Tóm tắt

Xuất phát từ đặc điểm và sự gần gũi về mặt địa lý đối với tuyến đường biển chiến lược ở Biển Đông, các quốc gia biển và duyên hải như Trung Quốc và các nước thành viên Đông Nam Á (ASEAN) đều có lợi ích chung tại khu vực này. Thực vậy, tầm quan trọng của vùng biển nửa kín đối với Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, cũng như những lợi ích về địa kinh tế và địa chính trị, khiến hợp tác biển là chương trình nghị sự rất quan trọng, nếu không nói là đòi hỏi bắt buộc trong tầm nhìn và tổng thể khuôn khổ hợp tác giữa Trung Quốc – ASEAN. Tầm quan trọng đó được thể hiện rõ trong nghị trình Con đường Tơ lụa trên Biển Thế kỷ 21 (MSR) do Trung Quốc tài trợ và những chương trình liên quan, được thiết lập nhằm thúc đẩy hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN, đặc biệt ở Biển Đông. Tuy nhiên, những người hay chỉ trích/hoài nghi cho rằng những chương trình nghị sự do Trung Quốc chi phối này không mới và phản ứng của các quốc gia biển ASEAN phần nào không mấy mặn mà. Không thể phủ nhận những nỗ lực của Bắc Kinh gặp khó khăn chủ yếu do những tranh chấp dai dẳng ở Biển Đông với một số quốc gia thành viên ASEAN, và có lẽ quan trọng hơn là Trung Quốc ngày càng hành động quyết đoán hơn khi giải quyết những bất đồng này. Chính sách Biển Đông của Trung Quốc không chỉ gây ra “thiếu hụt lòng tin” mà còn khiến các quốc gia yêu sách ASEAN bị ảnh hưởng tìm cách “cân bằng” hay “phòng ngừa” đối với hành vi chiến lược khó đoán của Trung Quốc bằng cách khơi lại các mối quan hệ an ninh cũng như lôi kéo các quốc gia ngoài khu vực can dự vào vùng biển này. “Sự mâu thuẫn” rõ ràng như vậy đặt ra những thách thức chính trị, thậm chí là quân sự, đối với mối quan hệ hợp tác biển giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Bài viết này sẽ phân tích “vấn đề tồn tại” ở Biển Đông. Đầu tiên bài viết đưa ra cái nhìn tổng quan về mối quan hệ hợp tác biển Trung Quốc - ASEAN, từ đó mở rộng phân tích về các mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN cũng như những căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, ở những thời điểm thuận lợi trong quá khứ và hiện tại. Tiếp đến bài viết đánh giá những động lực và tác động đằng sau những sáng kiến đã đề cập ở trên nhằm thúc đẩy hợp tác biển, trước khi tính đến những vấn đề xung đột và thách thức tại các vùng biển tranh chấp có thể làm chệch tầm nhìn chiến lược đầy tham vọng như vậy. Cuối cùng, bài viết đưa ra phương hướng và triển vọng để Biển Đông trở thành “vùng biển hợp tác” qua đó thúc đẩy chương trình nghị sự MSR, phục vụ cho mục tiêu tổng thể cuối cùng là hiện thực hóa hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN.

Từ khóa: Quan hệ Trung Quốc – ASEAN, hợp tác biển, Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ biển

1.        Giới thiệu

Xuất phát từ đặc điểm và sự gần gũi về mặt địa lý với tuyến đường biển chiến lược ở Biển Đông, một trong những tuyến giao thương biển (SLOC) nhộn nhịp nhất trong thế giới đương đại, các quốc gia biển và duyên hải như Trung Quốc và các quốc gia thành viên Đông Nam Á (ASEAN) đều có lợi ích chung tại khu vực này. Thực vậy, tầm quan trọng của vùng biển nửa kín đối với Trung Quốc và các quốc gia ASEAN cũng như những lợi ích về địa kinh tế và địa chính trị khiến hợp tác biển là chương trình nghị sự rất quan trọng, nếu không nói là bắt buộc trong tầm nhìn và tổng thể khuôn khổ hợp tác Trung Quốc – ASEAN. Tầm quan trọng này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong bài phát biểu trước quốc hội Indonesia năm 2013 khi ông đề xuất hình thành một kế hoạch và các bên cùng nỗ lực xây dựng Con đường Tơ lụa trên Biển Thế kỷ 21 (MSR) nhằm tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN, trong đó Biển Đông đóng vai trò quan trọng. Cùng với sáng kiến Hợp tác Lan Thương – Mê Công (một sáng kiến cấu thành phân nửa nhân tố biển trong đại kế hoạch “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc), MSR hướng tới hình thành khái niệm “một dòng sông, một vùng biển”  đối với hợp tác toàn diện khu vực trong khuôn khổ một cộng đồng Trung Quốc – ASEAN được thúc đẩy bởi vận mệnh, lợi ích và trách nhiệm chung. Việc thành lập Quỹ Hợp tác Biển Trung Quốc – ASEAN trước đó vào năm 2011 và tuyên bố năm 2015 là năm cột mốc Hợp tác Biển Trung Quốc – ASEAN, bên cạnh tuyên bố 2016 gần đây của các quan chức Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) về kế hoạch hành động mới trong giai đoạn 5 năm trong hợp tác quốc tế ở Biển Đông, bao gồm việc thiết lập một Trung tâm Hợp tác Biển Trung Quốc – ASEAN, rõ ràng đã nhấn mạnh cam kết của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy MSR, có thể vì lợi ích chung của cả hai bên. Diễn đàn “Vành đai và Con đường” gần đây được tổ chức ở Bắc Kinh, với tên gọi chính thức là “Tầm nhìn và Kế hoạch Hành động Cùng Xây dựng Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21”, với 130 quốc gia và 70 tổ chức quốc tế tham dự, cùng với 32 hiệp định tài chính và thương mại đã được ký kết (Quốc vụ Viện, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 2017), rõ ràng chứng minh cho cam kết nhất quán của Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc xây dựng một nền tảng kết nối toàn cầu, ở đó sự thành công trong khía cạnh biển của đại kế hoạch toàn cầu của Trung Quốc có lẽ phụ thuộc rất lớn vào hợp tác biển bền vững Trung Quốc – ASEAN.

Tuy nhiên, những người hay chỉ trích/hoài nghi cho rằng những nghị trình do Trung Quốc chi phối này không mới và phản ứng của các quốc gia biển ASEAN phần nào không được mặn mà. Chúng ta không thể phủ nhận những nỗ lực của Bắc Kinh gặp khó khăn chủ yếu do những tranh chấp dai dẳng ở Biển Đông với một số quốc gia thành viên ASEAN, và có lẽ quan trọng hơn là việc Trung Quốc ngày càng hành động quyết đoán khi giải quyết những bất đồng này. Không chỉ gây ra sự “thiếu hụt lòng tin”, chính sách Biển Đông của Trung Quốc còn khiến các quốc gia yêu sách ASEAN bị ảnh hưởng  tìm cách “cân bằng” hay “phòng ngừa” đối với hành vi chiến lược khó lường của Trung Quốc thông qua khơi lại các mối quan hệ an ninh cũng như lôi kéo các quốc gia ngoài khu vực can dự vào vùng biển này. “Sự mâu thuẫn” rõ ràng như vậy đặt ra những thách thức chính trị, thậm chí là quân sự, đối với mối quan hệ hợp tác biển giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.

Bài viết này sẽ phân tích “vấn đề tồn tại” ở Biển Đông. Đầu tiên bài viết đưa ra cái nhìn tổng quan về mối quan hệ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN, từ đó mở rộng phân tích về các mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN cũng như những căng thẳng về tranh chấp ở Biển Đông, ở những thời điểm thuận lợi trong quá khứ và hiện tại. Tiếp đến bài viết đánh giá những động lực và tác động chung đằng sau những sáng kiến đã đề cập ở trên nhằm thúc đẩy hợp tác biển, trước khi tính đến những vấn đề xung đột và thách thức tại các vùng biển tranh chấp có thể làm chệch hướng tầm nhìn chiến lược tham vọng như vậy. Cuối cùng, bài viết đưa ra phương hướng và triển vọng để Biển Đông trở thành “vùng biển hợp tác” quá đó thúc đẩy chương trình nghị sự MSR, phục vụ cho mục tiêu tổng thể cuối cùng là hiện thực hóa hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN.

2.        Tổng quan về mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN: Quan điểm Quá khứ và Hiện tại

Trung Quốc có mối liên kết với cả các quốc gia ASEAN lục địa và biển trong nhiều thế kỷ do cùng gắn kết về mặt lịch sử cũng như gần gũi về mặt địa lý. Nhìn chung, các nhà sử học cho rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đã trải qua hàng thiên niên kỷ với nhiều thế hệ con người và triều đại khác nhau (Stuart-Fox, 2003; Zhao, 1998). Sự can dự ban đầu của người Trung Quốc với khu vực Nam Dương (Nanyang) hay Nam Hải (Southern Sea), một khu vực người Trung Quốc cho là Đông Nam Á, thể hiện từ hoạt động thương mại gián tiếp trong triều Hán, hoạt động thương mại diễn ra cả trên đất liền và trên biển. Qua một vài thế kỷ tiếp theo, cùng với mối quan hệ thương mại phát triển mạnh mẽ và sự phổ biến của nền văn minh/văn hóa Trung Quốc, bên cạnh đó là hoạt động trao đổi sứ giả và sự đảm bảo an ninh của Trung Quốc, mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN phát triển trở thành đặc điểm mà chúng ta vẫn gọi là hệ thống “chư hầu”. Cụ thể hơn nữa đó là việc các vương quốc Đông Nam Á trở thành các quốc gia chư hầu/lệ thuộc trong một trật tự thế giới trong đó Trung Quốc giữ vai trò trung tâm, Trung Quốc được gọi là “Vương quốc Trung nguyên” với vai trò là một quốc gia bá quyền nhân từ.

Tuy nhiên, một Trung Quốc yếu kém dưới ách cai trị phương tây và đế quốc Nhật Bản trong quãng thời gian được gọi là “thế kỷ sỉ nhục” cuối thể ký 19 và đầu thế kỷ 20 báo hiệu sự sụp đổ thời kỳ triều đại và trật tự Trung Quốc, cùng với đó là chấm dứt hệ thống chư hầu. Việc thay đổi từ triều đại phong kiến sang chế độ cộng hòa đã ảnh hưởng đến cách thức Trung Quốc triển khai các mối quan hệ quốc tế do trật tự thế giới cũ của nước này bị thay thế bởi hệ thống quốc tế, thực sự khác biệt về bản chất và văn hóa, của các quốc gia dân tộc có những khác biệt về nguyên tắc và giá trị tương tác. Thực tế, mối quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của Đông Nam Á vẫn tồn tại ở mức tối thiểu trong suốt thời kỳ chuyển tiếp này, trùng hợp với thời điểm bất ổn và nội chiến trong nước kéo dài suốt thời kỳ hậu phong kiến Trung Quốc, thời kỳ chủ nghĩa đế quốc ở khu vực (Đông Nam) Á và hai cuộc chiến tranh thế giới (xem Zhao, 1998; Stuart-Fox, 2003:2).

Việc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) ra đời năm 1941 sau thắng lợi của đảng cộng sản Trung Quốc trước Quốc dân Đảng trong cuộc nội chiến, và ngay sau đó là chủ nghĩa quốc tế vô sản của Mao ủng hộ nhiệt thành làn sóng chủ nghĩa cộng sản khắp Đông Nam Á trong hai thập kỷ đầu của Chiến tranh Lạnh, khiến mối quan hệ của Trung Quốc với khu vực xấu đi nhanh chóng và nhiều quốc gia Đông Nam Á cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh bởi vai trò của nước này trong việc thúc đẩy cái gọi là “hiệu ứng domino”. Trên thực tế, khi ASEAN thành lập năm 1967, không một nước sáng lập viên nào của tổ chức có mối quan hệ chính thức với Trung Quốc do sự bất tín rất lớn từ sự can thiệp bí mật của Bắc Kinh cũng như mối quan hệ của nước này với các phong trào cộng sản khu vực ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trật tự đơn cực của Chiến tranh Lạnh tại Châu Á cuối cùng đã dẫn đến đổ vỡ quan hệ giữa Liên Xô và đảng cộng sản Trung Quốc cuối những năm 1960, với việc Trung Quốc bắt đầu ve vãn và ngả về phía Mỹ. Việc PRC trở thành thành viên Liên Hợp Quốc năm 1971 và chuyến thăm của tổng thống Nixon tới Trung Quốc giúp hàn gắn mối quan hệ Trung – Mỹ, ngay sau đó, năm 1972, đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản cũng nối lại quan hệ và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đã có tác động tích cực lên mối quan hệ Trung Quốc – Đông Nam Á. Điều đặc biệt là sự thay đổi chiến lược này trong bối cảnh an ninh khu vực kết hợp với tiến trình hài hòa (deradicalization: chuyển từ quan điểm cực đoan sang ôn hòa - ND) chính sách đối ngoại Trung Quốc, từ chỗ trước đây chủ trương khuyến khích cách mạng chuyển sang thúc đẩy một chính sách ôn hòa về cùng tồn tại hòa bình, góp phần khiến quốc gia ASEAN đánh giá lại về mối quan hệ với Trung Quốc (Ba, 2003:624). Sự thay đổi cả ở khía cạnh trong nước và quốc tế cuối cùng giúp quan hệ các bên ấm lên với việc Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á tái thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, trong đó Malaysia là quốc gia thành viên đầu tiên của ASEAN bình thường hóa mối quan hệ với Bắc Kinh vào tháng 5/1971. Một năm sau đó, Thái Lan và Philippines cũng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Mặc dù Singapore và Indonesia mãi đến những năm 1990 mới bình thường hóa quan hệ với PRC, trước đó, cả hai đều mở rộng mối quan hệ thương mại và hợp tác chính thức với Bắc Kinh.

Dù mối quan hệ Trung Quốc  - ASEAN ngày càng tích cực kể từ những năm 1980 trở đi, nhưng hệ quả từ việc các thành viên ASEAN thúc đẩy chính sách đối ngoại cân bằng hơn với các cường quốc khi Chiến tranh Lạnh kết thúc mới thực sự là bước ngoặt trong mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Chiến tranh Lạnh kết thúc, cùng với việc cộng đồng quốc tế phản ứng đối với sự kiện Thiên An Môn năm 1989, buộc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách đối ngoại hướng về Châu Á nhiều hơn, trong đó trọng tâm là Đông Nam Á (Egberink & van der Putten, 2011: 20). Tương tự, bối cảnh khu vực thay đổi đã “kích hoạt” những tác động từ bên ngoài như những bất định trong cam kết của Mỹ ở Đông Nam Á khi rút quân khỏi Philippines, những lo ngại ngày một tăng về cạnh tranh kinh tế liên khu vực sau khi khối kinh tế NAFTA và EU được hình thành, tất cả đã góp phần “kéo” các quốc gia ASEAN hướng đến thay đổi chính sách về Trung Quốc. Hệ quả từ những tác động đó, kết hợp với “cuộc tấn công quyến rũ” (charm offensive) càng củng cố tiến trình tăng cường và đẩy mạnh mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN trong thập kỷ hậu Chiến tranh Lạnh.

Theo Ba (2003: 634) trên thực tế “những năm 1990 nhìn chung mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN là rất tốt, xuất hiện ngày càng nhiều nhân tố tích cực làm tác nhân gắn kết thay vì chia rẽ quan hệ hai bên”. Trên khía cạnh ngoại giao, bên cạnh những quốc gia sáng lập ASEAN, ngay sau đó những thành viên lục địa mới gia nhập ASEAN cũng dần nối lại quan hệ chính thức với Bắc Kinh. Những trao đổi ngoại giao và các cuộc viếng thăm qua lại giữa các lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN được tăng cường hàng năm, đặt trọng tâm lớn hơn vào việc thúc đẩy mối quan hệ tổng thể, trên khía cạnh về lợi ích chung, sự gắn kết về mặt địa lý cũng như cùng chia sẻ nhận thức về vận mệnh chung bởi khu vực ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Năm 1991, Trung Quốc lần đầu tiên được mời tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với tư cách là quan sát viên. Năm 1996, Bắc Kinh chính thức trở thành đối tác đối thoại chính thức của ASEAN. Trên khía cạnh là đối tác đối thoại chính thức, Trung Quốc tích cực hợp tác với ASEAN tại các diễn đàn đa phương như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Á – Âu (ASEM), ASEAN Cộng Ba và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Trong khi đó ở khía cạnh kinh tế, mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN hết sức phát triển về thương mại và đầu tư. Thương mại Trung Quốc – ASEAN bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm 1990, tăng trưởng trung bình 75% năm trong khoảng thời gian từ 1993 – 2001 (Michell & Hardinh, 2009: 84; xem thêm ASEAN, 2001). Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ và song hành cùng với đó là quá trình tăng trưởng nhanh của các nền kinh tế Đông Nam Á, kinh tế chính là lý do quan trọng nhất lý giải tại sao Trung Quốc lại ngày càng trở nên quan trọng với các quốc gia ASEAN cũng như vai trò của ASEAN với Trung Quốc. Mặc dù ban đầu coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kinh tế lớn, ASEAN nhìn nhận lợi ích tiềm năng khi phát triển quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, bởi thời kỳ chuyển tiếp của khu vực và toàn cầu chưa ổn định khi các khối thương mại khu vực, như đề cập ở trên, hình thành có thể ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trưởng của các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của ASEAN, nền kinh tế Trung Quốc được xem là nguồn tăng trưởng thay thế cho ASEAN. Đối với Trung Quốc, sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và hệ quả là tình thế bấp bênh về an ninh đối với phương Tây, khiến Trung Quốc đưa ra những đề nghị hợp tác với các quốc gia ASEAN, coi các quốc gia ASEAN là các đối tác kinh tế và đồng minh chính trị hấp dẫn đầy tiềm năng so với phương Tây, đồng thời xem đó là mô hình phát triển thay thế (Ba, 2003: 632). Mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997. Việc Trung Quốc quyết định không hạ giá đồng Nhân dân tệ trong cuộc khủng hoảng đã được các quốc gia ASEAN đánh giá rất cao, vì điều đó không chỉ thể hiện cam kết của Trung Quốc đối với Đông Nam Á mà còn báo hiệu khởi đầu mới về vai trò lãnh đạo của Trung Quốc ở khu vực. Mối quan hệ kinh tế Trung Quốc – ASEAN được thúc đẩy hơn nữa với ý chí chính trị nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, kết quả là hình thành Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (Kuik, 2005; Severino, 2008). Năm 1999, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của ASEAN, cả về thương mại với khối ASEAN cũng như song phương với hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN.

Mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN phát triển mạnh về ngoại giao và kinh tế, nhưng khi đó, hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN về lĩnh vực chính trị - an ninh lại hạn chế, dù nước này đã bình thường hóa mối quan hệ với một số quốc gia ASEAN. Một liên minh không chính thức (de facto) chống lại Việt Nam khi nước này can dự vào vấn đề Campuchia năm 1978, kết thúc năm 1989, được cho là chỉ dấu cho mối quan hệ an ninh Trung Quốc – ASEAN trước khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Mối quan hệ an ninh mờ nhạt chủ yếu là do di sản về những chính sách làm cách mạng trước đó của Trung Quốc ở khu vực và dư âm bất tín/không chắc chắn của các quốc gia ASEAN về ý định chiến lược của Bắc Kinh đối với khu vực. Ngoài ra, các quốc gia ASEAN còn lo ngại về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển dai dẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, đáng chú ý là đã xảy ra một số đụng độ như vụ đụng độ ác liệt trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam ở quần đảo Trường Sa năm 1988. Ở mức độ rộng hơn, chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông được cho là mối lo ngại chính của ASEAN khi quan hệ Trung Quốc – ASEAN chuyển sang giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh thể hiện lối hành xử không chỉ quyết đoán mà còn sẵn sàng sử dụng các biện pháp cưỡng ép để bảo vệ yêu sách đối với các vùng biển tranh chấp. Trên thực tế, lo ngại lớn nhất về hành vi chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông đầu những năm 1990 trở thành động lực để ASEAN chủ động hợp tác với Trung Quốc thông qua các cơ chế đa phương của khối, chẳng hạn như Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các nước đối thoại (PMC), sau đổi thành Diễn dàn Khu vực ASEAN (ARF), đối thoại an ninh đa phương đầu tiên của Châu Á và Hội thảo Biển Đông do Indonesia tài trợ. Cùng với các cơ chế song phương và đa phương do ASEAN giữ vai trò trung tâm cũng như mối quan tâm chung nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững, tất cả đã trở thành nền tảng và động lực hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN.

3.        Sự phát triển trong hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN

Chúng ta có lý do hợp lý để nói rằng hợp tác biển giữa Trung Quốc và ASEAN được bắt đầu từ những năm 1990 để giải quyết trực tiếp vấn đề Biển Đông, ban đầu ASEAN tìm cách hợp tác với Trung Quốc với tư cách là đối tác đối thoại nhằm đóng băng tranh chấp lãnh thổ biển liên qua đến Trung Quốc và năm bên yêu sách khác, trong đó có bốn quốc gia là thành viên ASEAN. Từ quan điểm của ASEAN, trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực hậu Chiến tranh Lạnh bất định và khó lường, hành động quyết đoán của Trung Quốc nhằm thúc đẩy lợi ích lãnh thổ biển của mình ở Biển Đông khiến cho Sáu thành viên ban đầu của ASEAN rất quan ngại và cùng phản ứng bằng việc đưa ra Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992, với mục đích là kiềm chế hành vi cưỡng bức của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp này. Tuyên bố khuyến khích Trung Quốc hưởng ứng lời kêu gọi của ASEAN giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán và tham vấn.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Lai Yew Meng là Phó Giáo sư Chính trị và Quan hệ Quốc tế thuộc Trung tâm Thúc đẩy Kiến thức và Học Ngôn ngữ (CPKLL), Đại học Sabah Malaysia. Lai từng là Nghiên cứu sinh tại Viện các Vấn đề Quốc tế Nhật Bản (2003-2004). Ông cũng là Học giả Thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Á Keio năm 2007 và Khoa Luật và Khoa học Chính trị, Đại học Keio năm 2008. Lĩnh vực quan tâm nghiên cứu của ông là về chính sách đối ngoại Nhật Bản và Trung Quốc, mối quan hệ Trung – Nhật, an ninh Đông Á, chính trị Malaysia và mối quan hệ Indonesia – Malaysia. Ông là tác giả và/hoặc chủ biên nhiều cuốn sách và bài nghiên cứu như Security Studies: A Reader (Routledge, 2011), Nationalism and PowerPolitics in Japan’s Relations with China: A Neoclassical Realist Interpretation (Routledge, 2014), “Malaysia’s Security Concerns: A Contemporary Assessment”in Meredith L. Weiss (ed.) The Routledge Handbook of Contemporary Malaysia (Routledge, 2015), và Higher Education in the Middle East and North Africa:Exploring Regional and Country-Specific Potentials (Springer, 2016). Liên hệ tác giả: lyewmeng@ums.edu.my. Bài viết đăng trên International Journal of Chinese Studies.

Trần Quang (dịch)

Tuấn Đinh (hiệu đính)