Từ đầu thập niên 1990, ASEAN đã nỗ lực đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Điều này thể hiện qua một loạt tuyên bố của Hiệp hội về vấn đề này, thông qua đối thoại với Trung Quốc và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) (bắt đầu năm 1994). Một trong những văn kiện quan trọng đạt được là Tuyên bố ASEAN về Biển Đông. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Các bên tranh chấp cần kiềm chế để tạo ra môi trường tin cậy hướng đến việc giải quyết triệt để tranh chấp tại khu vực. Đối thoại ASEAN-Trung Quốc đã đưa các bên tranh chấp (trừ Đài Loan) ngồi vào bàn đàm phán. Với vai trò hạt nhân của mình trong ARF, ASEAN đã thành công trong việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của Diễn đàn mang tính đa phương này, bất chấp sự phản đối ban đầu của Trung Quốc. Do bốn thành viên của ASEAN là Việt Nam , Brunây, Malaixia và Philíppin đều tuyên bố chủ quyền với một phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa, nên Hiệp hội không thể đóng vai trò là bên thứ ba trung gian giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác. ASEAN và Trung Quốc đã thành lập Nhóm hành động chung nhằm soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), bắt đầu làm việc từ 15 tháng 3 năm 2000. Thách thức đặt ra là làm sao dung hòa lập trường của ASEAN và Trung Quốc đối với cơ chế giải quyết tranh chấp này. Ngay cả việc đạt được sự đồng thuận trong nội khối ASEAN cũng gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng các bên cũng đạt được sự nhất trí dẫn đến ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ngày 4 tháng 11 năm 2002. Để xây dựng được chính sách chung của ASEAN đối với Biển Đông, cần dung hòa lập trường và lợi ích của năm thành viên Hiệp hội có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này (ngoài bốn thành viên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Inđônêxia tuyên bố chủ quyền đối với khu vực lãnh hải phía Bắc và Đông Bắc đảo Natuna), ngoài ra cần phải tính đến quan điểm và lợi ích của năm nước còn lại. Thái Lan và Myanma có quan hệ gần gũi, và đặc biệt là không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Lập trường và quan hệ khác nhau giữa các thành viên ASEAN với Trung Quốc khiến quá trình xây dựng chính sách chung của Hiệp hội đối với vấn đề Biển Đông trở nên khó khăn. Điều này thậm chí ảnh hưởng đến việc xây dựng lập trường chung của ASEAN đối với các vấn đề khác như lợi ích từ hợp tác kinh tế và giá trị của chính sách hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc. Mặc dầu vậy trong thập niên đầu thế kỷ 21, quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể cả về hợp tác kinh tế và chính trị.

Đánh giá khả năng của ASEAN đối với việc giải quyết tranh chấp Biển Đông

Vấn đề tranh chấp tại quần đảo Trường Sa và toàn bộ Biển Đông là thách thức đối với ASEAN cả về mặt đối nội và đối ngoại. Để nhận thức và đánh giá chính xác về vai trò và khả năng của ASEAN trong giải quyết tranh chấp tại khu vực này cần nhắc lại đánh giá đã nêu ở trên rằng ASEAN không dự định đóng vai trò trung gian hòa giải. Mục tiêu của Hiệp hội là thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa các quốc gia thành viên. Vai trò mà ASEAN có thể hướng đến là việc xây dựng thể chế hợp tác, thông qua đó các thành viên tiến hành giải quyết các tranh chấp. Ngoài ra ASEAN cũng có thể xây dựng các nguyên tắc ứng xử giữa các thành viên Hiệp hội. Các thành viên ASEAN có thể đem tranh chấp với các thành viên khác của Hiệp hội ra phân xử tại Hội đồng tối cao. Hội đồng còn có thể giải quyết tranh chấp giữa thành viên ASEAN và Trung Quốc. Đối thoại ASEAN-Trung Quốc góp phần thúc đẩy xây dựng niềm tin cho các bên tham gia giải quyết tranh chấp. Cho đến nay thỏa thuận quan trọng nhất đạt được là DOC. Tuyên bố nhằm giảm căng thẳng và thúc đẩy sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Các nước ASEAN đã tiến được một bước đáng kể khi đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về “Bản hướng dẫn về việc thực hiện DOC”. Mục tiêu là tiến tới thông qua COC. Một trong những thách thức đối với ASEAN là cách thức tổ chức này phản ứng trước những căng thẳng giữa thành viên của mình với Trung Quốc. Tinh thần đoàn kết nội khối ASEAN đòi hỏi các quốc gia khác phải ủng hộ “người mình”, nhưng mặt khác các quốc gia này không muốn làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc, vốn có ý nghĩa rất quan trọng cả về kinh tế và địa chính trị. Tình thế tiến thoái lưỡng nan này làm ảnh hưởng đến sự phản ứng và chính sách chung của ASEAN đối với vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.

Kết luận

Để đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Nam Á, các nước thành viên ASEAN cần hành xử một cách hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp còn tồn tại hoặc tiềm ẩn. Thất bại trong việc giải quyết tranh chấp là do các quốc gia thành viên chứ không xuất phát từ bản thân khối ASEAN. Hơn nữa, Hiệp hội chỉ có thể hối thúc các quốc gia thành viên tìm kiếm giải pháp hòa bình, chứ không thể can thiệp trực tiếp vào việc giải quyết và ngăn chặn tranh chấp trừ khi được yêu cầu. Thực tế việc Hội đồng tối cao không được yêu cầu đứng ra phân xử chứng tỏ rằng sau 45 năm tồn tại, các cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực không phải là sự lựa chọn của các bên khi đàm phán song phương đi vào bế tắc. Biến cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực trở thành sự lựa chọn phù hợp sẽ là động lực chính thúc đẩy nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường khả năng giải quyết tranh chấp khu vực như là bước tiến trong việc xây dựng cộng đồng an ninh- chính trị và cộng đồng ASEAN nói chung. Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) vẫn là một bộ phận chủ chốt của cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ ASEAN. Hiệp ước này yêu cầu các bên tham gia tranh chấp của ASEAN và cả Trung Quốc phải duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông. TAC qui định ba nhân tố nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia: không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và hợp tác toàn diện. Các nước thành viên ASEAN luôn tuân thủ nghiêm túc ba nguyên tắc trên. Trung Quốc cũng đã tham gia TAC. Ngoài ra Trung Quốc được định hướng bởi những nguyên tắc tương tự trong “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình” – nền tảng chính sách đối ngoại của quốc gia này. ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng cách tiến xa hơn DOC, hướng tới một thỏa thuận như Bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc hoặc văn kiện có tính pháp lý ràng buộc tương tự nhằm kêu gọi kiềm chế, đẩy mạnh hợp tác và tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế. Việc thông qua Bản hướng dẫn về việc thực hiện DOC năm 2011 là bước đi đúng đắn theo lộ trình này. Quá trình đàm phàn hướng tới COC giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc là bước tiến đúng đắn tiếp theo.

Trần Sáng (gt)