Ảnh: Một chiếc thuyền (phía dưới) nghi là thuyền đánh bắt san hô của Trung Quốc, được nhìn thấy gần tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản trên lãnh thổ Nhật Bản, vào tháng 11 năm 2014 (Nguồn: Reuters)

Trong tháng 7/2019, một tàu nghiên cứu biển của Trung Quốc đã hai lần đi vào khu vực mà Nhật Bản coi là Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này mà không thông báo trước theo đúng quy định của luật pháp quốc tế. Sự xâm nhập này diễn ra trên Biển Hoa Đông, nơi các EEZ của các nước chồng lấn lên nhau và biên giới chính thức vẫn chưa được xác định.

Trung Quốc đã có các hành động tương tự ở vùng biển này kể từ năm 2010 nhưng những hành động gần đây của nước này trở nên hung hăng hơn. Hôm 25/7, một tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) đã cảnh báo một tàu Trung Quốc tại vùng biển cách đảo Danjo ngoài khơi tỉnh Nagasaki 120 km rằng bất cứ hoạt động nghiên cứu nào cũng không được phép trong EEZ của Nhật Bản nếu không có sự đồng ý trước của nước này. Đây là lần thứ tư kể từ đầu năm nay các tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ của Nhật Bản. Hồi năm ngoái, các tàu Trung Quốc cũng xâm nhập các vùng biển của Nhật Bản bốn lần.

Điều 246 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) khẳng định: "Hoạt động nghiên cứu khoa học trên biển tại EEZ và thềm lục địa sẽ được tiến hành với sự chấp thuận của quốc gia ven biển". JCG có thể ra lệnh cho một tàu ngừng hoạt động nếu họ phát hiện bất cứ hoạt động nghiên cứu không được phép nào nhưng UNCLOS không có các điều khoản liên quan tới các biện pháp đáp trả có thể thực hiện nếu các bên vi phạm. Vì thế, Nhật Bản không có lựa chọn nào khác là gửi công hàm phản đối thông qua các kênh ngoại giao.

Người ta cho rằng các tàu của Trung Quốc đang thu thập dữ liệu về địa chất đáy biển, chủ yếu ở phía Tây của Trũng Okinawa. Các vụ xâm phạm này đã gia tăng kể từ năm 2010. Năm đó, một tàu đánh cá của Trung Quốc đã đâm vào một tàu JCG gần quần đảo Senkaku, tỉnh Okinawa. Một sự cố khác xảy ra hồi năm 2012 khi Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo nhỏ. Các vụ xâm phạm cũng gia tăng ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.

UNCLOS quy định EEZ không mở rộng ra ngoài 200 hải lý "tính từ các đường cơ sở dùng để tính lãnh hải". Tuy nhiên, Biển Hoa Đông chỉ rộng chưa đến 400 hải lý nên các EEZ của Nhật Bản và Trung Quốc bị chồng lấn ở khu vực này. Nhật Bản duy trì quan điểm cho rằng "Đường trung bình" là biên giới giữa hai nước ở trên biển và Trung Quốc có nghĩa vụ phải thông báo trước cho Nhật Bản nếu nước này muốn tiến hành nghiên cứu phần EEZ của Nhật Bản tính từ "Đường trung bình". Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng Trũng Okinawa là thềm lục địa của nước này, vượt quá "Đường trung bình". Vì vậy, nước này có quyền khai thác tài nguyên ở dưới biển trong khu vực này.

Điều 77 của UNCLOS quy định "các quốc gia ven biển" thực thi "các quyền chủ quyền" đối với thềm lục địa vì mục đích thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. UNCLOS cho phép các quyền này đối với các thềm lục địa nằm ngoài giới hạn 200 hải lý nếu các điều kiện địa hình và địa chất được đáp ứng. Tuyên bố về EEZ của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông dựa vào điều khoản này. Vấn đề này được thảo luận hôm 20/8 vừa qua khi các Bộ trưởng Ngoại giao hai nước gặp nhau ở Bắc Kinh.

UNCLOS quy định phân định ranh giới thềm lục địa và EEZ giữa các quốc gia có bờ biển tiếp giáp hoặc đối nhau sẽ được thực hiện theo thỏa thuận trên cơ sở luật pháp quốc tế như trong Điều 38 của Đạo luật về Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nhằm "đạt được giải pháp công bằng".

Trong một vụ kiện tương tự, năm 1969, ICJ đã ra phán quyết về biên giới của thềm lục địa ở Biển Bắc. Năm 1985, tòa án này cũng giải quyết tranh chấp giữa Libya và Malta trên cơ sở khái niệm "Đường trung bình". Nhật Bản cho rằng các phán quyết gần đây của ICJ tuân thủ phán quyết năm 1985. Tuy nhiên, để đưa vụ việc này ra ICJ, cả hai bên tranh chấp cần phải nhất trí làm như vậy. Nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc, Nhật Bản không thể đưa vụ kiện của họ ở biển Hoa Đông ra ICJ.

Tòa trọng tài và các tòa án quốc tế khác sẽ xử lý các vụ kiện mà không cần sự chấp thuận của cả hai bên tranh chấp nhưng các phán quyết của các tòa này lại không mang tính đảm bảo rằng chúng sẽ được thực hiện. Chẳng hạn, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) hồi năm 2016 liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông theo đơn kiện của Philippines.

Ủy ban Liên hợp quốc (LHQ) về các giới hạn về thềm lục địa có quan điểm thừa nhận các giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển. Mặc dù năm 2012, Trung Quốc đã nộp đơn xin mở rộng thềm lục địa tới Trũng Okinawa nhưng Ủy ban này vẫn chưa bắt đầu xem xét đơn của Bắc Kinh do sự phản đối của Nhật Bản.

Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu biển để giúp các tuyên bố chủ quyền của nước này trở thành "việc đã rồi". Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể đang thu thập các dữ liệu về địa chất mà nước này cho rằng sẽ hỗ trợ quan điểm của họ trong trường hợp Ủy ban LHQ xem xét vụ việc.

Ông Yoshihiko Yamada, Giáo sư thuộc Đại học Tokai ở Tokyo, nhận định: "Công lý không phải lúc nào cũng thắng thế trong thế giới luật pháp quốc tế. Nếu muốn công lý thắng thế trong vấn đề này, Nhật Bản cần có sự thông cảm của nhiều quốc gia hơn thông qua việc hỗ trợ các chính sách đại dương của các nước này"./.

Oki Nagai là cây bút làm việc cho tờ Nikkei Asian Review. Bài viết được đăng trên Nikkei Asian Review.

Ngọc Tú (gt)