Tháng trước, căng thẳng tại Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) lại leo thang khi Việt Nam và Philíppin phàn nàn về những hoạt động của Trung Quốc và thậm chí là sự quấy rối của nước này tại các khu vực đang tranh chấp. Điều này đã xoáy sâu vào những tranh cãi lâu nay xung quanh các vùng nước lãnh thổ ở Đông Nam Á, và nhấn mạnh sự quan ngại của các nước trong khu vực trước sự khẳng định của Trung Quốc. Điều này cũng phơi bày sự yếu kém của ASEAN khi đối đầu với Trung Quốc, và có thể ảnh hưởng đến vai trò trung gian của tổ chức này như đã từng tuyên bố trong cấu trúc an ninh, kinh tế, chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên quan đến một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, Malaixia, Philíppin và Brunây. Inđônêxia không có tranh chấp chủ quyền nhưng từ lâu đã tham gia rất chủ động vào việc tổ chức các biện pháp xây dựng lòng tin với mục tiêu giảm cẳng thẳng và tránh các cuộc xung đột lớn trong khu vực. Các nước thành viên ASEAN khác mặc dù không liên quan bất kỳ tranh chấp nào, song lại rất lo ngại về tranh chấp tại Biển Đông và coi đây là vấn đề có nhiều nguy cơ bùng nổ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Do tất cả các nước ASEAN không có liên quan ở cấp độ như nhau đến tranh chấp cho nên dẫn đến hậu quả là các nước không có quan điểm tương đồng nhau, không có một đường hướng thống nhất trong ASEAN đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, thậm chí mặc dù tất cả các nước thành viên đã cam kết xây dựng lòng tin và lôi kéo sự can sự của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp và xung đột trong khu vực. Mỗi nước thành viên ASEAN đều xem xét Trung Quốc theo quan điểm lợi ích quốc gia mình – cho dù Trung Quốc là mối đe dọa hay là nguồn lợi nhuận về kinh tế. Kết quả là, quan điểm của ASEAN về vấn đề chiến lược và chính trị đối với Trung Quốc là tương đối yếu kém. Để bù đắp sự yếu kém này, ASEAN đã thường xuyên sử dụng các biện pháp ngoại giao và cố gắng quốc tế hóa các vấn đề khu vực để gắn kết và thu hút sự can dự của các cường quốc trên thế giới nhằm cân bằng với sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Chiến lược như vậy có thể đã mang lại vị thế ngoại giao cao hơn cho ASEAN nhưng nó lại không giấu được sự yếu kém của tổ chức này trong việc đối đầu với một bá chủ khu vực, Trung Quốc. 

Trung Quốc hiểu và ngày càng tận dụng triệt để điều này. Trước đây, Trung Quốc đã tạo ra những bất đồng lớn giữa Malaixia và Philíppin xung quanh đề xuất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông và Trung Quốc đưa vào đó rất nhiều vấn đề từ nghiên cứu, cứu hộ đến khai thác chung ở Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc lại đang sử dụng chiến thuật “chia để trị” đối với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, cố gắng cô lập các nước có tranh chấp. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì thừa nhận rằng “có tranh chấp chủ quyền hàng hải và lãnh thổ” giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng, nhưng ông lại nói “những tranh chấp ấy không nên được nhìn nhận như tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN bởi vì các nước có tranh chấp chỉ là một số nước thành viên của ASEAN”. Tuyên bố đó chỉ ra rằng Trung Quốc muốn chia ASEAN thành các nước có tranh chấp với Trung Quốc và các nước không có tranh chấp với Trung Quốc. 

Vì các nước ASEAN không có quan điểm thống nhất đối với Trung Quốc, nên tất cả các nước, dù là cá nhân hay tập thể, thực tế nhiều khi đã đi chệch hướng khi theo đuổi chính sách điều chỉnh lợi ích của Trung Quốc về vấn đề này. Điều này khuyến khích Trung Quốc theo đuổi những gì mà Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philíppin Mercado những năm 1990 gọi là chính sách “vừa đàm phán vừa chiếm đoạt”. Thậm chí những thành công hạn chế mà ASEAN đã đạt được trong việc lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc đối thoại trong nhiều năm qua, như Đối thoại ASEAN – Trung Quốc, Hội thảo Biển Đông do Inđônêxia tổ chức và sáng kiến Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), phần lớn là vì sự điều chỉnh trong chính sách cũ với lợi ích thiết yếu và sự e ngại sau này liên quan đến chủ quyền dân tộc và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. 

Chính sách can dự của ASEAN đối với Trung Quốc và cách tiếp cận mềm mỏng và luôn điều chỉnh của các nước ASEAN chỉ mang lại lợi ích vĩnh viễn duy nhất trong cách nói gác lại tranh chấp, nhưng nó không hiệu quả trong việc điều chỉnh tranh chấp hay kiềm chế tranh chấp để không làm gia tăng những xung đột tại Trường Sa. Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong hai thập kỷ vừa qua chứng tỏ rằng họ chỉ nói mà không làm gì đối với tiến trình xây dựng lòng tin tại Biển Đông, điều mà ARF, CSCAP (Hội thảo về hợp tác an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương), nhiều tuyên bố và hoạt động ngoại giao, cũng như các thỏa thuận song phương với Trung Quốc, đang cố gắng đạt được. Từ lâu, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm không đồng thuận với vấn đề về chủ quyền trên Biển Đông; và cũng không chân thành về vấn đề phát triển chung các nguồn tài nguyên ở khu vực này. 

Cách điều chỉnh Trung Quốc không phải là thông qua việc phơi bày sự yếu kém của ASEAN mà phải thông qua một quan điểm thống nhất và kiên định để chuyển đi thông điệp mà như trước đây các ngoại trưởng ASEAN đã phát biểu ngày 18/3/1995 sau khi Trung Quốc công khai chiếm bãi Vành Khăn. Chính sau tuyên bố trên mà Trung Quốc không chỉ đồng ý giải quyết đa phương với ASEAN mà còn tỏ ra linh hoạt hơn về vấn đề này. Chiến lược châu Á của Trung Quốc là giải quyết song phương với bất kỳ nước nào từ đó sử dụng sức mạnh của mình để đạt được lợi ích lớn nhất từ mối quan hệ không cân xứng. Nhưng bằng việc sử dụng sự đoàn kết thay cho sức mạnh quân sự, ASEAN, mặt khác, ép Trung Quốc phải giải quyết vấn đề với các nước thành viên của mình như một nhóm thống nhất. ASEAN không thể có được sự thống nhất tương tự như vậy trong thời gian sau này vì xung đột lợi ích quốc gia bắt đầu chia tách ASEAN và cũng vì khủng hoảng kinh tế châu Á đã làm nhiều nước thành viên và bản thân tổ chức này gặp khó khăn. 

Đầu năm 1992, sau khi ASEAN và Trung Quốc trở thành đối tác đối thoại, ASEAN đã thông qua Tuyên bố về Biển Đông, trong đó tổ chức này - không phải các nước thành viên – hối thúc “tất cả các bên liên quan” kiềm chế để tạo ra “không khí tích cực cho giải pháp cuối cùng đối với tất cả các tranh chấp”. Mười năm sau, năm 2002, Trung Quốc ký văn bản mang tên Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với toàn khối ASEAN, chứ không phải với các quốc gia mà Trung Quốc có tranh chấp vẫn chưa được giải quyết. Kể từ đó, ASEAN và Trung Quốc đang nghiên cứu về một Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) tại Biển Đông, nhưng thỏa thuận khó đạt được. Đến nay, Trung Quốc vẫn chỉ nói mà không làm đối với hai cam kết trên. Trung Quốc sử dụng ngoại giao và chiếm đóng thô bạo để thúc đẩy mục tiêu của mình ở Biển Đông. Sau 19 năm đối thoại, hiện nay nói rằng ASEAN là một khối không liên kết thì không đúng, mà thậm chí còn tồi tệ hơn. 

Cách tiếp cận hiện tại của ASEAN đối với Trung Quốc quá mềm mỏng và yếu đuối. ASEAN cần thông qua một quan điểm thống nhất và kiên định hơn về vấn đề này như họ đã làm vào tháng 3/1995, và cũng như năm 2010 tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Hà Nội. Để đạt được vai trò trung tâm của mình, ASEAN phải đóng vai trò xây dựng trong mối quan hệ giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc, những cường quốc chính sẽ định hình tương lai của châu Á-Thái Bình Dương. Mối quan hệ gần gũi của ASEAN với Ấn Độ có thể sẽ là một nhân tố ổn định. Hơn hết, chính sự thống nhất trong ASEAN không những định hình được vị thế ngoại giao tương lai của mình mà còn là khả năng để đối phó với Trung Quốc. 

Nghiên cứu Biển Đông (giới thiệu)