Phần lớn nghiên cứu về Biển Đông đều tập trung vào những vấn đề an ninh truyền thống, địa chính trị, an ninh của các tuyến đường giao thông đường biển (SLOC) và cạnh tranh nguồn tài nguyên dầu mỏ trên khắp vùng Biển Đông. Vậy nên tầm quan trọng của Biển Đông trong vấn đề an ninh truyền thống không nên xem nhẹ. Năm trên bảy quốc gia có bờ biển với Biển Đông đang tranh chấp toàn bộ hoặc từng phần của vùng biển này. Trong khi đó Biển Đông cũng cung cấp các tuyến đường biển quan trong cho giao thông vận tải các loại hàng hóa và nguyên vật liệu - những yếu tố mà đã thúc đẩy tăng trưởng cho các nền kinh tế của khu vực Đông Á. Biển Đông đã đóng vai trò là tuyến đường thương mại quan trọng kể từ thế kỷ XV khi Trung Quốc và Ấn Độ trao đổi giao thương hàng hóa qua đây trong khi những thương buôn Arập và Iran đã sử dụng tuyến đường hàng hải trên Biển Đông này để vận chuyển hàng hóa từ thế kỷ VIII và IX.

Tuy nhiên, những nghiên cứu phần nào phiến diện về vấn đề Biển Đông thường bỏ qua chức năng cơ bản khác của nó từ góc độ an ninh phi truyền thống. Theo đánh giá trong năm 2000 vùng duyên hải ven Biển Đông có dân số khoảng 270 triệu người (Talaue-McManus, 2000), hầu hết trong số đó phụ thuộc vào Biển Đông như một nguồn mang lại thực phẩm và sự thịnh vượng kinh tế xã hội cho họ. Năm 2007 gần 7 triệu tấn cá là được khai thác tại Biển Đông, tương đương với 7% tổng sản lượng khai thác cá trên toàn thế giới. Bất cứ sự giảm sút trong việc khai thác cá tại Biển Đông có thế dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi cho an ninh lương thực của toàn khu vực. Ngoài việc khai thác cá, Biển Đông cũng là nơi chứa đựng hơn 15% các đảo san hô của thế giới, trong năm 2000 nơi đây chiếm 12% số cây Đước của toàn thế giới (Talaue_McManus,2000)

Nhìn nhận Biển Đông một cách toàn diện cho thấy đây là nơi quan trọng đối với sự an ninh và ổn định của các nước quanh vùng biển này. Tuy vậy những điều đó lại rất mong manh do sự bình yên ở Biển Đông bị đe dọa bởi sự căng thẳng và đôi khi là bạo lực. Xung đột giữa hải quân Trung Quốc và Việt Nam tại đảo Gạc Ma vào năm 1988, sau đó vào năm 1995 Trung Quốc tiếp tục chiếm đảo Vành Khăn và gần đây hơn là cuộc đối đầu giữa tàu giám sát đánh bắt cá của Trung quốc với tàu thăm dò Impeccable của Mỹ gần đảo Hải Nam. Tất các những ví dụ trên đã nói lên mức độ căng thẳng trong các tình huống có thể xảy ra tại Biển Đông. Tuy nhiên vẫn có những điển hình về hợp tác và những nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa các bên yêu sách. Những nỗ lực song phương như là bản ghi nhớ về hợp tác phát triển khai thác dầu và khí đốt giữa hai nước Việt Nam và Malaysia được ký vào năm 1992 đã chỉ rõ thiện chí gác tranh cãi về những tranh chấp lãnh thổ sang một bên để nhằm phát triển kinh tế (Thao,1999; Buszynski and Sazlan,2007). Tương tự, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines cũng đã tiến hành cuộc khảo sát thực địa ba bên vào năm 2007 mặc dù đấy là nơi nằm ngay trong thềm lục địa hợp pháp của Philippines (Wain, 2010)

ASEAN, Trung Quốc và Tuyên Bố Ứng Xử Biển Đông (DOC)

Hai nhân vật chủ chốt trong nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông là ASEAN và Trung Quốc. Ngày mùng 4 tháng 11 năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên Bố Ứng Xử giữa các bên trong Biển Đông (DOC). Mục tiêu chính của Tuyên Bố này là nhằm thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho những giải pháp hòa bình và lâu dài cho những tranh cãi và tranh chấp giữa các nước liên quan. Nói cách khác, Tuyên bố DOC là một bước đi vững chắc hướng tới giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông. DOC được dựa trên cơ sở của những nguyên tắc về luật quốc tế chủ yếu là các điều khoản của Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) và Hiệp ước hữu nghị và hợp tác của ASEAN. Những nguyên tắc quan trọng của DOC như sau:

1.   Giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông

2.   Tin cậy và xây dựng lòng tin lẫn nhau

3.   Tôn trọng và công nhận những điều khoản của Luật biển Quốc tế (UNCLOS) liên quan đến các vấn đề tự do hàng hải và vùng trời trên biển.

4.   Duy trì hiện trạng về tình trạng chiếm đóng hiện tại ở các đảo và bãi đá kể cả những đảo/đá chưa bị chiếm giữ ở biển Đông.

Tuyên bố DOC đề xuất đạt được những mục tiêu trên thông qua hai cơ chế đó là xây dựng sự tin cậy và lòng tin và cam kết các hoạt động mang tính hợp tác. Cơ chế đầu tiên dựa trên các họat động như là đối thoại và trao đổi quan điểm, diễn tập cứu trợ và chăm sóc người gặp nạn, tự giác thông báo các cuộc diễn tập quân sự và trao đổi thông tin trong khi cơ chế thứ hai khuyến khích các bên yêu sách thăm dò và tiếp tục hợp các tại các khu vực nhằm bảo vệ môi trường biển, phục vụ nghiên cứu biển, an toàn tàu bè và trao đổi liên lạc tại vùng biển cũng như tìm kiếm, cứu nạn và ngăn chặn tội phạm trên biển.

Mặc dù tuyên bố này đã góp phần làm giảm cường độ xung đột, tuy nhiên nó đã không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió từ năm 2002 đến nay. Trong khoảng thời gian này những xung đột tuy nhỏ có lúc lên cao lúc dịu xuống tuy vậy đôi khi cũng có những cuộc chạm chán chết người như việc Trung Quốc bắn ngư dân Việt Nam năm 2005 và 2007.

Bất chấp những kêu gọi thực hiện kiềm chế trên biển Đông với các bên yêu sách trong tuyên bố DOC, các nước có liên quan vẫn đang cố ngấm ngầm họat động nhằm củng cố thêm những yêu sách của mình. Vào năm 2007 Trung Quốc, Phillipines và Việt Nam đã hoàn tất việc khảo sát ba bên thực địa trên biển. Cuộc khảo sát có thể được xem như là một phần của chính sách chia để trị của Trung Quốc đối với các nước có yêu sách trong ASEAN, tiếp sau đó là các chuỗi sự kiện do các nước có yêu sách khác tiến hành như chuyến viếng thăm Đảo Ba Bình của Tổng thống Đài Loan vào tháng 2 năm 2008 sau sự kiện hoàn thành đường băng trên đảo vào cuối năm 2007. Xét riêng rẽ, những sự việc này có thể được xem như những vấn đề nhỏ trong một bối cảnh lớn về an ninh trên toàn Biển Đông. Tuy nhiên nếu tổng hợp các sự kiện lại thì nó lại tạo nên mối đe đọa đối với sự ổn định vốn đã khó đạt được tại khu vực này và làm suy giảm ít nhất là tinh thần nếu không phải là những nội dung trong tuyên bố DOC.

Những suy đoán

Biển Đông mang lại cho các nước ven biển những sự lựa chọn trái ngược nhau. Một mặt là tiếp tục với hiện trạng như bây giờ, mặt khác các nước phải hướng đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề này thông qua một số các phương thức khả thi khác mà có thể bao gồm hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống, các hoạt động kinh tế và môi trường, và phát triển một công cụ ràng buộc có tính pháp lý hoặc là thực thi Tuyên bố DOC. Tuy nhiên cho đến nay, một giải pháp lâu dài cho tranh chấp Biển Đông có vẻ như là viển vông. Trong khi các nước yêu sách tham gia vào các hội nghị như Hội thảo quản lý xung đột ở Biển Đông mà bắt đầu vào năm 1990 cũng như là những dự án của Chương trình môi trường của Liên Hợp quốc (UNEP) - Quỹ môi trường toàn cầu (GEFP) trong chương trình đảo ngược xu hướng suy thoái môi trường tại Biển Đông và Vịnh Thái Lan đã được khởi động từ năm 2001 đến 2009, phần lớn những dự án này đã bị bế tắc do các lập trường quốc gia mà ngăn cản sự đồng thuận  tạo ra cái mà người ta gọi là “nút thắt” (Gordian Knot) không thể tháo gỡ. Rõ ràng là có nhiều bài học được rút ra từ rất nhiều những sáng kiến được đề xuất theo kiểu điểm mạnh và điểm yếu cũng như những trở ngại để tiến tới một sự hợp tác lớn hơn và có thể đóng vai trò như kim chỉ nam cho việc giải quyết xung đột tại Biển Đông trong tương lai.

Liệu có giải pháp nào phía truớc?

Nếu như các bên yêu sách tại Biển Đông thực sự nghiêm túc về hòa bình và ổn định trong khu vực thì họ sẽ tìm ra các cách thức và biện pháp để tiền thúc đẩy Tuyên bố DOC. Tuyên bố DOC thực sự đã không tiến xa hơn một cách hiệu quả so với thời điểm ký kết vào năm 2002. Không có tiến triển trong bất kỳ chương trình nghị sự nào của tuyên bố này trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, ngăn chặn ô nhiễm, bảo vệ môi trường biển và an ninh hàng hải. Nói theo một cách khác, các nước liên quan đã nói nhiều hơn là làm. Tất nhiên trừ khi là tình trạng hiện nay với những xung đột gián đoạn được chấp nhận tất cả các bên liên quan chấp nhận. Điều đó không đúng xét mức độ gia tăng căng thẳng hiện nay và khả năng bùng phát xung đột ngay cả với các hành động khiêu khích nhỏ nhất cũng như sự hiện diện của các nước không có yêu sách trong khu vực.

Đã có những lời tái kêu gọi các bên nhanh chóng đàm phán tiến một bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc sau diễn đàn ARF tại Hà Nội vào tháng 7 năm 2010. Tuy nhiên, tiến trình tiến tới COC diễn ra chậm chạm. Dựa trên kinh nghiệm xây dựng bộ quy tắc chỉ đạo nhằm thực thi DOC thì việc tiến tới một COC có thể sẽ là một chặng đường dài. ASEAN và Trung Quốc đã có 6 cuộc gặp mặt thông qua các nhóm làm việc liên hợp ASEAN-Trung Quốc trong việc thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông kể từ năm 2004 nhằm hoàn tất những hướng dẫn chỉ đạo nay nhưng chưa biết khi nào mới có thể kết thúc.

Có thể chia ra hai nhóm lạc quan và bi quan trong số các học giả nghiên cứu về giải quyết tranh chấp Biển Đông (Bateman,2010). Hiển nhiên là sẽ có những trở ngại lớn để có thể vượt qua. Bateman (2011) gợi ý rằng những trở ngại có thể bao gồm việc thiếu một thể chế hiệu quả nhằm quản lý các khu vực hợp tác đã được tán thành trong Tuyên bố DOC hay là chủ nghĩa dân tộc sâu sắc giữa các bên yêu sách, những nước mà coi vấn đề này như một tình huống “được ăn cả ngã về không” trong đó kẻ chiến thắng sẽ giành tất cả (Mak, 2008), cũng như bản chất của tranh chấp này vốn không thích hợp cho việc phân định và phân xử bằng pháp lý.

Thêm vào đó cũng có những chia rẽ rõ rệt giữa các thành viên ASEAN. Các thành viên ASEAN có thể được phân ra làm 4 nhóm về Tuyên bố DOC và giải pháp tranh chấp Biển Đông như sau:

1.   Những nước mà muốn ngay lập tức bắt tay vào xây dựng một văn bản pháp lý như Việt Nam và Philipppines

2.   Những thành viên mà ưu tiên cách tiếp cận từng bước như Malaysia và Brunei

3.   Nhưng nước không có yêu sách đối với Biển Đông mà muốn duy trì những lợi ích tích cực trong Tuyên bố DOC ví dụ như Singapore và Indonesia

4.   Những nước không có yêu sách đối với Biển Đông và không đưa ra bất cứ quan điểm gì đối với Tuyên bố DOC như Lào, Cam-pu-chia và Myanmar

Đại sứ Trung quốc tại ASEAN đã quy kết sự chậm trễ trong việc thiết lập những hướng dẫn chỉ đạo việc thực thi Tuyên bố DOC là do những toan tính trong nội bộ ASEAN về việc quyết định liệu các nước trong khối có nên tham khảo bàn bạc với nhau trước rồi sau đó mới bàn bạc với Trung Quốc hay không (Hanqin, 2009). Một ASEAN chia rẽ sẽ như từng chiếc đũa trong tay Trung Quốc cho nên một sự lãnh đạo đối với các nước thành viên trong khối là điều mang tính sống còn.  Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo này trong suốt nhiệm kỳ là chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2010 qua việc làm nổi bật vấn đề đồng thời nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế nhằm tiến tới một ràng buộc mang tính pháp lý về nguyên tác ứng xử (COC). Tuy nhiên từ năm 2010 phần lớn những động lực đã đạt được nhằm tạo đà cho việc thiết lập COC dường như đã nguội đi. Minh chứng cho điều đó là tuyên bố chung giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ ngày 24 tháng 9 năm 2010 đã không đề cập đến vấn đề Biển Đông như một vấn đề quan trọng mà chỉ xác nhận lại các vấn đề cần thiết cho “…hòa bình và ổn định khu vực, an ninh biển, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải..”

Xét bối cảnh hiện nay, với sự mở rộng của hải quân Trung Quốc và khả năng gia tăng sự hiện diện của hải quân Mỹ tại Biển Đông và Đông Nam Á nói chung chắc chắn cần thiết phải có một giải pháp ”bền vững” hơn cho tranh chấp Biển Đông. Những triết lý cơ bản đằng sau Tuyên bố DOC đã tạo nên “những điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình và dài hạn cho các tranh cãi và xung đột giữa các nước liên quan” này nên được xem xét trong bất cứ tiến trình đàm phán một bộ quy tắc ứng xử mang tính pháp lý nào khác cho Biển Đông. Đồng thời cũng cố một số những câu hỏi hóc búa mà các nước yêu sách cần phải đặt ra khi mà họ bắt đầu chặng đường tiến tới COC, đó là:

1.   Liệu COC có thay đổi hiện trạng tại Biển Đông như đã được tán thành trong Tuyên bố DOC hay là chỉ đơn thuần củng cố thêm DOC?

2.   Liệu COC có thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực đã được xác định trong Tuyên bố DOC?

3.   Các cường quốc ngoài khu vực sẽ đóng vai trò gì trong quá trinh này? Vì cũng có các bên ngoài khu vực quan tâm đến Biển Đông, liệu COC cũng nên quản lý các họat động của họ hay không?

Kết Luận

Thoạt nhìn, tranh chấp gây ra từ những yêu sách biển chồng lấn tại Biển Đông theo ý kiến của một nhà phân tích đánh giá là có vẻ khá nan giải. Có quá nhiều các nước yêu sách với những tranh chấp song phương và đa phương hiện tại cũng như lợi ích của các cường quốc bên ngoài cụ thể như Mỹ. Tuy nhiên cả ASEAN và Trung Quốc đang tiếp tục những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Trọng điểm của những nỗ lực này là Tuyên bố DOC đã được ASEAN và Trung quốc ký kết vào năm 2002 cũng như việc thực thi nó. Mặc dù rất nhiều người chỉ trích cho rằng DOC đã không đáp ứng được các mục tiêu trong việc hợp tác xa hơn ở Biển Đông, tuy nhiên thì Tuyên bố DOC bằng nhiều cách đã quản lý các tranh chấp đồng thời ngăn chặn việc xảy ra xung đột giữa các nước có yêu sách. Tuy nhiên xét đến lợi ích gia tăng và những tranh chấp kéo dài tại Biển Đông thì Tuyên bố DOC cần phải có một bước đi xa hơn nữa để tiến tới hợp tác thực sự. Vậy nên tiến trình này đã phát triển từng bước và cần thêm thời gian truớc khi có được một sự hợp tác thực sự bất chấp một vài tuyên bố được một vài nhà ngoại giao ASEAN đưa ra vào nửa cuối năm 2010 kêu gọi một bộ tuyên bố ứng xử (COC) chính thức tại Biển Đông.

Tài Liệu Tham Khảo

Adamrah, M. China ‘softens’ South China Sea stance. (December 14, 2010). The Jakarta Post.

http://www.thejakartapost.com/news/2010/11/24/china-%E2%80%98softens%E2%80%99-s-china-sea-stance.html

Bateman, S. (2009). Commentary on energy and geopolitics in the South China Sea by Michael Richardson.  http://www.iseas.edu.sg/aseanstudiescentre/ascdf2c1.pdf

Brown, R. & Sjostrand, S. (2001). Maritime archaeology and shipwreck ceramics in Malaysia. Kuala Lumpur: Department of Museum and Antiquities Malaysia.

Buszyinski, L. & Iskandar Sazlan. (2007). Maritime claims and energy cooperation in the South China Sea. Contemporary  Southeast Asia. Vol. 29(1).  143 - 171

Djalal, H. (2000). South China Sea island disputes. The Raffles Bulletin of Zoology. Supplement (8). 9 – 21.

Dzurek, D.J. (1996) The Spratly Islands dispute: Who’s on first? Maritime Briefing. 2(1). Durham: International Boundaries Research Unit.

Emmers, R. (2002). ASEAN, China and the South China Sea: An opportunity missed. IDSS Commentaries.  (30)

Emmers, R. (2009). Geopolitics and maritime territorial disputes in the South China Sea: From competition to collaboration? POINTER, 35(3). 1 – 5.

Emmers,    R.    Maritime    Disputes    in    the    South    China    Sea:    From    competition    to cooperation.

http://www.ceps.edu.au/userfileRalfs/file/%20Emmers%20-%20SCS-Griffith%20version.pdf

Haller-Trost,  R.  (1997).  The  contested  maritime  and  territorial  boundaries  of  Malaysia:  an international law perspective. London: Kluwer Law International

Jinming. L & Dexia, L. (2003). The dotted line on the Chinese map of the South China Sea: A note. Ocean Development and International Law, (34). 287 – 295.

Khun,  Z  &  Wang,  (2009).  The  South  China  Sea  declaration:  A  Chinese  perspective.  RSIS Commentaries No. 84. 2009.

Mak, J.N. (2008). Sovereignty in ASEAN and the problem of maritime cooperation in the South China Sea. Singapore: S Rajaratnam School of International Studies.

Prescott, J.R.V. (2010). The Spratly Islands: past and present. MIMA Bulletin, 17(1). 14 – 18 Schofield, C. (2000). A Code of Conduct for the South China Sea? Jane’s Intelligence Review. 1 – 10

Severino, R. (2010). ASEAN and the South China Sea. Security Challenges, 6(2). 37 - 47

Sichun, W & Huaifeng, R. (2003). More than a declaration: A commentary on the background and the significance of the Declaration on the Conduct of the Parties in the South China Sea. Chinese Journal of International Law. 311 – 319

Talaue-McManus.   (2000).   Transboundary   diagnostic   analysis   for   the   South   China   Sea. EAS/RCU Technical Report Series No. 14. Bangkok: UNEP

Nguyen Hong Thao (1999). Joint Development in the Gulf of Thailand. http://www.dur.ac.uk/resources/ibru/publications/full/bsb7-3_thao.pdf

Torode, G & Chan, M. China refuses to yield on Paracels. (December 12, 2010). South China Morning Post.

http://www.scmp.com/portal/site/SCMP/menuitem.2af62ecb329d3d7733492d9253a0a0a0/?vgnextoid=9f4e1947256dc210VgnVCM100000360a0a0aRCRD&ss=China&s=News

Valencia, M.J.(1985). Southeast Asian seas: oil under troubled waters. Hydrocarbon potential, jurisdictional issues and international relations. Singapore: Oxford University Press.

Valencia, M.J. (1991). Malaysia and the law of the sea: the foreign policy issues, the options and their implications. Kuala Lumpur: ISIS Malaysia

Valencia, M.J., Van Dyke, J.M.   & Ludwig, N.A.  (1997). Sharing resources in the South China Sea. The Hague: Kluwer Law International

Valencia, M.J. (2009). Tempting the dragon. Far Eastern Economic Review, 11 March 2009. http://www.nautilus.org/publications/essays/napsnet/forum/2009-2010/09020Valencia.html. (Accessed on 9 December 2010)

Wain, B. (2010). Manila’s bungle in the South China Sea. Far Eastern Economic Review, January/February2008.http://www.viet-Studies.info/kinhte/Manila_South_China_Sea.htm. (Accessed on 12 December 2010) ASEAN wants formal code. (August 6, 2010). The Straits Times

http://www.straitstimes.com/BreakingNews/SEAsia/Story/STIStory_562868.html

Mohd Nizam Basiron

Tiến Thịnh (dịch)

Đỗ Thủy (hiệu đính)

Tham luận của Mohd Nizam Basiron tại Hội thảo Quốc tế “Triển vọng Hợp tác trong các vấn đề ở Biển Đông - Prospects of Cooperation and Convergence of the Issues and Dynamics in South China Sea” ngày 31 tháng 5 năm 2011, tại Jakarta, Indonesia do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Châu Á, Jakarta tổ chức.

Bản gốc tiếng Anh “ASEAN and Dispute Resolution in the South China Sea