Biển Hoa Đông đang trở thành một điểm nóng hàng đầu khu vực sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) bao trùm cả quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku (giữa Bắc Kinh và Tokyo) và đảo đá Ieodo/Tô Nham (giữa Seoul và Bắc Kinh). Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngay lập tức phản đối, đồng thời thách thức ADIZ của Trung Quốc. Mỹ, quốc gia đồng minh của hai nước này, cũng phản đối và thách thức ADIZ của Trung Quốc. Có một sự hấp dẫn lớn khi theo dõi cuộc chơi địa chính trị mà Trung Quốc đang bày ra bằng việc tuyên bố thiết lập một ADIZ ở biển Hoa Đông. Đối với Mỹ, hành động này không khác gì một sự đe dọa, hành động hiếu chiến và là một “sự khiêu khích” đơn phương. Cuộc gặp mới đây giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Bắc Kinh có thể đã không có tác dụng gì trong việc giải tỏa những căng thẳng trong vụ việc này. Đây là những gì mà Nhà Trắng cho biết về nội dung cuộc hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden. Bắc Kinh đã không đưa ra một bản thông báo nào. Về mặt kích động, vấn đề này trên tờ Thời báo Tài chính – phản ánh một sự đồng thuận méo mó ở thành phố London – thậm chí còn bị chơi chữ khi đem so sánh với các mức độ trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai. 

Giờ đây hãy so sánh điều đó với quan điểm truyền thông chính thức của Trung Quốc, từ một quan điểm có phần hòa giải hơn trên tờ China Daily cho tới một sự quyết liệt không khoan nhượng trong vấn đề chủ quyền trên tờ Thời báo Hoàn Cầu – một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đưa chúng ta tới kịch bản về sự khiêu khích khu vực trên thực tế có lẽ là Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc. Toàn bộ vở kịch hoàn toàn không phải chỉ là về một vài hòn đảo và các bãi đá mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku, hay quyền tiếp cận mang tính quyết định đối với những vùng biển giá trị bao quanh chúng, với trữ lượng ước tính dầu mỏ và khí thiên nhiên dồi dào. Nó liên quan đến tương lai của Trung Quốc với tư cách một cường quốc biển địch thủ của Mỹ. 

Hãy bắt đầu với những thực tế trên biển. Những tài liệu từ thời Minh Trị chứng minh rõ ràng rằng Chính phủ Nhật Bản không chỉ thừa nhận những hòn đảo đó là của Trung Quốc (ít nhất là kể từ thế kỷ thứ 16) mà còn có âm mưu chiếm chúng. Đó chính xác là điều đã xảy ra vào năm 1895, trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật lần đầu tiên, một bước ngoặt lịch sử vào thời điểm khi mà Trung Quốc cực kỳ dễ bị tổn thương. Sau sự xâm chiếm của Nhật Bản ở Trung Quốc và Chiến tranh Thế giới thứ Hai , Washington đã nắm quyền kiểm soát khu vực này. Nhật Bản đã ký cam kết trả lại quần đảo này cho Trung Quốc sau chiến tranh. Tuy nhiên, điều đó đã không bao giờ được tuân thủ. Vào năm 1972, Mỹ đã bàn giao “sự quản lý” quần đảo này cho Nhật Bản – nhưng không tự tuyên bố về việc ai là người sở hữu những hòn đảo đó. Một lời hứa danh dự giữa Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka cũng đã có hiệu lực. Tuy nhiên, điều đó cũng bị phớt lờ. Tokyo cuối cùng đi đến việc mua lại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku từ một chủ sở hữu tư nhân, gia đình Kurihara, và quốc hữu hóa chúng vào tháng 9/2012 chỉ một ngày sau hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, và động thái này cũng diễn ra sau khi ông Hồ Cẩm Đào yêu cầu Thủ tướng Noda không được thay đổi hiện trạng. 

Gần đây, để làm cho các vấn đề tồi tệ hơn, Chính quyền Obama đã ban hành thêm một “giới hạn đỏ”, khẳng định họ sẽ ủng hộ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh xuất phát từ những tranh chấp về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Về mặt địa chiến lược, điều đó thậm chí còn phức tạp hơn. Gần như toàn bộ các tuyến thương mại trên biển của Trung Quốc đều đi qua các điểm then chốt có các tuyến biên giới hoặc là do các đồng minh thân cận của Mỹ kiểm soát, hoặc là thuộc quyền kiểm soát của các nước không thực sự có quan hệ đồng minh với Trung Quốc. Hãy thử tưởng tượng mình là một chiến lược gia hải quân Trung Quốc. Bạn nhìn vào những bức tranh trên biển xung quanh bạn và tất cả những gì bạn thấy là điều mà các chiến lược gia gọi là Chuỗi đảo Thứ nhất. Chuỗi đảo đó gần như là theo hình vòng cung bắt đầu từ Nhật Bản và quần đảo Ryukyu (Trung Quốc gọi là quần đảo Lưu Cầu) cùng bán đảo Triều Tiên, ở phía Bắc. Chuỗi đảo này tiến theo phía Nam qua Đài Loan, Philippines và Indonesia rồi hướng tới Australia. Đó là cơn ác mộng lớn nhất của bạn. Giả sử xảy ra bất kỳ cuộc đối đầu thực sự nào dọc theo chuỗi đảo hình vòng cung đó, hải quân Mỹ sẽ có thể di chuyển các tàu sân bay của họ ở xung quanh và thực sự làm tổn hại sự tiếp cận của Trung Quốc đối với con đường vận chuyển dầu mỏ của nước này qua eo biển Malacca. 

Các cuộc tranh chấp lãnh hải là vấn đề nổi bật ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ở biển Hoa Đông, trọng tâm là quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ở Biển Đông, trọng tâm là quần đảo Spratly (quần đảo Trường Sa - Trung Quốc tranh chấp với Đài Loan, Philippines và Việt Nam) và quần đảo Paracel (quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam). Đó là chưa kể đến những cuộc tranh chấp khác giờ đây đang nóng lên với Malaysia và Brunei . Vì thế từ quan điểm của chiến lược gia hải quân Trung Quốc, những gì được triển khai là một kiểu “Vạn Lý Trường Thành lộn ngược”, một cách diễn đạt rất phổ biến ở những nơi như Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ. Nó giống như là một bức tường vô hình trên biển kéo dài từ Nhật Bản đến Australia, mà về lý thuyết có thể chặn đứng sự tiếp cận của Trung Quốc tới Thái Bình Dương. 

Và nếu như – và đó là một điều “nếu như” lớn, về lâu dài – có một sự phong tỏa của Mỹ, với việc các tuyến đường thương mại trên biển của họ bị đóng lại, nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp phải rắc rối khủng khiếp. Ở Bắc Kinh, người ta biết rõ điều đó và đang sẵn sàng làm bất cứ điều gì nhằm ngăn chặn nó. Những gì mà ông Biden (chứ chưa nói tới tổ hợp truyền thông của Mỹ) không nói với công chúng trên thế giới là đối với Washington, trong vấn đề này Okinawa quan trọng như thế nào - một điểm then chốt mà từ đó Mỹ có thể triển khai sức mạnh ở phía Tây Nhật Bản. Okinawa giống như là bức tường biên giới Hadrian của Mỹ. Ngược lại, Okinawa cũng cần thiết để Nhật Bản duy trì vai trò không thể thiếu được của quốc gia Đông Á này đối với Mỹ. Tokyo giống như là đang thuê Lầu Năm Góc làm lính đánh thuê – cũng giống như là Lầu Năm Góc sử dụng những lính đánh thuê trong các cuộc chiến tranh bí mật của họ trên toàn cầu. Xét về mô hình kinh doanh chi phí thấp đổi lấy lợi nhuận cao, Nhật Bản do đó giữ cho chi tiêu quốc phòng của họ chỉ ở mức 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – tuy nhiên giờ đây Nhật Bản đang gia tăng con số này trong khi chi tiêu quốc phòng của hầu hết các nước khác là ở mức 3% GDP hoặc hơn. 

Nếu như Bắc Kinh thực sự thực hiện tốt việc thực thi pháp lý trên không ở khu vực xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, thì đó sẽ là điểm khởi đầu của việc chọc thủng bức tường biên giới Hadrian trên biển này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, ADIZ của Trung Quốc là một thông điệp gửi tới Washington, một phần của cái gọi là “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” đầy sự khoe mẽ đang được Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện theo hướng chậm nhưng chắc. Bắc Kinh có thể đúng về mặt nguyên tắc và chắc chắn muốn tạo ra những thực tế trên biển. Những gì đã xảy ra thực chất là một thảm họa quan hệ công chúng - không đủ khả năng “quảng cáo” ADIZ một cách thuyết phục tới dư luận công chúng thế giới. Sẽ hoàn toàn không có điều gì có thể thuyết phục được Chính phủ Trung Quốc rằng việc này không phải là vì Nhật Bản xâm phạm một vùng lãnh thổ và phạm vi chủ quyền mà Trung Quốc đã sở hữu trong nhiều thế kỷ. Thay vì những chuyến viếng thăm tinh thần thường thấy để bày tỏ sự kính trọng đối với các “anh hùng” trong những đền thờ bị cáo buộc phạm các tội ác rợn tóc gáy, Tokyo có thể dễ dàng giải quyết vấn đề bằng cách thừa nhận những việc làm táo bạo của họ tại châu Á dưới thời Thiên Hoàng. Tokyo cũng có thể xác định lại vai trò của họ ở châu Á bằng cách xử sự như là một cường quốc châu Á – và không phải là “kép phụ” luôn vâng lời phương Tây như hàng triệu người khắp châu lục không chỉ riêng người Trung Quốc nhận thấy. 

Cuối cùng, cách duy nhất để giải quyết vấn đề Điếu Ngư/Senkaku/ADIZ là Bắc Kinh và Tokyo cùng ngồi vào bàn thương lượng và tìm kiếm một hiệp ước an ninh cho những tuyến đường biển ở biển Hoa Đông – lý tưởng nhất là do Liên hợp quốc làm trọng tài phân xử. Vấn đề là Tokyo hoàn toàn không thừa nhận có tranh chấp. Giờ đây chiến lược của Bắc Kinh là buộc Nhật Bản phải thừa nhận điều đó. Có lẽ Bắc Kinh nên xem xét việc thuê một cơ quan quan hệ công chúng của Mỹ, giống như điều mà nhiều nước khác làm. 

Theo Atimes (ngày 10/12)

Lê Sơn (gt)