyết của Tòa Trọng tài thì luật pháp quốc tế và sự tín nhiệm của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, các nhà ngoại giao trong khu vực và người dân Trung Quốc sẽ thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh mẽ và đầy chiến lược, lôi kéo được nhiều người ủng hộ trong nước và quốc tế.

Philippines cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh trong thời điểm cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, liệu tân Tổng thống Duterte có kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ, bao gồm lĩnh vực quân sự và từ chối lời mời kinh tế từ Trung Quốc vẫn còn là ẩn số. Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết và cả thế giới đang theo dõi phản ứng của Mỹ. Liệu phán quyết này có được thực thi hay cứ để cho Trung Quốc phớt lờ phán quyết và nhờ đó tăng cường được cả về vật chất lẫn danh tiếng trước tòa án công luận? Có 3 biện pháp chủ yếu mà Mỹ cần thực hiện trong thời điểm này.

Một là, Tổng thống Mỹ Barack Obama cần có quan điểm mạnh mẽ trong việc hỗ trợ không chỉ về các yêu sách biển mà còn cả đối với yêu sách lãnh thổ của Philippines. Washington cần ngay lập tức điều lực lượng hải quân phối hợp với hải quân Philippines để cùng bảo vệ bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây và các bãi cát ngầm, rạn san hô khác ở Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng cần bố trí một lực lượng hải quân đủ mạnh tới tất cả các bãi cát ngầm, các rạn san hô và đảo san hô ở Biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng- đáng chú ý là đá Vành Khăn. Sau khi Tòa Trọng tài khẳng định việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc là bất hợp pháp, Mỹ cần tăng áp lực để buộc Trung Quốc rời khỏi các đảo này. 

Hai là Mỹ cần phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hiệp ước quan trọng này sẽ đem lại lợi thế nhiều hơn vì nó quy định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mỹ là 11,4 triệu km2, trong khi Trung Quốc chỉ có 877.000 km2. Điều này khiến Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc từ góc độ UNCLOS và đưa Washington vào vị trí phòng thủ tốt hơn trong việc hỗ trợ các quốc gia đang có tranh chấp ở Biển Đông. 

Ba là, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ nên có những động thái tích cực để đảm bảo rằng Philippines và các nước trong khu vực này không bị tổn thương về mặt kinh tế khi Trung Quốc "trừng phạt" họ bằng cách hạn chế thương mại và thu hồi vốn đầu tư.

Anders Corr là nhà sáng lập ra Công ty Phân tích Corr, một công ty đưa ra các phân tích chiến lược về chính trị quốc tế. Ông là chủ tờ báo Journal of Political Risk. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông là phân tích định lượng, vĩ mô toàn cầu và quan điểm công chúng. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Văn Cường (gt)