09/06/2011
Hãng truyền thông Quốc gia Ôxtrâylia (ABC) vừa có bài phỏng vấn “Indian Ocean the focus of new rivalries” chuyên gia nghiên cứu cao cấp Robert Kaplan, Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Oasinhtơn. Theo đó, môi trường đơn cực ôn hòa ở Ấn Độ Dương trước đây đang dần chuyển sang một môi trường đa cực phức tạp, với sự vươn lên của hải quân Trung Quốc, Ấn Độ cùng các nước khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết Oasinhtơn sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống tại khu vực này. Phát biểu tại Đối thoại an ninh Shangri-La kết thúc vào ngày 5/6 vừa qua tại Xinhgapo, ông Robert Gates đã chỉ ra quá trình can dự ngày càng tăng của Mỹ ở châu Á.
Theo Hãng truyền thông Quốc gia Ôxtrâylia (ABC), cam kết của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng chiến lược của mình trong khu vực, kể cả việc tìm cách thâm nhập lâu dài Ấn Độ Dương. Môi trường đơn cực ôn hòa ở Ấn Độ Dương trước đây đang dần chuyển sang một môi trường đa cực phức tạp, với sự vươn lên của hải quân Trung Quốc, Ấn Độ cùng các nước khác. Liệu có phải Ấn Độ Dương sẽ là một "điểm nóng" khi Trung Quốc đang từng bước tìm cách tăng cường sự hiện diện lâu dài của quân đội tại đây cùng với sự có mặt từ lâu của hải quân Ấn Độ và Mỹ?
Trả lời phỏng vấn Chương trình Liên kết châu Á của ABC về khả năng cân bằng quyền lực và lợi ích trong tương lai tại Ấn Độ Dương, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Robert Kaplan thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Oasinhtơn Robert Kaplan nhận định Trung Quốc kỳ vọng Mỹ hiện diện nhiều ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bởi nếu không thì sẽ dễ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc biết rằng khi lực lượng hải quân nước này chưa đủ mạnh thì cần phải "để ngỏ" việc bảo vệ các tuyến đường biển cho hải quân và không quân Mỹ. Tuy nhiên, trong tương lai, Trung Quốc sẽ không còn kỳ vọng vào sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương nữa mà thay vào đó tìm cách đối lại với Mỹ như tăng số lượng tàu ngầm, chiến hạm cùng các trang thiết bị sử dụng trong chiến tranh trên không và trên biển.
Hiện Hải quân Trung Quốc đang từng bước thâm nhập sâu Ấn Độ Dương qua việc sử dụng các cảng biển của Mianma tại Vịnh Bengal. Trả lời câu hỏi liệu giờ đây Ấn Độ Dương có phải là "đấu trường" mới, ông Robert Kaplan cho rằng chính xác hơn, Biển Đông là đấu trường mới vì đó là một dạng "tiền sảnh" của Ấn Độ Dương. Trong những thập niên tới, Ấn Độ Dương sẽ là điểm nóng nhất, bởi vì tại đây sẽ có sự xuất hiện của hạm đội Trung Quốc bên cạnh các hạm đội của Ấn Độ và Mỹ.
Ông Robert Kaplan dự đoán có lẽ Niu Đêli sẽ vươn từ vị trí có lực lượng hải quân lớn thứ năm trên thế giới lên vị trí thứ ba. Ấn Độ đã có các tàu chiến vươn tới tận eo biển Môdămbích về phía Tây Nam của Ấn Độ và cả ở Biển Đông về phía Đông Nam. Tuy nhiên, Ấn Độ không thể thống trị Ấn Độ Dương và sẽ phải mất nhiều thập niên trước khi Niu Đêli có thể làm được điều đó. Chuyên gia Robert Kaplan cho rằng điều các nhà chiến lược của Ấn Độ hy vọng là Hải quân Ấn Độ, với sự hậu thuẫn ngầm của Hải quân Mỹ, sẽ giành quyền kiểm soát phần lớn Ấn Độ Dương và do đó, giúp kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải.
Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát Ấn Độ Dương nhiều hơn và đương nhiên là cả các hải cảng ở Mianma nữa. Theo ông Robert Kaplan, các yếu tố kinh tế đóng vai trò rất lớn trong mục tiêu này. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào khu vực Eo biển Malắcca trong việc nhập khẩu năng lượng như hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng một cảng tại nơi có trữ lượng khí đốt lớn trong Vịnh Bengal nhằm vận chuyển khí đốt qua Mianma bằng hệ thống đường ống và đường bộ tới miền Nam Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc đang tìm các con đường khác, bên cạnh Eo biển Malắcca, để đưa dầu mỏ và khí đốt vào Trung Quốc phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Chuyên gia Robert Kaplan cho rằng môi trường quân sự đơn cực ôn hòa của những thập niên trước đây khi Hải quân và Không quân Mỹ thống trị những vùng biển này đang dần kết thúc và chuyển sang một môi trường đa cực phức tạp, trong đó không chỉ có sự nổi lên của Hải quân Trung Quốc mà cả sự phát triển của Hải quân Ấn Độ và các nước khác. Với một môi trường đa cực hơn cũng như việc xuất hiện nhiều tàu chiến và tàu thương mại hơn thì khả năng xảy ra những va chạm cũng sẽ lớn hơn.
Theo ABC
Hương Trà (gt)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...