Trong khi Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, không gian đường biển tại châu Á đang là nơi diễn ra căng thẳng dai dẳng, thậm chí đe dọa các nguyên tắc tự do lưu thông trên biển. Việc khai thác các “vùng xám” xung đột và huy động đa phương tiện, ngoại giao, kinh tế, luật pháp, quân sự và bán quân sự, cộng với việc huy động lực lượng tự vệ đường biển của Trung Quốc, làm tăng thêm tình trạng bấp bênh. 

Trong bối cảnh lo ngại về khoảng trống chiến lược này, châu Âu không thể tiếp tục thờ ơ, mặc dù hạn chế về phương tiện, các thách thức mà châu Âu phải đối mặt cũng như sự xa xôi về mặt địa lý. Mang trong mình các tiêu chuẩn và giá trị, châu Âu cần tham gia đối thoại và qua việc xác định lập trường của mình, đóng góp vào sự tái cân bằng lực lượng tại một khu vực châu Á mà tầm quan trọng chiến lược của nó vượt qua khuôn khổ khu vực. 

Khi Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, châu Á và đặc biệt là không gian đường biển tại châu Á là nơi diễn ra những căng thẳng gay gắt và bấp bênh lớn. Đối với một cường quốc Trung Quốc đang đi tìm kiếm những nguồn khẳng định tính chính đáng của mình, mà mọi chiến lược của nước này đều có mục tiêu chính là duy trì hệ thống chính trị trong một bối cảnh căng thẳng, không gian đường biển từ lâu đã bị bỏ qua thì nay giữ một vị trí quan trọng, tượng trưng cho sự tái khám phá của Đô Đốc Trịnh Hòa (1371-1433) dưới triều đại Nhà Minh, ông vốn đã chỉ huy nhiều cuộc thám hiểm đường biển tới Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. 

Kế thừa các nguyên tắc của Alfred Mahan, Chính quyền Trung Quốc trên thực tế tìm cách đặt cơ sở cho việc thực hiện giấc mơ hồi sinh về một cường quốc biển rộng lớn của mình, trong đó, giai đoạn đầu là kiểm soát hiệu quả Biển Đông và biển Hoa Đông, đạt được khả năng ngăn chặn thực sự. Trong bối cảnh này, việc Trung Quốc thu giữ một thiết bị lặn quan sát dân sự điều khiển từ xa của Mỹ vào ngày 17/12/2016, cho thấy một tín hiệu mạnh mẽ của ý chí áp đặt sự kiểm soát của Trung Quốc trong khu vực và công cụ thử phản ứng của Tổng thống Mỹ mới đắc cử. 

Giữa những vùng xám và chiến lược ngăn chặn: Một chiến lược khó đối phó của Trung Quốc 

Để thực hiện những mục tiêu này, Bắc Kinh thực hiện một chiến lược không rõ ràng, nó khiến sự tính toán của mọi sự đáp trả trở nên đặc biệt phức tạp, giữa những nguy cơ không hành động và những nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột công khai. Chiến lược này cũng trở nên phức tạp hơn khi nó liên quan tới nhiều tác nhân khu vực và ngoài khu vực. 

Khai thác tối đa phạm vi “vùng xám”, tiếp tục là một chủ đề lớn thu hút sự quan tâm đối với tổng thể các quốc gia trong khu vực, giữa những nguy cơ truyền thống và phi truyền thống, Trung Quốc huy động với sự phối hợp tổng thể các phương tiện để toan tính tăng cường vị thế của nước này tại các tuyến đường biển. 

Các đội tàu cá gia nhập vào lực lượng tự vệ đường biển, một hạm đội bảo vệ bờ biển, nếu xét về số lượng là hạm đội hàng đầu thế giới với hơn 200 tàu chiến, trong đó, có hai tàu trên 10.000 tấn, và sự phát triển của lực lượng tàu thuộc Hải quân Trung Quốc tiếp tục là một ưu tiên của Bắc Kinh, cho phép cường quốc này thực hiện sức ép đối với các quốc gia trong khu vực và đồng minh Mỹ của họ. 

Sức ép này áp đặt một nỗ lực rất lớn đối với các quốc gia như Nhật Bản, nước có chính sách quốc phòng và các nỗ lực ngân sách cần phải thích ứng trước loại hình đe dọa mới này. Trong năm 2017, ngân sách dành cho lực lượng dân sự bảo vệ bờ biển, lực lượng ở tuyến đầu đối mặt với Trung Quốc tại biển Hoa Đông, tăng 12%. 

Tuy nhiên, ngoài những khả năng này, nguy cơ lớn khác mà nhìn bề ngoài thì trái ngược, là nguy cơ đánh giá quá cao những khả năng của Trung Quốc trong khi đối với Bắc Kinh, theo các nguyên tắc cổ điển của chiến lược Trung Quốc, chiến thắng lớn nhất là “không đánh” mà thắng bằng việc ngăn đối thủ không đánh trả hoặc tấn công. Đối với Tokyo, trong khuôn khổ liên minh với Washington, nguy cơ đánh giá quá cao khả năng của Trung Quốc trên thực tế sẽ là nguy cơ từ bỏ cam kết của Mỹ, thế mà nước này chính là đảm bảo duy nhất, cứu cánh cuối cùng về an ninh và ổn định khu vực. 

Biển Đông và biển Hoa Đông, khu vực đầu tiên của việc thử và thực hiện các nguyên tắc của chiến tranh pháp lý 

Tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nếu những khả năng thực tế của hải quân Trung Quốc không được đánh giá quá cao, thì từ đầu những năm 2010, chiến lược được Bắc Kinh thực hiện, ngay từ bây giờ, đã có những hậu quả gây lo lắng đối với sự cân bằng chiến lược của khu vực. Sự bồi đắp các đảo nhỏ nhân tạo, sự xuất hiện thường kỳ của các tàu chiến Trung Quốc theo quy chế vô thời hạn, gia tăng các tranh chấp với các quốc gia lân cận, làm tăng các nguy cơ tranh chấp trong các lĩnh vực hàng hải và hàng không ở nơi đây. Từ nay, các mối đe dọa xuất hiện ngày càng rõ rệt hơn. 

Tuy nhiên, ngoài những đòi hỏi về lãnh thổ vô lý, chiến lược của Trung Quốc trong khu vực cũng có mục tiêu lên án các nguyên tắc nền tảng của hệ thống tự do quốc tế về tự do lưu thông trên biển. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc và các mô hình, Bắc Kinh có tham vọng áp đặt những tiêu chuẩn và hệ thống giá trị của mình trên biển cũng như trong các lĩnh vực khác như vũ trụ và không gian mạng. 

Tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nếu Trung Quốc tuyên bố không đe dọa tới tự do lưu thông mà nền kinh tế của nước này rất phụ thuộc, thì mục tiêu dường như là hợp thức hóa nguyên tắc phổ biến này với sự kiểm soát của Bắc Kinh, trở thành nội dung lớn nhất trong thực thi của nước này. 

Trong bối cảnh này, quan điểm của Trung Quốc đối với việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) cho thấy cách thức Bắc Kinh xác định vị thế của nước này so với hệ thống quốc tế. Nếu Trung Quốc đã ký và phê chuẩn UNCLOS và dường như không sẵn sàng rút lui, thì có lẽ sự tôn trọng các quy định ban đầu được chấp nhận phụ thuộc vào thực tế của tương quan sức mạnh luôn thay đổi và các lợi ích do chính các nhà chức trách Trung Quốc xác định. 

Phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye về Biển Đông, dựa trên UNCLOS, cũng bị chính quyền Trung Quốc bác bỏ, coi là bất hợp pháp và can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Mặt khác, việc thiếu các biện pháp thi hành cho phép Trung Quốc thoát khỏi mọi sự tuân thủ quyết định của tòa. 

Những bảo bối của Trung Quốc 

Trong thực hiện chiến lược xét lại hệ thống quốc tế này, Trung Quốc sở hữu những bảo bối quan trọng. Sự phát triển khả năng quân sự của nước này, được gia tăng bởi hình ảnh cường quốc mà nước này xây dựng và biện pháp của các đối thủ của nó, từ Mỹ tới Nhật Bản, đều muốn tránh một cuộc xung đột công khai, điều này tạo thuận lợi cho Trung Quốc và cho phép thực hiện một chiến lược cưỡng chế và việc đã rồi mà hậu quả của nó thì đã rõ ràng tại Biển Đông. Dù cho vị thế trên đạt được và được Trung Quốc củng cố, thì trên thực tế, trong trường hợp xảy ra xung đột, nó rất khó để được nắm bắt. 

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sở hữu sức hút về sức mạnh kinh tế, điều này cho phép nước này thực hiện một chiến lược chia để trị, từ Đông Nam Á tới Trung và Đông Âu qua Nam Á, chiến lược này đã đạt được một số thành công nhất định. 

Các dự án kép con đường tơ lụa trên biển và đất liền và các công cụ tài chính để thực hiện những dự án này như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), là một phần của chiến lược thu hút, dựa trên sự huy động những khả năng tài chính nhất quán, phục vụ cho chiến lược ảnh hưởng lớn hơn. 

Không có những phản ứng của quốc tế hoặc phản ứng rất ôn hòa đối với phán quyết của Tòa trọng tài La Haye lên án rõ ràng lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông, phản ánh khả năng ảnh hưởng này của Trung Quốc. Tại Đông Nam Á, các quốc gia yếu nhất, rất phụ thuộc vào sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc, hoặc bị cô lập về chính trị như Thái Lan hoặc hiện nay là Philippines, chỉ có thể bị ảnh hưởng trước sức ép của Trung Quốc, mà mục tiêu của nước này là ngăn chặn công bố mọi thông cáo chung về tình hình Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài. 

Tại châu Âu, nếu Liên minh châu Âu đã công bố một thông cáo, sau nhiều tuần đàm phán, thì những lời lẽ trong thông cáo này đã được giảm nhẹ nhiều theo yêu cầu của một số quốc gia, đặc biệt là những nước bị cám dỗ bởi những dự án đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ của dự án “Một vành đai, một con đường” (OBOR). Sự tương phản giữa một thái độ rất kiên quyết đối với Nga, mà mối đe dọa của nước này xuất hiện như trực tiếp hơn tại Trung và Đông Âu, trái ngược với một thái độ ít đòi hỏi hơn đối với Trung Quốc. Sự khác biệt trong nhận thức những mối đe dọa nuôi dưỡng sự thiếu thấu hiểu giữa một châu Á đang ngày càng lo lắng bởi những lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt là tại Biển Đông và biển Hoa Đông, và một châu Âu ít ý thức về tầm quan trọng của những thách thức. 

Nhưng nếu như Trung Quốc sở hữu những bảo bối quan trọng, thì nước này cũng gặp phải những hạn chế trọng yếu, có thể phương hại tới khả năng hành động bên ngoài của nước này. 

Ngoài sự tụt hậu về công nghệ tồn tại trong các lĩnh vực quân sự, đặc biệt về hải quân, sự suy giảm đáng ngại của nền kinh tế - tỷ lệ tăng trưởng không vượt quá 6,7% trong năm 2016 – là gánh nặng đối với khả năng hành động và ảnh hưởng bên ngoài của Trung Quốc. 

Nguy cơ đối với chiến lược ảnh hưởng của Trung Quốc là nguy cơ về sự thất vọng, giữa sự chờ đợi rất lớn mà diễn văn của Trung Quốc có thể nêu ra, đặc biệt xung quanh dự án các con đường tơ lụa, và những phương tiện mà Bắc Kinh sẵn sàng cam kết, trong khi các biện pháp nhằm kiểm soát sự thất thoát vốn đáng ngại đã được tăng cường. 

Khó khăn trong thực hiện điều phối đối phó với chiến lược của Trung Quốc 

Trước những nguy cơ bất ổn do chiến lược của Trung Quốc tại châu Á, nhiều chiến lược có thể được thực hiện, mặc dù thiếu sự phối hợp tổng thể giữa các tác nhân liên quan trong và ngoài khu vực. Ngoài ra, dù có sự bất đối xứng lớn về sức mạnh và phương tiện, những chiến lược này được thông qua, được trao đổi rõ ràng và sự phát triển sức mạnh hải quân, đặc biệt là khả năng phòng vệ bờ biển, cho phép tránh những nguy cơ leo thang quân sự trước Trung Quốc. 

Hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á cùng với Nhật Bản đang ở tuyến đầu đối phó với Trung Quốc, và từ đầu những năm 2010, những mối đe dọa mà tổng thể những quốc gia này đang gặp phải đang ngày càng rõ ràng, điều này đã dẫn đến sự biến đổi rõ rệt về lập trường của họ trước Trung Quốc và do đó, đối với cả Mỹ. 

Từ lâu ngập ngừng trước mọi lập trường được khẳng định và gắn với nguyên tắc không can thiệp, mặc dù có những diễn biến mới đây nhất, đặc biệt là tại Philippines, nơi sự bấp bênh đang thắng thế từ khi ông Duterte đắc cử tổng thống, các quốc gia ASEAN ngày càng có ý thức về sự cần thiết thông qua một lập trường rõ ràng và trong chừng mực có thể là sự thống nhất trước những tham vọng của Trung Quốc. 

Trong khi Singapore từ lâu có chủ trương thận trọng và ưu tiên duy trì một sự cân bằng giữa những tác nhân lớn khác nhau trong khu vực, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, thì nay thành bang này đã có lập trường cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài, vì vậy, nước này vừa mới là đối tượng của các biện pháp trả đũa từ phía Bắc Kinh. 

Liên quan tới sự phát triển khả năng quân sự, dù là năng lực của lực lượng hải quân, các phương tiện do thám hay bảo vệ bờ biển, người ta nhận thấy một ý chí thực sự muốn bắt kịp với trình độ của thế giới và tăng cường hợp tác quốc tế. Mặc dù có lịch sử khó khăn, Việt Nam khẳng định sẵn sàng phát triển hợp tác hậu cần với Mỹ. Đặc biệt, các cơ chế phát triển khả năng được thiết lập với Nhật Bản và Mỹ, cũng như với một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. 

Tại Nhật Bản, từ khi Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền và thông qua những quy tắc mới về chuyển giao công nghệ và xuất khẩu thiết bị quân sự, Nhật Bản đặc biệt tích cực trong việc thiết lập một cộng đồng các quốc gia chia sẻ cùng các giá trị tại châu Á và ngoài khu vực, và trong việc thực hiện chính sách hợp tác và phát triển các khả năng quân sự nhằm vào các quốc gia Đông Nam Á. Mặt khác, sự trông đợi đối với Tokyo trong khu vực là rất quan trọng, đặc biệt là tại những quốc gia Đông Nam Á vốn dễ bị tổn thương nhất, để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Về điểm này, Myanmar là một thí dụ được xem là tích cực, có thể được sử dụng lại đối với các quốc gia thân Trung Quốc chủ yếu là vì triển vọng hỗ trợ tài chính của nước này. 

Với việc thiết lập các cấu trúc và mạng lưới cho phép tăng cường khả năng do thám trong lĩnh vực hàng hải, trong khi nhu cầu của các quốc gia Đông Nam Á về lĩnh vực này, ngoài Singapore ra, là rất lớn, thì yếu tố chính khác là yếu tố chia sẻ thông tin. Nếu như việc thiết lập một NATO châu Á là khó thực hiện, thì mô hình chia sẻ thông tin và tăng cường khả năng liên hiệp tác chiến một phần có thể được thực hiện. 

Nhưng đối với Tokyo, trong bối cảnh chiến lược ngày càng khó khăn, duy trì sự ổn định tại châu Á chỉ có thể được thực hiện qua việc duy trì và tăng cường hệ thống liên minh với Mỹ. 
Mặc dù có những phát triển quan trọng về quốc phòng, trên thực tế, vì những lý do chính trị nội bộ và cân bằng chiến lược khu vực, Tokyo không thể một mình đảm trách khả năng răn đe đủ sức trước Trung Quốc. Nếu ngân sách quốc phòng tăng, giới hạn ở mức 1% GDP và một nỗ lực quan trọng hơn sẽ khó được thực hiện. Những kiêng kỵ quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng và việc đạt được những khả năng lưỡng dụng, ví dụ như vậy, thì còn lâu và khó thực hiện, sẽ chỉ có thể được thực hiện từng bước. 

Cuối cùng, nếu Tokyo muốn có được hoạt động hậu cần dễ dàng tại Biển Đông, Nhật Bản phải dành một phần quan trọng phương tiện của mình cho việc phòng vệ quần đảo Senkaku trước sự đột nhập của Trung Quốc, tuy nhiên, nước này dường như chưa sẵn sàng thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông. 

Xa hơn chiến trường Đông Nam Á, nhưng trực tiếp vấp phải những tham vọng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, bù lại, New Delhi có thể thuận lợi hơn trong triển khai phối hợp tác chiến với Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ, những nước này cũng thiết lập một hệ thống tham khảo và trao đổi thông tin tác chiến giữa hải quân các nước. 

Việc tổ chức các cuộc tập trận chung hỗ trợ nhân đạo với các quốc gia Đông Nam Á và những tác nhân khác quan tâm, cũng có thể cho phép gửi tới Bắc Kinh những tín hiệu rõ ràng, đồng thời tránh một trò khiêu khích, ít nhất có thể khai thông một nguy cơ xung đột công khai. 

Vai trò nào đối với châu Âu 

Trong bối cảnh này, vai trò mà châu Âu có thể đảm đương dường như rất phức tạp; xét về sự mơ hồ xung quanh việc xác định ngay cả mục tiêu của châu Âu, giữa các thiết chế châu Âu và các quốc gia thành viên mà chiến lược của họ không luôn ăn khớp với nhau, như điểm yếu liên quan về phản ứng của châu Âu sau phán quyết của Tòa Trọng tài lên án lập trường của Trung Quốc đối với người Philippines đã chứng tỏ điều này. Xét sự xa cách về mặt địa lý, cũng là điểm khó khăn đối với châu Âu trong nhận thức về sự khẩn cấp của những thách thức chiến lược mà một phần châu Á gặp phải. 

Đặc biệt hơn, nếu như về phía châu Á, sự trông đợi đối với châu Âu đã được thể hiện, đặc biệt về lập trường cứng rắn trước các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, thì sự hội nhập của Liên minh châu Âu vào các thiết chế lớn khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) hoặc khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) luôn tạo ra thái độ ngập ngừng đối với các tác nhân khu vực. 

Tuy nhiên, nhiều biến chuyển quan trọng có thể được ghi nhận. Chiến lược châu Á của Liên minh châu Âu từ lâu đã được tập trung vào Trung Quốc và những thách thức kinh tế, từ nay, tầm vóc chiến lược và tầm quan trọng của các tác nhân châu Á lớn khác được chú ý hơn. Các mối đe dọa đang đè nặng đối với tự do lưu thông trên biển, trong khi trao đổi với châu Á chiếm tới 40% trao đổi ngoài châu Âu của EU, đã góp phần lớn vào những chuyển biến này. 

Về phía châu Á, nếu người ta không trông đợi châu Âu trong việc đưa ra lập trường trực tiếp trong các cuộc xung đột lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông, thì bù lại, sự chờ đợi lại lớn để châu Âu, vốn được thừa nhận là cường quốc về các quy chuẩn, cam kết về vấn đề tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế, về tự do lưu thông trên biển, cũng như về bảo vệ môi trường trước một Trung Quốc bị cáo buộc hành động như kẻ phá hoại nguồn hải sản. 

Cụ thể hơn, châu Âu và chính xác hơn là một số quốc gia thành viên, trong đó Pháp giữ vai trò về phát triển khả năng quân sự phục vụ cho tái cân bằng lực lượng tại châu Á. Triển vọng qua hợp tác về công nghệ quân sự, bao gồm hợp tác với Nhật Bản và sự chuyển giao trang bị vũ khí – ngoài tầm vóc thuần túy thương mại – giữ một vai trò quan trọng cả về phát triển khả năng quân sự lẫn trong xây dựng sự đồng thuận tích cực trong nhận biết các mối đe dọa và phân tích các thách thức chiến lược của khu vực. Sự đồng thuận cũng được thực hiện thông qua củng cố đối thoại chiến lược giữa châu Âu và các quốc gia châu Á, chia sẻ cùng sự gắn bó với một hệ thống quốc tế dựa trên những giá trị chung. 

Sự tăng cường đối thoại này là phương tiện duy nhất loại bỏ sự thiếu hiểu biết lẫn nhau vẫn còn tồn tại, thí dụ như tại châu Á, Nga có thể xuất hiện như một bảo bối chiến lược trước Trung Quốc, trong khi đó nó lại được nhìn nhận là một mối đe dọa rất trực tiếp tại châu Âu. 

Cuối cùng, đối thoại có thể đưa tới những tuyên bố phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia châu Âu và tổng thể các tác nhân thuộc vòng cung dân chủ tại châu Á, từ Ấn Độ tới Nhật Bản qua các quốc gia ASEAN, Úc và New Zealand. 

Trong bối cảnh phương tiện còn hạn chế và trong khi bản thân châu Âu vấp phải những thách thức nghiêm trọng về an ninh, một sự can dự trực tiếp hơn của các quốc gia châu Âu không được các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp từ những căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông mong đợi. Đổi lại, khả năng điều phối tốt hơn sự đi lại của các tàu tại Biển Đông do Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nêu ra vào năm 2016 nhân dịp Đối thoại Shangri La về an ninh tại châu Á, đã được đón nhận rất tích cực. 

Nhưng về các hành động cụ thể, điều này đặc biệt được trông đợi từ các quốc gia châu Âu tích cực nhất về quốc phòng, họ tiếp tục đảm bảo vai trò rất quan trọng mà họ đã giữ tại Trung Đông và châu Phi, mục đích là giải phóng Mỹ khỏi những cam kết quá nhiều khiến nước Mỹ quay lưng lại với châu Á vốn được xem là ưu tiên của các quốc gia trong khu vực. 

Ẩn số Mỹ 

Trong bối cảnh khó khăn này, về ngắn hạn, ẩn số trên thực tế là ở chính quyền mới của Mỹ sẽ từng bước được thiết lập trong năm 2017. Từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự kiện giàu tính biểu tượng nhưng không được xem như yếu tố quyết định nhất trong khu vực, dẫu rằng sự từ bỏ này dường như mở đường cho một cuộc tấn công mới của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại. 

Bù lại, vấn đề tương lai cam kết của Mỹ đối với các đồng minh trong khu vực và những nguy cơ tiềm năng về khoảng trống chiến lược, là những vấn đề rất quan trọng. Vấn đề chính đối với Nhật Bản là không thể từ chối hợp tác với Tổng thống Mỹ cho dù ông ta có thế nào đi nữa. Nhanh chóng tới New York để gặp Tổng thống mới đắc cử, Thủ tướng Abe muốn đồng thời đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ về sự cần thiết đối thoại với chính quyền mới của Mỹ và loại bỏ mọi sự mơ hồ với Donald Trump về tương lai của liên minh Nhật-Mỹ, đặt lợi ích của sự đoàn kết đồng minh này lên trước phục vụ cho sự ổn định của châu Á và các lợi ích của chính nước Mỹ. 

Vấp phải nguy cơ lớn từ sự từ bỏ cam kết của Mỹ, Tokyo dường như sẵn sàng đáp lại những công kích của Donald Trump trong chiến dịch tranh cử và tăng sự tham gia về tài chính hỗ trợ cho lực lượng của Mỹ đồn trú tại quần đảo này, dù rằng sự tham gia này đã lên tới hơn 75% chi phí phát sinh. Tuy nhiên, Tokyo có thể trở lại tìm cách đàm phán việc tái triển khái các phương tiện răn đe mạnh hơn như các tên lửa Tomahawk, đầu đạn hạt nhân, được rút khỏi châu Á trong năm 2010. 

Tuy nhiên, nếu như tại châu Âu, sự lo âu bao trùm về hệ quả của việc Donald Trump lên làm tổng thống tại Mỹ, thì ngược lại tại châu Á, chính cuộc điện đàm của ông Trump với người đứng đầu Đài Loan và những tuyên bố của Tổng thống Mỹ, như tuyên bố về việc tăng cường năng lực hải quân Mỹ khi tính tới châu Á-Thái Bình Dương, cho thấy rõ ý chí muốn thay đổi trong quan hệ với Trung Quốc, điều này được xem như những tín hiệu tích cực. 

Kịch bản tồi tệ nhất đối với toàn bộ các quốc gia châu Á hiện khi vấp phải chiến lược căng thẳng do Trung Quốc thực hiện tại không gian biển khu vực, trên thực tế là kịch bản của một nhóm G2, mà Bắc Kinh dường như hy vọng có được khi Donald Trump lên nắm quyền. Hiện nay, kịch bản này dường như còn xa, tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ sự kiên trì các cam kết của Mỹ và vai trò có thể giữ của các cố vấn bên cạnh Tổng thống, trong khi đó lợi ích của họ thì luôn không phù hợp với nhau.

Theo Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, Pháp

Hương Lan (gt)