Trong khi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Việt - Trung, Hà Nội đang ngầm tiến hành kế hoạch cân bằng với nước láng giềng phương Bắc. Kế hoạch này bao gồm xây dựng lập trường chung trong khối ASEAN đối với Trung Quốc, tiếp xúc với Mỹ và thiết lập quan hệ an ninh với các nước lớn ngoài khu vực. Tuy nhiên, kế hoạch này triển khai như thế nào còn phụ thuộc vào lợi ích của các nước liên quan và tình hình chính trị trong nước của Việt Nam. Hà Nội đã sử dụng lợi thế là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ “Nam Hải” (Biển Đông) vào chương trình nghị sự của Diễn đàn khu vực. Bắc Kinh luôn chủ trương đàm phán song phương 1-1 để giải quyết bất đồng và trong cuộc đàm phán này Trung Quốc thường chiếm ưu thế. Thông qua việc can thiệp công khai vào tranh chấp “Nam Hải”(Biển Đông), Mỹ đã ủng hộ ASEAN đưa ra phản ứng đồng thuận hơn. Theo báo cáo, Việt Nam trong hội đàm riêng đã thúc dục Mỹ đưa ra lập trường cứng rắn hơn. Nếu các nước ASEAN đoàn kết hơn khi quan hệ với Trung Quốc, Hà Nội sẽ giành được nhiều lợi ích nhất.

 

Bên cạnh đó, việc thiết lập quan hệ an ninh sâu sắc với Nga đã trở thành một biện pháp cân bằng với Trung Quốc của Hà Nội và có lợi cho Việt Nam hiện đại hóa quân đội. Việt Nam hiện nay là một trong những bạn hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga.

 

Ấn Độ là một nước lớn khu vực tìm được lợi ích chiến lược chung với Việt Nam. Ngày 27/7 vừa qua, trong chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, hai bên đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng. Ấn Độ lo ngại Bắc Kinh vươn xuống Ấn Độ Dương. Trung Quốc và Ấn Độ cũng có tranh chấp biên giới lãnh thổ và từng xảy ra chiến tranh năm 1962.

 

Việt Nam và Nhật Bản cũng vừa tuyên bố thiết lập cơ chế đối thoại an ninh song phương giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng. Hiện nay Nhật chỉ tiến hành đối thoại tương tự với Mỹ, Úc và Ấn Độ.

 

Việc Việt Nam tìm cách cân bằng với chiến lược uy hiếp của Trung Quốc không làm cho người ta ngạc nhiên. Hai nước từng có lịch sử xung đột lâu dài. Hai nước từng xảy ra xung đột biên giới năm 1979 và hải chiến năm 1988 ở Nam Sa (Trường Sa). Hiện nay, trong tầng lớp lãnh đạo Việt Nam đang tồn tại một quan điểm, đó là thông qua việc nuôi dưỡng quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nga, Ấn Độ để cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Diễn biến của quan điểm đó và sự phát triển của quan hệ chiến lược sẽ quyết định sự hình thành các phe cánh trong Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đảng năm tới.