02/06/2011
Bài viết “India and Pakistan The world's most dangerous border” đăng trên tạp chí “Nhà Kinh tế” ngày 19/5 tập trung phân tích cuộc xung đột tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakixtan. Theo tác giả, căng thẳng trong quan hệ song phương khiến cả hai bên đều thiệt thòi và họ cần có sự nhượng bộ lẫn nhau để đi đến một giải pháp. Việc này không quá khó nhưng cần có sự tham gia của Mỹ.
Đường biên giới giữa Ấn Độ và Pakixtan đã chứng kiến một giai đoạn đẫm máu vào năm 1947 với cái chết của hàng trăm nghìn người; chứng kiến hơn 15.000 người thiệt mạng trong ba cuộc chiến tranh và 25 năm quan hệ đóng băng; chứng kiến khoảng 40.000-100.000 người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy ở tỉnh Casơmia mà hai bên vẫn đang tranh chấp; và bây giờ chứng kiến hai quốc gia trong tay lăm le vũ khí hạt nhân.
Máu đổ xuống đường biên không phải là thước đo duy nhất về hậu quả của một mối quan hệ thù hận. Tại Ấn Độ, nó làm trầm trọng thêm lòng căm thù giữa người Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Pakixtan thậm chí còn thiệt hại nặng nề hơn. Sự sợ hãi và lòng thù hận với người láng giềng đã làm méo mó cách mà Pakixtan nhìn ra thế giới và nền chính trị của nước này. Bỏ qua điều này – như thái độ của phương Tây hiện nay - là một sai lầm khủng khiếp, nhất là khi không quá khó để tìm kiếm một giải pháp.
Nỗi ám ảnh đối với Ấn Độ làm phương hại tới Pakixtan theo ba cách: Thứ nhất, nó trao cho các tướng lĩnh quá nhiều quyền lực. Quân đội Pakixtan với 550 nghìn người là quá nhiều với Pakixtan nhưng không thấm vào đâu so với 1,1 triệu quân của Ấn Độ. Quân đội tiêu tốn tới 16% ngân sách chính phủ, trong khi giáo dục chỉ nhận được 1,2%. Do quân đội quá mạnh, chính phủ trở nên quá yếu. Việc binh sĩ thường xuyên can thiệp vào nền chính trị Pakixtan đã làm trầm trọng thêm sự mất cân đối này và hủy hoại nền dân chủ.
Thứ hai, “nỗi ám ảnh Ấn Độ” đã định hình chính sách của Pakixtan tại Ápganixtan. Trong những năm 1990, Pakixtan đã góp phần tạo ra lực lượng Taliban nhằm làm suy yếu đồng minh của Ấn Độ ở miền Bắc Ápganixtan. Mặc dù đã cam kết chống lại Taliban sau ngày 11/9/2001, Pakixtan vẫn tiếp tục bảo vệ một số nhóm thuộc lực lượng này để giảm bớt ảnh hưởng của Ấn Độ tại Ápganixtan.
Thứ ba, nó khiến Pakixtan nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, đặc biệt là nhóm Lashkar-e-Taiba (LeT), có cơ sở ở tỉnh Punjab nhằm mục đích tấn công Ấn Độ. Sau vụ LeT tòa nhà Quốc hội Ấn Độ tháng 12/2001, Pakixtan cấm nhóm này hoạt động tấn công. Nhưng LeT vẫn tồn tại, bởi (theo lời phía Pakixtan) nó đã phát triển lớn tới mức không thể đè bẹp; hoặc do (theo phía Ấn Độ) nhận được sự ủng hộ ngầm từ các lực lượng vũ trang Pakixtan. Dù thế nào đi nữa, Ấn Độ không phải là nạn nhân duy nhất của chính sách ngu ngốc giết người này: Các vụ khủng bố trong lòng Pakixtan đang được tiếp sức bởi các nhóm tách ra từ LeT và đang vươn ra toàn cầu.
Cùng với một Ấn Độ ngày càng giàu có và đầy sức mạnh là nỗi sợ hãi và ám ảnh gia tăng ở Pakixtan. Tuy nhiên, nếu có một biện pháp hóa giải thì Ấn Độ cũng sẽ được lợi. Căng thẳng với người hàng xóm nhỏ ở phía Tây khiến Ấn Độ mất tập trung trước sự lớn mạnh của người hàng xóm khổng lồ ở phía Bắc: Trung Quốc, và chắc chắn Bắc Kinh sẽ thống trị vành đai an ninh của nước này trong thế kỷ 21. Nếu căng thẳng trong quan hệ Pakixtan - Ấn Độ dịu xuống, Mỹ cũng có nhiều cái lợi, bởi một khi Pakixtan không còn canh cánh về người láng giềng, họ có thể nhìn khủng bố với cặp mắt quyết liệt hơn.
Sáu thập kỷ rưỡi đổ máu cho thấy vấn đề dường như không thể giải quyết. Sự thù địch bắt nguồn từ một mớ phức tạp của lịch sử, tôn giáo và lãnh thổ. Mặc dù cuộc chiến đã thu hẹp chỉ còn ở Casơmia, nhưng vấn đề này vẫn quá nhạy cảm: Chính phủ Ấn Độ kiểm duyệt mọi xuất bản phẩm có in bản đồ chứa đường biên giới hiệu lực giữa hai nước. Các chính trị gia ở cả hai bên cảm thấy việc này khó có thể chấp nhận. Ngay cả những người ủng hộ tìm kiếm một giải pháp cũng bị sức ép trong nước: Người Ấn Độ thì bị sức ép từ nhóm Hindu dân tộc chủ nghĩa; còn người Pakixtan thì bị sức ép không chỉ từ các chiến binh Hồi giáo mà còn từ các tướng lĩnh – những người coi Ấn Độ như một đội quân chứ không phải một vấn đề chính trị.
Người dân hai nước sống trong tâm trạng lo lắng thường tự trấn an rằng sẽ không bên nào dám dùng vũ khí hạt nhân vì kẻ khơi mào sẽ bị thua thiệt nếu xảy ra chiến tranh. Giờ thì tự trấn an không còn ý nghĩa gì nữa. Kể từ khi Mỹ gây rắc rối vào năm 2008 bằng cách trao công nghệ phát triển hạt nhân dân sự cho Ấn Độ, Pakixtan cũng gia tăng quyết tâm xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình. Tháng trước, nước này tuyên bố thử nghiệm một loại tên lửa di động mới, gắn đầu đạn hạt nhân thu nhỏ với bức xạ không vượt ra ngoài phạm vi chiến trường, được thiết kế nhằm tiêu diệt xe tăng của kẻ thù. Việc này làm tăng nguy cơ cuộc xung đột biên giới có thể leo thang lên mức nguy hiểm hơn nhiều. Ngày 13/5, Giám đốc cơ quan tình báo (ISI) đầy quyền lực của Pakixtan nói với Quốc hội rằng ông ta đã lựa chọn được các mục tiêu ở Ấn Độ và đã tiến hành diễn tập tấn công. Ông này không nói rõ đó là các cuộc tấn công hạt nhân, nhưng không loại trừ chúng. Đây là một thời điểm nguy hiểm: Các chiến binh của Pakixtan nóng lòng muốn chứng tỏ quân khủng bố Hồi giáo tiếp tục tồn tại sau cái chết của Bin Laden; và không giống như Chiến tranh Lạnh, các nhóm khủng bố có cơ hội để châm ngòi cho một cuộc xung đột hạt nhân hoặc cho nổ một thiết bị hạt nhân bẩn.
Tuy nhiên, trong khi quân đội tỏ ra bực tức với nhau thì các chính trị gia lại đạt được nhiều tiến bộ. Sau các cuộc hội đàm từ năm 2004-2007, Ấn Độ và Pakixtan đã thiết lập được khuôn khổ giải pháp cho vấn đề Casơmia, theo đó Pakixtan sẽ từ bỏ đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Casơmia của Ấn Độ, còn Ấn Độ sẽ thiết lập một biên giới "mềm" (trong đó cho phép đi lại khá tự do). Thỏa thuận này đã bị hủy hoại bởi cuộc tấn công vào Mumbai của nhóm LeT năm 2008, giết chết 170 người. Tuy nhiên, cả hai chính phủ tỏ ra sẵn sàng quay lại bàn đàm phán. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã gặp Thủ tướng Pakixtan Yusuf Raza Gilani tại một trận đấu bóng cricke hồi tháng 3 vừa qua, và hai bộ trưởng ngoại giao cũng sẽ gặp nhau trong tháng 7 tới.
Những tiền đề cần thiết cho một sự cải thiện quan hệ đã rõ. Pakixtan cần nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn khủng bố hủy hoại đàm phán một lần nữa. Về phía Ấn Độ, để giúp Pakixtan từ bỏ đòi hỏi đối với khu vực Casơmia, nước này cần rút quân khỏi khu vực, trao thêm quyền tự chủ và ngừng nhả đạn vào những học sinh ném đá vào binh sĩ của mình (mùa Hè năm ngoái có tới 120 học sinh bị giết hại theo cách này). Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn rất lớn, chẳng hạn xảy ra một cuộc tấn công khủng bố khác. Sau vụ Mumbai, các chính trị gia Ấn Độ đã cho thấy khả năng kiềm chế. Sẽ là khó khăn để họ làm như vậy một lần nữa.
Mỹ có thể giúp hòa giải sự căng thẳng Ấn Độ - Pakixtan. Thỏa thuận hạt nhân đã làm gia tăng ảnh hưởng của Mỹ với Ấn Độ. Mỹ cũng nên thay đổi cách tiếp cận với Pakixtan. Người Mỹ viện trợ nhiều cho binh sĩ Pakixtan và thích nói chuyện với họ hơn là với các chính trị gia. Năm ngoái, Mỹ gây sức ép để chính phủ Pakixtan kéo dài nhiệm kỳ Tham mưu Trưởng Quân đội cho tướng Ashfaq Kayani, và quân đội Mỹ thông báo cho quân đội Pakixtan về cái chết của Bin Laden trước khi Tổng thống Obama gọi điện cho Tổng thống Zardari. Vun đắp sức mạnh cho quân đội Pakixtan làm giảm cơ hội nước này có một giải pháp chính trị với Ấn Độ.
Hòa giải với Ấn Độ không thôi sẽ không giúp Pakixtan trở thành một nơi an toàn. Nhưng nó sẽ dẫn đến một loạt thay đổi: Kiềm chế các tướng lĩnh, xây dựng các tổ chức dân chủ, chi tiêu nhiều hơn cho sức khỏe và giáo dục, trấn áp khủng bố Hồi giáo, đánh giá lại chính sách đối với Ápganixtan. Tất cả có thể khơi nguồn cho cải cách đất nước. Chừng nào những sự thay đổi này chưa diễn ra, Pakixtan sẽ vẫn là một sự thất vọng và mối nguy hiểm đối với thế giới.
Theo Economist
Hương Trà (gt)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...