Mặc dù tham vấn về DOC và COC đang được tiến hành song song, Trung Quốc luôn tuyên bố cần ưu tiên cho DOC. Trong khi đó, ASEAN muốn tách riêng tham vấn về DOC và về COC, đồng thời nâng cấp tham vấn về COC lên cấp quan chức cấp cao. ASEAN ủng hộ phương pháp tiếp cận "cuốn chiếu” về COC - nghĩa là ngay sau khi đạt nhất trí trên một vấn đề thì triển khai ngay chứ không chờ đợi thỏa thuận về toàn bộ COC. ASEAN cũng muốn một COC có tính ràng buộc pháp lý. Các nhà ngoại giao ASEAN mong muốn COC hoàn thành trước cuối năm 2015 khi Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN được hình thành.

Tuy nhiên, ASEAN sẽ phải đối mặt với ít nhất hai vấn đề. Trước hết, mặc dù DOC nêu rõ các bên “kiềm chế và không có các hoạt động làm phức tạp hay leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định", Trung Quốc đã liên tục có các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, như việc tuyên bố nước này có quyền lập Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông (11/2013), ban hành và đang áp đặt quy định sửa đổi về việc đánh bắt cá ở Biển Đông hay vụ việc tàu Trung Quốc chặn tàu Philippines tiếp tế cho quân đồn trú tại Bãi Cỏ Mây (9/3/2014). Có thể nói ASEAN đã không thành công trong các nỗ lực ngoại giao nhằm buộc Trung Quốc kiềm chế ở Biển Đông.

Vấn đề thứ hai là duy trì đoàn kết trong quá trình đàm phán. Tuy bề ngoài luôn tỏ ra đoàn kết, nhưng bên trong là sự chia rẽ sâu sắc trong quan điểm của từng nước thành viên về cách theo đuổi COC. Căng thẳng chính trị nội bộ tại Phnom Penh có thể sẽ khiến Campuchia một lần nữa trở thành nhân tố phương hại đoàn kết ASEAN trong các vấn đề biển Đông với sự can dự của Trung Quốc. Chính phủ của ông Hun Sen đang bị bủa vây bởi lực lượng chống đối trong khi Trung Quốc đã cho thấy các tín hiệu lạnh nhạt với Hun Sen. Trong một động thái tranh thủ tình hình, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy tuyên bố tin tưởng những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là hợp lệ.

Bốn nước ASEAN trong tranh chấp biển Đông cũng có quan điểm khác nhau:

Philippines đơn phương nộp đơn kiện lên Tòa án trọng tài quốc tế mà không qua tham vấn trước với các thành viên ASEAN. Trung Quốc sau đó đã vận động riêng rẽ các nước ASEAN khác không đi theo Philippines. Việt Nam và Malaysia dường như có quan điểm chờ đợi và nghe ngóng.

Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và muốn quần đảo này được bao gồm trong phạm vi của COC trong khi các thành viên khác của ASEAN xem quần đảo Hoàng Sa như một vấn đề song phương giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Tuy nhiên, không như Philippines, Việt Nam cố giữ cho các tranh chấp Biển Đông không ảnh hưởng đến quan hệ song phương tổng thể với Trung Quốc .

Malaysia và Brunei dường như đang thực thi một chính sách “hạn chế công khai” về Biển Đông. Tàu đánh cá Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Tàu bán quân sự Trung Quốc, thường xuyên thách thức các tàu của Petronas hoạt động ở các giàn khoan ngoài khơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Trong năm 2013 và tháng 1/2014, một đội tàu hải quân Trung Quốc đã tiến đến Bãi ngầm James, 80 km ngoài khơi bờ biển phía Đông Malaysia và là điểm cực nam của đường yêu sách chín đoạn của Trung Quốc, tuy nhiên, những người phát ngôn chính thức của Malaysia cho biết, không có thông tin về sự việc này. Nhiều thông tin cho thấy các quan chức Malaysia biết rõ về các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc song họ cũng kín đáo cho biết chủ trương “không biết, không thấy” là chỉ đạo của Thủ tướng Najib Razak - người kiểm soát chính sách Biển Đông và những tuyên bố chính thức quan trọng về Trung Quốc.

Trong một nỗ lực nhằm đạt được sự đồng thuận, ít nhất là giữa các quốc gia liên quan, Philippines chủ trì cuộc họp đầu tiên Nhóm làm việc của các nước ASEAN có yêu sách về biển Đông ngày 18/2 nhưng như một đòn giáng mạnh vào nỗ lực này, Brunei không tham dự. Một tháng trước đó, Brunei cũng từ chối tham gia một cuộc họp mặt với ba nước còn lại tại Họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Myanmar. Theo các nhà quan sát, điểm tích cực của cuộc họp là Malaysia đã tham gia nhiệt tình hơn so với trước đây .

Bên thềm các cuộc tham vấn mới giữa ASEAN - Trung Quốc, Mỹ đã thể hiện một vai trò chủ động hơn trong việc thúc ép Trung Quốc điều chỉnh các tuyên bố chủ quyền biển của nước này phù hợp với luật pháp quốc tế. Các thành viên cốt cán của ASEAN cũng thể hiện sự nhất trí cao hơn so với trước đây trong việc đòi hỏi Trung Quốc chấm dứt các hành động đơn phương làm suy yếu an ninh khu vực.

Trong khi đó, Trung Quốc đã cảnh báo rằng, không ai có thể mong đợi một kết quả nhanh chóng. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói về tranh chấp ở Biển Đông: "Trung Quốc muốn tiến hành tham vấn và đàm phán trên cơ sở bình đẳng và xử lý đúng đắn thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế. Sẽ không có bất kỳ thay đổi nào trong chủ trương này.” Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nói thêm "Chúng tôi sẽ không bao giờ bắt nạt các nước nhỏ hơn, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu vô lý từ các quốc gia nhỏ hơn”.

Theo “Yale Global”

Anh Thư (gt)