Điều đã xảy ra trong và sau hội nghị ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc vào tuần trước ở Ngọc Khê, gần thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam, đã giáng một đòn mạnh vào vai trò lãnh đạo của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Vụ việc sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đối với tiến trình hội nhập khu vực nếu không được khẩn trương và nghiêm túc xử lý. 

Trong bối cảnh ASEAN không thống nhất được quan điểm về vấn đề Biển Đông, hiện nay cả hai bên đều phải có trách nhiệm lấy lại lòng tin, trong nội bộ và cả bên ngoài, điều vốn đã đóng góp rất nhiều cho sự tăng trưởng kinh tế kỳ diệu và tiến bộ của con người trong khu vực. 

Một trong những thành tựu quý giá của ASEAN, hiện chỉ còn thiếu một năm nữa là tròn 50 tuổi, là "sức mạnh tập hợp" của nó. Từ chỗ không có diễn đàn hợp pháp và không được toàn khu vực cộng nhận về mặt chính trị, chiến lược và kinh tế, ASEAN đã từng bước lấp vào chỗ trống và dần dần giành được danh tiếng là "điểm tựa cho kiến trúc đang nổi lên" của quan hệ hợp tác tại Đông Á, như Hillary Clinton từng nói khi là Ngoại trưởng Mỹ. 

Khi ASEAN triệu tập một cuộc họp, tất cả các nước trong khu vực và bên ngoài khu vực đều muốn tham dự. Đó là “sức mạnh tập hợp” đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN năm 2007 như là “vai trò trung tâm của ASEAN”. Tất cả các cường quốc bên ngoài – “các đối tác đối thoại” như trong từ vựng ASEAN - trong các vấn đề khu vực tôn trọng “ASEAN ở vị trí người dẫn đường”. Kết quả là, ASEAN đã giúp cho ra đời thêm rất nhiều diễn đàn khu vực, chẳng hạn như các hội nghị cấp bộ trưởng (ngoại giao) với các đối tác đối thoại, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+3 và ASEAN+6, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Á-Âu (ASEM), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang nổi lên. 

ASEAN đã mất gần một nửa thế kỷ để đạt được điều này. Cơ chế tài tình của "quan hệ đối tác đối thoại" là một phát minh cần thiết để đem đến cho tất cả bên trong và ngoài khu vực một không gian chính đáng để bày tỏ nguyện vọng, mối quan tâm, lợi ích và tầm nhìn của họ về khu vực. Điều này đã giúp đánh bóng danh tiếng của ASEAN như là "một diễn đàn không đe dọa ai và chào đón tất cả”. 

Do đó, mỗi đối tác đối thoại đã cảm thấy thoải mái đóng một vai trò trong việc "xây dựng cộng đồng" tại khu vực. Đó cũng là một quá trình chậm chạp, phản ánh sự đa dạng mà khu vực phải quản trị trong lúc tiến hành nỗ lực hội nhập. 

Một trong những vấn đề khó khăn nhất mà ASEAN đang phải đối mặt trong xử lý quan hệ với các đối tác đối thoại là xác định vấn đề nào là lợi ích tập thể ASEAN, vấn đề nào là "song phương". Cho dù là thương mại, quốc phòng, an ninh hoặc các vấn đề chiến lược, ASEAN đã có chủ ý không phân định rạch ròi để tất cả các thành viên có thể theo đuổi những gì mà từng nước xem là quan trọng đối với lợi ích quốc gia của mình. Như vậy, quan hệ song phương có thể được theo đuổi ngoài hoặc trong khuôn khổ đa phương. Đương nhiên, điều này đôi khi khiến các bên, các đối tác và giới quan sát lẫn lộn. 

Lợi ích tập thể 

Các tranh chấp lãnh thổ về các đảo, bãi đá và bãi ngầm giữa Trung Quốc và bốn quốc gia ASEAN - Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei - đã có "tính chất ASEAN" kể từ khi tuyên bố đầu tiên về vấn đề biển Biển Đông được đưa ra tại Manila năm 1992, bốn năm trước khi Trung Quốc trở thành đối tác đối thoại chính thức. Tuyên bố này nói rằng "bất kỳ diễn biến bất lợi nào ở Biển Đông trực tiếp ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực". Văn kiện này cũng hoan nghênh "tất cả các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á coi đó là cơ sở cho việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử quốc tế ở Biển Đông”. 

(Tôi cũng cần nói rõ rằng tôi là một trong số những người từ lâu đã tìm cách đưa Trung Quốc và các nước ASEAN đến gần nhau hơn. Năm 1999, khi giữ cương vị Ngoại trưởng Thái Lan, tôi đã cùng người đồng cấp Trung Quốc, Đường Gia Triền, ký "Thông cáo chung về Kế hoạch hợp tác cho thế kỷ 21". Các thành viên ASEAN khác đã từng bước tuân thủ kế hoạch này). 

Mười năm sau Tuyên bố Manila, vào tháng 10/2002 tại Phnom Penh, Chính phủ Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN cuối cùng đã đồng ý về "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC). Tuyên bố này thừa nhận "sự cần thiết phải thúc đẩy một môi trường hòa bình, thân thiện và hòa hợp ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc tăng cường hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực". 

Tuyên bố này còn có đoạn: "Các bên cam kết kiềm chế không có các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp... và xử lý những khác biệt một cách xây dựng". 

Tuyên bố tái khẳng định sự cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử và một nhóm công tác chung đã được thành lập vào tháng 12/2004 để tiếp tục nỗ lực này. Nhưng phải mất gần bảy năm nữa để có thể có "Hướng dẫn thực hiện DOC" được nhất trí ở Bali vào tháng 7/2011. Sự trì hoãn kéo dài này phản ánh những bất đồng về cách ASEAN nên tiến hành "cách tiếp cận tập thể". Tổ chức này muốn thể hiện cách tiếp cận tham vấn riêng của mình vốn đã trở thành đặc trưng của chiến lược giải quyết vấn đề quan trọng sống còn này. Vì vậy, tuyên bố trên đã khẳng định: "ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện tham vấn giữa các nước thành viên trước khi họp với Trung Quốc". 

Điều đó không được Trung Quốc chấp nhận. Cuối cùng, điều mục gây tranh cãi đã được viết lại như sau: "Các bên tham gia DOC sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tham vấn theo tinh thần của DOC". Hướng dẫn này sau đó đã được nhất trí thông qua. 

Hiểu được bối cảnh này là điều cần thiết để làm rõ một vấn đề quan trọng: Biển Đông là một "vấn đề song phương giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền hay một vấn đề chung mà các nước ASEAN cần cùng nhau theo đuổi. Cả hai bên đều nhận thức đầy đủ về tầm vóc của các thách thức. Như thất bại của hội nghị Ngọc Khê đã cho thấy, cộng đồng quốc tế cũng đang lo lắng về "sự sụp đổ", "sai lầm" và "tình trạng hỗn loạn" cũng như "gia tăng căng thẳng trên biển". Đây không phải là điềm lành cho tương lai của hội nhập khu vực không chỉ của Đông Nam Á, mà còn của toàn bộ Đông Á. 

Sự suy xét và đổi mới 

Do Đông Á đã trở thành một đầu tàu mới cho tăng trưởng kinh tế và sự phục hồi toàn cầu, tất cả các bên có trách nhiệm tập thể lùi lại và suy nghĩ về các lựa chọn của họ cho tương lai. Có một vài lựa chọn khả thi để tập trung vào đó nhằm làm dịu bớt các mối quan ngại và những căng thẳng trong khu vực bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột. 

Đầu tiên, các nước ASEAN và Trung Quốc nên khôn ngoan quay trở lại với quá trình dài lâu cùng tìm kiếm một giải pháp hoà giải, thậm chí là tạm thời, cho các tranh cãi hiện tại do sự cố Ngọc Khê. Mục tiêu chung dài hạn của họ là việc xác lập một Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc. Dù đã xảy ra điều gì, mục tiêu này không nên bị ảnh hưởng. 

Thứ hai, vai trò trung tâm của ASEAN phải được phục hồi nếu khu vực này muốn có bất kỳ diễn đàn có ý nghĩa nào để khảo sát các biện pháp hòa bình nhằm tránh những xung đột tiềm ẩn. Nguyên tắc làm việc của khu vực là ASEAN đóng vai trò quy tụ các đối tác đối thoại với hành lý lịch sử nặng nề để tìm kiếm các lĩnh vực cùng quan tâm và tránh làm cho bất đồng và xung đột tiềm năng bùng phát. 

Thứ ba, bản thân các thành viên ASEAN phải tiến hành việc khôi phục tính hiệu quả của các phương pháp hiện có để phối hợp và hợp tác nội bộ. Dường như diễn đàn ASEAN đang bị chao đảo dưới sức ép của các mối quan hệ bên ngoài. Đoàn kết hơn là điều rất cần thiết để kiểm soát cuộc chơi quyền lực ngày càng tăng nhiệt của các đối tác bên ngoài. 

Thứ tư, các đối tác đối thoại cần phải nhận thức được rằng nếu không có ASEAN, hoặc hạ thấp vai trò trung tâm của ASEAN, sẽ khó khăn hơn để quản lý khu vực này và thậm chí sẽ còn khó khăn hơn để thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của chính họ. Bất kỳ áp lực thái quá nào hoặc việc xử lý sai vấn đề có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với "điểm tựa" duy nhất của quan hệ quyền lực trong khu vực. 

Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế nhìn về phía các bên liên quan để tìm kiếm một lối thoát êm ả vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Bởi khu vực này đã trở nên quan trọng hơn đối với thế giới so với cách đây một hoặc hai thập kỷ, bất kỳ dấu hiệu của sự bất ổn nào sẽ khiến thế giới rùng mình. 

Chúng ta có trách nhiệm chung phải tìm cách để kiểm soát bất đồng giữa chúng ta theo cách thức mà sẽ truyền cảm hứng cho niềm tin vào tương lai của khu vực. Nếu không có lòng tin, niềm tin và sự can dự của thế giới như thế, khu vực này sẽ đánh mất tương lai thịnh vượng và an toàn của chính mình.

Trung Quốc và ASEAN nên ghi nhớ điều này khi họ chắc chắn phải mò mẫm cho giai đoạn tiếp theo của cuộc tìm kiếm dài lâu một giải pháp thân thiện cho những thách thức gây nhiều tranh cãi trên các vùng biển động của Biển Đông.

Surin Pitsuwan, cựu Tổng thư ký ASEAN, cựu Ngoại trưởng Thái Lan. Bài viết được đăng trên The Bangkok Post.

Văn Cường (gt)